SỐNG ĐẠO - BÁC ÁI

TÔI KHÁT
Nhìn bức ảnh một em bé Phi châu tiều tụy ngoài sức tưởng tượng như hình bên, có lẽ bạn không dám và không muốn tin vào mắt mình. Nhưng đó lại là sự thật 100% đang diễn ra tại Phi châu hiện nay!
Những con người khốn khổ đó là tiếng vọng thảm thương của Chúa Giêsu từ trên Thập giá: “Tôi khát!” (Ga 19:28). Ở Phi châu có những trẻ em đang chờ chết từng giờ vì đói và khát – và còn biết bao người nghèo khổ khác trên thế giới, thậm chí họ ở ngay bên chúng ta. Thế nhưng có thể chúng ta vẫn dửng dưng như xem thời sự, như nghe một điệu nhạc buồn rồi thôi, không chút động lòng thương cảm, không hề cầu nguyện cho họ!
Chúa muốn chúng ta hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5:48). Nhưng hoàn thiện thì phải thực thi Ý Chúa, mà Ý Chúa là “yêu người như chính mình”. Thánh Phaolô phân tích: “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng đức mến là quan trọng nhất” (1 Cr 13:13). Còn thánh Giacôbê so sánh: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2:17 & 26). Chúa muốn chúng ta sống thật, không nói suông.
Kinh Thương Xác Bảy Mối nói rõ: “Thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ hai cho kẻ khát uống”, và một trong Bát Phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Người ta cần cá thì không thể lấy rắn cho họ, hoặc người ta cần trứng lại lấy bò cạp cho họ (x. Lc 11:11-12). Trước khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã nói thẳng với các môn đệ: “Chính anh em phải cho họ ăn” (Mt 14:16). Chúa rất thực tế, chẳng bóng gió chi cả. Có thể chúng ta chỉ nghe cho vui tai, chứ rất… ngại hiểu!
Nhưng vẫn có những con người thực sự hiểu và hành động. Chân phước Nữ tu Teresa Calcutta (tên thật là Agnes Gonxha Bojakhiu, sinh ngày 28/8/1919 và qua đời ngày 5/9/1997). Năm 1952, Mẹ thấy một phụ nữ hấp hối bị kiến và chuột gặm tả tơi, Mẹ đã mủi lòng và thành lập nhà Nirmal Hriday (Tấm lòng Thanh khiết) cho những người hấp hối. Mẹ áp dụng đúng nguyên tắc sống của dòng Bác ái Truyền giáo: “Yêu là cho đi đến khi cảm thấy đau” (Love means giving until it hurts). Mẹ đã hùng hồn tuyên bố: “Theo máu huyết, tôi là người Albania. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn độ. Theo đức tin, tôi là nữ tu Công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc trần gian này. Còn theo tâm hồn tôi, tôi hoàn toàn thuộc về Thánh Tâm Chúa Giêsu”. Một con người nhỏ bé về thể lý nhưng lại có trái tim vĩ đại đáng khâm phục!
Trẻ em là tương lai của đất nước, xã hội, thế giới và giáo hội. Hãy làm cho những trẻ em đang chết dần mòn kia được sống. Thật vậy, Chúa Giêsu nói rõ: “Tôi đến để cho con người được sống và được sống dồi dào” (Ga 10:10). Chúa muốn mọi người được sống đầy đủ và hạnh phúc, Ngài không hề muốn ai phải chết. Thực thi Ý Chúa như vậy là sống đạo (chứ không chỉ giữ đạo), sống đạo tích cực, và “vui với người vui, buồn với người buồn” (x. Rm 12, 14-18). Mà Chúa Giêsu lại rất yêu quý trẻ em. Chúng ta đừng quên là cứ mỗi giây lại có một trẻ chết vì đói khát: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì “anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6:38).
Trước khi vứt bỏ các thức ăn còn sót lại trong chén của bạn, xin bạn hãy nghĩ tới những người đang lâm cảnh đói khát. Cuộc đời có những điều nghịch-lý-thuận: Cái mà với người này là dư thừa, là đồ bỏ, là rác rưởi, nhưng với người khác rất có thể là vật cần thiết nhất cho sự sống còn!
Kho tàng ở đâu thì lòng ta ở đó (x. Mt 6:19-21), và người giàu khó vào Nước Trời còn hơn lạc đà chui qua lỗ kim (x. Mt 19:23-24). Giàu ở đây không hẳn là giàu vật chất, cái nghèo cũng vậy. Ca dao Việt Nam cũng xác định: “Nghèo tiền nghèo bạc chẳng lo, nghèo nhân nghèo nghĩa mới lo mình nghèo”.
Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội (Lc 18:9-14). Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài (Dt 10:7 & 9). Xin hoán cải chúng con để chúng con dám vỗ ngực xưng tên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Vâng, lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con (Lc 17:5).

Vào Thu, 2011
Thom. Aq. TRẦM THIÊN THU