Lễ hiện xuống _ Thần Khí mới làm cho sống

THẦN KHÍ MỚI LÀM CHO SỐNG
Sự sống Thiên Chúa luôn là niềm khao khát từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người.
Lm. HK
Hai anh em người Do thái chia nhau thửa ruộng cha mẹ để lại. Sau ngày gặt đầu, khi đi ngủ, người anh nằm tính toán: “Mình đã có vợ con giúp sức, còn chú nó chỉ một thân một mình chắc vất vả hơn mình nhiều. Chi bằng đang lúc đêm hôm, không ai biết, mình san sẻ cho chú nó một ít bó lúa của mình.”
Cùng lúc đó, người em cũng tính: “Mình còn độc thân chưa phải lo lắng chi, còn anh Hai có thêm gánh nặng gia đình chắc là vất vả hơn mình nhiều. Thôi thì mình ra ruộng lấy bớt một ít lúa của mình để sang phần ruộng của anh vậy.”
Rồi họ kín đáo làm điều đã định. Sáng hôm sau ra ruộng, cả hai đều ngạc nhiên thấy số bó lúa của mình vẫn y như hôm trước. Sau ngày gặt thứ hai, họ lại tiếp tục cái việc làm kín đáo của đêm trước, và hết sức ngạc nhiên vào sáng ngày thứ ba khi thấy số lúa vẫn không thay đổi.
Thế là vào nửa đêm ngày gặt thứ ba, họ ra ruộng rình xem cho biết tại sao lại như vậy. Cuối cùng, khi bắt gặp nhau đang kín đáo san sớt phần mình cho nhau, họ ôm ghì lấy nhau trong niềm vui và tình yêu!
Một câu chuyện thật đẹp! Với số lúa gặt được không thay đổi, cả hai gặt thêm được niềm vui bởi tình yêu, niềm vui lớn hơn cả mùa gặt.
Cũng thế, chương trình của Chúa Cứu Thế không phải là vẽ lại đường biên giới giữa các nước, thay đổi chính thể hay đưa ra một bộ công pháp quốc tế mới nào, như Chúa nói với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Nước Trời mà Chúa muốn gầy dựng nằm ở nơi lòng người. “Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta” (Dt 8,10).
Chỉ với bảy nốt nhạc mà người ta đã viết nên bao điệu nhạc làm rung động lòng người? Mỗi nốt nhạc khi đó không còn là một rung động vật lý với một tần số xác định nào đó mà đã thực sự mang lấy một giá trị, một sự sống. Ân huệ tột đỉnh mà Đấng Cứu thế trao tặng cho thế giới, cho mỗi người, là Thần Khí của chính Ngài, Tình Yêu trao đổi giữa Cha và Con, sự sống của Thiên Chúa, “để tình Cha yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,26). Thần Khí được ban xuống như một ân huệ tột đỉnh của mọi ân huệ, và cũng là một lời mời gọi con người bước vào đời sống thần linh.
Khi dựng nên chúng ta theo hình ảnh mình, Chúa đã muốn chia sẻ sự sống Ngài cho chúng ta; phần chúng ta, được dựng nên theo hình ảnh Chúa nên sự sống Thiên Chúa luôn là niềm khao khát từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người. Bao lâu chưa được chia sẻ thần tính Thiên Chúa thì chúng ta chưa thấy no thoả.
Thế nhưng, Satan đã khéo léo lừa gạt Ađam-Eva, dạy ông bà thỏa mãn sự khao khát đó bằng một việc làm kiêu ngạo, là đặt định điều thiện - điều ác theo ý mình, như Thiên Chúa: “ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5).
Hai ông bà nghe lời phỉnh gạt để rồi… nhận thấy mình trần truồng!
Ngược lại, qua con đường tự huỷ bởi tình yêu, Đức Kitô đã mang lại sự sống của Thiên Chúa cho các môn đệ như hoa trái của ơn cứu độ. Đó là Thánh Thần với quyền tha tội, được ban cho con người, để không còn một giới hạn nào cho sự sống Thiên Chúa trong sự sống nhân loại: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
Thần Khí, sự sống Thiên Chúa, là mục đích của ơn cứu độ. Ai nhận lãnh và sống theo Thần Khí - Tình Yêu của Đức Kitô thì được giải thoát khỏi mọi ràng buộc để hoàn toàn tự do đáp ứng mọi khát vọng của tâm hồn, như thánh Augustinô đã nói: “Hãy yêu đi rồi làm gì cũng được.”
Rất phóng khoáng, nhưng là phóng khoáng theo Thần Khí Đức Kitô, Đấng như “gió muốn thổi đâu thì thổi.”
Sau khi Chúa về trời, trong tâm trạng bất an và yếu ớt của người lính thiếu vị chỉ huy, các môn đệ Chúa liên lỉ cầu nguyện ngừng. Và trong lễ Ngũ Tuần, Thánh thần, hoa trái của ơn cứu độ, đã được ban cho Giáo hội và làm cho Giáo hội trở nên sống động, vì “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63).
Một nhà sư Phật giáo nói với Mẹ Têrêxa: “Tôi biết và yêu mến Đức Kitô, nhưng tôi có ác cảm với Hội thánh của Ngài. Nếu các chị làm điều các chị nói, có lẽ các chị sẽ trở nên nơi hội ngộ để chúng tôi có thể gặp gỡ Hội thánh của Đức Kitô.”
Sau một năm làm việc với Mẹ Têrêxa, nhà sư đó nói rằng: “Tôi đã quan sát chị, bây giờ tôi thực sự tin rằng các chị làm việc chỉ nhằm mục đích giúp những người nghèo khổ, xấu số. Chúng tôi sẽ hiến các chị một ngôi nhà trong khuôn viên chùa của chúng tôi để làm bệnh xá miễn phí”
Không ít lần tôi nghĩ rằng cần có tổ chức tốt, có kỷ luật mạnh, có trí thức cao mà quên rằng điều mà Giáo hội thực sự cần là được hướng dẫn và thúc đẩy liên tục bởi Thần-Khí-làm-cho-sống của Đức Kitô.