CÓ TIN VUI GIỮA GIỜ TUYỆT VỌNG!
Vui - buồn, sướng - khổ, hạnh phúc - bất hạnh … Tất cả những trải nghiệm đó bất cứ ai là người và làm người đều đã hơn một lần cảm nhận trong đời mình. Với những người có kinh nghiệm thực tế gần đụng chạm đến cái chết thì sẽ thấy được tin vui ở cái giờ tuyệt vọng nó quý báu là dường nào. Gần đây nhất, đoàn khách du lịch người Nga bị tai nạn ở đèo Lò Xo, người phụ nữ cố bò lên khỏi vực sâu và cầu cứu. Càng kêu cứu thì càng vô vọng vì đoạn đường này ít người qua lại và trời đã về chiều. Đang chìm trong vô vọng ấy, cô du khách người Nga đã vẫy tay gọi một anh kỹ sư công ty Toshiba và anh này đã mang tin vui cho những người may mắn còn sót lại trong đoàn du lịch. Chắc có lẽ trong quãng đời còn lại của mình, cô du khách may mắn đó không thể nào quên được giây phút mà mình được cứu đấy. Và chỉ có mình cô mới có thể cảm nhận được cái hạnh phúc của giờ khắc ấy.
Ai đã từng sống trong giây phút tuyệt vọng mà có tin vui cứu mình, sẽ cảm thấy hân hoan, nô nức và muốn chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người ngay. Trong dòng tâm tình vui vì được cứu, hân hoan vì được cứu độ ấy, Trầm Tử Thiêng đã bày tỏ cảm xúc của mình :
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng.
Một vòng tay vừa mới mở ra
Cứu anh em những đời mạt vận
Đường mơ đi càng bước càng xa
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Hai mươi năm tưởng đá vàng phai
Có em tôi nuốt từng giọt lệ
Ngậm oan khiên đợi mãi một ngày...
Hãy nói cho mọi người cùng nghe:
Người đã cứu người
Hãy nói cho mọi người cùng nghe:
Làng Việt Nam đang xây thêm bên ngoài Việt Nam
Hãy nói cho mọi người cùng nghe:
Người đã cứu người
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng.
Lời cầu kinh vừa có người nghe.
Trái tim ơi, đất trời lồng lộng.
Chờ đêm đêm biển hát tình ca.
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Bao sinh linh nhận phép giải oan.
Xiết tay nhau cúi đầu gạt lệ.
Tạ ơn Trên. Người vẫn thương người
Trầm Tử Thiêng muốn nói với mọi người rằng ông đã được giải thoát và Người đã cứu con người. Ông cũng không quên tạ ơn Trên, tạ ơn Đấng Cứu độ rằng Người đã, vẫn và sẽ còn thương con người.
Ngày hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng kỷ niệm cái ngày “có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” đến với một con người, con người ấy tên là Maria. Giáo Hội không phải mừng vừa vừa, mừng nho nhỏ mà phải mừng lớn, mừng thật to vì lẽ tin vui đến với Đức Maria cũng là tin vui đến cho nhân loại, đến cho toàn thể Giáo Hội, đến cho tất cả những ai tin và đón nhận tin vui ấy.
Cùng trong dòng chảy của cuộc đời, Đức Trinh Nữ Maria sống đấy nhưng hằng khao khát, hằng ước mong mình được ơn cứu độ từ ơn Trên, từ Thiên Chúa. Tưởng chừng như Thiên Chúa không còn ra tay, Thiên Chúa khép lòng lại với những con người cứng đầu cứng cổ như dân Do Thái nhưng không, Thiên Chúa đã đoái thương thân phận con người mỏng dòn và yếu đuối. Thiên Chúa vẫn chạnh thương, Thiên Chúa vẫn chờ đợi con người.
Muốn lãnh nhận tin vui, tin vui cứu độ thì phải mở lòng ra để chờ đón và phải tin. Nhiều người Do Thái sống cùng thời với Đức Trinh Nữ Maria. Họ cũng mang trong mình lòng ngóng đợi ơn cứu độ đấy chứ, nhưng mà lòng của họ đã khép lại với Thiên Chúa. Họ khép lại để rồi chỉ có mình Mẹ Maria là đón nhận và đón nhận trong lòng tin, đón nhận trong sự phó thác, cho sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.
Tin vui cứu độ không giống như những tin vui khác của cuộc đời, tin vui cứu độ được ẩn giấu hay được bọc dưới một cái vỏ bọc sần sùi, gai góc và thậm chí còn đắng cay nữa.
Bằng chứng là tin vui mà Đức Trinh Nữ Maria đón nhận ngày hôm nay đâu có đơn giản như mọi người nghĩ, mọi người thấy. Cực lắm chứ! Khổ lắm chứ! Nếu chúng ta đọc lại toàn bộ những biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời của Đức Maria từ ngày “Tin vui” được truyền đến cho ngày “Tin vui” nhắm mắt lìa đời. Thử nhìn lại chúng ta thấy “Tin vui” ấy thật sự chẳng vui chút nào dưới con mắt của người đời. Nào là bị Giuse định tâm lìa bỏ, nào là phải sinh cái “Tin vui” ấy trong hang đá máng cỏ, nào là phải bồng bế, dắt díu cái “Tin vui” ấy trốn sang Ai Cập, nào là phải sống nghèo với “Tin vui” ấy trong làng Nagiaret nghèo. Rồi cũng chưa yên, lớn lên thì “Tin vui” lại đi rao truyền Tin Vui và bị người đời phỉ báng và cuối cùng giết chết cái “Tin Vui” của Đức Trinh Nữ Maria và còn treo cái “Tin Vui” ấy trên thập tự giá.
Thế đấy! Gọi là “Tin Vui” đến với Mẹ nhưng đâu có đơn giản theo nghĩa của người đời. Mẹ Maria có một lòng tin đủ mạnh để đón nhận “Tin Vui” của Thiên Chúa với biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu thử thách của cuộc đời. Phải có một tâm hồn đơn sơ, phải có một thái độ khiêm hạ như Mẹ thì mới đón nhận “Tin Vui” của Thiên Chúa được.
Lời đón nhận “xin vâng” ngày hôm nay chúng ta nghe Đức Trinh Nữ Maria đáp lại sau khi nghe lời của sứ thần không phải là đơn giản, không phải là ngày một ngày hai nhưng mà phải là một quá trình dài của chiêm niệm, của lắng đọng. Đức Trinh Nữ Maria đã gắn kết cuộc đời của Mẹ từ những ngày còn ấu thơ để rồi hôm nay Mẹ vui vẻ đáp lại lời xin vâng.
“Tin Vui” đã đến với chúng ta, đến với con người hơn 2000 năm qua nhưng do con người cứ loay hoay mãi với cái cõi tạm này để rồi không còn năng lực, không còn khả năng đón nhận “Tin Vui” ấy nữa. Lý do đơn giản và dễ hiểu vì lẽ “Tin Vui” mà Mẹ đón nhận không phải là “Tin Vui” theo kiểu của người đời mà là “Tin Vui” của Thiên Chúa. “Tin vui” ấy thường bị người đời khinh chê phỉ báng như những người Biệt phái và Luật sĩ ngày xưa.
Cái gì cũng vậy trong cuộc đời, có cay đắng mới có ngọt ngào, có đau khổ mới có hạnh phúc, có sống trong những giây phút tuyệt vọng mới cảm thấy quý báu khi có tin vui. Mẹ Maria cũng trải qua quá nhiều đau khổ, quá nhiều mất mát và phải chịu đựng đôi khi quá sức của một người thiếu nữ Do Thái để đón nhận “Tin Vui”, để sinh hạ “Tin Vui”, để cùng ăn cùng ở, cùng sống, cùng đồng hành với “Tin Vui” trên mọi nẻo đường đời. Sự hy sinh, chịu thương chịu khó của Mẹ đã được “Tin Vui” thưởng công xứng đáng cho Mẹ trong Nước của “Tin Vui”.
Phần chúng ta, dừng lại một chút để nhìn lại biến cố Truyền Tin, biến cố lãnh nhận “Tin Vui” của Mẹ Maria để chúng ta nhìn lại thái độ, tâm tình sống của chúng ta. Chúng ta có sống, có chiêm niệm, có sẵn sàng mở lòng ra đón nhận “Tin Vui” như Mẹ đã sống, đã đón nhận hay không ?
“Tin Vui” đã có rồi, “Tin Vui” đã đến rồi nhưng phần chúng ta, chúng ta có đón nhận một cách vui vẻ, đón nhận một cách nhưng không, đón nhận một cách tin tưởng và phó thác như Mẹ hay không đó là phần trả lời của mỗi người chúng ta trước “Tin Vui” mà Thiên Chúa đã ban xuống tự cõi Trời.
Anmai, CSsR