ĐỪNG LO VÌ MẤT NGỦ
Một số người chúng ta bị bệnh mất ngủ và các nhà tâm lý chỉ cho ta một phương pháp dễ ngủ, bằng cách đếm số. Đếm từ một tới vài ba chục ngàn (hoặc đếm từ một tới một triệu) cho tới khi thấy thiếp ngủ đi.
Việc mất ngủ có lẽ không làm hại ta, mà chính việc lo lắng “không ngủ được” mới làm hại sức khỏe ta. Sau đây là chuyện ông Samuel Untermeyer, nhà luật sư nổi danh khắp toàn cầu.
Khi còn đi học, ông đã lo về hai bệnh: suyễn và mất ngủ. Ông không sao trị được hai bệnh ấy, nên ông nhất quyết lợi dụng chứng mất ngủ của ông. Chỉ có cách đó là kỳ diệu nhất. Đáng lẽ phải trằn trọc xoay xở trên giường, lo lắng để hại cho thần kinh, ông ngồi phắt dậy và học. Kết quả? Thì đây: Ông giật được hết những danh dự trong các lớp ông theo học và thành một thần đồng ở Nữu Ước đại học đường.
Khi ông bắt đầu làm luật sư, bệnh mất ngủ của ông vẫn còn. Nhưng ông không lo. Ông nói: “Tạo Hóa sẽ lo cho ta”. Mà thiệt vậy, mặc dầu ngủ rất ít, ông vẫn khỏe mạnh và đủ sức làm việc nhiều cũng như bất cứ vị luật sư trẻ tuổi nào ở Nữu Ước. Và còn nhiều hơn là khác. Vì trong khi họ ngủ, thì ông làm việc.
Hồi 21 tuổi ông đã nổi danh hơn các luật sư khác, khiến nhiều luật sư trẻ đã đến tòa học hỏi phương pháp của ông...
Ông luôn luôn mất ngủ- đọc sách đến nửa đêm- năm giờ sáng đã dậy và bắt đầu đọc thư cho thư ký đánh máy. Lúc mọi người mới bắt tay vào việc, ông đã làm xong nửa công việc hôm đó. Không bao giờ được ngủ trọn đêm, mà ông thọ tới 81 tuổi. Nhưng nếu ông lo lắng, thắc mắc về bệnh mất ngủ, thì có lẽ đã chết sớm lâu rồi.
Chúng ta bỏ một phần ba đời sống để ngủ, mà thiệt không ai biết ngủ là cái chi chi. Đã đành chúng ta biết ngủ là một thói quen, một trạng thái nghỉ ngơi, để cho cơ thể bồi bổ lại sức lực, nhưng ta chưa hề biết mỗi ngày, mỗi người phải ngủ bao nhiêu giờ? Ta cũng không biết ngủ quả thực là có cần thiết không nữa!
Chúng ta cho là lạ lùng ư? Trong cuộc đại chiến thứ nhất, một người lính Hung Gia Lợi tên là Paul Kern, bị một phát đạn xuyên qua óc, ngay giữa trán. Khi vết thương lành rồi, thì lạ thay, người đó mất hẳn ngủ. Các bác sĩ dùng đủ phương thuốc ngủ thuốc mê, cả phép thôi miên nữa, nhưng vẫn vô hiệu. Anh ta vẫn không sao ngủ được, vì không sao thấy buồn ngủ như xưa.
Thấy vậy các bác sĩ đoan chắc, anh ta không thể sống lâu. Nhưng anh ta cười, cho là nói bậy, rồi vẫn làm việc, vẫn sống khỏe mạnh nhiều năm. Anh Paul Kern cũng nằm xuống giường, cũng nhắm mắt nghỉ ngơi, nhưng không ngủ. Trường hợp này thật là một bí mật trong y học và làm đảo lộn hết cả những thuyết của chúng ta về việc ngủ.