THÁNH ANTÔN Ở AI CẬP
(251-356)
Lược sử
Cuộc đời Thánh Antôn nhắc nhở chúng
ta nhiều điểm về cuộc đời Thánh Phanxicô Assisi. Khi 20 tuổi, ngài thật cảm kích trước câu Phúc Âm:
"Hãy đi và bán những gì anh có, và phân phát cho người nghèo" (Mc 10,21b),
và ngài đã thực sự thi hành đúng như vậy với gia tài kếch sù của ngài. Ngài khác với
Thánh Phanxicô ở cuộc đời ẩn dật. Ngài nhìn thấy thế gian đầy cạm bẫy, và đã
sống nhân chứng cho Giáo Hội cũng như thế gian qua cuộc đời khổ hạnh nơi ẩn dật,
đầy hy sinh hãm mình và cầu nguyện. Nhưng không vị thánh nào thực sự xa lánh xã
hội, và Thánh Antôn đã thu hút người ta đến với ngài để xin được hướng dẫn và
hàn gắn tinh thần.
Lúc 54 tuổi, theo lời thỉnh cầu của nhiều người, ngài đã
sáng lập một loại đan viện với các phòng ở rải rác cách nhau. Lúc 60 tuổi, ngài
hy vọng sẽ là vị tử đạo trong thời tái bách hại của Rôma năm 311, và ngài đã
không sợ nguy hiểm khi hỗ trợ tinh thần và giảng dạy đạo lý cho những người
trong tù. Năm 88 tuổi, ngài chống với bè rối Arian (từ chối thiên
tính của Đức Kitô), vết thương to lớn ấy đã khiến Giáo Hội phải mất nhiều thế
kỷ mới phục hồi được.
Ảnh Thánh Antôn thường được vẽ với thập giá
hình chữ T, một cuốn sách và một con heo. Thập giá và con heo tượng trưng cho cuộc
chiến dũng cảm của ngài chống với ma quỷ – thập giá luôn luôn là phương tiện
quyền lực giúp ngài chế ngự ma quỷ, được tượng trưng là con heo. Cuốn sách nói
lên sở thích của ngài là "học hỏi từ thiên nhiên" thay vì sách vở in
ấn.
Thánh Antôn chết trong cô quạnh khi ngài 105 tuổi.
Suy niệm 1: Lời Chúa
Khi 20 tuổi,
Antôn thật cảm kích trước câu Phúc Âm: "Hãy đi và bán những gì anh có, và
phân phát cho người nghèo" (Mc 10,21b), và ngài đã thực sự thi hành đúng
như vậy với gia tài kếch sù của ngài.
Trước lời Chúa
chỉ dạy, người thanh niên giàu có buồn rầu rút lui. Nhưng chàng thanh niên
Antôn lại răm rắp thực hiện. Antôn đã bán gia tài kếch sù và phân phát cho
người nghèo, để trở thành một người nghèo vì Chúa, và nhất là trở thành một
thánh nhân lừng danh.
Lời Chúa đã từng
biến đổi đời người: Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu với câu “Hãy trở nên như trẻ
nhỏ để được vào nước trời” (Mt 18,3), Thánh Phanxicô Salêdiô với câu “Hãy học
cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29), Thánh Phanxicô
Xavie với câu “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Mt
16,26)...
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con xác tín về giá trị của Lời Chúa, để thêm lòng yêu mến và chuyên chăm
thực hành.
Suy niệm 2: Ẩn dật
Antôn nhìn thấy
thế gian đầy những cạm bẫy, và đã sống nhân chứng cho Giáo Hội cũng như thế
gian qua cuộc đời khổ hạnh nơi ẩn dật, đầy hy sinh hãm mình và cầu nguyện.
Tam thập lục kế,
tẩu vi thượng sách. Thời sơ khai, bà Evà tỏ vẻ khinh thường mưu chước ma quỷ,
nên bà lân la tiếp cận, bàn bạc trao đổi, để rồi sa vào cạm bẫy ma quỷ đã giăng
sẵn. Giả như bà lẩn tránh, lánh xa, thậm chí trốn chạy, thì chắc sự thể đã
khác.
Rút từ kinh
nghiệm đau đớn và quý báu của nguyên tổ, Antôn đã lìa xa chốn phồn hoa đô hội,
để tìm nơi ẩn dật ở chốn rừng sâu vắng lặng. Ngay cả khi sáng lập đan viện theo
nhu cầu, ngài cũng sắp xếp các phòng dành cho mỗi người đều cách xa nhau.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng
con luôn biết xa lánh cám dỗ, vì lửa gần rơm lâu ngày ắt cháy.
Suy niệm 3: Ngục tù
Lúc 60 tuổi,
Antôn hy vọng sẽ là vị tử đạo trong thời tái bách hại của Rôma năm 311, và ngài
đã không sợ nguy hiểm khi hỗ trợ tinh thần và giảng dạy đạo lý cho những người
trong tù.
Một người tự do
lại có lòng quan tâm đến tù nhân như Antôn thì thật hiếm có. Vì ngay cả quan
chánh chước tửu khi vừa thoát cảnh ngục tù và được phục hồi chức vụ cũ thì cũng
vội quên ngay người bạn tù Giuse (St 40,23).
Do đó Đức Giêsu
chẳng những mở lời kêu mời mọi người hãy hỏi han và thăm viếng các tù nhân, mà
còn xem đó như một tiêu chuẩn để đánh giá và thưởng phạt (Mt 25,36.43). Hơn nữa
chính Chúa cũng sai thiên sứ của Người đích thân vào tù và cứu thoát Phêrô cách
lạ lùng (Cv 12,11).
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn
trợ lực cho các vị anh hùng chấp nhận tù tội vì đức tin, vì đạo Chúa.
Suy niệm 4: Thập giá
Thập giá tượng
trưng cho cuộc chiến dũng cảm của Antôn chống với ma quỷ, thập giá luôn là
phương tiện quyền lực giúp ngài chế ngự ma quỷ.
Bao lâu còn ma
quỷ, thì bấy lâu còn chước cám dỗ, vì ma quỷ như sư tử luôn rình mồi cắn xé. Và
bấy lâu còn cám dỗ, thì con người còn phải luôn chiến đấu. Antôn đã dũng cảm đi
vào cuộc chiến cam go và triền miên này đến chết. Nói khác đi ngài đã kiên tâm
vác lấy thập giá đến cùng.
Đúng hơn, ngài
dùng thập giá như là phương tiện quyền lực giúp ngài chế ngự ma quỷ, vì thập
giá Đức Kitô không vô hiệu nhưng là sức mạnh của Thiên Chúa (1Cr 1,17-18), là
niềm kiêu hảnh và niềm hoan lạc của người tin (Gl 6,14;Cl 1,22). Nhất là nhờ
cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết,
tức là ma quỷ (Dt 2,14), vì sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá hủy công
việc của ma quỷ (1Ga 3,8).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con yêu mến thập giá Đức Kitô như là sự khôn ngoan siêu việt và là sức
mạnh chế ngự ma quỷ, cho dầu có người cho là ô nhục hay là điên rồ (1Cr
1,23-24).
Suy niệm 5: Con heo
Ma quỷ được tượng trưng là con heo. Vì sao thế?
Theo luật Môsê,
con heo bị coi là loài ô uế, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai
lại (Lv 11,7), thịt của chúng, không được ăn, xác chết của chúng, không được
đụng đến (Đnl 14,8).
Dựa vào luật
này, vua Antiôkhô đã cho thi hành lệnh cấm đạo bằng việc bắt người Ítraen phải
ăn thịt heo, bằng không sẽ hạ lệnh xử tử. Cả Elada và gia đình bảy anh em đã
chấp nhận cuộc tử đạo (2Mcb 6-7).
Khi bị Đức Giêsu
trục xuất ra khỏi người Ghêraxa, lũ quỷ nài xin Ngài đừng truyền cho chúng rút
xuống vực thẳm, nhưng cho phép chúng nhập vào bầy heo đang ăn trên núi (Lc
8,31-32).
* Lạy Chúa Giêsu, dù ma quỷ là
heo hay là rắn cũng đều rất nguy hiểm, xin giúp chúng con ý tứ.
Suy niệm 6: Sách vở
Cuốn sách nói
lên sở thích của ngài là "học hỏi từ thiên nhiên" thay vì sách vở in
ấn.
Thiên nhiên quả
là một cuốn sách phong phú và vô tận không ai có thể thấu hiểu được hết. Và dĩ
nhiên không phải ai cũng có năng khiếu và sở thích học hỏi từ thiên nhiên như
Antôn.
Đức Giêsu quả là
bậc thầy trong lãnh vực này, khi Ngài đã khéo quan sát và rút ra nhiều hình ảnh
từ thiên nhiên làm bài học thực tiển cho quần chúng. Thánh Phanxicô Átxidi cũng
rất gần gũi với thiên nhiên đến mức đã gọi cách thân mật: anh mặt trời, chị
biển...
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn ý thức về giá trị của thiên nhiên, để ra công nghiên cứu học hỏi
và bảo tồn, chứ đừng đan tâm mạnh tay phá hoại.