Kết
hợp và sinh trái
Phúc âm Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu
dùng hình ảnh con chiên và người chăn chiên để nói về mối liên hệ giữa Thiên
Chúa và loài người. Mục tử chăm sóc đoàn chiên.
Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh
cây nho và cành nho để nói đến sự thông hiệp giữa loài người với Thiên Chúa.
Cành nho phải gắn vào thân nho để sống và sinh hoa trái.
Ý nghĩa của lối so sánh là kết hợp và
sinh trái. Càng kết hợp chặt chẽ càng
sinh nhiều hoa trái. Chúa dạy chúng ta điều kiện căn bản là kết hợp với Chúa, mới
đem lại hoa quả thiêng liêng cho chính mình và cho người khác.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai ở lại
trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”(Ga
14,5). Có tới 9 lần cụm tụ “ở lại trong” được lặp lại trong đoạn Tin mừng này.
Mỗi người phải “ở lại trong” Thầy, bởi vì: “Không có Thầy, các con không thể
làm được gì”(Ga 14,5).
Nếu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu, được
kết hợp với Ngài thì chúng ta sẽ lãnh được sức sống của Ngài. Chúa Giêsu ở
trong Thiên Chúa nên khi kết hợp với Ngài, chúng ta cũng được kết hợp với Thiên
Chúa và múc được sự sống của Chúa Ba Ngôi.
Cành nho gắn với thân nho và liên kết với
những cành khác. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống sẽ cằn cỗi, khô héo. Nhựa
sống trong thân cây lưu chuyển, cho mọi cành để cùng nhau sinh nhiều hoa trái.
Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hợp với nhau trên con
đường nên thánh.
Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống. Tách
lìa Người, chúng ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Thiên Chúa
là dòng sông ân sủng. Khi kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm
cho chúng ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn
tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời
nói, việc làm. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta được sống sự sống của
Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo
chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu
thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người
hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.
Bài đọc 1, kể chuyện thánh Phaolô trở lại
trên đường Đamat. Từ con người phản nghịch trở thành con người của ơn thánh. Từ
con người ghét đạo trở thành con người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Phaolô
đã đúc kết mối liên kết cuộc đời mình với Chúa Kitô trong một câu bất hủ:
"Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi"
(Gal 3, 20).
“Đức
Kitô sống trong tôi” nên tôi mới sinh hoa trái yêu thương như lời Thánh Gioan
trong bài đọc 2 : “Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy. Và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức
Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy”. Thánh
Gioan còn căn dặn: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải
yêu thương thật sự bằng việc làm”. “Sinh hoa trái” là yêu thương một cách hữu
hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, đem niềm vui và hạnh
phúc cho người khác.
Lúc ban đầu, khi các môn đệ mới theo
Chúa, Thánh Gioan viết: “Các môn đệ đã đến xem chỗ Ngài ở và lưu lại với Ngài”
(Ga 1,39). Sau những năm sống với Chúa, Thánh Gioan đổi cách dùng ngôn ngữ: “Các
con hãy ở lại trong Thầy cũng như Thầy ở trong các con” (Ga 15, 17). Ở với là ở
bên cạnh. Ở trong là trọn vẹn thuộc về người ấy. Khi Phêrô ở với Chúa là ở bên
cạnh thôi nên vẫn còn hai bước chân khác nhau, hai ý nghĩ không chung đường và
Phêrô đã có những bước chân sai đi lạc lối. Còn ở trong là nên một trong nhau.
Chính nhờ ở trong Chúa mà Phêrô đã trở nên con người mới, hoàn toàn thuộc về
Chúa.
“Ở
lại trong” và “gắn liền với” Chúa là điều kiện cần thiết để “sinh nhiều hoa
trái”. Chúa Giêsu đã sống chân lý đó trong sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa
Cha, và Ngài đã cầu nguyện cho chúng ta được nên một với Ngài trong sự sống đó
(Ga 17,21-22).Chúng ta kết hợp với Chúa qua đời sống cầu nguyện, Thánh Lễ và
các Bí Tích. Chúng ta còn kết hợp với Chúa qua việc biểu lộ lòng trung tín như
lời Thánh Phêrô: "Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời
đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68).
“Gắn liền với” hay “ở lại trong” Chúa
Giêsu, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, chúng ta sẽ có một cuộc
đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy nội lực, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn
sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa. Mối liên kết này làm cho
chúng ta có cùng bản tính với Chúa Giêsu, được nên một với Ngài: một sự sống, một
tình yêu, một tinh thần, một ý chí và hành động. Từ đó, trở nên chi thể trong
nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta là óc để suy tư, là mắt để nhìn thực tại trần thế,
là tai để nghe tiếng rên rỉ đòi hỏi, là vai để vánh vác, là tay để cứu vớt, là
chân để đi đến với người khổ đau, là quả tim để khắc khoải yêu thương, và là miệng
để nói những lời bác ái ủi an (ĐHY 341).
Dụ ngôn “cây nho” là bài diễn từ về cuộc
sống siêu nhiên. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn gắn bó mật thiết với Chúa.
Nhờ ân sủng của Chúa, đời sống chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành.
Hoa trái chính là yêu thương, chia sẻ, cảm thông, tấm lòng rộng mở, biết quan
tâm đến người khác. Sống được như vậy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ của Đấng
Phục Sinh, đồng thời cũng làm cho Chúa Cha ngày càng được vinh hiển, như lời dạy
của Chúa Giêsu: “Đây là điều làm cho Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh
nhiều trái, và như thế, các con trở nên môn đệ của Thầy”.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An