CON ĐƯỜNG VỀ TRỜI

§1 - TIẾNG GỌI VỀ TRỜI
Hồng y Fulton Sheen
Những kẻ ước mong tôn giáo không có thánh giá, tự gọi mình là phái vô tri, ngõ hầu trốn tránh trách nhiệm luân lý phát sinh từ sự thật siêu nhiên.
Chủ nghĩa yếm thế, vô tri, nghi nan trí thức, không thể đưa ra phản chứng tinh thần được. Bởi lẽ ở đâu có cái bóng thì ở đấy có ánh sáng. Ánh sáng làm nên cái bóng. Nếu không có chi để phủ nhận, thì phủ nhận làm gì? Cho nên những thái độ trên chỉ là luận cứ luân lý suông. Trong luận cứ này người ta cố gắng bảo vệ mình khỏi chân lý siêu nhiên, làm thương tổn thói quen sống của mình, bằng cách khước từ sự hiện hữu của sự thật siêu nhiên, hay ít là quay lưng lại với nó, như quan Philatô trong vụ án Chúa Giêsu. Không phải nghi ngờ làm nên hạnh kiểm tha hóa. Ngược lại hạnh kiểm xấu gây nên nghi ngờ. Chúa Giêsu vạch rõ quan điểm này khi tuyên bố: "Quả thật ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Những kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa." (Ga3,20-23). "Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, và nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh làm chứng về tôi, các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống." (Ga 5,39-40). Thánh Phaolô nhắc lại ý kiến của Chúa mình: "Họ tuyên bố là biết Thiên Chúa, nhưng trong hành động họ lại chối Người. Họ là đồ ghê tởm, không vâng lời và không có khả năng làm việc gì tốt." (Tt 1,16).
Điều quan trọng không phải là chuyện người ta nói chống lại Thiên Chúa, chống lại Đấng Cứu Thế, chống lại Ngôi Hai nhập thể, chống lại Hội Thánh nhưng là tại sao người ta làm như vậy. Chữ "tại sao" chẳng qua là sự "phổ thông" hóa thói quen sống của người ta. Người tín hữu bỏ đạo, thường lý luận như sau: "Tôi không thể tin vào bí tích thống hối được nữa." Thực tế anh ta nói: "Cuộc đời tôi tội lỗi qúa. Tôi chẳng từ bỏ nếp sống nhục dục, để làm việc đền tội với Thiên Chúa." Lý trí được dùng ở đây để tạo ra nghi nan giả hiệu, để che phủ động cơ thực sự chứ không phải thực tế là như vậy. Vì thế chỉ một mình Thiên Chúa có đủ quyền năng để phán xét chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng tự bào chữa, tự biện minh cho mình, lấp liếm sự thật, không đáng tin cậy.
Có ba loại thói xấu chất chứa trong linh hồn tựa giống như bụi bậm trên tấm kính cửa sổ, ngăn cản ơn thánh Chúa đến với nhân loại. Bụi bậm thứ nhất là xác thịt hay lòng yêu thích vô độ các sung sướng giác quan. Loại thứ hai là tiền bạc gồm cả các tiện nghi, tài sản. Loại thứ ba là kiêu căng, ích kỷ, tính phù phiếm khoe khoang. Tẩy rửa cửa sổ linh hồn cho thanh sạch là điều kiện mời Chúa đến gần hơn: "Phúc cho những ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa."
Tất cả những lời khuyên nhủ, kêu gọi, luận cứ, dụ dỗ, để thăng tiến luân thường đạo lý chỉ là các yếu tố ngoại lai đối với con người ta. Giống như kiểu tư vấn tâm lý, hôn nhân, học đường thời nay. Sẽ không có hiệu qủa nếu không có hành động tự bên trong con người cần được cải tổ. Chúng là những yếu tố bên ngoài giống như việc rung chuông trước cửa. Người ta không thể bước vào trong nhà nếu không có ai đáp lời từ bên trong. Kẻ nghiện rượu có thể công nhận rằng các luận cứ tâm lý hay mô phạm đều đúng cả. Nhưng hãy còn khoảng cách to lớn giữa tri thức phải lẽ và hành động theo lẽ phải. Thực tế nhiều con nghiện biết mình sai, biết ý chí của mình nếu không được nâng đỡ quyết liệt, vẫn không thể thoát ra khỏi vòng kiểm tỏa của rượu chè. Và họ có thể nổi sùng chống lại những ai can thiệp vào nếp sống của họ, chỉ vì các lời khuyên nhủ cải thiện của những người ấy. Nhiều cuộc cải cách nhân bản, pháp luật, luân lý đã từng được coi là không liên hệ tới mình bởi những tính nết hư hỏng.
Cho nên xét về mặt khác, ơn thánh Chúa là quan trọng. Nó hoạt động từ bên trong. Nó hoàn toàn có tính cá nhân, không chia sẻ được với ai, đến nỗi đương sự tưởng rằng do mình làm ra. Tác động của Thiên Chúa trong linh hồn không giống tác động của người khuyến dụ cải đạo. Người khuyến dụ cải đạo hành động tự bên ngoài, giống như trái banh trên bàn Billiard. Trái nọ va chạm vào trái kia. Nhưng đối với Chúa Giêsu, mặc dầu hoạt động qua các tông đồ, nhưng thấm nhập vào tận tâm can trí tuệ. Gọi là hoạt động nội tại, tức hành động của các sinh vật nẩy nở và tăng trưởng. Khi ơn thánh hoạt động trong linh hồn, nó giống như một luồng sáng chiếu qua các cửa với muôn hồng nghìn tía mà trước kia các ô kính không có, lạnh ngắt và đen xì. Thật khó mà mô tả chính xác hoạt động của ơn Chúa trên các linh hồn. Bởi lẽ nó hoàn toàn tinh thần và vô hình, giống như chân lý đối với trí khôn. Chân lý hai nhân hai là bốn không chiếm một không gian nào hoặc chiều dài rộng trong trí óc chúng ta. Vậy mà nó có ở đấy, người ta hiểu được nó. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và hành động của mỗi người. Trên bình diện cao hơn, Thiên Chúa hành động trong trí tuệ chúng ta như chân lý và trong lòng muốn chúng ta như tình yêu mến. Đôi khi Ngài còn tác động mạnh mẽ vào linh hồn bằng một lực màu nhiệm khôn tả, đòi hỏi người ta phải cắt đứt hoàn toàn với ngoại vật.
Lúc Thiên Chúa chiếm đoạt, nhiều khi linh hồn không nhận ra. Chúng ta có thể nói Thiên Chúa xâm nhập linh hồn giống như kẻ trộm ban đêm. Người ta có thể đón nhận Ngài và cũng có thể khước từ. Nhưng không thể ngăn cản Ngài xâm nhập, bởi lẽ chính Ngài đã dựng nên nó. Giống như mặt trời mọc, đâu có phải xin phép ban đêm. Cũng vậy đời sống thần linh thấm nhập linh hồn chúng ta không cần hỏi ý sự tối tăm của trí khôn? Thiên Chúa thiết lập đầu cầu đổ bộ vào chính lúc chúng ta bất ngờ nhất, gần như là bí mật, chẳng cần chúng ta có ý thức về sự hiện diện của Ngài. Ngài đến giống như một ý nghĩ, tự dưng nẩy sinh trong đầu óc chúng ta, giống như ước mong mãnh liệt bất thần nổi dậy trong lòng muốn. Việc Ngài đột nhập không thấy được ngay lúc đầu. Chúng ta không hay biết Ngài có mặt trong linh hồn. Cũng chẳng thể cưỡng lại được bởi lẽ chúng ta không cảm nghiệm sự can thiệp nào từ bên ngoài. Thậm chí chúng ta còn nghĩ rằng sự hứng khởi của tinh thần mình là tự phát, mà không nghi ngờ nó đến từ Thiên Chúa. Giống như chúng ta nghĩ rằng đôi mắt mình tự thân xem thấy mọi sự, mà không ý thức sự cần thiết của mặt trời soi sáng, chỉ sau này khi đã hiểu rồi, chúng ta mới ngộ ra đó là tác động của ơn thánh siêu nhiên và vĩnh cửu.
Các cơ hội Đạo Chích thiêng liêng chọn để lấy đi những bất hạnh của chúng ta rất đa dạng. Nó có thể là giây phút chúng ta đã no thỏa sung sướng xác thịt, như trường hợp của Léon Bloy hay trước cảnh tượng của người qua đời, như thánh Phanxicô, hay cô đơn trong sa mạc với các trăng sao quá gần, như Ernest Psichari, hoặc đọc một cuốn sách hay như Jacques Maritain, hay nghe chuông nhà thờ như Paul Claudel. Bất cứ hoàn cảnh ngoại lai nào cũng có thể đem chúng ta về với Thiên Chúa. Chúng không quan trọng lắm. Chúng chỉ là những tình huống mỗi cá nhân được gặp Chúa. Tuy nhiên Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, có thể gặp Ngài bất cứ nơi đâu, miễn chúng ta có lòng thành gọi là thiện tâm. Mặc dầu Thiên Chúa giữ lại cho mình quyền năng hành động trong tâm hồn người ta, khuyến khích họ trên đường nhân đức, xa tránh thói hư tật xấu. Tuy nhiên Ngài để tự do lựa chọn cho nhân loại hoặc đón nhận hoặc tẩy chay Ngài. Nhưng việc đột nhập linh hồn là quyền của Ngài, Ngài khuấy động lương tâm, dằn vặt, cắn rứt nó, để nó từ bỏ tội lỗi, cải tạo nếp sống, ngõ hầu các đốm lửa ơn thánh bùng lên và đốt cháy. Người ta được tự do tranh cãi về sự thật, sự thiện, nếu như người khác viện ra. Nhưng tiếng nói bên trong mỗi người thì chẳng ai dám phủ nhận. Sự lựa chọn của chúng ta không phải nằm ở chỗ đồng ý hay không với mặc khải của Ngài trong tâm hồn, mà là chấp nhận hay từ chối lời kêu gọi của sự thật mà thôi. Sự thật mà linh hồn đã nhận biết.
Lm. Thomas Túy, O.P. dịch