Nguyễn Ngọc Sáng
Bàn thờ ngày Tết
Khói lửa chiến tranh đã làm tôi trôi giạt từ một tỉnh ở miền đông của miền Nam Việt Nam đến một tỉnh ở miền đồng bằng sông Cửu Long. Chiến tranh đã tàn nhẫn biến đổi tôi từ đứa con của một gia đình nghèo trở thành tứ cố vô thân. Đêm đó, bom đạn đã phá tan căn nhà của gia đình tôi, và đã giết ông nội tôi, bà nội tôi, ba má tôi và chị tôi. Còn lại một mình, tôi sống nương tựa vào bà con bên ngoại, cũng nghèo.
Rồi lớn lên, “con đường quân dịch” đã đưa tôi đi xa quê. Vô tình tôi được dịp đi một đoạn đường dài trên mảnh đất quê hương. Sau mấy năm trời chiến đấu mà còn được bình yên, tôi đổi về đóng tại một tỉnh nọ ở đồng bằng sông Cửu Long. Nơi tôi đóng quân thật là êm đềm, dân cư hiền lành, nhiều ruộng nhiều vườn, có con sông chảy qua. Điều làm tôi sung sướng là từ đồn tôi đóng quân, nhìn qua bên kia sông là nhà thờ, nên tôi không gặp trở ngại gì trong việc nhà thờ nhà thánh. Muốn đi nhà thờ, tôi đi dọc theo con sông, băng qua cái cầu rồi đi ngược lại cũng dọc theo con sông là tới nhà thờ, chỉ mất độ 20 phút. Những người dân địa phương, người ta bơi xuồng băng qua sông là tới ngay nhà thờ, nhanh hơn, nhưng tôi thì thích đi bộ hơn, vì đi vòng như vậy, tui có dịp đi ngang nhà “người ta”.
Cô ấy sau khi học xong bậc trung học đệ nhất cấp rồi thì ở nhà phụ coi chuyện nhà, bếp núc, vườn tược. Từ chỗ đơn vị tôi đóng quân, mỗi khi tôi muốn đi về phía chợ là phải đi ngang nhà cô ấy. Nhưng công việc thường ngày, chăm sóc xóm làng tôi phải cùng anh em đi rảo khắp trong vùng, tiện thể tôi thường hay đi ngang nhà cô ấy rồi kiếm dịp vào thăm, hỏi chuyện. Ngày qua tháng lại, hai đứa tôi trở nên quen thân. Thấy hai đứa tôi thân mật thắm thiết, hai ông bà ba má cô có vẻ hơi hài lòng. Cô ấy thì xinh gái mà là con một mà tôi thì kể ra cũng xinh trai lại "tứ cố vô thân". Hoàn cảnh của tôi thiệt là dễ để "bắt rễ". Hơn nữa kể về tuổi tác thì hai đứa cũng xứng đôi vừa lứa, chỉ có cái tội về phía tôi là tôi là người theo đạo Công Giáo. Mỗi lần tôi tới nhà nói chuyện với cô ta, hai ông bà không có phản đối hay phiền hà chi hết, nhưng mà lần đó...
Tôi được kể như là người quen nên lần đó, nhà có đám giỗ, giỗ ông nội cô ta, tôi được mời tới. Bà con tới dự gần như tôi đều quen biết hết. Bà con trong vùng mà, ai lại không biết tôi, thường ngày tôi cũng có dịp ghé qua nhà tất cả bà con. Thôi thì khỏi nói, đám giỗ ở nhà quê mà, ở miền Tây, linh đình như một đám cưới ở quê tôi: gà vịt heo bò, món này món nọ, rượu tây rượu ta... Đến giờ cúng, bàn thờ đã được dọn đầy, người ta thấy ông đốt nhang để lễ và ông ta khóc. Sao ông lại khóc? Ông nhớ cha? Có người thắc mắc hỏi và ông đã nói: ba tui còn có phước, có tui, tui mà chết đi còn có em tui rồi đám con nó, chớ đến khi tui mà mãn phần rồi thì không có ai mà cúng giỗ tui...
- Chớ còn con hai?
Ông lắc đầu. Tôi hiểu ý. Ông nghĩ rằng nếu cô ta mà lấy tôi làm chồng thì sau khi ông qua đời, sẽ không có ai để cúng giỗ ông ta. Ông ta khóc mà tôi đây cũng thấy quặn thắt trong lòng. Nếu mà không tính gấp được rủi có ai nhào vô mà "hợp ý" ông già thì tôi đây lại tiếp tục cảnh "tứ cố vô thân". Mà như cái đà này thì khó mà có thể chèo xuôi mát máy được. Đang lo lắng thì hôm sau gặp, cô ta hỏi "ăn đám giỗ" có vui không, có ngon không, tôi mới nói cho một hồi: ngon thì quá ngon, vui thì quá vui nhưng lo thì cũng quá lo.
Cô ấy hỏi:
- Anh lo cái gì?
- Chớ em không thấy ngày hôm qua ba em khóc rồi nói gì sao?
Cô nói cô không biết. Tôi mới kể cho cô nghe chuyện xảy ra hôm đám giỗ. Tôi thấy cô lộ vẻ buồn. Cô ngồi lặng yên một lúc rồi bất chợt hỏi tôi:
- Mà anh nói ba má anh chết rồi mà sao mấy năm nay không thấy anh giỗ ba má anh lần nào hết vậy?
Được dịp, tôi làm cho một hơi:
- Tôi đâu cần phải làm đám giỗ, tôi đọc kinh cho ba má tôi mỗi ngày. Tới ngày giỗ, tôi xin lễ cầu cho linh hồn ba má tôi, ông bà tôi. Em thấy không? Mình mà làm đám giỗ, mình mời khách, khách ăn, khách khen chê món ăn ngon, món ăn dở, chớ còn ông bà mình có về ăn được miếng nào đâu. Đâu phải có làm đám giỗ mới được gọi là có hiếu! Hiếu là tôi luôn luôn tưởng nhớ tới cha mẹ tôi, ông bà tôi. Con người ta chết đi rồi còn có phần linh hồn. Tôi thương ba má, ông bà tôi, tôi lo cho phần linh hồn của ba má, ông bà tôi. Nói thiệt với em, không bao giờ tôi quên ba má tôi hết. Còn việc giỗ như hôm nọ tại nhà em, tôi cũng làm được vậy. Em không biết chớ hồi xưa, trong đạo tôi, không có cho phép ăn đồ cúng quảy nữa, chớ như bây giờ thì có khác, tôi có thể đốt nhang, lạy quan tài người quá cố để tỏ lòng kính mến, đứng ra làm đám giỗ, giỗ hằng năm, giỗ hằng ngày …
Thấy cô ấy ngồi im lắng tai nghe, tôi lấy làm phấn khởi, làm tiếp:
- Đạo tôi đã có nhiều thay đổi lắm. Trong nhà mình có quyền có bàn thờ tổ tiên, nhưng nên đặt dưới bàn thờ Chúa.
Em ngắt lời tôi:
- Ở chỗ anh ở, anh có làm bàn thờ như vậy không?
Tôi trả lời:
- Ở trong đồn, chỗ anh ở, anh chỉ có chỗ để đặt cái ghế bố để nằm, chỗ để treo quần áo thôi, làm sao mà có bàn thờ được. Vậy chớ anh cũng tìm chỗ trên vách để treo cây Thánh Giá.
Đâu mấy khi được dịp nói nhiều, sẵn dịp tôi muốn giảng giải cho cô ấy biết về đạo của tôi, vì biết đâu?
- Còn em biết không, ở nhà mà mình có cúng giỗ ông bà, mình cũng có quyền lạy, vì lạy là để làm gì em biết không?
Em lắc đầu. Tôi như người thắng trận:
- Đốt nhang hay đèn nến trên bàn thờ, và ngay cả việc lạy bàn thờ thì là những cử chỉ, thái độ biểu lộ lòng hiếu thảo, tỏ sự cung kính. Còn như hằng năm mà mình làm lễ giỗ là để tưởng nhớ cha mẹ, ông bà. Tuy tôi không có làm lễ giỗ vì chỗ đâu mà giỗ, ai đâu mà nấu nướng, tôi đọc kinh.
Tôi liếc liếc coi cô ấy có còn nghe không và khi thấy cô ấy ngồi im, đầu hơi cúi xuống tỏ vẻ đang lắng nghe, tôi tiếp tục bài giảng:
- Khi mà ông bà cha mẹ qua đời, mình được vái lạy trước thi hài người chết, đốt hương vái lạy theo phong tục để tỏ lòng cung kính và biết ơn đối với người chết.
Ngừng một chút lấy hơi, tôi nói luôn cho trọn vẹn bài giảng:
- Mà em biết không? Ngày cả đối với những vị có công với đất nước được thờ kính trong các đình, mình cũng được phép vái chào để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị đã có công với đất nước, dân tộc.
Và để cho những lời tôi vừa nói với cô thêm phần giá trị, tôi cho cô biết:
- Em biết không? Những gì mà hồi nảy giờ tôi nói với em là do các vị trong Hội đồng Giám Mục làm ra đàng hoàng, có văn bản để cho mọi người hiểu biết cách giữ đạo mới, cho nó phù hợp với phong tục xứ mình.
Cô ấy lại nói:
- Ngộ quá há! Hồi đó giờ em đâu có nghe nói. Em đâu có biết vậy nên nhiều khi em thấy lo quá!
Tôi hỏi lại:
- Em lo là lo cái gì?
- Em lo …
Cô ấy ngập ngừng:
- Em sợ rủi …
Nghe vậy, tôi mừng thầm trong bụng. Thấy nói như vậy chắc là đủ rồi, tôi im lại một lúc. Nghe tui nói xong, cô ta ngồi yên lặng một hồi rồi bất chợt ngẩng đầu lên hỏi tôi:
- Như vậy là anh có thể làm đám giỗ được phải không?
Chèn ơi! Chuyện quá dễ, tôi trả lời liền:
- Ừa!
Rồi, loay hoay ba điều bốn chuyện nữa xong cô ta ra về, đâu ngờ vài ba hôm sau, tôi nhận được tin ba má cô ta mời tôi tới nhà để nói chuyện. Chuyện gì? Tôi lo quá, không biết là chuyện gì! Đến nơi, thấy ông có vẻ vui vẻ, bà cũng vậy, tôi thấy mừng thầm trong bụng. Có lẻ cô ta về nói lại với ông bà những điều mà tôi đã nói với cô ta, ông và cả bà nữa bắt đầu chất vấn tôi những vấn đề trong đạo. Tôi trả lời xuôi rót. Kế rồi ông bà quay qua vấn đề giỗ quảy. Tôi trả lời y như tôi đã nói với cô ta. Ông bà lộ vẻ vui ra mặt, mời tôi ở lại ăn cơm...
Vài hôm sau, gặp lại nhau, cô ta vui vẻ cho tôi biết là ông bà hoàn toàn vừa ý, biểu nhắn với tôi lo tìm người mai mối, nếu mà chậm rủi "hụt thì rán chịu". Tôi mừng quá. Tôi đâu có ai. Tôi về nói chuyện với ông trung úy trưởng đồn và nhờ ông đứng ra đại diện cho tôi, bên đàng trai. Ông trả lời “sẵn sàng”. Bà con họ hàng tôi thì có mấy anh em trong đại đội. Ai nấy cũng đều mừng cho tôi.
Mọi việc tiến hành một cách tốt đẹp. Ông trung úy đại đội trưởng vạch ra cho tôi những việc mà tôi phải làm “cho phải đạo ông bà”. Đầu tiên là lo lễ hỏi. Lễ hỏi xong, cô ta đi học đạo, rồi chịu phép rửa tội. Sau đó, lễ cưới tại nhà thờ diễn ra. Ông bà đi dự lễ vui vẻ. Tiệc tùng, ông bà tỏ ra rất sung sướng…
Cưới hỏi xong, vợ chồng tôi ra riêng. Đó là lần đầu tôi có được căn nhà riêng để tôi có thể chưng dọn theo ý tôi. Tết năm đó, ba má vợ tôi tới chơi nhà tôi, nhìn thấy bàn thờ, ông bà cảm động quá mức. Trên bàn thờ, dưới ngay tượng ảnh Chúa là hình ông bà nội, ông bà ngoại của vợ tôi, ông bà hỏi:
- Sao con không để hình ba má con?
Tôi trả lời:
- Con đâu có được tấm hình nào của ba má con!
Rồi lễ giỗ ông nội cô ta năm đó do một tay tôi và "vợ tôi" lo. Ông bà rất sung sướng thấy rằng đâu có mất con khi mà gả cưới cho người theo đạo Công Giáo...
Nguyễn Ngọc Sáng 1/17/2012