Suy niệm hạnh thánh _ 11/4

Thánh STANISLAUS
 (1030-1079)  
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Bất cứ ai đọc lịch sử Đông Âu đều phải biết đến tên Stanislaus, vị giám mục thánh thiện nhưng bi thương của giáo phận Krakow. Cùng với các Thánh Tôma More và Tôma Becket, ngài thường được nhớ đến vì sự chống đối quyết liệt của ngài đối với một chính phủ hung bạo và bất chính thời ấy.
Thánh Stanislaus sinh trong một gia đình quý tộc ở Szczepanow gần Krakow. Ngài theo học các trường Công Giáo ở Gniezno, sau đó ở thủ đô Ba Lan, và ở Balê. Ngài thụ phong linh mục ở Gnesen và được bổ nhiệm làm tổng phó tế và người thuyết giáo của Đức Giám Mục Krakow, là nơi tài hùng biện và gương mẫu của ngài đã giúp nhiều người thực sự hoán cải đời sống, trong đó có cả hàng giáo sĩ. Ngài trở thành giám mục của Krakow năm 1072.
Trong cuộc viễn chinh chống với Đại Đế Duchy của Kiev, Đức Stanislaus bị dính líu đến tình hình chính trị ở Ba Lan. Nổi tiếng là người thẳng thắn, ngài tấn công những hành động xấu xa của vua và người dân, nhất là các cuộc chiến bất chính cũng như các hành động vô luân của Vua Boleslaus II vì ông đã cướp vợ của một nhà quý tộc.
Lúc đầu nhà vua tự ý xin lỗi và bày tỏ sự ăn năn sám hối, nhưng sau đó lại trở về con đường cũ. Đức Stanislaus tiếp tục công khai chống đối bất kể những hăm dọa về tội phản quốc và tử hình. Sau cùng ngài đã ra vạ tuyệt thông nhà vua và từ chối cử hành Thánh Lễ mỗi khi có sự hiện diện của ông. Điên lên vì tức giận, nhà vua ra lệnh quân lính hạ sát vị giám mục. Khi binh lính từ chối không tuân phục, chính tay ông đã giết Đức Stanislaus trong khi ngài cử hành Thánh Lễ trong một nhà nguyện ở ngoại ô thành phố.
Đức Stanislaus là biểu hiệu của tinh thần dân tộc Ba Lan. Ngài được Đức Giáo Hoàng Innôcentê IV phong thánh năm 1253 và được đặt làm quan thầy chính thức của Krakow.
Suy niệm 1:  Lịch sử
Bất cứ ai đọc lịch sử Đông Âu đều phải biết đến tên Stanislaus, vị giám mục thánh thiện.
Lich sử luôn mang tính chân thật và khách quan, cũng như mặt trời thì luôn mọc ở phía Đông và lặn ở phía Tây, mặt trời soi sáng ban ngày còn mặt trăng soi chiếu ban đêm, loài chim thì bay trên trời còn loài cá thì bơi lội dưới nước.
Người viết nên lịch sử theo nguyên tắc phải tôn trọng đặc tính nổi bật ấy của lịch sử, tuy nhiên có ít trường hợp do một áp lực bên ngoài, tính chủ quan đã len vào làm méo mó đi sự trung thực.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nhà viết nên lịch sử luôn có được dũng lực để viết thật trung thực.
Suy niệm 2:  Chống đối
Cùng với các Thánh Tôma More và Tôma Becket, ngài thường được nhớ đến vì sự chống đối quyết liệt của ngài đối với một chính phủ hung bạo và bất chính thời ấy.
Thánh Gioan Tẩy Giả, Tôma Becket, Tôma More và Stanislaus là một vài ngôn sứ dám tố giác sự thối nát của những người có địa vị. Các ngài đã theo chân Đức Giêsu Kitô, là người vạch ra sự sa đọa luân lý của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy. Đó là một công việc đầy nguy hiểm đòi hỏi sự can đảm sống chứng nhân cho Tin Mừng.
Thánh Tôma More trong Một Đối Thoại Về Sự Tiện Nghi đã ghi: "Những người khao khát muốn có quyền bính để có thể áp đặt luật lệ, mệnh lệnh và kiểm soát người khác, thì chính họ là những người sống vô kỷ luật và không kiềm chế".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nhà cầm quyền ý thức về nguồn gốc quyền bính của mình là do Thiên Chúa ban cho (Ga 19,11;Rm 13,1) để sử dụng đúng cho xứng với việc kẻ thuộc quyền phục tùng (Tt 3,1).
Suy niệm 3: Thuyết giáo
Thánh Stanislaus là người thuyết giáo của Đức Giám Mục Krakow, là nơi tài hùng biện và gương mẫu của ngài đã giúp nhiều người thực sự hoán cải đời sống, trong đó có cả hàng giáo sĩ.
Thành quả thuyết giáo của Thánh Stanislaus dĩ nhiên nhờ vào tài hùng biện của ngài, nhưng nhất là nhờ vào đời sống gương mẫu của ngài, vì lời nói thì bay đi còn gương lành thì lôi kéo.
Với tài hùng biện, với trí tuệ sáng ngời, thánh Đaminh cũng đành thua cuộc trước sự tung hoành của bè rối Albigeois. Nhưng nhờ tràng chuỗi Mân Côi, ngài đã gặt hái thành công: bè rối Albigeois tan rã và có hơn 100.000 người trở lại đạo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng quá dựa vào tài hùng biện trong việc thuyết giáo, nhưng chủ yếu là làm gương sáng và sự trợ giúp thần linh.
Suy niệm 4:  Giáo sĩ
Thánh Stanislaus là người thuyết giáo của Đức Giám Mục Krakow, là nơi tài hùng biện và gương mẫu của ngài đã giúp nhiều người thực sự hoán cải đời sống, trong đó có cả hàng giáo sĩ.
Hội Thánh lữ hành đã được trang điểm bằng sự thánh thiện đích thực, tuy chưa hoàn toàn (LG 48), vì Hôi Thánh bao gồm mọi tín hữu trong đó cũng còn nhiều phần tử chưa hoàn hảo, vì thế Hội Thánh luôn cần được Đức Kitô thánh hóa và thanh tẩy (Ep 5,26) để trở thành một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền (Ep 5,27).
Do đó không chỉ mọi tín hữu mà ngay cả hàng giáo sĩ cũng phải luôn hoán cải đời sống, cũng như các vị thượng tế mỗi ngày phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân (Dt 7,27). Tất cả các chi thể của Hội Thánh, dù ở bậc nào, cũng cần phải phấn đấu để đạt tới sự thánh thiện hoàn hảo như sự trọn hảo của Cha trên trời (Mt 5,48).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mọi kitô hữu quyết tâm sống thánh để không làm ô danh Hội Thánh.
Suy niệm 5: Thẳng thắn
Nổi tiếng là người thẳng thắn, Đức Stanislaus tấn công những hành động xấu xa của vua và người dân.
Thánh Gioan Tiền Hô cũng nêu gương thẳng thắn, khi lên tiếng phản đối việc vua  Hêrôđê lỗi phạm luật hôn nhân, khi vua muốn cưới lấy bà Hêrôđiađê vốn là vợ của Philípphê anh mình.
Đức Giêsu cũng tỏ ra thẳng thắn khi nặng lời lên án lối sống giả hình của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó (Mt 23,23-32), cho dầu phải nhận lấy hậu quả là bị họ ghét bỏ, vu cáo và kết án tử hình thập giá.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm sống thẳng thắn dầu phải gặp bất cứ nghịch cảnh nào.