GIÁO DỤC NHÂN BẢN

Bài 2. HỌC TẬP CHỮ CẦN 
CẦN LAO
1. Lao động là gì?
Có một thời người ta hiểu sai lầm, coi lao động là bần tiện và khinh chê lao động. Nhưng hiểu cho đúng thì lao động là việc làm có ý thức của con người để làm chủ và biến cải thiên nhiên thành những giá trị tinh thần hay vật chất cần thiết cho xã hội. Hiểu như thế lao động là một hành vi đáng quí và mang ý nghĩa sống còn đối với cuộc sống loài người.
2.  Có mấy loại lao động?
        a.  Có hai loại lao động: Lao động chân tay và lao động trí óc. Phân chia như thế, nhưng thực ra mọi công việc lao động đều nằm trong cả hai hình thức lao động đó, nhưng tùy theo sự vận dụng tay chân hay trí óc nhiều hơn để phân chia mà thôi.
        b. Lao động chân tay và trí óc đều cần thiết cho xã hội, nên cần kết hợp chặt chẽ với nhau để sản sinh ra ngày càng nhiều của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.
3.  Giá trị của lao động là gì?
     a.  Giá trị tự nhiên:
        Con người lao động trước hết là để mưu sinh. Nhưng ngoài mục đích mưu sinh, người ta còn lao động để đạt tới những giá trị văn hóa cao hơn hầu phát triển cuộc sống nên tốt hơn và đẹp hơn, như những lao động nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật... 
       Ngoài hai mục đích mà con người muốn đạt tới khi lao động nói trên, lao động còn giúp cho con người:
    - Trưởng thành hơn về quan điểm: Biết dung hòa quan điểm của mình với tha nhân .
    - Rèn luyện nhiều đức tính tốt khác như: Chuyên cần, trách nhiệm, tiết kiệm, đoàn kết, bác ái và vị tha, óc sáng tạo, óc tổ chức. ...
  b. Giá trị siêu nhiên của lao động:
     Trước đây, Lao động thường bị coi là hình phạt con người phải chịu do tội tổ tông, nhưng thực ra, nguyên tổ loài người đã lao động từ trước khi họ phạm tội: "Yavê Thiên Chúa đã đem con người đặt trong vườn Eđen để họ canh tác và giữ vườn” (St 2,15). Do đó, ta hiểu rằng: Cái mà tội lỗi đem đến không phải là lao động, mà là tính cách cực nhọc vất vả của nó:”mồ hôi đẫm mặt, người ta mới có bánh ăn” (St 3,19) Còn chính lao động thì luôn là điều tốt và mang lại hai gía trị siêu nhiên sau:
    -  Qua lao động, con người được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong việc tác tạo thế giới.
    -  Qua lao động chúng ta góp phần cứu rỗi chính mình và thế giới.