Suy niệm hạnh thánh _ 11/5

Thánh Y-NHÃ LACONI
(1701-1781)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Y-Nhã là một thầy khất thực thánh thiện.
Ngài là con thứ hai trong một gia đình nông dân ở Sardinia và tên thật là Francis Ignatius Vincent Peis. Ngay từ nhỏ Vincent đã biết cái nghèo là gì, nhưng trong mái nhà đơn sơ ấy là bầu khí thánh thiện của một người cha siêng năng làm việc và người mẹ đạo đức, luôn dạy con cái trở nên xứng đáng là con Chúa.
Ngay từ nhỏ, Vincent đã thường đau yếu luôn, và khi 18 tuổi anh bệnh nặng đến nỗi phải nằm liệt giường trong nhiều tháng. Chạy đến với Đức Trinh Nữ Maria, anh hứa sẽ trở thành một tu sĩ dòng Capuchin nếu Đức Mẹ chữa khỏi. Và Vincent bắt đầu hồi phục, nhưng lại quên đi lời hứa ấy. Mãi cho đến một biến cố thứ hai, khi anh đang cưỡi ngựa thì con ngựa trở chứng chạy lồng lộn tưởng như muốn hất anh xuống đất nhưng bỗng nhiên nó thuần thục trở lại, và anh tin rằng Thiên Chúa đã can thiệp để nhắc lại lời hứa trước đây. Năm 1721, anh gia nhập tu viện Thánh Biển Đức ở Cagliari, và sau khi mặc áo dòng, anh lấy tên là Thầy Y-Nhã.
Thầy là khuôn mặt quen thuộc của dân chúng và họ gọi thầy là "Padre Santo" (Cha Thánh).
Lòng thương yêu tha nhân đã trở nên phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của thầy, và từ đó xuất phát sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành có sức thu hút người khác.
Trong hai năm cuối của cuộc đời, thầy bị mù, và từ trần ngày 11 tháng Năm 1781. Thầy được phong thánh năm 1951.
Suy niệm 1: Thánh thiện
Thánh Y-Nhã là một thầy khất thực thánh thiện.
Thầy là khuôn mặt quen thuộc của dân chúng, một khuôn mặt luôn toát lên một đời sống thánh thiện, khiến họ gọi thầy là "Padre Santo" (Cha Thánh).
Thật vậy thầy được sự yêu quý của người già cũng như sự tin tưởng của người trẻ. Trẻ con ở Cagliari lại càng quý mến "Padre Santo" là chừng nào, khi thầy luôn kể cho chúng nghe các câu truyện hấp dẫn của các thánh, dạy bảo cho chúng biết về Thiên Chúa, cũng như chỉ vẽ chúng cách cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn chứa đầy sự thánh thiện, để chuyển tải sự thánh thiện ấy cho mọi người chúng con gặp gỡ hằng ngày, vì lòng có đầy miệng mới nói ra (Mt 12,34).
Suy niệm 2: Khất thực
Thánh Y-Nhã là một thầy khất thực thánh thiện.
Sau khi tuyên khấn, thầy được sai đến tu viện ở Buoncammino làm đầu bếp trong vòng hai năm. Và mười năm tiếp đó thầy đi khất thực cho tu viện ở Iglesias và sau lại trở về Buoncammino làm nghề dệt. Tuy nhiên, chỉ được vài năm, thầy lại trở về công việc khất thực cho nhà dòng. Có thể nói, "công việc" của thầy bao gồm việc lang thang trên đường phố Cagliari để xin thức ăn cho nhà dòng.
Tại sao người dân ở Cagliari lại giúp đỡ các tu sĩ? Các môn đệ của Thánh Phanxicô là những người siêng năng làm việc nhưng đó là những công việc không đủ sống. Trong những điều kiện ấy, Thánh Phanxicô cho phép họ đi xin ăn. Cuộc đời Thánh Y-Nhã cho chúng ta thấy, những gì Thiên Chúa coi là giá trị thì không liên hệ đến đồng lương cao hay thấp.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm và khiêm tốn nhận làm bất cứ việc gì dù là khất thực, miễn là vì Chúa và vì người chứ không vì mình.
Suy niệm 3: Làm việc
Trong mái nhà đơn sơ ấy là bầu khí thánh thiện của một người cha siêng năng làm việc.
Theo gương thân phụ, thầy Y-Nhã siêng năng làm việc theo sự bố trí của bề trên, cho dầu đó là làm đầu bếp, đi khất thực cho tu viện hoặc làm nghề dệt. Làm bất cứ việc gì cũng được, miễn là làm việc theo Thiên Ý qua lệnh bề trên.
Thánh Phanxicô trong Bản Di Chúc đã nêu lên tấm gương với lời mời gọi: "Tôi thường làm việc với đôi bàn tay, và tôi vẫn muốn làm việc; tôi thực sự mong muốn tất cả các anh em đều tận tình làm việc. Những ai không biết cách làm việc, hãy học làm việc, không phải vì muốn được trả lương nhưng vì sống gương mẫu và để tránh sự lười biếng. Và khi chúng ta không được trả lương, hãy trông nhờ vào bàn ăn của Thiên Chúa, mà đi ăn xin từng nha".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chớ lười biếng nhưng luôn siêng năng làm việc.
Suy niệm 4: Đức Trinh Nữ Maria
Chạy đến với Đức Trinh Nữ Maria, Vincent hứa sẽ trở thành một tu sĩ dòng Capuchin nếu Đức Mẹ chữa khỏi bệnh.
Sau khi về trời, vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng ngài vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho mọi người những ân huệ giúp mọi người được cứu độ đời đời... Vì thế trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian (LG 62).
Cũng như mọi người, với niềm tin và lòng cậy trông mãnh liệt, khi 18 tuổi Vincent bị bệnh nặng đến nỗi phải nằm liệt giường trong nhiều tháng, anh chạy đến với Đức Maria, anh kêu cầu với lời hứa sẽ trở thành một tu sĩ dòng Capuchin nếu Đức Mẹ chữa khỏi. Và Vincent bắt đầu hồi phục.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn vững tin vào thế lực và tình thương của Đức Trinh Nữ Maria, để hằng chạy đến kêu cầu cùng Mẹ.
Suy niệm 5: Hứa
Chạy đến với Đức Trinh Nữ Maria, Vincent hứa sẽ trở thành một tu sĩ dòng Capuchin nếu Đức Mẹ chữa khỏi bệnh.
Lời kêu xin của Vincent đã được nhận, anh bắt đầu hồi phục, nhưng lại quên đi lời hứa ấy. Mãi cho đến một biến cố thứ hai, khi anh đang cưỡi ngựa thì con ngựa trở chứng chạy lồng lộn tưởng như muốn hất anh xuống đất nhưng bỗng nhiên nó thuần thục trở lại, và anh tin rằng Thiên Chúa đã can thiệp để nhắc lại lời hứa trước đây. Năm 1721, anh gia nhập tu viện Thánh Biển Đức ở Cagliari, và sau khi mặc áo dòng, anh lấy tên là Thầy Y-Nhã.
Bội thề là thề hứa một điều gì, nhưng không có ý giữ hay không giữ lời thề. Người bội thề thiếu lòng tôn kính nghiêm trọng đối với Thiên Chúa, họ làm một việc xấu là xúc phạm đến thánh danh Thiên Chúa (Sách GiáoLý số 2152). Vì thế phải giữ lời hứa, và thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã cam kết trong mức độ công bằng và hợp lý... Mọi hợp đồng đều phải được thỏa thuận và thi hành với thiện ý (Sách GiáoLý số 2410).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức rằng thất hứa là lạm dụng danh Thiên Chúa, và biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối (Sách GiáoLý số 2147).
Suy niệm 6: Bác ái
Lòng thương yêu tha nhân trở nên phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của thầy Y-Nhã.
Lòng thương yêu tha nhân của thầy Y-Nhã được thể hiện trước hết đối với bề trên và anh em trong cộng đoàn, qua việc ngài luôn vâng lời bề trên nhận lãnh bất cứ công việc gì được giao phó, cho dầu đó là việc làm đầu bếp, đi khất thực cho tu viện hoặc làm nghề dệt.
Đặc biệt đối với trẻ con ở Cagliari, thầy không coi khinh nhưng tiếp cận, để rồi luôn kể cho chúng nghe các câu truyện hấp dẫn của các thánh, dạy bảo cho chúng biết về Thiên Chúa, cũng như chỉ vẽ chúng cách cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tích cực thực hiện đức yêu người vì đó là cách biểu hiện lòng yêu mến Chúa (1Ga 4,20).