Mark Link _ Lời Chúa thứ tư tuần 3 thường niên


TUẦN 3 – THỨ TƯ
Bài đọc 1 Năm lẻ:
[Đức Chúa] phán: “Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa” (Dt 10-17).
Trong cuốn “Tha thứ và quên đi”, Lewis Smedes kể về một tù nhân lao động trong bệnh viện tại chiến trường của Đức Quốc Xã. Ngày kia, một y tá hộ tống anh đến giường một người lính Đức đang hấp hối. Người này xin được tha thứ vì đã góp phần trong việc sát tế người Do thái: “Tôi biết điều tôi xin là quá nhiều. Nhưng nếu không được tha thứ, tôi không thể nào chết thanh thản được”
Tù nhân suy nghĩ một lúc rồi bỏ đi, không tha thứ cho người lính Đức. Tù nhân này sống sót sau cuộc chiến, nhưng không thể quên được sự kiện này. Nó quấy rầy anh suốt quãng đời còn lại.
Nếu một ai đó khó tha thứ cho người khác tôi sẽ khuyên họ cho điều gì? Tại sao?
Khi chúng ta không chịu tha thứ, chúng ta phá sập chiếc cầu dẫn chúng ta tới Thiên đàng, bởi vì mỗi người đều cần được tha thứ (George Herbert).

Bài đọc 1 Năm chẵn:
[Thiên Chúa tiết lộ cho Đavít] Ta sẽ cho dòng giống ngươi chỗi dậy kế vị ngươi… Ta sẽ là cha nó, và nó sẽ là con Ta… Ta sẽ làm cho vương quyền ngươi vững bền mãi mãi” (2Sm 7,12.14.16).
Lời tuyên báo này mở đầu một lọat những lời hứa về một ông vua vĩ đại (Đấng Mêsia) xuất thân từ dòng dõi Đavít. Từ “mêsia” là một từ Do thái được dịch sang tiếng Hy lạp là christos, do đó trong tiếng Anh và tiếng Pháp có từ Christ (Đấng Kitô). Chúa Giêsu là sự hoàn tất lời Thiên Chúa hứa với vua Đavít. Sứ thần Gabriel nói với Mẹ Chúa Giêsu rằng: “Ngài sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa và Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng vua Đavít, và triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33).
Tôi có thể quan tâm hơn đến việc rao giảng Nước Chúa trên thế gian này bằng cách nào?

Thà làm một cái gì đó dù chưa hoàn hảo, còn hơn là không làm gì (Robert H.Schuller).

Bài Tin Mừng:
[Chúa Giêsu so sánh hạt giống với con người. Hạt rơi vào bụi gai mọc lên, nhưng chẳng bao lâu gai nhọn đâm nó chết ngạt. Những hạt giống ấy là những người] nghe Lời Chúa, nhưng những lo lắng sự đời xâm chiếm lòng họ và bóp nghẹt Lời, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì (Mc 4,18-19).
Một nữ sinh trung học nói với thầy giáo: “Khi nghe nói dụ ngôn về Người gieo giống, em có cảm tưởng chính Chúa Giêsu nói với chính em. Trước đây, vị hướng dẫn của em và em đã trao đổi và em quyết tâm rất nhiều điều. Nhưng hôm qua, em đã vấp ngã. Em đã không giữ được một trong những quyết tâm đó. Em đã để những lo lắng về trường lớp và cuộc sống làm chúng bị lung lạc”
Ở mức độ nào, tôi để hạt giống rơi vào bụi gai như nữ sinh này? Tôi có thường để những lo lắng của cuộc sống bóp nghẹt Lời Chúa trong lòng tôi không?
Bạn càng trung thành lắng nghe tiếng nội tâm, bạn càng có khả năng nghe rõ những âm thanh bên ngoài (George Dana Boardman).