Học làm người _ đừng than tiếc những gì đã mất

ĐỪNG THAN TIẾC NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT
Ông Sunders kể: “Bấy giờ tôi chưa đầy 20 tuổi, mà đã biết lo sợ đủ thứ. Bài làm có lầm lỗi chỗ nào, tôi ngấm ngầm dày vò tôi cho đến khổ sở; gặp một kỳ thi, tôi thức thâu đêm để cắn móng tay, sợ mình bị rớt. Tôi sống để suy nghĩ những việc đã làm, để mà hối tiếc, đắn đo đến những câu đã nói, tự trách mình sao chẳng nói thế này thế nọ có hơn không?”
Thế rồi một buổi sáng, lớp tôi tựu tại phòng thí nghiệm, ban thực vật học và thấy trên bàn, trước mặt ông giáo Brandwine, lù lù một chai sữa. Chúng tôi ngồi xuống và tự hỏi không biết chai sữa kia có liên hệ gì đến bài học vệ sinh bữa đó? Bỗng nhiên ông Brandwine đứng phắt dậy, gạt chai sữa cho rơi mạnh vào chậu sứ  rửa tay và la lớn lên rằng: “Đừng có than tiếc chỗ sữa đổ”. (Một câu phương ngôn của người Anh, Mỹ). 
Đoạn ông bảo chúng tôi lại gần mà nói: “Ngó cho kỹ, vì tôi muốn các trò nhớ bài học này suốt đời. Chỗ sữa này chảy mất hết và các trò có thể thấy nó đang chui ra đường mương, bây giờ các trò có dằn vặt và bứt tóc, cũng không thể thu lại được một giọt. Suy nghĩ một chút, cẩn thận một chút, thì có lẽ chỗ sữa này đã không mất, bây giờ trễ quá rồi và ta chỉ còn có việc quên phứt nó đi, để bắt đầu làm việc khác”.
Ông Sunders thêm rằng: “Sự chứng minh nhỏ đó, nay tôi còn nhớ như in, trong khi tôi đã quên hẳn những bài học La Văn mà tôi đã thuộc làu. Thật ra trong đời sống thực tế, nó có ích nhiều hơn bất cứ môn nào tôi đã học trong bốn năm tại đại học. Nó dạy tôi rán đừng có làm đổ sữa, nếu có thể được; nhưng khi sữa đã đổ loe loét xuống cống, thì quên phứt nó đi cho rồi chuyện”.
Người ta thường nói: Chưa tới cầu, đừng lo thiếu cách qua sông, hay nói theo người Âu Mỹ: Đừng than tiếc chỗ sữa đổ. Tuy đó là những câu nói quá thông thường, nhưng chúng ta cũng cần biết rằng, những câu thông thường đó là tinh túy của đức tính khôn ngoan, lịch lãm truyền lại do kinh nghiệm của biết bao đời người. Nếu chúng ta có dịp đọc tất cả những sách diệt nỗi ưu tư của các tác giả trên khắp thế giới, thì chúng ta cũng khó lòng kiếm đươc những câu nào có ý nghĩa sâu xa hơn hai câu chúng ta vừa nêu: Chưa tới cầu, đừng lo thiếu cách qua sông, hoặc đừng than tiếc chỗ sữa đổ.
Ông Fred Fuller Shedd lúc sinh thời có biệt tài phô diễn những ý cũ mèm và đập nó vào trí não người ta. Ông là chủ bút tờ báo Philadelphia Bulletin và đi diễn thuyết trước những học sinh một trường trung học. Ông đã hỏi họ: “Những trò nào đã thấy xẻ gỗ, thì giơ tay lên”.
Phần đông đều giơ tay. Đoạn ông lại hỏi: “Những ai đã thấy xẻ mạt cưa?”
Không một ai giơ tay cả. Ông liền nói: “Lẽ dĩ nhiên có ai thấy xẻ mạt cưa bao giờ. Làm sao mà xẻ nó được, vì nó đã vụn như cám rồi! Quá khứ cũng vậy. Khi chúng ta ưu tư về những chuyện đã qua, hối tiếc thì đã muộn, nhưng đó chính là chúng ta đã đem đống mạt cưa ra mà xẻ”.
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công