CẦU NGUYỆN và SUY TƯ
1. Những bài viết của tôi đăng trên "Công giáo và Dân tộc" hầu hết đều là những bài giảng, bài suy gẫm, bài huấn đức, bài chia sẻ.
Qua những bài suy tư ấy, tôi đã gặp được nhiều người bạn. Mỗi người bạn là một tình nghĩa đỡ nâng. Không ít người đã cầu chúc cho tôi có đủ sức khoẻ để tiếp tục viết. Tôi dâng lên Chúa những cầu chúc thân tình đó. Tôi luôn luôn chỉ muốn những gì Chúa muốn mà thôi.
Từ ý hướng trên đây, tôi xin được chia sẻ sự gắn bó của tôi với Chúa trong các bài tôi viết.
2. Bầu khí quan trọng cần thiết để tôi viết bài là bầu khí cầu nguyện.
Trong thinh lặng, tôi gặp gỡ Chúa. Chúa dạy tôi "Hãy chọn được sống. Chọn được sống thì sẽ được chúc phúc, sẽ được hạnh phúc" (Đnl 30,11-20).
Chọn được sống là chọn Chúa Giêsu. "Chính Thầy là đường, là sự thực và là sự sống" (Ga 14,6).
Tôi tiếp xúc với Chúa Giêsu bằng những cầu nguyện nhỏ và những hy sinh nhỏ. Có thể nói là thường xuyên ngày cũng như đêm. Tôi hỏi ý Người trong các chọn lựa, tôi nên theo hướng nào. Người thường trả lời tôi là:
a) Hãy chọn những gì hợp với Lời Chúa. "Lời Chúa là Lời ban sự sống" (Ga 6,63). "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4).
b) Hãy chọn những gì mang nhiều tình yêu cứu độ. "Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu hy sinh mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15,13). Tình yêu hy sinh của Chúa thì tế nhị, không áp đặt. "Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Chúa yêu thương chúng ta" (Rm 5,8). Tình yêu hy sinh của Chúa thì mở rộng, dấn thân, cứu độ.
Lời Chúa và tình yêu Chúa là nguồn mạch tuôn đổ vào tâm hồn tôi những chân lý, ân sủng và sự sống đời đời.
Đón nhận Lời Chúa và tình yêu Chúa là đón nhận chính Chúa. Chúa đến trong tôi. Người đồng hành với tôi suốt chặng đường viết bài. Từ chọn đề tài, qua suy tư khai triển nội dung, đến kết thúc bài, tôi luôn xin Người hướng dẫn tôi.
3. Lời Người và tình yêu của Người hướng dẫn tôi một cách tế nhị. Hướng dẫn của Người là rất mạnh mẽ, nhưng không miễn trừ sự cộng tác của tôi.
Để viết bài, tôi phải suy tư rất nhiều. Suy tư là một cách nhìn của trí khôn. Nhìn một đối tượng là nhìn đối tượng đó với các tương quan của nó. Nó ở trong đâu? Nó ở với những gì? Chiều rộng của nó tới đâu? Chiều sâu của nó khoảng chừng nào? Tôi phải suy tư. Nhưng trong cầu nguyện Chúa giúp suy tư của tôi có một cách nhìn hợp với Phúc Âm hơn.
Chúa hướng dẫn tôi suốt chặng đường suy tư.
Hướng dẫn của Chúa vừa soi sáng trí khôn tôi, vừa đánh động trái tim tôi. Tôi cảm nhận sự hướng dẫn đó là một ân sủng của Chúa. Xin nêu lên một ví dụ.
Chúa Giêsu phán: "Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần của lễ. Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi" (Mt 9,13).
Lời Chúa trên đây nói lên tình yêu của Chúa. Lời đó và tình yêu đó mở rộng tầm nhìn của tôi. Tôi nhìn về những người yếu đuối, những người nghèo khổ, những người cô đơn, bệnh tật, già yếu, những người thiếu thốn bất cứ về mặt nào. Họ là một số đông. Tôi nhận ra số đông đó chính là địa chỉ mà Chúa sai tôi đến.
Tôi đến với họ bằng nhiều cách, như cầu nguyện, hãm mình hy sinh. Tôi gởi tới họ những tâm tình yêu thương và liên đới trong từng trang giấy, trong mỗi tư tưởng, trong mỗi chữ viết. Tôi gởi cho họ những cảm nghiệm của tôi về tình yêu Chúa.
Tất cả đều là quà tặng được gói nhỏ lại và gởi qua trái tim Chúa Giêsu. Tôi không hy vọng quà tặng vì có tên người gởi nên được chuyển đi. Nhưng tôi hy vọng quà tặng được chuyển đi, chính vì nó là một của lễ đã được Chúa chấp nhận. Của lễ hèn mọn hoà tan trong tình yêu cứu độ của Chúa.
4. Qua những hồi âm, tôi nhận được nhiều niềm vui bất ngờ. Bất ngờ nhiều nhất đến từ những người nghèo khổ, từ những người trước đây bỏ đạo nay trở về, và từ những người không công giáo nay tin vào Chúa. Những bất ngờ đó làm tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói xưa về người đại đội trưởng ngoại đạo: "Tôi bảo thật: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Issac và Giacop trong Nước Trời" (Mt 8,10-11).
Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Thêxalônica: "Chúng tôi biết nói gì để tạ ơn Chúa về anh em, vì tất cả niềm vui mà nhờ anh em tôi có được trước nhan Thiên Chúa chúng ta" (1 Tx 3,9).
Tôi cũng muốn mượn lời trên đây của thánh Phaolô để nói với các bạn độc giả xa gần về niềm vui như thế của tôi.
Trước đây, tôi được biết những niềm vui như thế nhờ người ta nói lại, nhưng bây giờ chính tôi được nếm thử. Nếm thử của tôi cũng phần nào phản ảnh lời Chúa Giêsu phán xưa: "Vậy, tôi nói cho các ông hay: Trên trời, ai nấy đều sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn" (Lc 15,7).
Niềm vui vừa kể mà Chúa ban cho tôi đang trở thành động lực truyền giáo trong tôi. Tôi nhớ tới lời thánh Phaolô: "Làm sao họ kêu cầu Đấng mà họ không tin? Làm sao họ tin Đấng mà họ không được nghe? Làm sao họ nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng nếu không được sai đi?" (Rm 10,14-15).
5. Sự sai đi truyền giáo dành cho các người kế vị các thánh Tông đồ là rõ ràng. Đó là sứ vụ cao cả. Trong tinh thần vâng phục và phó thác, tôi bước vào tương lai với một sức khoẻ đang hao mòn. Tương lai ở trong tay Chúa.
Trong niềm vui được sai đi với nhiều niềm vui khác, cũng có niềm vui được liên đới với những người đau khổ, nhất là được đau khổ với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Tất cả những niềm vui vừa kể đều sâu lắng, nên không vì thế mà tránh được nước mắt khổ đau.
Trong bầu khí cầu nguyện lúc này, tôi nhớ tới cách riêng những người đã nhắc nhở tôi về những yếu kém trong các bài tôi viết. Tôi xin chân thành cám ơn về những dạy bảo chân thành đó.
Tôi cúi đầu xin Chúa ban phúc lành cho tất cả những ai đã góp phần huấn luyện tôi.
6. Được huấn luyện, tôi cảm thấy điều này: Giá trị quan trọng nhất nơi một người là khả năng yêu thương người khác theo gương Chúa Giêsu. Một giọt tình yêu thương chân thành rất nhỏ mà có hy sinh và cầu nguyện nhiều khi cứu được cả một chuỗi cuộc đời.
Tôi học được điều trên đây đặc biệt nơi các bạn đọc. Tôi xin kính gởi nhận định đó tới Hội Thánh Việt Nam của tôi và Quê Hương Việt Nam của tôi.
Như vậy, đối với tôi, viết bài là một hành trình. Hành trình cầu nguyện và suy tư. Hành trình dài và lâu. Tôi đi cùng với nhiều người, cách riêng là với các bạn đọc và với mọi người tôi được Chúa sai đến. Tôi đi trong lòng Hội Thánh Việt Nam và Quê Hương Việt Nam. Trong suốt chuyến đi, tôi cố gắng đi trước mặt Chúa với tất cả lòng tin cậy phó thác.
"Lạy Cha, con phó mình con cho Cha. Xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha. Cha làm chi mặc lòng, con cũng cám ơn Cha. Con phó thác trót mình con trong tay Cha. Không do dự đắn đo, song vô cùng tin cậy: Vì Cha là Cha của con. Amen" (Charles de Jésus).
ĐGM. GB Bùi Tuần