ĐÃ
QUA NĂM ĐỜI CHA XỨ
VRNs (29.04.2012) – Nhận được điện thoại
của chị Hai H hẹn “Chiều nay sau giờ kinh lòng Chúa Thương Xót, chị ghé nhà em,
nghe Hoàng”. Tôi không biết chuyện gì mà hôm nay chị Hai bỗng thăm mình đột xuất.
Thì ra, anh Hai mất đã hơn năm tháng, chị
nhớ anh, chị thương anh, chị hồi tưởng và tâm sự:
“Chị vẫn là người tân tòng 48 năm nay, mặc dù
đã theo đạo khi lấy chồng từ lúc 22 tuổi. Em biết đó, nhà chị không xa nhà thờ
lắm, không đẹp lắm, không giàu lắm, cũng không nghèo lắm, nhưng có một cái “lắm”
đáng kể hơn cả là anh Hai nổi tiếng lắm, nổi tiếng về chuyện ngang bướng. Chị
cũng yêu sự ngang bướng của anh lắm, bởi vì chị hiểu sự ngang bướng của anh:
ngang bướng vì tính cầu tiến đến nỗi cầu toàn.
Giáo xứ chị đang sống từ ngày thành lập
đến nay đã năm đời Cha xứ. Những ngày nhận xứ đầu tiên của Cha xứ tiên khởi đến
các vị kế nhiệm, Anh Hai có thói quen đến thăm cha và trao đổi hàn huyên với
cha vài lần, rồi thôi, không bao giờ đến nữa. Anh vẫn siêng năng đi lễ và sốt sắng
giữ đạo. Nhưng trong anh có điều gì bất an rất kín kẽ.
Tháng 7-2011, năm ngoái, bỗng dưng, anh
chuyển biến lạ lùng, vui hẳn lên. Và lúc ấy chị mới hiểu ra niềm vui của anh.
“Em thấy đó, tui chịu phép rửa tội được 72 năm
rồi, ở Giáo xứ Cù Và, Quảng Ngãi 32 năm, về giáo xứ này từ ngày thành lập đến nay 40
năm, đã gần nửa thế kỷ rồi, đã qua năm đời Cha xứ bốn đời cha phó rồi. Hai Cha
xứ trước, mang tiếng nhà quê cù lần, nhưng năm nào các cha cũng đi thăm giáo
dân. Cha Phanxico thăm nhà mình còn chọc quê tui là hay “lý sự” nhưng là lý sự
cùn. Cha còn hỏi tui lâu nay có xưng tội không, rồi ngồi ngay trước hè nhà mình
giải tội cho tui. Tui còn nhớ hôm đó, tui xưng tội ghét CS nhất trên đời, ghét
cả ông S kia nữa. Ông đi cải tạo với tui, nhờ thuộc bài bợ đỡ nịnh nọt mà về
trước. Rồi lại làm chủ nhiệm Hợp Tác Xã, ra vẻ CS nòi. Ghét cay ghét đắng thằng
phản bội. Cha bảo tui ghét CS không có tội, nhưng không được ghét những người
CS. Từ ngày cha đi đến nay, đã qua thêm ba đời cha xứ, bốn cha phó, mới có được
một cha phó – một vị Mục Tử – đến nhà thăm con chiên”
“Thì
ra, anh quan trọng việc ấy như vậy sao?”
“Quan trọng lắm chứ. Không thăm thì làm sao biết.
Ngồi một chỗ mà hỏi thăm, nghe báo cáo tui là thằng ngang bướng thì trúng trật
gì. Chúa còn bảo “đến xem nơi Người ở và ở lại với Người kia mà”
“Anh sai rồi, đó là Chúa bảo con chiên phải đến
thăm Cha sở, xem cha cần gì, thiếu gì, mà giúp đỡ”.
“Bởi vậy, sốt sắng quá như các bà nên đã làm
hư hết mấy đời cha rồi. “Đã qua ba đời cha xứ” cũng xem như “ba cha xứ đã qua đời”
ngay tại nhà xứ mình rồi đó. Chỉ có một Cha phó kia còn sống thôi”.
Đúng là anh ấy ngang bướng thật.
Sau đó mấy tháng, anh Hai lâm trọng bệnh:
ung thư phổi. Em biết không, ngày ở Bệnh Viện tỉnh chị bảo anh nên chuyển về
Sài Gòn để chữa trị, có con V, có thằng Út nó lo cho. Anh không chịu. Anh nói:
“Đi đâu thì đi, nhưng đưa tui về nhà đã. Tui mắc nợ Cha phó một lần thăm. Tui
phải thăm Cha phó”. Chị bằng lòng đưa về nhà. Anh đòi lên thăm Cha phó, nhưng yếu
lắm rồi. Anh bảo gọi Cha phó cho anh lãnh các phép sau cùng. Sau khi xưng tội,
được xức dầu và rước Của Ăn Đàng, anh nói: “Thưa Cha, con chưa kịp lên thăm
Cha. Cha đã thăm con hai lần. Con mắc nợ Cha. Mà lấy gì trả nữa? Xin Chúa trả
cho Cha”. Anh đi bệnh viện Chợ rẫy. Chưa được hai tuần, trở về, và ra đi bình
an.
“Thăm con chiên” – chuyện quan trọng như vậy
sao?
Thăm con chiên nào? Con chiên béo khỏe về
kinh tế, con chiên có thân nhân Việt kiều hay thăm con chiên ốm yếu bệnh hoạn
nghèo hèn? Thăm con chiên ngoan là tốt rồi, còn con chiên ngang bướng thì sao?
Thăm hết thảy con chiên trong ràn là đúng rồi, nhưng có nên thăm con chiên
ngoài ràn không?
“Tôi mắc nợ Cha phó một lần thăm”. Thế thì mục
tử có mắc nợ con chiên điều gì không? Không mắc nợ một lần thăm sao?
Có nhiều người lấy làm vinh dự quá sức
vì được Cha đến thăm, rồi khoe với mọi người là nhà mình được Chúa thương xót:
“Nhờ Cha thăm, mà ông ấy trở lại rồi”, hoặc “Cha thăm cha chẳng cho gì, mà nhà
tui tự nhiên dễ thương ra. Mấy bữa ổng cáu gắt, la lối om sòm, nay nói dịu dàng
nghe được”. Có người lại quá sợ cha đến thăm vì cha thăm quá nhiều lần, vừa
thăm vừa hỏi khoản đóng góp cho công trình này công trình nọ. Có người lại sợ
cha đến thăm vì sợ tiếng đời dị nghị rằng mình là “con quỷ cám dỗ” bậc tu hành.
Có người khác lại sợ cha đến thăm vì phải tốn kém bữa cơm cao lương mỹ vị có rượu
tây, mỹ tửu rồi cha sinh ra hư đốn.
Thì ra, giáo dân, con chiên vẫn vẫn luôn
khao khát điều tốt lành cho mục tử và vẫn luôn e ngại sự dữ, điều bất thiện, bất
hảo xảy ra cho các ngài đấy chứ? Kể cả việc các Ngài đi thăm.
Tuy nhiên, thiết tưởng, trong muôn vàn địa
chỉ con chiên, chỉ có những người nghèo khổ, tội lỗi, mặc cảm tật nguyền, mặc cảm
hèn kém, mặc cảm rối vợ rối chồng… là những người đang khao khát cha đến thăm một
cách chân thành nhất. Họ sẽ không có gì đền đáp cho mục tử, hoặc nếu có, thì phần
đền đáp ấy là “linh hồn” của họ mà thôi.
Nhân ngày Lễ Chúa Chiên Lành, chúng con,
là những giáo dân, những con chiên trong ràn chiên Giáo Hội, hiệp ý hiệp lòng
nguyện xin cho các mục tử của chúng con được “vì yêu các linh hồn, bằng lòng
làm khất sĩ” như thánh Linh Mục Don Bosco đã từng nguyện xin:
“Da mihi animas, coetera tolle—Xin cho tôi các
linh hồn, còn các sự khác xin hãy lấy đi.”
Amen.
PM. Cao Huy Hoàng, 28-4-2012