Chân phước DAMIEN Ở MOLOKAI
(1840-1889)
Lược sử
Chân Phước Damien, tên
thật là Giuse "de Veuster", sinh ở Bỉ ngày 3 tháng Giêng 1840, trong
một gia đình mà cha là một nông dân cần cù và bà mẹ
tận tụy dạy dỗ đức tin cho tám người con.
Ngay từ nhỏ, cậu Giuse
mạnh khoẻ và tráng kiện, đã phải thôi học để giúp
cha trong công việc đồng áng. Cậu chăm chỉ giúp đỡ gia đình trong nhiều năm,
nhưng tâm hồn cậu vẫn ở một nơi nào đó. Vào lúc 19 tuổi, theo gương anh mình,
Giuse gia nhập Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và lấy tên là Damien.
Vì nhất quyết theo đuổi việc học và để hết tâm hồn trong đời sống tu trì, chẳng
bao lâu Damien đã bù đắp được sự thiếu hụt trong việc giáo dục trước đây.
Vào năm 1863, Cha
Pamphile, anh ruột của Thầy Damien, chuẩn bị đến quần đảo Hạ Uy Di trong công
tác truyền giáo. Nhưng cha lâm bệnh nặng, và Thầy Damien tình nguyện thế chỗ.
Sau năm tháng dòng dã trên biển, thầy đến hải cảng Honolulu. Trong vòng hai
tháng tiếp đó, thầy được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm phục vụ ở Đại Đảo
của Hạ Uy Di. Sự phục vụ của Cha Damien được ghi nhận là hăng say và tính tình dễ dãi của ngài thu hút được
nhiều người. Sau khoảng một thập niên, ngài tình nguyện đến Molokai để phục vụ
các người bị mắc bệnh Hansen, thường gọi là bệnh cùi. Vào lúc Cha Damien đến
đây, những người mắc bệnh cùi bị đầy ra đảo này đã hơn mười năm qua.
Cha Damien, lúc ấy 33
tuổi, đến Molokai vào tháng Năm 1873 với hành trang là cuốn
sách kinh và một ít quần áo. Theo dự định ban đầu của tu hội, ngài chỉ ở đây
một vài tháng rồi sau đó có các linh mục khác lần lượt ra thay thế. Nhưng sau
khi đến đây được ít lâu, ngài đã viết thư xin cha bề trên cho phép ngài vĩnh
viễn ở lại Molokai.
Có thể nói, ngài sống với người cùi -- ăn uống với họ, đụng chạm
đến họ, chào đón họ. Cha Damien được giao cho trông coi một cộng đồng Công
Giáo. Hàng ngày, cha như chìm đắm trong sự cầu nguyện, suy gẫm và đọc sách
thiêng liêng, do đó ngài lôi cuốn được hàng trăm người trở lại đạo. Nhưng tâm
hồn của cha vẫn ở với tất cả các nạn nhân của bệnh Hansen, dù Công Giáo hay
không Công Giáo. Ngài chăm sóc người bệnh, mai táng kẻ chết, lắng nghe những
tâm sự đau lòng. Ngài giúp cải tiến hệ thống dẫn nước cũng như nơi ăn ở của họ.
Ngài trông coi việc xây cất một trường học, một cô nhi viện và tổ chức sinh
hoạt thiếu nhi cũng như ca đoàn. Ngài là người đào huyệt cũng như chủ sự lễ an
táng.
Người ta không rõ khi
nào thì Cha Damien bị lây bệnh cùi, nhưng
chắc chắn là một ngày trong năm 1884 khi ngài bị phỏng ở chân mà không thấy
đau. Căn bệnh tấn công ngài như bất cứ người nào khác: từ từ, chân tay và mặt
mũi ngài biến dạng, tai ngài sưng to và méo mó. Vào ngày 15 tháng Tư 1889, ngày
thứ Hai Tuần Thánh, căn bệnh đã chấm dứt cuộc đời Cha Damien, khi mới 49 tuổi.
Lúc ấy được 16 năm sau khi ngài đến Molokai, và 25 năm kể từ khi ngài đến Hạ Uy
Di để bắt đầu công việc truyền giáo.
Trong những ngày cuối
đời, Cha Damien được Mẹ Bề Trên Marianne Cope chăm sóc, là người đã hứa sẽ tiếp
tục công việc mà cha đã khởi sự. Và sơ đã thể hiện điều đó trong 30 năm kế tiếp
với sự cộng tác của các sơ trong tu hội.
Cha Damien được Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước vào tháng Sáu 1995. Và cuối năm
1999, theo lời yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và đã được Vatican chấp
thuận, Chân Phước Damien được kính nhớ vào ngày 15 tháng Tư trong niên lịch
phụng vụ của Giáo Hội Hoa Kỳ.
Suy niệm 1: Cần cù
Chân Phước Damien, tên thật là Giuse "de Veuster", sinh ở Bỉ ngày
3 tháng Giêng 1840, trong một gia đình mà cha là một nông dân cần cù và bà mẹ
tận tụy dạy dỗ đức tin cho tám người con.
Thông minh tài trí thì không phải mấy ai cũng có được, nhưng có thể bù đắp
bằng đức tính cần cù, như lời cổ nhân dạy: Cần cù bù thông minh.
Hấp thụ được đức tính cần cù của phụ mẫu, Damien dầu thôi học ngay từ nhỏ
để giúp đỡ gia đình, nhưng đến năm 19 tuổi, ngài vẫn cần cù theo đuổi việc học
và đời sống tu trì, chẳng bao lâu Damien đã bù đắp được sự thiếu hụt trong việc
giáo dục trước đây, để rồi được thụ phong linh mục vào năm 1863.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn
biết cần cù không để làm giàu nhưng để khỏi bị thiệt thân như lời Sách Châm
Ngôn dạy (Cn 13,4).
Suy niệm 2: Thôi học
Ngay từ nhỏ, Damien mạnh khoẻ và tráng kiện, đã phải thôi học để giúp cha
trong công việc đồng áng.
Con đường học vấn vốn là con đường thông thường giúp cho người tiến thân.
Nhưng không thiếu những người phải chấp nhận thôi học vì hoàn cảnh túng thiếu
của gia đình như một Damien.
Cũng thế Thánh Richard đã phải bỏ dở việc học để giúp anh mình quản trị cơ sở
khỏi bị lụn bại. Và khi có cơ hội, ngài cũng không muốn lập gia đình vì muốn đi
học trước đã. Ngài vào Đại Học Oxford và với sự chăm chỉ học hành, không lâu
ngài đã có được một địa vị quan trọng trong trường. Sau khi được thụ phong linh
mục, ngài được tấn phong làm giám mục của Chichester, nước Anh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn
coi trọng việc học hành, không nhằm tiến thân nhưng ít là để được thành
nhân.
Suy niệm 3: Dễ dãi
Sự phục vụ của Cha Damien được ghi nhận là hăng say và tính tình dễ dãi của
ngài thu hút được nhiều người.
Tính tình dễ dãi nhưng không vượt quá giới hạn của các nguyên tắc cơ bản
phải tuân thủ thường có hiệu quả thu hút được nhiều người. Chính yếu tố then
chốt này đã giúp Cha Damien lôi cuốn được hàng trăm người trở lại đạo.
Tính tình dễ dãi của Đức Giêsu cũng từng tạo điều kiện cho bao người chạy
tìm đến với Ngài, từ hạng dân thường đến người có chức quyền, kể cả các bệnh
nhân phong cùi mà xã hội loài người loại bỏ và xa tránh, thậm chí cả trẻ em
cũng được tiếp nhận.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tránh
lối sống quan liêu kẻo bị người người ngại ngùng tìm đến.
Suy niệm 4: Bệnh cùi
Sau khoảng một thập niên, ngài tình nguyện đến Molokai để phục vụ các người
bị mắc bệnh Hansen, thường gọi là bệnh cùi.
Người ta không rõ khi nào thì Cha Damien bị lây bệnh cùi, nhưng chắc chắn
là một ngày trong năm 1884 khi ngài bị phỏng ở chân mà không thấy đau. Căn bệnh
tấn công ngài như bất cứ người nào khác: từ từ, chân tay và mặt mũi ngài biến
dạng, tai ngài sưng to và méo mó. Vào ngày 15 tháng Tư 1889, ngày thứ Hai Tuần
Thánh, căn bệnh đã chấm dứt cuộc đời Cha Damien, khi mới 49 tuổi.
Đúng như lời ngài tâm sự: "Thiên Chúa là Đấng nhân lành biết rõ những
gì cần cho tôi nên thánh, và với tâm hồn sẵn sàng, tôi vui sướng nói rằng, 'Xin
cho ý Cha được thể hiện.' Còn phần tôi, tôi chấp nhận là một người cùi để đem
các linh hồn về cho Đức Giêsu Kitô".
* Lạy Chúa Giêsu, bệnh cùi thật đáng sợ với
việc hủy hoại thân xác, nhưng không sánh được với tội lỗi vốn giết chết cả linh
hồn.
Suy niệm 5: Hành trang
Cha Damien, lúc ấy 33 tuổi, đến Molokai vào tháng Năm 1873 với hành trang
là cuốn sách kinh và một ít quần áo.
Sở dĩ Cha Damien chỉ mang theo cuốn sách kinh và một ít quần áo, là vì ngài
hiểu rõ: Hành trang lên đường của nhà truyền giáo phải được đặt lên hàng đầu,
đó là đời sống tâm linh hơn là vật chất.
Để gây ý thức cho các tông đồ về điều này, Đức Giêsu đã từng ra chỉ thị:
"Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền
bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9,3).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn
sắm sẵn hành trang lên đường truyền giáo là chính Chúa vì có Chúa mới trao Chúa
cho người được.
Suy niệm 6: Sống
Có thể nói, Cha Damien sống với người cùi.
Ngài sống hòa đồng đến mức cùng ăn uống với họ, đụng chạm đến họ, chào đón
họ. Ngài chăm sóc người bệnh, mai táng kẻ chết, lắng nghe những tâm sự đau
lòng. Ngài là người đào huyệt cũng như chủ sự lễ an táng, để rồi cuối cùng ngài
cũng bị mắc bệnh cùi.
Đức Giêsu đã có lối sống hòa đồng tuyệt hảo đến mức Ngài là Thiên Chúa nhưng
khi nhập thế và nhập thể làm người, Ngài đã trở nên giống phàm nhân sống như
người trần thế (Pl 2,7), ngoại trừ tội lỗi (1Pr 2,22;Dt 7,26).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết hạ
mình sống hòa đồng với mọi người ngoại trừ tội lỗi.