Mark Link _ Lời Chúa thứ ba tuần 3 thường niên


TUẦN 3 - THỨ BA
Bài đọc 1 Năm lẻ:
Khi vào trần gian, Chúa Kitô nói: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,5.7).
Có người hỏi nhạc trưởng của một ban nhạc giao hưởng: nhạc cụ nào khó chơi nhất. Không chút do dự, ông trả lời: “Tay violon phụ. Tôi có thể tìm được nhiều tay violon chính, nhưng lại tìm được rất ít nhạc công chơi violon phụ, nhất là chơi với sự hứng khởi. Và đó chính là vấn đền, không có tay violon phụ sẽ không có sự hòa điệu, đơn giản thế thôi”
Những lời của Chúa Giêsu nói về việc Ngài đến để thi hành thánh ý của Thiên Chúa và những lời của nhạc trưởng nói về khó khăn trong việc tìm nhạc công violon phụ mời gọi tôi kiểm điểm lại sự hăng hái của tôi khi thực hiện ý Chúa, ngay cả khi được chọn để chơi violon phụ.
Không có sự phục vụ nào là nhỏ mọn, cũng chẳng có việc nào là lớn lao. Nó chỉ nhỏ mọn khi ta tìm ý riêng, nhưng lớn lao khi ta tìm ý Chúa.

Bài đọc 1 Năm chẵn
Đavít cùng toàn thể Israel đã kiệu Khám Giavê [Hòm Bia giao ước] lên trong tiếng reo hò và tiếng tù và (2Sm 6,15).
Bộ phim “Raiders of the Lost Ark” gợi lên mối quan tâm mới về Khám Giao ước. Khám là một hộp bằng gỗ keo hai xích rưỡi chiều dài, một xích rưỡi chiều cao, được dát bằng vàng rồng. Trên nắp có hai Kêrubim với cánh xòe bên trên (x.Xh 25,20). Bên trong Khám có hai bia đá mà Môsê đã mang từ núi Sinai xuống khi Thiên Chúa ký giao ước với dân Israel (1V 8,9). 
Khám Giao ước tượng trưng cho việc Thiên Chúa ở giữa dân Israel. Sách Macabê quyển thứ hai, chương 2 câu 5 nói rằng Giêrêmia đã dấu Khám vào một cái hang khi Đền thờ bị phá hủy vào năm 587 trước Công nguyên, và nó không bao giờ được tìm thấy nữa.
Ở đâu và khi nào tôi cảm nhận được sự hiện diện của Chúa rõ nhất trong đời tôi?
Chúng ta thường không nhận ra sự hiện diện của Chúa khi điều đó xảy ra. Nhưng chỉ sau đó, khi chúng ta nhớ lại (John Henry Newman).

Bài Tin Mừng:
Chúa Giêsu nói: “Ai là mẹ tôi?Ai là anh em tôi? Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em và là mẹ tôi” (Mc 3,33.35).
Vào thập niên 1980, Kathryn Koob là một trong số 52 người Mỹ bị Iran bắt làm con tin trong vòng 444 ngày. Một nguồn sức mạnh giúp vượt qua khó khăn được tìm thấy trong những lời thánh ca: “Lạy Chúa, Ngài có con đường riêng, con đường của chính Ngài. Ngài là thợ gốm, còn con là đất sét. Xin nhào nặn và tạo con như Ngài muốn"
Những lời này không chỉ giúp Kathryn có được sự thanh thản tâm trí, mà còn cống hiến cho cô sức mạnh to lớn để phó thác hoàn toàn cho Chúa trong hoàn cảnh của mình.
Việc sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa của Kathryn mời gọi tôi nhớ lại xem thời gian tôi đã tận lực để phó thác theo thánh ý Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con sự thanh thản để chấp nhận nhữg gì con không thể thay đổi, can đảm để thay đổi những gì có thể, và sáng suốt để phân biệt chúng (Reinhold Niebuhr).