Suy niệm hạnh thánh _ 19/5

Thánh Giáo Hoàng CELESTINE V
 (1215-1296)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Celestine, tên thật là Phêrô Morrone, sinh trong một gia đình nghèo ở nước Ý và ngài là thứ mười một trong gia đình mười hai người con. Năm hai mươi tuổi, Phêrô từ giã mái trường và sống khổ hạnh trong một hầm nhỏ mà ngài đào ở dưới đất. Sau ba năm, ngài gia nhập dòng Biển Đức và được thụ phong linh mục ở Rôma.
Đến năm 1246, ngài trở về Abruzzi, và sống năm năm trong một cái hang ở Morrone, gần núi Sulmona. Để chống lại các cám dỗ, ngoài thời giờ cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, ngài lao động thật cực nhọc hoặc sao chép lại các sách thiêng liêng. Ngài không bao giờ ăn thịt và giữ chay bốn lần trong một năm. Ngoài ra, ngài còn mặc áo nhặm, đeo giây lưng bằng sắt, ngủ trên mặt đất hoặc tấm ván thô và dùng củi hoặc đá để gối đầu. Thân xác ngài càng tiều tụy thì tinh thần ngài càng thăng tiến. Nhiều người đến với ngài và bắt chước lối sống khổ hạnh ấy. Sau cùng ngài phải thành lập một dòng tu và cho đến khi từ trần, trên toàn Âu Châu đã có ba mươi sáu đan viện và sáu trăm đan sĩ nam nữ sống theo quy luật của ngài.
Sau khi Đức Giáo Hoàng Nicôla IV từ trần, Giáo Hội không có người kế vị trong hai năm và ba tháng, và vì nghe tiếng thánh thiện của Cha Phêrô, hồng y đoàn đã chọn ngài làm giáo hoàng, lúc ấy đã tám mươi bốn tuổi. Ngài đau khổ khi nghe tin ấy, nhưng phải chấp nhận và lấy tên là Celestine V. Quyết định ấy đã đưa đến nhiều thảm họa vì Đức Celestine không thích hợp với vai trò giáo hoàng trong bất cứ khía cạnh nào khác, ngoại trừ sự thánh thiện.
Ngài làm giáo hoàng chỉ có năm tháng. Bởi vì ngài quá khiêm tốnđơn sơ nên bị nhiều người lợi dụng. Ngài trở thành con cờ chính trị của Vua Charles II nước Naples. Không bao lâu nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra trong Giáo Hội. Sau cùng, ngài quyết định từ chức, và quỳ gối tạ tội trước Hồng Y Đoàn vì đã không chu toàn nhiệm vụ cai quản Giáo Hội. Thật là một nghĩa cử khiêm tốn biết chừng nào!
Tưởng được yên thân để sống đời ẩn dật như trước, nhưng hậu quả của các quyết định trong thời gian ngài làm giáo hoàng đã để lại nhiều nghi vấn nơi vị tân giáo hoàng kế nhiệm, do đó, Đức Boniface VIII đã giam ngài trong thành Fumone. Ở đây, ngài bị sỉ nhục và chịu gian khổ, nhưng không hề than thở một lời. Trái lại, ngài còn gửi thư cho Đức Boniface cho biết ngài rất hài lòng và không còn muốn gì hơn. Ngài thường nói: "Tôi không mong muốn gì hơn ở thế gian này ngoài căn phòng nhỏ hẹp; và họ đã cho tôi toại nguyện."
Trong thời gian tù đầy, ngài thường hát thánh vịnh đêm ngày. Một ngày trong tháng Năm 1296, ngài báo trước với lính canh là ngài sẽ chết vào cuối tuần. Thật vậy, sau khi kết thúc bài thánh vịnh trong giờ kinh sáng ngày thứ Bảy 19-5, ngài trút hơi thở cuối cùng. Trong mười tháng tù đầy, ngài không bao giờ giảm bớt lối sống khắc khổ.
Nhờ lời cầu bầu của ngài, nhiều phép lạ đã được ghi nhận, và ngài được Đức Clêmentê V phong thánh năm 1313.
Suy niệm 1: Khổ hạnh
Phêrô từ giã mái trường và sống khổ hạnh trong một hầm nhỏ mà ngài đào ở dưới đất.
Để thể hiện cuộc sống khổ hạnh, ngài tự chọn lấy một nơi ăn chốn ở là hầm nhỏ lúc năm 20 tuổi suốt ba năm. Đến năm 1246, khi trở về Abruzzi, ngài sống năm năm trong 1 cái hang ở Morrone, gần núi Sulmona. Trong 10 tháng tù đầy, ngài cũng không bao giờ giảm bớt lối sống khắc khổ.
Còn về việc ăn mặc, ngài không bao giờ ăn thịt và giữ chay bốn lần trong một năm. Ngoài ra, ngài còn mặc áo nhặm, đeo giây lưng bằng sắt, ngủ trên mặt đất hoặc tấm ván thô và dùng củi hoặc đá để gối đầu
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu rằng khổ hạnh góp phần giúp chúng con làm chủ được các bản năng và đạt tới tự do nội tâm.
Suy niệm 2: Cám dỗ
Để chống lại các cám dỗ, ngoài thời giờ cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, Phêrô lao động thật cực nhọc hoặc sao chép lại các sách thiêng liêng.
Đức Giêsu cũng đã từng bị Xatan cám dỗ đến ba lần sau thời gian sống cô tịch trong hoang địa, nhưng Ngài đã đẩy lui  được  những cuộc tấn công ấy để mang lại chiến thắng vẻ vang. Nhờ đâu? Ngài đã dùng phương thế sử dụng Lời Chúa.
Với thánh trẻ Đaminh Saviô, cậu cũng bị các bạn học quyến ru trốn học đi bơi hay đi chơi... Saviô đã tìm hết cách để chối từ nhưng các bạn cố lôi cuốn cậu, thuyết phục cậu chẳng có tội lỗi gì khi làm thế... Cuối cùng Saviô đành phải nói, cậu sẽ đi nhưng để cậu về xin phép ba mẹ đã... Thế là cậu thoát được những mời mọc mà thường tình các bạn trẻ khó mà tránh thoát.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn vận dụng mọi phương thế để không sa vào chước cám dỗ.
Suy niệm 3: Thánh thiện
Vì nghe tiếng thánh thiện của Cha Phêrô, hồng y đoàn đã chọn ngài làm giáo hoàng.
Là người thánh thiện, ngài không bị chi phối bởi ước muốn trèo cao danh vọng thường tình của thân phận làm người ở đời, nên ngài cảm thấy đau khổ khi nghe tin được chọn làm giáo hoàng, nhưng cũng vì thánh thiện, ngài cam lòng chấp nhận và lấy tên là Celestine V.
Là người thánh thiện, khi thấy không chu toàn nhiệm vụ cai quản Giáo Hội, ngài quyết định từ chức, và quỳ gối tạ tội trước Hồng Y Đoàn. Hơn thế ngài chấp nhận bị Đức Boniface VIII giam ngài trong thành Fumone. Ở đây, ngài bị sỉ nhục và chịu gian khổ, nhưng không hề than thở một lời. Trái lại, ngài còn gửi thư cho Đức Boniface cho biết ngài rất hài lòng và không còn muốn gì hơn. Trong thời gian tù đầy, ngài thường hát thánh vịnh đêm ngày và không bao giờ giảm bớt lối sống khắc khổ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đào sâu đời sống thánh thiện, để dẻ dàng đón nhận mọi nghịch cảnh xảy ra trong cuộc đời.
Suy niệm 4: Đơn sơ
Bởi vì ngài quá khiêm tốn và đơn sơ nên bị nhiều người lợi dụng.
Đơn sơ là một đức tính tốt và thường được gặp thấy ở trẻ nhỏ, như cổ nhân có nói: ra đường hỏi người già, còn về nhà hỏi trẻ nhỏ. Chính vì thế Đức Giêsu chẳng những không khinh dễ trẻ nhỏ, mà còn quan tâm ôm ấp chúng và lấy chúng làm mẫu gương (Mc 10,13-16;Mt 18,3).
Tuy nhiên trong cách xử thế, tính đơn sơ cần phải được bổ túc bởi sự khôn ngoan như lời Chúa dạy: phải đơn sơ như bồ câu nhưng phải khôn như rắn (Mt 10,16), một yếu tố thật quan trọng và cần thiết đến mức khi vua Salômôn lên ngôi thì ông chỉ xin cho được ơn đó (1V 3,11-12).
* Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban cho chúng con được ơn khôn ngoan và cả tính đơn sơ nữa.
Suy niệm 5: Khiêm tốn
Thật là một nghĩa cử khiêm tốn biết chừng nào!
Là con người khiêm tốn, ngài không cảm thấy hồ hởi và vui sướng mà ngược lại cảm thấy đau khổ khi nghe tin được chọn làm giáo hoàng, vì tự nhận thấy khả năng yếu kém của mình.
Cũng chính vì thế khi không chu toàn nhiệm vụ cai quản Giáo Hội, ngài làm một nghĩa cử khiêm tốn là quyết định từ chức, và quỳ gối tạ tội trước Hồng Y Đoàn. Hơn thế ngài chấp nhận bị Đức Boniface VIII giam trong thành Fumone với bao sỉ nhục và gian khổ.
* Lạy Chúa Giêsu,xin giúp chúng con học lấy bài học khiêm tốn mà Chúa đã dạy.
Suy niệm 6: Gian khổ
Ở trong tù, ngài bị sỉ nhục và chịu gian khổ.
Thánh Celestine quả là một vị giáo hoàng gian khổ cả tinh thần lẫn thể xác. Ngài phải nén lòng hy sinh ý riêng để đón nhận chức vụ giáo hoàng  dầu không muốn chút nào. Ngài đau đớn khi thấy vì không thích hợp với vai trò ấy, mà nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra trong Giáo Hội như một thảm họa.
Và nhất là ước muốn sống đời ẩn dật và khổ hạnh không bao giờ được thỏa mãn. Vào cuối đời, ngài lại phải từ chức, và quỳ gối tạ tội trước Hồng Y Đoàn, cũng như bị giam cầm trong tù ngục với bao sỉ nhục mãi đến chết. Một nỗi đau tột cùng, đó là dầu phải chịu bao nhiêu gian khổ, ngài vẫn yên lặng cam chịu, không chia sẻ cũng không hề than thở một lời.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cam lòng chịu khổ vì Chúa và vì tha nhân mà không chờ mong được an ủi.