THỢ SỬA GIÀY VÀ NHÀ KINH DOANH
Bài thơ ngụ ngôn “Anh thợ sửa giày và nhà kinh doanh” của văn hào Lã Phụng Tiên (Le savetier et le financier: Fables de la Fontaine, livre VIII, II) được nhiều người lưu ý, không phải chỉ vì văn chương hay của Lã Phụng Tiên, mà đặc biệt vì ý nghĩa gói ghém trong bài thơ đó. Bài thơ này đã nói lên một khía cạnh của tiền bạc.
Một anh thợ sửa giày ca hát suốt ngày. Nhìn anh, nghe anh hát: ai cũng lấy làm lạ, vì coi như lúc nào anh cũng sống bình thản, an nhàn và hạnh phúc. Người láng giềng của anh là một nhà kinh doanh giàu có, nhà cửa thật đồ sộ lộng lẫy. Ông ta không ca hát, ăn ít, ngủ ít, lúc nào cũng tính toán tư lự. Ban ngày nhiều khi quá mệt nhọc vì công việc kinh doanh, ông muốn nghỉ ngơi đôi chút, nhưng vừa đặt mình xuống giường, thiu thiu ngủ, thì bị thức giấc vì tiếng hát vang dội của anh thợ sửa giày bên cạnh nhà. Nhà kinh doanh phàn nàn và tự nghĩ: tại sao con người có thể dùng tiền mua được nhà cửa, đồ đạc… mà ông trời lại không cho dùng tiền để mua được giấc ngủ ngon lành.
Rồi vì quá bực bội trước thái độ vô tư của anh thợ sửa giày cũng như vì tiếng hát của anh đã nhiều lần phá giấc ngủ của mình, nhà kinh doanh liền nghĩ ra một mưu kế và cho gọi anh thợ sửa giày tới.
Ông hỏi: “Mỗi năm ngân quỹ của bác tính chừng bao nhiêu?”
Anh thợ sửa giày cười mỉa mai và đáp: “Ông hỏi gì kỳ thế, có bao giờ tôi có ngân quỹ đâu mà nghĩ tới nó. Tôi chỉ biết sống sao cho qua mỗi ngày và suốt năm trời tôi cũng chỉ cố gắng ngày nào làm cho đủ sống ngày đó”.
Nhà kinh doanh nói: “Từ nay bác sẽ thoát cảnh nghèo khổ, tôi xin giúp bác vài trăm đồng tiển vàng. Đây, bác giữ lấy cẩn thận để dùng dần”.
Anh thợ sửa giày vô cùng mừng rỡ: Sao mà mình lại may mắn thế này! Anh cầm tiền đưa về nhà gói ghém cẩn thận, cất kỹ vào rương. Và từ đó anh thợ sửa giày không còn hát nữa, lúc nào anh cũng phải để mắt coi chừng chiếc rương… Ban ngày không hát không ngủ đã đành, mà suốt đêm anh cũng thao thức canh chừng chiếc rương, nhỡ trộm vào lấy… Một tiếng động nhỏ, như con mèo nhảy lên bàn, cũng khiến anh thức giấc và phải vội vã mở rương ra coi xem tiền vàng còn không?
Qua một thời gian, vì quá mệt mỏi, lo lắng canh chừng tiền đó, anh đành phải đưa số tiền trả lại nhà kinh doanh và nói: “Thôi xin Ông giữ lại số tiền này, để tôi có thể, ban ngày vui vẻ ca hát và ban đêm được ngủ ngon lành yên giấc”.
Có lẽ Lã Phụng Tiên muốn diễn tả ý nghĩa câu nói: “Kho tàng chúng con ở đâu, thì lòng chúng con ở đó”. (Mt 6,21 và Lc 12,34)