Thời sự GH _ Lễ phong chân phước cho anh hùng tử đạo của Lubeck

Thánh Lễ
phong Chân Phước 
Anh Hùng Tử Đạo Lübeck, Đức quốc: 
“Làm chứng cho sự thật chống lại chế độ tàn ác Đức quốc xã”
Thành Phố Lübeck - Tòa Thánh Vatican chính thức loan báo ngày phong Chân Phước cho 3 Anh Hùng Tử Đạo Lübeck vào ngày thứ bẩy, 25.6.2011, lúc 11g tại nhà thờ chính tòa Herz Jesu thuộc TP Lübeck ở Bắc Đức do Đức Hồng Y Angelo Amato, ĐHY Walter Kasper, Đức TGM Werner Thissen, Đức Cha Franz Bode, Đức Cha Norbert Trelle chủ tế và đồng tế.

Hermann Lange
3 Linh Mục phụ tá công giáo Hermann Lange, Eduard Müller, Johannes Prassek và một mục sư tin lành Karl Friedrich Stellbrink, lúc thi hành công việc mục vụ tại các giáo xứ thuộc tỉnh Lübeck đã bị Đức quốc xã xử chém đầu vào ngày 10.11.1943 tại nhà tù Hamburg bởi bản án của Đức quốc xã. Các Ngài bị kết án tử hình bởi tội: "phá hoại tinh thần quân đội, tuyên truyền gian trá chống chế độ, giúp thù địch, và nghe lén các chương trình phát sóng của thù địch."
Tòa Thánh Vatican đã chấp nhận ngày đề nghị phong Chân Phước do Tòa TGM Hamburg đề nghị. Một thủ tục duyệt trình án phong Chân Phước đạt đến một kết luận nhanh chóng bất thường. Vào năm 2004, Đức TGM Werner Thissen của TGP Hamburg thúc đẩy cho dự án đại kết phong Chân Phước cho tất cả 4 vị giáo sĩ đã không thể không gây ra nhiều tranh cãi và đưa đến mâu thuẫn giữa 2 Giáo Hội. Mới đây, Đức TGM Werner Thissen đã nhấn mạnh, vị mục sư tin lành Karl Friedrich Stellbrink không có thể được phong Chân Phước theo lễ nghi Giáo Hội Công Giáo, tuy nhiên trong ngày lễ phong Chân Phước, mục sư Stellbrink sẽ có một nghi lễ tưởng niệm tôn vinh đặc biệt dành riêng cho Ngài.
Đây là nghi lễ phong Chân Phước đầu tiên tại vùng Bắc Đức được tổ chức tại thành phố Lübeck, nơi quê hương của các vị Anh Hùng Tử Đạo. Ước lượng hàng chục ngàn giáo dân Công Giáo và Tin Lành sẽ đến tham dự.

Eduard Muller
Ngày lễ Phong Chân Phước vào tháng 6 được chọn ra dựa vào bản kết án tử hình cho 4 vị Tử Đạo đã được công bố vào ngày 23.6.1943. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đánh giá rằng tình hữu nghị của 4 giáo sĩ như là một "nhân chứng đầy ấn tượng của phong trào đại kết qua lời cầu nguyện và khổ đau". Họ là những "cột mốc tỏa sáng" của cuộc đối thoại đại kết.
Đức TGM Werner Thissen cho biết hai Giáo Hội đang chuẩn bị cho "ngày lễ hội trọng đại của chúng tôi ở miền Bắc Đức". Bốn giáo sĩ đã bị xử tử dưới chế độ vô nhân đạo của Đức quốc xã. Bản án tử hình đã làm cho 4 Vị can đảm thêm để làm chứng cho đức tin. Cuộc phong Chân Phước từ Giáo Hội Công Giáo xác nhận sự tôn vinh của giáo dân Đức trong vùng Bắc Đức dành cho 4 Vị trong nhiều thập niên qua.
Đức TGM Werner Thissen nhấn mạnh lễ phong Chân Phước không loại trừ một ai. Cùng với 4 Vị giáo sĩ còn có 18 giáo dân bị giam tù cùng với vô số tù nhân người Do Thái, Sinti và Roma, người đồng tính và những người bất đồng chính kiến chính trị. "Đây không phải một quyền dành riêng cho 4 Vị, nhưng cũng bao gồm tưởng niệm đến các nạn nhân khác. Tuy nhiên, 4 Vị Tử Đạo sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ trong thời gian ngục tù và chứng nhân của các Ngài tỏa sáng và vững vàng.“

Johannes Prassek
"Chúng tôi rất tự hào vì Thánh Lễ phong Chân Phước đuợc cử hành tại Lübeck“, bà Regina Pabst, 82 tuổi cho biết. Quan trọng là thành phố Osnarück hoặc Hamburg không được đăng cai tổ chức. Thành phố Lübeck thuộc về Giáo phận Osnabrück từ năm 1943 và từ năm 1995 thuộc về TGP Hamburg. Bà Pabst đã nói như thế vì khi còn là thiếu nữ đã học giáo lý nơi cha phó Eduard Müller. Bà chính là chứng nhân cho Ngài và đánh giá cha Müller là một linh mục thánh thiện.
Trong chương trình tổ chức ngày đại lễ phong Chân Phước, GH Tin Lành sẽ tổ chức thêm một Thánh Lễ vào tối thứ sáu, 24.6.2011 trong nhà thờ tin lành của Lübeck. Giáo Hội Công Giáo chính thức phong Chân Phước cho 3 Anh Hùng Tử Đạo Lübeck vào thứ bẩy, 25.6.2011, lúc 11g tại nhà thờ Herz Jesu của TP Lübeck. Hàng năm, tại nhà thờ Herz Jesu qua nhiều thập niên hai Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành luôn gặp gỡ nhau để cầu nguyện với 4 Vị Tử Đạo Lübeck vào dịp tưởng niệm ngày giỗ của các Ngài.
Ba linh mục công giáo Hermann Lange, Eduard Müller, Johannes Prassek và một mục sư tin lành Karl Friedrich Stellbrink của Lübeck đã chấp nhận trả giá bằng mạng sống của họ chống lại tội ác của Đức quốc xã. Sự hy sinh mạng sống này không làm cho chiến tranh được rút ngắn lại hoặc làm cho chế độ phi nhân của Đức quốc xã tan rã, nhưng giá trị làm chứng nhân của họ cho thấy sự thật về một thế giới tốt đẹp hơn trong một bầu trời tối tăm mất hết hy vọng. Họ là chứng nhân của công lý chống lại sự dối trá, giết người trong trại tập trung. Họ là nhân chứng gìn giữ nhân phẩm của con người trong một chết độ tạo ra sự khinh miệt con người. Họ là nhân chứng của đức tin trong một thời đại mà con người tự ngạo như Hitler tự tôn vinh coi mình là Thiên Chúa để gây ra tai họa chiến tranh thế giới và dã tâm khử trừ người Do Thái và các bệnh nhân tâm thần.

Mục sư Karl F. Stellbrink
"Đồng nhất tất cả như nhau" là một công cụ tuyên truyền về sự thống trị của chế độ Đức quốc xã: sự im lặng, sự tuân phục là yêu cầu duy nhất cho sự phân loại của chế độ. Bốn giáo sĩ của TP Lübeck từ chối tùng phục lời yêu cầu tối thượng này.
Họ đã vạch ra rõ ràng những mâu thuẫn không thể dung hoà được giữa đức tin của người Kitô giáo và sự tạo ra phân biệt chủng tộc này, cũng như đối chọi lại ý thức hệ vô thần của Đức quốc xã. Họ can đảm không câm miệng trước những mâu thuẫn như thế. Họ rao giảng sự thật và không để chính quyền cấm cản tự do ngôn luận của họ. Khi các bất công của chế độ kéo dài thì họ càng ý thứ hơn trong việc rao giảng Luật Chúa: Vâng lời Thiên Chúa hơn luật lệ của con người lúc chế độ dùng sự khủng bố cai trị và bắt đầu một cuộc chiến tranh hủy diệt.
Lúc ấy tại giáo phận Münster có vị mục tử là Đức giám mục Clemens August Graf von Galen đã lên án công khai chế độ Đức quốc xã bằng những bài giảng thì Bốn vị giáo sĩ của Lübeck đã sao chép lại những lời giảng huấn này và chuyền tay cho giáo dân tại Lübeck. Những lời giảng về sự thật này làm cho họ thêm can đảm phá tan được bức tường im lặng và thốt to lên những điều trước đây vì sợ hãi chỉ dám giữ thầm kín trong lòng - nhằm chống lại một chế độ tàn ác khi Đức quốc xã của Hitler bắt đầu chiến dịch tiêu diệt "những gì không xứng đáng với cuộc sống" mà khởi đầu bằng các vụ giết chết các bệnh nhân tâm thần người Đức.

Làm chứng cho công lý và sự thật đã nối kết được Bốn vị tử đạo với giáo dân mật thiết với nhau. Chứng nhân tử đạo của họ là mẫu gương phát xuất từ sức mạnh của lòng tin. Họ mạnh dạn cùng nhau đứng lên cho Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô, người đã vạch rõ ra sự bất công, chỉ ra những kẻ dối trá. Bốn vị tử đạo làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa như là một nguồn mạch của cuộc sống.
Bốn vị tử đạo cùng nhau rơi đầu bên máy chém. Họ biết mình không thể tách rời ra khỏi Thiên Chúa, "Chúng ta giống như là anh em," cha Hermann Lange làm chứng nói như thế trước máy chém. Ranh giới về tôn giáo đối với họ không còn là mối quan tâm hàng đầu.
Ngày phong Chân Phước đáng ghi nhớ này sẽ mở ra một chân trời mới và tạo ra hướng đi tốt cho giáo dân cũng như khuyến khích giáo dân Công Giáo và Tin Lành làm theo những gì cha Hermann Lange, cha Eduard Müller, cha Johannes Prassek và mục sư Karl Friedrich Stellbrink đã thực hiện rao giảng sự thật bằng cả mạng sống của mình. Bốn vị Tử Đạo đã sống Lời Chúa trong tinh thần, trong đức tin và trong hành động.
Sau Thánh Lễ phong Chân Phước lúc 11g ngày 25.6.2011 là lễ hội được tổ chức ngoài trời trên sân cỏ Domwiese của thành phố Lübeck cho tất cả mọi người trong niềm hy vọng của ngày vui đại kết.
Cùng lúc, ai muốn có giây phút cầu nguyện riêng với các vị Tân Chân Phước thì xuống nhà nguyện dưới hầm kính các Ngài trong nhà thờ Herz Jesu. Lúc 13 giờ bắt đầu cuộc triển lãm hình ảnh và thánh tích (quần áo mặc trong tù) về các vị Tân Chân Phước trong nhà thờ này.
Sau đó lúc 15g30 Chầu Tạ Ơn kết thúc ngày đại lễ tại nhà thờ Herz Jesu.
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn (Vietcatholicnews)