HỌC LÀM NGƯỜI _ ích riêng và ích chung

ÍCH RIÊNG VÀ ÍCH CHUNG
Mối dây ràng buộc trong một gia đình là tình ruột thịt, tình máu mủ v.v… Còn mối dây ràng buộc trong một xã hội là mối dây cùng chung một quốc gia, một dân tộc… Cũng do đó, nếu mỗi người trong xã hội chỉ ích kỷ nghĩ tới mình, thì dây liên lạc sẽ rất lỏng lẻo: Lúc đó mỗi người, ít biết hy sinh cho cộng đồng, và vì cộng đồng. Mà nếu phần tử của cộng đồng chỉ nghĩ tới ích lợi riêng của mình, thì cộng đồng sẽ không phát triển, cộng đồng sẽ không còn đưa lại hạnh phúc cho mỗi người nữa và kết quả là: mỗi thành phần, chính mình sẽ phải chịu thiệt thòi rất nhiều, hay nói đúng hơn: cuộc sống cộng đồng đó không còn đưa lại hạnh phúc cho họ nữa…
Con người biết nghĩ tới ích chung, tha thiết với ích chung là con người đáng được tôn trọng, dễ dàng sống với mọi người.
Người nghĩ tới ích chung khi thấy một ngọn điện thắp sáng vô ích, do một người khác quên không tắt, thì chính mình tắt đi, mặc dầu mình không có nhiệm vụ. Gặp một vòi nước chảy vô ích, biết khóa lại: Đó là con người biết nghĩ tới ích chung.

Người ta chỉ ca tụng những con người biết hy sinh chính ích lợi của riêng mình, quyền lợi riêng mình, để mưu ích cho người khác.
Quân nước Tề sang đánh nước Lỗ. Khi đến chỗ giáp giới, trông thấy người đàn bà một  tay bồng một đứa bé, một tay dắt đứa nữa. Người đàn bà thấy quân kéo tới, vội vàng bỏ đứa đang bồng trên tay xuống mà bồng đứa bé đang dắt, rồi chạy trốn vào trong núi. Đứa bé kia chạy theo khóc, người đàn bà cứ chạy không ngoảnh lại.
Một viên tướng nước Tề cho bắt đến, hỏi: “Đứa bé nàng bế chạy là con ai? Còn đứa bé nàng bỏ liều là con ai?”
Người đàn bà thưa: “Đứa tôi bế là con anh cả tôi; đứa tôi bỏ lại là con tôi. Tôi thấy quân lính kéo đến, sức tôi không thể bảo toàn được cả hai đứa, cho nên tôi đành phải bỏ con tôi lại”.
Viên tướng nước Tề nói: “Con với mẹ kể tình thân yêu thì đau xót lắm. Nay bỏ con mình lại mà chạy lấy con anh là cớ làm sao?”
Người đàn bà nói: “Con tôi là ‘tình riêng’ con anh tôi là ‘nghĩa công’. Con đẻ tuy đau xót thật, nhưng đối với việc nghĩa thì tính làm sao. Cho nên tôi đành bỏ liều con tôi mà làm việc ‘nghĩa’. Tôi không thể nào chịu tiếng vô ‘nghĩa’ mà  vác mặt sống ở nước tôi được”.
Viên tướng nước Tề dừng quân lại, sai người tâu với vua Tề rằng: “Nước Lỗ chưa thể đánh được. Quân ta mới đến chỗ cương giới, đã thấy con mụ đàn bà xó rừng còn biết làm điều ‘nghĩa’ chẳng chịu đem tình riêng mà hại ‘nghĩa công’ huống chi là những bậc quan lại, sĩ phu trong nước. Xin kéo quân về”.
Vua Tề cho là phải.
Sau vua Lỗ biết chuyện này, thưởng người đàn bà một trăm tấm lụa và phong tước.

Câu chuyện cho ta thấy sức mạnh của một quốc gia được biểu lộ nơi những con người biết nghĩ tới người khác, biết hy sinh quyền lợi mình cho quyền lợi người khác. Hiển nhiên là giá trị của một cộng đồng, cũng được biểu lộ nơi  những con người biết hành động như vậy.
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công