Học làm người _ bí quyết thu phục nhân tâm _ 3

Buổi thuyết trình
“BÍ QUYẾT THU PHỤC NHÂN TÂM”


Có năm bước để phát triển tính linh hoạt để thực hành khả năng linh động với người khác:
Bước 1. Nhận diện tính cách của người khác bằng cách quan sát.
Bước 2. Tập trung vào các nhu cầu của người khác.
Bước 3. Phát triển thái độ tích cực về tính cách của người khác: Chúng ta có khuynh hướng chú ý vào khuyết điểm của người khác, hơn là vào ưu điểm của họ … đặc biệt là với những người có tính cách khác biệt với mình. Để vượt qua thái độ ngăn trở này cần cầu xin Chúa giúp đỡ để chú ý vào những ưu điểm của người khác, chứ không phải nhược điểm của họ.
Bước 4. Nhận diện các phạm vi gây căng thẳng: Chúng ta tự đánh giá mình theo quan điểm riêng, nhưng lại đánh giá người khác qua cách cư xử của họ và có khuynh hướng gây căng thẳng cho người khác bằng những việc chúng ta làm hay không làm. Khi căng thẳng xảy ra chúng ta muốn người khác thay đổi, nhưng không thay đổi chính mình. Để vượt qua thái độ ngăn trở này cần cầu xin Chúa thay đổi bản thân, xin Chúa giúp mình thực hiện các bước linh động để đáp ứng nhu cầu của người khác.
Bước 5. Thực Hiện Các Bước Linh Hoạt Để Đáp Ứng Các Nhu Cầu:
- Các Bước Linh Động Đối Với người "D": Lắng nghe nhiều hơn; Khích lệ người khác; Hãy kiên nhẫn; Giải thích tại sao; Đánh giá những rủi ro; Quan tâm hơn đến người khác; Hãy hỗ trợ; Hãy gần gũi, cởi mở; Bớt điều khiển người khác; Hãy sẵn lòng phục tùng.
- Các Bước Linh Động Đối Với người "I": Giảm tốc độ; Đừng bỏ dở công việc; Hãy tập trung vào kết quả; Đừng bốc đồng quá; Thực tế hơn; Hãy tự chủ với cảm xúc; Hãy đánh giá các hoạt động; Lắng nghe nhiều, bớt nói; Tập trung vào chi tiết và sự kiện; Sử dụng tính tự chủ.
- Các Bước Linh Động Đối Với người "S": Hãy dứt khoát hơn; Hãy tập khởi xướng; Tăng nhịp độ nhanh hơn; Hãy thẳng thắn hơn; Hãy sẵn sàng thay đổi; Sẵn sàng đương đầu với nan đề; Nhiệt tình hơn với các ý tưởng; Đừng nhạy cảm quá; Cần làm việc theo đúng thời hạn; Hãy tự tin hơn.
- Các Bước Linh Động Đối Với người "C": Đáp ứng nhanh hơn; Liều lĩnh nhiều hơn; Tin cậy trực giác của bạn; Lạc quan hơn; Đừng sợ hãi quá; Đừng bị gò bó, tự nhiên hơn; Đừng đòi hỏi quá nhiều sự kiện; Phát triển các mối quan hệ; Tập trung vào điều tích cực; Hãy linh động hơn.
Các nhân vật trong Kinh Thánh của từng nhóm cá tính được phân tích trên đã được Thiên Chúa sử dụng trong sự quan phòng của Ngài. Đối với từng nhân vật, Chúa đã cách đối xử thích hợp:
- Đối với Phaolô, người có chỉ số “D” cao: Chúa đã sử dụng kinh nghiệm trên đường Đamát để làm Phaolô chú ý (x. Cv 9,3-5); Chúa đã đặt vấn đề trực tiếp đối với Phaolô (x. Cv 9,6); Chúa đã cho phép Phaolô phát triển chức vụ tại các lãnh thổ mới và chưa được khám phá (x. Rm 15,20-21); Chúa cho phép Phaolô mang “cái dằm” để giữ ông luôn nương dựa vào Chúa (x. 2 Cr 12,6-7).
- Đối với Phêrô, người có chỉ số “I” cao: Chúa đã khiến cho Phêrô chú ý bằng trí tưởng tượng của ông (x. Lc 5,4-5); Chúa đã khẳng định với Phêrô tính cách của ông và làm cho ông cảm thấy mình quan trọng (x. Mt 16,15-17); Chúa đã đảm bảo với Phêrô một địa vị có ảnh hưởng (x. Mt 16,18-19); Chúa đã ban cho Phêrô những cơ hội có ảnh hưởng người khác qua lời nói (x. Cv 2,40-41).
- Đối với Ápraham, người có chỉ số “S” cao: Chúa đã ban cho Ápraham lý do cụ thể để thay đổi tình trạng hiện tại của ông (x. St 12,1-3); Chúa đã kiên nhẫn ban cho Ápraham thời gian thích đáng để đáp ứng với sự thay đổi (x. St 13,14-15;17); Chúa đã tạo ra môi trường đầy khích lệ và làm cho Ápraham cảm thấy được an toàn (x. St 15,1); Chúa đã thử đức tin của Ápraham bằng cách yêu cầu ông dâng con trai là Isaác (x. 22,1-2).
- Đối với Môsê, người có chỉ số “C” cao: Chúa đã xác định với Môsê Ngài là ai bằng cách cung cấp bằng cớ rõ ràng (x. Xh 3,2.4.6); Chúa đã rất chi tiết khi truyền đạt kế hoạch của Ngài với Môsê (x. 3,7-8.10); Chúa đã thừa nhận Môsê là người thận trọng và Ngài kiên nhẫn hướng dẫn ông những điều ông quan tâm (x. Xh 3,13-14); Chúa đã cho Môsê những trọng trách đòi hỏi ông vừa chính xác vừa dung hòa (x. Xh 3,2.4.6).
Đối nhân xử thế trong cuộc sống vẫn là vấn đề xưa nay được nhiều người quan tâm, trong thời đại ngày nay, khi mà thế giới gần như đã trở thành “ngôi làng toàn cầu”, nhu cầu cùng nhau làm việc là điều tất yếu, vì thế cần phải “biết người, biết ta” để cuộc sống được dung hòa. “Bí quyết thu phục nhân tâm” là một trong những cách giúp Kitô hữu hòa vào môi trường sống và nhận ra ân huệ Chúa ban cho mỗi người với những điểm mạnh yếu khác nhau, cũng là bổ khuyết cho nhau trên con đường lữ thứ trần gian.
Sàigòn, ngày 19 tháng Năm, 2011
Tạ Ân Phúc