Học làm người _ ba pho tượng vàng

BA PHO TƯỢNG VÀNG
Xưa một nhà vua Ấn Độ, muốn thử nhân tài của một nước chư hầu, liền gửi tới nước này ba pho tượng vàng, giống hệt nhau.
Nhà vua Ấn Độ xin nhà vua chư hầu cho biết, trong ba pho tượng vàng này, có một pho tượng giá trị nhất và một pho tượng kém giá trị nhất.
Nhà vua nước chư hầu cho triệu tập các nhà thông thái tới để đánh giá ba pho tượng vàng này, tìm ra xem pho tượng nào quý nhất và pho tượng nào kém giá nhất. Các nhà thông thái nghĩ ngay tới giá trị mỗi pho tượng sẽ căn cứ vào cân nặng nhẹ, hoặc vào tuổi vàng (vàng tốt, vàng xấu), hoặc căn cứ vào nghệ thuật tìm thấy trên ba pho tượng vàng!
Nhưng rồi các nhà thông thái đành phải bó tay, vì ba pho tượng này giống hệt nhau về nghệ thuật, về nặng nhẹ, về tuổi vàng. Không ai tìm ra chi tiết nào khác nhau trong ba pho tượng đó. Nhà vua nước chư hầu rất buồn, vì không biết được giá trị hơn kém của ba pho tượng. Vua liền cho loan báo khắp nước: Ai tìm ra được bí mật giá trị của mỗi pho tượng, sẽ được trọng thưởng.
Có một người tù, biết chuyện, xin được coi ba pho tượng này, thì anh chỉ xin một điều kiện là cho anh được tự do. Lập tức nhà vua cho anh xem ba pho tượng.
Vừa ngó xong ba pho tượng, anh ta xin một cọng rơm và cho phép anh mang ba pho tượng vào một phòng kín. Chỉ trong mười phút sau, anh đi ra và cho biết anh đã khám phá ra giá trị hơn kém của ba pho tượng vàng. 
Anh lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ nhất, thì thấy cọng rơm xuyên từ lỗ tai nọ sang lỗ tai kia, anh bảo: đây là pho tượng ít giá trị nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người, nghe điều gì, vừa vào tai nọ, đã sang tai kia, không biết ghi nhớ, không biết suy nghĩ: đó là hạng người đểnh đoảng, vô tâm, vô trí. 
Anh ta lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ hai, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai, chạy xuống miệng pho tượng. Anh bảo: pho tượng này tốt hơn pho tượng trước là vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ, nhưng mắc khuyết điểm là: vừa nghe được gì đã vội nói ngay, không suy nghĩ xem điều mình nghe đúng hay sai, nói ra có lợi hay có hại. 
Anh lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ ba, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống bụng. Anh nói: pho tượng này quý nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ, biết để lòng suy nghĩ, biết ghi tâm tạc dạ mình.
Mọi người đều thán phục anh. Nhờ anh, người ta đã khám phá ra pho tượng đáng giá nhất và pho tượng ít giá trị nhất.
Vừa nghe được gì đã vội nói ngay là con người ít giá trị. Tiến Sĩ Bernadô đã nhắc chúng ta: “Chớ vội nói những điều đã nghe vì thường gây ra nhiều tai hại”.
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công