Học làm người _ đánh giá sự việc cho đúng

ĐÁNH GIÁ SỰ VIỆC CHO ĐÚNG
Benjamin Franklin hồi 7 tuổi, lỡ làm một việc mà bảy mươi năm sau ông còn nhớ tới. Thuở ấy ông mê một chiếc còi (tu huýt), mê tới nỗi, ông chẳng hỏi giá chi hết, đã dốc ráo tiền trong túi ra mua. Bảy chục năm sau, ông viết thư cho bạn: “Rồi tôi về nhà, vừa đi vừa thổi, tôi thích chí lắm, nhưng các anh chị tôi thấy trả giá hớ quá, chế giễu tôi, khiến tôi xấu hổ, òa lên khóc”.
Về sau, khi Franklin đã nổi danh khắp toàn cầu, làm Đại Sứ ở Pháp, ông còn nhớ rằng nỗi buồn đã mua hớ, mạnh hơn là niềm vui được chiếc còi và trước khi làm việc gì, ông cũng tự nhủ: “Coi chừng kẻo bị hớ như mua còi nhé!”. Ông nói tiếp: “Khi lớn lên,suy xét những hành động của người đời, tôi tưởng có rất nhiều người lớn đã “ mua hớ chiếc còi”. Tóm lại tôi nhận thấy rằng, họ tự mua chuốc nỗi khổ sở của họ, chỉ vì định giá sai những vật trên đời và đang “mua hớ những chiếc còi”.
Theo bộ bách khoa tự điển của Anh, thì ông Léon Tolstoi, trong 20 năm cuối đời có lẽ là người được ngưỡng mộ vào bậc nhất thế giới. Trong 20 năm ấy, từ năm 1890 tới năm 1910, không lúc nào ngớt người đến nhà ông – như tín đồ hành hương – để được ngó dung nhan, nghe tiếng nói, hoặc sờ vạt áo của ông. Mỗi lời ông nói ra được người ta chép lại liền vào sổ tay, gần như lời mặc khải vậy.
Nhưng về đời sống hằng ngày của ông, thì Tolstoi, 70 tuổi không khôn hơn Franklin hồi 7 tuổi chút nào hết.
Ông cưới một cô gái mà ông yêu lắm, tên là Sofia. Đời sống chung của cặp vợ chồng sung sướng quá đến nỗi ông bà thường quì gối cầu nguyện Chúa Trời cho được sống mãi hoàn cảnh thần tiên ấy. Nhưng tính bà cả ghen. Chỉ ít lâu sau, bà thường ăn mặc giả người nhà quê mà dò la cử chỉ của ông cả khi ông đi chơi trong rừng. Rồi khi giông tố ghê gớm nổi lên, vì bà ghen, ghen cả với con gái và lấy súng bắn một lỗ vào hình con gái bà. Bà lăn lộn trên sàn, đưa một ve nha phiến lên môi và dọa sẽ tự tử, khiến con gái hoảng sợ, nép vào góc phòng mà la hét. Còn ông thì làm gì? Ông đập chén, đập dĩa, không phải là vô cớ, nhưng ông còn làm tệ hơn vậy nữa. Ông chép những chuyện đó vào nhật ký, trút cả lỗi lên đầu bà! Đó ‘cái còi đắt giá’ của ông. Ông nhất định kiếm cách tỏ cho hậu thế: không phải ông, mà là bà có lỗi. Và bà làm gì để đáp lại? Tất nhiên bà đã xé phăng hết, rồi cũng viết nhật ký để mạt sát ông. Bà còn viết một tiểu thuyết nhan đề là: “Lỗi tại ai?”, trong đó bà đã tả ông như một con quỷ, còn bà chỉ là một người chịu cực hình vậy.
Tại sao hai ông bà nhất định biến gia đình mình thành một “nhà thương điên”! như ông đã nói? Đã đành có nhiều nguyên nhân lắm, nhưng nguyên nhân chính là cả hai ông bà đều nhiệt tâm muốn làm cho chúng ta, là những con người hậu sinh cảm động. Ông bà lo về những lời khen chê của hậu thế quá. Nhưng quả thực chúng ta có mảy may bận tâm về việc ông hay bà có lỗi không? Không! Hoàn toàn không! Chúng ta đều lo về việc riêng của chúng ta, chứ có hơi đâu để phí thời giờ vào chuyện gia đình Tolstoi.
Cặp vợ chồng khốn khổ ấy đã trả mắc “chiếc còi” của họ biết bao!
Nếu chúng ta luôn luôn quá bận tâm về những lời dị nghị, phê phán của kẻ khác, là chúng ta đã đánh giá sai sự việc.
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công