XÃ HỘI

Mạng xã hội là “cơ hội chưa từng có của thế giới”

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói rằng các phương tiện báo chí mới, mạng xã hội, đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho mọi người trong việc tạo ra và tiếp nhận thông tin, thúc đẩy dân chủ và tiến bộ xã hội.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Ảnh: AP
Các mạng xã hội như Facebook hay Twitter đang giúp tạo ra những thay đổi kinh ngạc trên thế giới, thay đổi cách thức giao tiếp của hàng trăm triệu người. Nhấn mạnh đến vai trò của các mạng xã hội trong các diễn biến dồn dập ở thế giới Ảrập đầu năm nay, hay trong thảm hoạ thiên nhiên ở Nhật Bản, ông Ban cho rằng các mạng xã hội sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong thế giới ngày nay.
“Chúng ta đang có những cơ hội chưa từng có, nhờ các công nghệ và phương tiện truyền thông mới. Ngày càng nhiều người có thể chia sẻ thông tin và trao đổi quan điểm, không chỉ trong quốc gia và còn vượt ra ngoài khuôn khổ các biên giới”, tuyên bố chung của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và chủ tịch UNESCO Irina Bokova đưa ra hôm nay có đoạn.
“Đây là điều tuyệt vời tạo điều kiện cho sự sáng tạo, cho những xã hội tốt đẹp và cho tất cả mọi người”.
Phát biểu của ông Ban được đưa ra tại hội nghị của Liên Hợp Quốc nhân ngày Tự do báo chí thế giới. Từ năm 1993, ngày 3/5 hàng năm được UNESCO (Tổ chức văn hoá, khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc) chọn làm ngày tự do báo chí toàn cầu.
Vai trò của các mạng xã hội trong việc tạo ra và duy trì tự do thông tin được đề cao. Trong thời đại ngày nay, các phương tiện như điện thoại di động, mạng xã hội, đã đựoc nhiều ngưòi, đặc biệt là những người trẻ tuổi, sử dụng rộng rãi và tạo ra tiến bộ xã hội.
Báo chí truyền thống đang đứng trước thách thức của việc chạy đua đưa tin nhanh hơn và đa dạng hơn các mạng xã hội. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng sự phát triển của các mạng xã hội không nhất thiết dẫn đến suy vong của các loại hình báo chí truyền thống.
Các chuyên gia chỉ ra rằng có 3 lực lượng trong cuộc cách mạng thông tin hiện nay, gồm các mạng xã hội, những cá nhân dẫn dắt xu hướng thông tin trên các mạng xã hội, và báo chí truyền thống.
Chẳng hạn trong các diễn biến ở Tunisia hay Ai Cập, những người dùng điện thoại di động và mạng xã hội tạo ra một lượng thông tin khổng lồ. Một số cá nhân, chẳng hạn như Wael Ghonim trở thành người dẫn dắt luồng thông tin đó. Và cuối cùng, các kênh truyền hình như Al-Jazeera hay France 24 - với thế mạnh kiểm chứng thông tin, đã giúp đưa thông tin từ các những người sử dụng công nghệ và mạng xã hội trở thành tin tức.
Báo chí truyền thống khiến các tin tức đó được phổ biến rộng rãi. Ba lực lượng này hình thành một tam giác tương hỗ lẫn nhau. Tin tức sau khi phát đi lại được các thành viên của mạng xã hội tiếp nhận, truyền bá và thảo luận, rồi từ đó tạo ra làn sóng tin tức mới.
Wael Ghonim, một trong những người đóng vai trò phát động biểu tình lật đổ Mubarak. Ảnh: AFP
Andy Carvin là chiến lược gia về mạng xã hội của đài phát thanh quốc gia Mỹ NPR. Trong những ngày đầu năm nay, mỗi ngày ông làm việc với những người dẫn dắt các mạng xã hội ở Ai Cập 16-17 giờ đồng hồ mỗi ngày, trở thành một “ngôi sao” trên Twitter.
Carvin cho rằng hoạt động của các phóng viên trên mạng ngày nay giống như của những biên tập viên dẫn các chương trình tin tức. “Người dẫn tin dựa vào phóng viên, biên tập viên và các chuyên gia”, Carvin nói. “Còn ngày nay, công việc của tất cả những người này được thực hiện bởi các twitter”.
Trong thời gian diễn ra cuộc nổi dậy ở Ai Cập, Carvin – không biết tiếng Ảrập, không phải là chuyên gia về Trung Đông – đã dựa vào thông tin của hơn 45.000 ngưòi theo ông trên mạng – liên tục dẫn dắt một dòng thông tin dồi dào và ổn định. Để kiểm chứng thông tin, Carvin dựa vào nguyên tắc số đông. Ông đặt ra một vài câu hỏi và nhận được hàng nghìn câu trả lời, từ đó phân tích và phán đoán.
Hôm 1/5, khi tin tức về cái chết của Osama bin Laden loan ra – đi trước tất các cả báo chí - Carvin đã liên tục theo dõi và phát đi phát lại tin này trên các mạng xã hội. Tuy nhiên chỉ đến khi có khẳng định chính thức từ Nhà Trắng, ông mới biến nó thành tin tức thực sự.
Các mạng xã hội toàn cầu như Facebook và Twitter có ảnh hưởng rộng lớn, nhưng chúng cũng không ngăn cản sự phát triển của các mạng địa phương. Viewspaper tại Ấn Độ là một ví dụ. Mạng này có sự tham gia của người ở lứa tuổi từ 17 đến 25, và không nhận bài viết của những người trên 35. Đây là nơi người tham gia đọc và thảo luận về hàng loạt chủ đề, từ các chính sách xã hội đến ẩm thực và thời trang.
Shiv Dravit, 25 tuổi, kể lại rằng khi anh lập ra mạng này hồi năm 2007, anh và các biên tập viên không chuyên đã đi đến rất nhiều trường đại học để giới thiệu với sinh viên. “Sau đó, khi chúng tôi có nhiều người biết đến, chính các độc giả bắt đầu viết.
“Mỗi khi có một bài báo mới, chúng tôi luôn trông đợi nhận được thật nhiều ý kiến với các cách nhìn khác nhau”, Shiv Dravit, được mời từ Ấn Độ tới hội nghị về báo chí mới và mạng xã hội tại Washington DC, nói. “Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi, đó là ý kiến phản hồi”.
Hiện Viewspaper có 5.000 người viết thường xuyên, mỗi ngày viết lên 7.000 mẩu tin hoặc gửi ý kiến bình luận.
Dravit cho hay một số công ty truyền thông khác cũng mở ra những trang tương tự, nhưng không thành công. Lý do là bởi các trang đó không làm ra đủ tiền để tồn tại, nhưng điều quan trọng hơn trong thất bại của họ là lối mòn. “Họ vẫn không thể thoát khỏi cách làm cũ, đó là đăng ý kiến của những cái gọi là chuyên gia tuổi hơn 60 tóc bạc da mồi, giảng giải cho giới trẻ”, Dravit bình luận.
Thanh Mai (Vnexpress)