THẰNG-SÚC-SINH
“Ngày tôi được Rước
Lễ Lần Đầu, tôi đã hứa với Chúa Giê-su rằng: tôi sẽ lần lượt rút hết những cái
gai đâm vào trái tim của Người, để ghim thay vào trái tim tôi!”
Phỏng theo một truyện
ngắn của Ba-lan (mehangcuugiup.org)
Từ trên giàn
giá cao 2 thanh niên bước xuống, cầm theo 2 tấm ván để tải gạch. Một anh vạm vỡ
khỏe mạnh, độ 20 tuổi, còn cậu kia thì bé hơn nhiều. Vừa xuống đến sân, cậu bé
hỏi ngay: “Anh Long, hình như anh có vẻ mệt?”
Người thanh niên tên Long trả lời nhát gừng: “À, tại tao hơi đau lưng, lại thêm cái chứng nhức đầu!” Cậu bé liền
ân cần nói: “Thôi, vậy anh nghỉ đi, để em
làm thay cho...”
Long thấy lời
nói dối của mình hiệu nghiệm, anh ta khoái trá ngồi xuống xem thằng bé gầy gò yếu
ớt ấy sẽ xoay trở thế nào. Anh ta không khỏi ngạc nhiên thầm nghĩ: "Cái thằng lạ thật! Đã mấy lần mình bạt
tai ăn hiếp nó, vậy mà cái lúc mình suýt chết đuối trên sông, nó lại liều mạng
cứu mình, ai cũng tưởng nó đi đứt vì sặc nước. Lại còn chuyện mình đã ăn cắp tiền,
ai cũng nghĩ nó lấy nên bắt nhốt nó hai tuần liền, vậy mà khi thả ra, nó chỉ
nói nhỏ với mình là nó sẽ không tố giác mình, chỉ vì sợ mẹ mình biết thì sẽ đau
khổ lắm... Thế rồi vì thế mà nó bị bị sa thải suốt 6 tháng, thiếu thốn khổ sở
quá chừng. Vậy mà, bây giờ nó vẫn cứ tự nhiên với mình. Hôm nay, mình giả vờ bệnh,
nó lại còn gánh thay cho mình nữa chứ! Thật không thể hiểu nổi cái thằng
này!"
Đang lúc Long
ngồi chơi nghĩ vẩn vơ thì cậu bé phải khó nhọc lắm mới xốc được lên lưng số gạch
gần như nhiều gấp đôi. Nó từ từ bước lên giàn xây dựng. Long nhìn theo với ánh
mắt láu lỉnh vì đã gạt được thằng bé. Bất chợt, có tiếng người đốc công nóng nảy
quát: “Gạch đâu? Sao chưa thấy thằng nào
mang lên thế này?”
Cậu bé nghe vậy
thì gắng bước nhanh hơn. Thế nhưng, tấm ván tải gạch quá nặng, mà sức nó thì có
là bao, từ sáng đến giờ lại chẳng bỏ bụng hạt cơm nào. Nó chợt thấy lảo đảo, mắt
hoa đi, hai chân gần như khuỵu xuống... Ở dưới, nhìn thấy thế, Long hét lên:
“Trời
ơi! Thằng-Súc-Sinh!” Vâng, chính cậu bé ấy tên là “Thằng-Súc-Sinh”, nó đã ngã nhào từ tầng nhà
thứ hai xuống, đống gạch đè chụp lên. Các công nhân chạy ào lại, bới đống gạch
ra thì thấy cậu bé thân thể bị giập nát đẫm máu, chỉ còn thoi thóp!
Có người vội chạy
đi mời Cha Sở. Khi ngài đến, Thằng-Súc-Sinh mở mắt đăm đăm, hết nhìn ngài lại
nhìn Long, thều thào: “Thưa cha, cái gai
thứ 14, anh Long ơi... cái gai cuối cùng!”
Một khoảnh khắc
trôi qua, Long òa khóc: “Chúa ơi, Thằng-Súc-Sinh
nó chết rồi!” Cha Sở lặng lẽ làm dấu Thánh Giá trên trán thằng bé, rồi cởi
khuy áo nó để lấy cỗ tràng hạt nó đeo ở cổ, cuộn vào hai bàn tay trầy trụa rướm
máu của nó.
Ngài chợt bắt gặp
một chiếc túi vải nhỏ thêu đính vào mặt trong áo. Và ngài nhẹ tay mở ra và thấy
có một tờ giấy đôi đã cũ có một hình Trái Tim Chúa Giê-su với 14 cái gai, có lẽ
do thằng bé đã cố gắng vẽ thật nắn nót, những cái gai đã lần lượt bị vụng về tẩy
xóa đi, chỉ còn lại có một cái.
Bên cạnh lại có
thêm một hình trái tim nhỏ hơn, với nét chữ nguệch ngoạc: trái tim của
Súc-Sinh, với 13 cái gai hình như đã được vẽ thêm dần dần trong nhiều lần với mầu
mực khác nhau.
Phía dưới có
hàng chữ: “Ngày tôi được Rước Lễ Lần
Đầu, tôi đã hứa với Chúa Giê-su rằng: tôi sẽ lần lượt rút hết những cái gai đâm
vào trái tim của Người, để ghim thay vào trái tim tôi!”
Còn bên trang
kia của tờ giấy thì đầy nghẹt những hàng chữ li ti, chỉ còn lại hàng cuối cùng
để trống:
• Gai thứ nhất: Con đã hết cứng đầu, không cãi lời dì con nữa.
• Gai thứ hai: Con đã chịu nhịn đói 3 ngày vì bị phạt oan.
• Gai thứ ba: Lần đầu con đã làm ra tiền, con đã dùng để xin lễ cầu cho dì
con mới qua đời.
• Gai thứ tư: Con đã nhịn không mua nước đá để uống cho đã khát.
• Gai thứ năm: Con mua một bó hoa đẹp từ chỗ tiền dành dụm để đến thăm mộ
dì con.
• Gai thứ sáu: Con đã chịu một trận đòn vì dám bênh vực một thằng bé tật
nguyền bị đám trẻ trong xóm ăn hiếp.
• Gai thứ bảy: Mỗi ngày con gánh nước giúp cho một cụ già yếu đau ở cuối
xóm.
• Gai thứ tám: Con đã xin vào học Lớp Tình Thương nhưng ông chủ không cho,
lại còn đánh mắng con.
• Gai thứ chín: Con đã đến chăm sóc và kịp rửa tội cho bà cụ già ở cuối xóm
trước khi bà ấy mất.
• Gai thứ mười: Anh Long suýt chết đuối, con đã nhảy xuống sông cứu được
anh ấy mặc dù con không biết bơi.
• Gai thứ mười một: Con có nhặt được một con chó hoang đói lả ngoài đường.
Nuôi nó đến nay gần một năm, thì ông chủ bắt đem làm thịt để nhậu với đám thợ.
• Gai thứ mười hai: Con bị nhốt oan 2 tuần vì muốn nhận tội thay cho anh
Long để mẹ anh ấy không phải đau khổ vì biết anh ấy đã ăn cắp tiền.
• Gai thứ mười ba: Con đành chịu nhận phần lương thiệt thòi, dù người ta đồn
rằng ông chủ đã bóc lột con.
• Gai thứ mười bốn: ...
Cha Sở ngậm
ngùi khóc, không cần ai phải giải thích về tờ giấy đôi ấy nữa. Cậu bé bị quen gọi
là “Thằng-Súc-Sinh” vẫn nằm đó, nước da tái nhợt nhưng khuôn mặt thì rạng rỡ,
dường như đang mỉm cười mãn nguyện. Cha Sở nhận ra Trái Tim Chúa Giê-su giờ đây
không còn một chiếc gai nào đâm thâu nữa. “Thằng-Súc-Sinh” đã lấy tình yêu để
trả giá bằng một đời sống đau khổ tủi nhục, bằng từng cái gai, bằng từng giọt
nước mắt!
Nhưng, tại sao
một cậu bé như thế lại mang một cái tên nguyền rủa phỉ báng như thế nhỉ? Bố mẹ
thằng bé đã cùng bị tai nạn chết khi em vừa tròn 2 tuổi, em bơ vơ không nhà như
con chim non bị ném ra ngoài tổ ấm. Có một người đàn bà góa không con đã nhận
em về nuôi một cách tận tâm.
Thế nhưng, một
chuyện đáng tiếc xảy ra đã làm thay đổi hẳn mối quan hệ tốt đẹp ấy. Thằng bé vốn
rất thích ngửi hoa thơm. Trên cửa sổ căn phòng của bà có một chiếc bình hoa quý
vừa đẹp vừa thơm. Một hôm, thằng bé hiếu kỳ đã trèo lên một cái ghế đẩu để cố với
tới gần mà ngửi đóa hoa vừa nở.
Chiếc ghế
nghiêng đổ, thằng bé ngã nhào, níu lấy bình hoa. Bà dì nuôi nghe tiếng đổ vỡ,
chạy vào, đứng lặng người trước cảnh ấy. Bà tiếc chiếc bình hoa đến nỗi không kịp
nghĩ đến đứa con nuôi 6 tuổi đang nằm dưới đất, khóc thét lên vì sợ hãi và đau
đớn. Bà chạy đến, túm lấy tóc thằng bé, vừa đánh tụi bụi vừa chửi rủa: “Quân mất dạy! Đồ súc sinh! Mày đúng là Thằng-Súc-Sinh!”
Từ ngày đó, chẳng
ai trong xóm còn biết hoặc nhớ đến thằng bé có một cái tên nào khác ngào 3 chữ
“Thằng-Súc-Sinh.” Thằng bé buồn tủi ghê lắm, vừa sợ bà dì đánh mắng, lại vừa âm
thầm phẫn uất, nó trở nên bướng bỉnh ngang ngược. Cũng do vậy, nó lại càng bị
đòn dữ tợn và thường xuyên hơn. Nó thù ghét mọi người nên tìm mọi cách tai ác để
khiến ai cũng phải tức giận về nó.
Ở trường, nơi
nó được học vỏn vẹn có một năm, thì Thằng-Súc-Sinh là một gánh nặng cho các thầy
cô giáo. Tống nó khỏi cửa lớp, nó lại trèo cửa sổ nhảy tọt vào trong. Hầu như
nó không chịu học hành gì cả. Nó có chịu ngồi yên cũng chỉ là để vẽ nguệch ngoạc
dọc ngang khắp các trang sách và trên mặt bàn.
Dĩ nhiên, Thằng-Súc-Sinh
cũng không vắng mặt ở lớp Giáo Lý. Khổ nỗi, nó có đến lớp cũng chỉ cốt để phá
phách không cho bạn cùng lứa có thể ngồi yên mà học hành kinh bổn. Cha Sở đã
làm đủ mọi cách để dạy dỗ nó mà không xong, cuối cùng thì Ngài đành lờ đi, kệ
cho nó muốn làm gì thì làm, coi như không có nó hiện diện...
Nhưng rồi đến
cuối niên khóa Giáo Lý năm ngoái, một buổi tối, Cha Sở đọc danh sách các em được
Xưng Tội và Rước Lễ Lần Đầu. Đương nhiên là không thể có tên Thằng-Súc-Sinh!
Khi Ngài bước ra khỏi lớp, nó đã chạy vòng ra đứng chặn trước mặt Ngài mà hỏi bằng
một giọng cương quyết: “Thưa Cha, tại sao
con lại không có tên?”
Cha Sở bất giác
nhìn đăm đăm thằng bé bất hạnh, rồi không hiểu vì sao ngài lại mỉm cười khoan
dung: “Được, con cũng sẽ được Xưng Tội và
Rước Lễ Lần Đầu!” Không kịp nghe hết câu, Thằng-Súc-Sinh đã bỏ chạy như bay
ra khỏi nhà xứ. Nó băng mình đến cánh đồng cỏ hoang ngoài rìa làng, lăn mình nằm
dài trên thảm cỏ đã bắt đầu đẫm ướt sương đêm, dõi mắt nhìn bầu trời đầy sao,
mãi cho đến khuya mới lững thững về nhà.
Hôm sau, trước
khi cho phép Thằng-Súc-Sinh đi xưng tội, dì nuôi nó nghĩ rằng phải có bổn phận
dạy dỗ khuyên bảo nó vài lời. Bà bảo nó mà mắt nhìn đi chỗ khác: “Thằng-Súc-Sinh, mày phải nhớ: từ nay lo mà
đổi tính sửa nết nghe chưa? Mày không đùa được với Chúa đâu!” Và sau đó,
người ta ngạc nhiên thấy Thằng-Súc-Sinh xưng tội rất lâu với Cha Sở. Thiên Chúa
đã lắng nghe những nỗi lòng bí ẩn của đứa bé bị cuộc đời ruồng bỏ...
Tới ngày Rước Lễ
Lần Đầu, Cha Sở khuyên nhủ chung cả lớp Giáo Lý rằng từ đây các em phải nhớ cố
gắng sống cho dễ thương ngoan ngoãn, làm nhiều việc tốt để có thể xoa dịu nỗi
đau Thánh Tâm Chúa Giê-su vì những tội lỗi của loài người...
Khi các em đã về
hết, Thằng-Súc-Sinh ở lại một mình trong Nhà Thờ. Nó mon men lại gần mẫu ảnh
Thánh Tâm Chúa Giê-su, kiễng chân lên chăm chú nhìn thật kỹ mọi chi tiết bức ảnh
hồi lâu. Trở về nhà, đang khi những đứa tuổi khác còn mải vui đón bữa tiệc mừng
lễ thì Thằng-Súc-Sinh lục tìm một tờ giấy đôi còn mới, một cây bút chì tốt, rồi
không nói với ai một lời, nó phóng thẳng ra cánh đồng mọi khi. Chính nơi đó nó
đã vẽ hình hai trái tim, một của Chúa, một của nó...
Đến tối, khi trở
về nhà, thằng bé đã không còn là Thằng-Súc-Sinh nữa, nhưng là một em bé đã quy
hướng trọn vẹn ý chí và tâm hồn non nớt ngây thơ vào Chúa Giê-su. Nó quyết sẽ gỡ
cho đến hết những cái gai đang ghim sâu nơi Trái Tim Chúa Giê-su. Đối với bà dì
nuôi nó, dẫu sao nó cũng vẫn bị coi là Thằng-Súc-Sinh, thì bà không hề nhận ra
sự đổi thay kỳ diệu nơi nó, bà vẫn đánh mắng hành hạ nó như thói quen lâu
nay...
Đến mùa thu vừa
rồi, bà dì ngã bệnh vì cảm lạnh ngày một trầm trọng. Bà ngạc nhiên vì Thằng-Súc-Sinh
vẫn tận tụy ở bên cạnh mà không bỏ rơi hay vắng mặt đến một phút. Một hôm, nước
mắt chạy quanh, nó nói với bà: “Dì ơi,
con sợ dì sẽ không qua khỏi, mà không có dì thì đời con sẽ ra sao?” Bà chăm
chú nhìn nó, vừa cảm động vừa ân hận, bà không thể hiểu nổi thằng bé, nó tỏ ra
thật sự thương yêu quyến luyến với bà mặc dù bà chưa bao giờ nói được một lời tử
tế với nó. Bà bất chợt ôm ghì đứa bé côi cút vào lòng mà nghẹn ngào: “Con ơi, con là một đứa bé tốt. Con hãy cầu
nguyện, xin Chúa nhân từ tha thứ mọi tội lỗi cho dì nhé con!”
Chính lúc này,
Thằng-Súc-Sinh nhận ra cuộc đời nó còn rất diễm phúc. Đây là lần đầu tiên dì nó
âu yếm trìu mến nó như con đẻ, lại còn khen nó tốt nữa! Cái giây phút ấy xóa
tan mọi mặc cảm tủi nhục xót xa trước đây... Khi dì nó qua đời, nó bắt đầu phải
sống lang thang, thiếu thốn mọi điều. Nhưng, ý nghĩ hướng về Trái Tim bị thương
tích của Chúa Giê-su đã điều khiển mọi hành vi và suy tư của cuộc đời thằng bé.
Và bây giờ, thế
là hết, Thằng-Súc-Sinh đã trả giá cho “cái gai cuối cùng” ấy bằng chính cái chết.
Thằng bé ra đi hạnh phúc, không ngờ mình đã nên thánh, một vị thánh bé nhỏ hồn
nhiên...
Chiều tối hôm
tang lễ của Thằng-Súc-Sinh vừa xong, anh thanh niên tên Long đã tới xin gặp
riêng Cha Sở, vừa mếu máo vừa thú nhận tất cả, từ chuyện anh ta ăn cắp làm cho
Thằng-Súc-Sinh bị bắt oan, cho đến chuyện anh ta giả vờ bệnh để cậu bé phải làm
thay. Tâm hồn Long đã mở ra. Chắc chắn ở trên Nước Trời, Thằng-Súc-Sinh đã cầu
nguyện cho Long trước hết. Long đã đền bồi lại những lỗi lầm đã phạm. Long bắt
đầu một cuộc sống mới. Anh ra về trong niềm hân hoan và biết ơn người bạn bé nhỏ...
Cha Sở lấy bút
ghi thật trân trọng vào hàng kẻ thứ mười bốn: “Để gánh đỡ cho anh Long, con đã tự nguyện mang lượng gạch nhiều gấp đôi,
và con đã chết vì tai nạn!”
Vài ngày sau,
người ta thấy trên bàn viết của Cha Sở một khung ảnh bằng kính, lồng trong đó
là tờ giấy đôi mở rộng của Thằng-Súc-Sinh với hàng chữ ghi chú bên dưới: “Đây là Giao Ước của Thằng-Súc-Sinh với
Thánh Tâm Chúa Giê-su.”
Vâng, cậu bé đã
trở nên một bài giảng thuyết sống động, hùng hồn và sâu xa nhất mà tâm hồn vị
Linh Mục già cũng như tất cả mọi người hiểu biết đầu đuôi câu chuyện phải lắng
nghe và ghi nhớ đến trọn đời...
Phỏng theo một
truyện ngắn của Ba-lan (mehangcuugiup.org)