Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường
(Tamnhin.net) - Có điều muốn nhớ, nhớ cũng không được vì thời gian quá lâu, đã phủ bụi quá dày lên sự kiện. Nhưng có những điều tưởng như không thể quên được vì hàng ngày, hàng giờ nó làm thương tổn đến nhiều lợi ích mà vẫn bị “quên”, thế mới “tài”!
Câu chuyện 14 năm
Năm 1997, nghĩa là cách đây 14 năm, khoảng thời gian cho một cây con ta trồng đủ lớn đến mức có thể ngả ra lấy gỗ làm cột nhà, tôi có viết trên một tờ báo cảnh báo về trọng lượng của cái cặp sách tuổi thơ mang trên lưng.
Lúc ấy, tôi mượn cặp sách của bé Võ Kim Quyên ở thị xã Quảng Ngãi đưa lên cân thì được 3,4kg, trong khi bé gái này chỉ nặng 15kg. Nếu tính tỉ lệ cân nặng “hành lý” so với trọng lượng cơ thể, cháu này phải mang nặng hơn một chú thợ mộc nhiều.
Trong suốt 14 ngăm qua, đề tài này được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trên báo. Nhiều lần được đại biểu Quốc hội nêu như một chất vấn đối với ngành giáo dục. Nhưng rồi, đâu vẫn nguyên đó.
Một số liệu cho thấy: những loại sách “ăn theo” dùng cho học sinh phổ thông hiện nay nhiều gấp gần mười lần sách “chính hiệu” thì làm gì các em không méo mặt với cái cặp.
Tấm ảnh trên đầu bài chụp đúng nơi tôi gặp bé Võ Kim Quyên 14 năm về trước trên đường Quang Trung, TP Quảng Ngãi, năm 2011 đã có nhiều thay đổi.
Thứ nhất, cái cặp bây giờ… nặng hơn xưa.
Thứ hai, bé gái bây giờ có thể là… con của “bé” Kim Quyên xưa (khi tôi chụp, Kim Quyên 11 tuổi, nay đã 24 tuổi, theo Luật Hôn nhân và gia đình 18 tuổi có thể lấy chồng, sinh con và cháu bé lúc này vào lớp 1).
Nhưng, rất có thể người ta “quên” chuyện này rồi!
Ngay cả Luật Giáo dục mới cũng chưa có điều khoản nào quy định, đại loại:
- Điều X: Nếu đơn vị giáo dục nào, giáo trình nào quá nặng nề khiến phải dùng một thời gian quá lớn để phổ cập và học sinh phải đem một lượng học cụ quá nặng đi học, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe của học sinh, sẽ bị phạt như sau:
Một: Phải gỡ bỏ chương trình bất cập xuống và thay vào đó bằng chương trình hợp lý. Mọi phí tổn cho việc này và cho việc học sinh phải học lại cho kịp chương trình, ngành giáo dục phải tự trang trải.
Hai: Nếu học sinh bị còi cọc, lé mắt, chậm phát triển, vẹo cột sống thì xem như tình tiết tăng nặng, sẽ phạt cơ quan chủ đề án giáo dục này một tỷ đồng, thu nộp vào ngân sách và chi phí khắc phục hậu quả.
Một lần, tôi đưa đoàn đại biểu Sở Giáo dục tỉnh Chiba, Nhật Bản đến thăm Trường cấp III Trần Phú, quận Tân Bình, TP HCM. Đoàn bạn rất có cảm tình với thành tích dạy và học của thầy trò nơi đây, nhưng họ góp ý rất gay gắt về ánh sáng trong phòng học. Tôi xem kỹ thì thấy tại đây, trong một phòng học bố trí 6 bóng đèn tuýp nhưng phía bạn nói vẫn không đủ. Ánh sáng không trội nên đôi mắt học sinh sẽ tệ đi rất nhanh và dễ buồn ngủ trong giờ học, mất hứng khởi trong học tập.
Suốt thời gian sau này, đi theo tuyến giáo dục, tôi thấy tình hình đèn chiếu sáng ở nhiều trường sở khác còn không được như trường Trần Phú, tệ hơn rất nhiều.
Gần đây, thấy đây đó công bố một loại “chuẩn” quốc gia cho hệ thống trường phổ thông, tôi có đến thăm thử vài trường “chuẩn” thì thấy tình hình cũng rưa rứa như ở Trần Phú mà thôi. Trong những trường “chuẩn”, nhiều trường còn không có bể bơi, công cụ không thể thiếu trong nội dung giáo dục tiên tiến.
Có lẽ, trong khi xây dựng những “chuẩn” này, người ta… quên mất những tiêu chuẩn bình thường của một nền giáo dục ra giáo dục.
Quên trách nhiệm
Từ đường Trường Chinh chạy qua đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP HCM có một con đường gọi là đường Tân Sơn, nhưng ở đoạn tiếp giáp giữa phường 15, quận Tân Bình với quận Gò Vấp chạy sang đến đường Quang Trung, người ta chỉ thấy được con đường này về… đêm hay ít ra, sau 17 giờ.
Còn ban ngày, con đường này bị “bốc hơi” mất 15 năm nay. Khoảng 300 hộ buôn bán đã chiếm trọn con đường làm… chợ.
Chúng ta đều biết chức năng, nhiệm vụ chính của Hội đồng nhân dân, UBND ở cơ sở là giải quyết hoặc đề xuất hướng giải quyết những vấn đề an sinh xã hội ở địa phương. Cái chợ là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống người dân đô thị. Ở khu vực tới 20.000 dân của hai phường này chỉ có một cái chợ tư nhân là chợ Ngọc Tú, nhỏ như một ga xép nằm lận vào trong xóm, đáp ứng chừng 10% nhu cầu mua bán của người dân nên hầu như mọi giao dịch mua bán các nhu yếu phẩm, bà con cứ ra đây là đủ. Ngoài ra, không có một cái chợ nào “chính quy” để đáp ứng cho bà con ở đây cả.
Mười lăm năm, đủ cho một lãnh đạo trẻ của phường phấn đấu lên đến cấp thành phố. Thời gian đó cũng đủ để các đoàn thể, cơ quan lãnh mươi, mười lăm lần danh hiệu “đoàn kết, vững mạnh” hoặc những danh hiệu khác, chỉ có điều, con đường bị “bốc hơi” hẳn rồi.
Ngày 18/4, khi tôi đến chụp hình, lấy tư liệu ở đây, một vị cán bộ hưu trí già ghé tai nói nhỏ rất chân tình: “Chú ơi, đừng viết, nếu viết xong “ông nhà nước” giải tỏa bằng được cái chợ này thì cứu được hai cây số đường nhưng hàng ngàn hộ dân sẽ khốn vì không biết mua bán mớ rau, con cá ở đâu!”.
Nỗi niềm này đáng được chia sẻ.
Bây giờ, nếu hỏi thăm đường Tân Sơn, người dân sẽ chỉ cho bạn sang một con đường khác ngoài vành đai sân bay Tân Sơn Nhất, còn con đường này đã mờ hẳn trong trí nhớ mọi người, kể cả cấp chính quyền phường, quận.
Và nếu viết về con đường này, nhiều phóng viên trẻ có thể sẽ dùng cái tựa đề khá… diễm tình là: “Một con đường bị lãng quên!”…
(còn nữa)