Người Tốt Thường Phải Khổ Hơn Người Xấu
Đệ tử của một đạo sĩ Do thái thưa với thầy mình rằng:
- Thưa thầy, tại sao những người lành lại phải đau khổ hơn những người xấu?
Vi đạo sĩ trả lời:
- Hãy nghe đây, một người nhà nông có hai con bò, một con khỏe mạnh và một con yếu. Ông ta sẽ đặt ách kéo cày lên con nào?
- Chắc chắn là trên con khoẻ.
Vi đạo sĩ kết luận:
- Chúa là Đấng hay thương xót cũng hành động như thế. Để kéo thế giới tiến tới, Ngài đặt ách lên những người tốt.
Không phải là thế giới hôm nay, mà bất cứ lúc nảo con người cũng bị cám dỗ, bị lôi kéo đến nền văn minh hưởng thụ, tiện nghi. Chúa Kitô lại đi con đường ngược lại, con đường thập giá.
Có phải khi suy tôn Thánh Giá Chúa Kitô là chúng ta tôn thờ sự đau khổ không? Không, chúng ta không tôn thờ sự đau khổ mà tôn thờ tình yêu sẵn lòng chịu đau khổ vì người mình yêu.
Tình yêu - sự sống thần linh - đòi phải có thập giá như một phương thế không thể thiếu để thanh luyện và tăng triển tình yêu.
Đây là điều Chúa Giêsu đã dạy rất rõ ràng và dứt khoát: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7,13-14)
Một bác sĩ nói: "Ai thuê tôi săn sóc bệnh nhân một vạn đồng một ngày, tôi cũng không nhận!" - Nữ tu đáp: "Thưa Bác sĩ, phần tôi, nếu không phải vì mến Chúa, một triệu đồng một giờ tôi cũng không chịu. Nhưng vì Chúa tôi sẽ ở đây đến chết". (ĐHV 709)
Bí quyết chịu đựng gian khổ của ĐHY Nguyễn Văn Thuận là
- sẵn lòng vì yêu: “Gian khổ nặng nề nếu con khiếp sợ trốn lánh, gian khổ dịu dàng nếu con can đảm tiếp nhận.” (ĐHV 717)
- mà bước theo Chúa: “Khi đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên Thánh Giá, ôm choàng lấy Thánh giá và con sẽ thinh lặng đứng vững như Ðức Mẹ.” (ĐHV 694)