Gieo trồng Lời Chúa
Ðể việc gieo lúa trồng cây đem lại thu hoạch tốt, thì phải chuẩn bị ruộng vườn cho thật kỹ. Cũng vậy, để chương trình Lời Chúa đem lại một mùa màng thiêng liêng phong phú, thì phải quan tâm nhiều đến việc chuẩn bị lòng những người, mà ta gieo trồng Lời Chúa.
Có ba chuẩn bị tôi cho là rất cần, để Lời Chúa gieo trồng vào lòng người được đâm rễ sâu, trở thành cây tốt.
Chuẩn bị thứ nhất là tinh thần khiêm nhường
Gieo Lời Chúa vào lòng người cũng có thể ví như việc ta tham gia vào Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể.
Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể rất nổi về nét khiêm nhường. Trong thư gởi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô đã viết:
“Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế,
Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập giá.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9).
Ðoạn thư trên đây tả Ngôi Lời Nhập Thể là một Chúa rất mực khiêm nhường.
Hiểu như vậy, chính ta và mọi người nhận Lời Chúa cũng phải biết đón nhận Chúa khiêm nhường một cách khiêm tốn.
Chẳng may, trong nhiều trường hợp, việc gieo trồng Lời Chúa lại không như thế. Bởi vì, người gieo trồng, cách gieo trồng, lễ nghi gieo trồng nhiều khi tạo nên nơi tâm hồn được gieo trồng một ảo ảnh xa lạ với Ngôi Lời. Ảo ảnh đó thường dễ làm cho người ta trở nên tự phụ. Thí dụ, đang khi học Lời Chúa, tôi có thể bị cám dỗ tự phụ vì được tham gia vào một tổ chức tôi cho là thánh thiện, quyền lực, uy tín hơn mọi cơ chế khác. Có tự phụ lành mạnh và có tự phụ không lành mạnh.
Ngoài ra, khi đón nhận Lời Chúa, nhiều người bị dụ dỗ nghĩ đến những tổ chức sinh hoạt Lời Chúa mang hình thức vui nhộn. Tưởng đó là đúng, nên họ sống Lời Chúa theo một hướng sai lạc. Sai lạc ở chỗ, thay vì Lời Chúa nhắm vào việc biến đổi con người nên khiêm nhường hơn, phục vụ người nghèo khổ hơn, thích cầu nguyện hơn thì lại nhắm vào những hình thức đạo đức trống vắng nội dung thiêng liêng.
Vì thế, trong mọi chi tiết khiêm nhường cần có trong việc gieo trồng Lời Chúa, ta nên nhấn mạnh đến việc sám hối, cảm tạ và cầu nguyện trong thân mật với Lời Chúa.
Chuẩn bị thứ hai là óc phán đoán phải sát sự thật
Gieo trồng Lời Chúa vào tâm hồn con người là giúp con người sống sự thực. Nhất là khi sống Lời Chúa chủ yếu là sống với Chúa Giêsu, Ðấng đã phán: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).
Sự thực là một lĩnh vực mênh mông. Như sự thực khoa học, sự thực lịch sử, sự thực luân lý, sự thực về các tôn giáo, sự thực về các nền văn minh, sự thực về lịch sử đất nước, thế giới và Hội Thánh...
Thời nay, người ta rất cần những bộ óc biết trọng sự thật, biết phán đoán sát sự thực. Trong nhiều trường hợp, óc phán đoán sát sự thực là một chứng từ thuyết phục tôn vinh người sống Lời Chúa.
Ở đây, tôi chỉ xin lưu ý về vài chi tiết phán đoán có liên hệ nhiều đến việc gieo trồng và sống Lời Chúa.
Chi tiết đầu tiên là nên xem xét tinh thần nào thường hướng dẫn các phán đoán của ta trong đời sống thường ngày.
Ðáng lý ra, mọi phán đoán trong đời sống thường ngày của ta, đặc biệt là về tu đức, truyền giáo và luân lý phải được hướng dẫn bởi tinh thần của Ðức Kitô. Nhưng thực tế cho thấy nhiều phán đoán của ta thuộc những lãnh vực đó lại bị tinh thần thế tục, ma quỷ, xác thịt và cơ hội khống chế. Những phán đoán đó sai sự thực, từ gốc đến ngọn. Hoặc chỉ đúng ở ngọn, còn ở gốc thì sai. Hoặc đúng và sai pha trộn với nhau.
Ngoài ra, một chi tiết khác cũng rất cần được xem xét, để mọi phán đoán được sát sự thực. Chi tiết đó là phán đoán phải dựa trên những dữ kiện khách quan và tương đối đầy đủ.
Người hay phán đoán theo thành kiến và dựa trên những dữ kiện mơ hồ, sẽ không thể minh chứng được mình sống Lời Chúa. Ðiều rất đáng buồn là những phán đoán như thế lại có liên quan tới các vấn đề thuộc Kinh Thánh, Tín lý, Luân lý và Tu đức.
Chuẩn bị thứ ba là nhạy cảm đạo đức, nhất là trước thân phận những người nghèo túng, bệnh nạn
Phúc Âm Thánh Luca thuật lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói về sự nhạy cảm đạo đức. Một người bị quân cướp trấn lột, bị đánh trọng thương, nằm bên vệ đường. Thầy tư tế đi qua, nhìn thấy nạn nhân, nhưng vô cảm bỏ đi. Thầy Lêvi cũng đi qua, cũng nhìn thấy nạn nhân, nhưng cũng vô cảm bỏ đi. Còn người ngoại đạo Samari, khi đi qua, chợt nhìn thấy nạn nhân, liền thương cảm. Ông xuống ngựa, lo chăm sóc cho nạn nhân (x. Lc 10,29-37).
Chúa Giêsu khen người ngoại Samari đó. Ông này là người nhạy cảm đạo đức. Thực ra, thầy tư tế và thầy Lêvi cũng nhạy cảm. Nhưng nhạy cảm của họ hướng về chế độ đền thờ, như bảo vệ lễ nghi, luật lệ, giờ giấc phục vụ đền thờ và bổng lộc nhờ đền thờ. Còn ông ngoại đạo Samari thì nhạy cảm trước thân phận con người đau khổ.
Lời khen của Chúa Giêsu đề cao sự nhạy cảm đạo đức của người ngoại đạo Samari vẫn có giá trị ở mọi thời mọi nơi.
Tại Việt Nam hôm nay, sự nhạy cảm đạo đức trước thân phận những người khổ đau khó nghèo vẫn được coi như thước đo tinh thần, để phân loại người tốt người xấu, bất luận họ là ai.
Riêng người Công giáo chúng ta càng phải xa tránh thói quen vô cảm trước cảnh khổ của người nghèo. Xin nhớ lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói về ông phú hộ và người hành khất Ladarô. Khi cả 2 người cùng chết, thì thưởng phạt Chúa dành cho 2 người làm ta bỡ ngỡ. Ông phú hộ bị ném vào hoả ngục, chỉ vì suốt đời, ông đã sung sướng một cách vô tư vô cảm trước cảnh khổ đau của người ăn mày nằm ở cổng nhà ông (x. Lc 16,19-31).
Chia sẻ trên đây đề cập đến 3 việc: tinh thần khiêm tốn, phán đoán theo sự thực, nhạy cảm trước cảnh khổ đau của nhân loại nói chung và của đồng bào nghèo nói riêng. Ðó là những đức tính nhân bản thông thường. Ðó là những chuẩn bị phải được thực hiện hằng ngày cho việc gieo trồng Lời Chúa. Những ai sống Lời Chúa như vậy kèm theo cầu nguyện sẽ phản ánh được phần nào dung mạo Thiên Chúa giàu lòng thương xót đang sống động trong họ giữa xã hội hôm nay. Họ gieo trồng Lời Chúa chủ yếu bằng các phương tiện đạo đức và nhờ ơn của Thiên Chúa tình yêu.
+ Gm. G.B. Bùi Tuần