Chuyện tình cổ tích của
đôi vợ chồng tật nguyền
Nụ cười hạnh phúc của đôi vợ chồng tật nguyền,
những người viết lên câu chuyện tình
đẹp như cổ tích dưới chân núi Gò Dài.
những người viết lên câu chuyện tình
đẹp như cổ tích dưới chân núi Gò Dài.
Nhìn nụ cười giòn tan và tiếng bi bô của con trẻ khi chúng từ biệt vợ chồng Xuân, tôi biết rằng, cuộc sống mới chính là trang sách vẽ lên những câu chuyện cổ tích đẹp và nhân văn nhất.
Tuổi thơ của Phạm Văn Xuân (1971) cũng đói rách như bao đứa trẻ quanh núi Gò Dài, xã Xuân Quang, Tam Nông, Phú Thọ. Là con áp út trong gia đình nghèo có tới 9 người con. Cái đói, cái khổ dìm từng ấy con người không ngoi lên được. Ai cũng nghèo, cũng khốn khó.
Dù nghèo khổ, song chàng trai Xuân vẫn luôn ham học, nuôi khát vọng trở thành thầy giáo. Bất hạnh xảy đến với Xuân khi tròn 16 tuổi. Trên đường đi học về, Xuân gặp mưa, bị cảm lạnh, đột quỵ.
Đường xa, nhà nghèo, không có tiền đưa con đi viện, bố mẹ bốc thuốc nam cho Xuân. Nhưng bệnh Xuân ngày một nặng, đôi chân sưng to như chân voi. Thời gian sau, đôi “chân voi” ấy tự dưng tóp lại, teo đi, thành tật nguyền. Xương sống ở lưng thì cong lại, gồ lên, khiến Xuân gù rạp như ông cụ, đi lại bằng hai tay nghênh ngang như con cua 8 cẳng 2 càng.
Đang từ chàng trai khỏe mạnh, ham học chỉ sau trận ốm bỗng chốc trở thành kẻ tật nguyền, bao nhiêu mơ ước, hoài bão, khát khao tuổi trẻ của Xuân bị cuốn đi hết. Không thể làm việc được như những người bình thường khác, Xuân trở nên vật vã, chán nản, sống khép kín. Thu mình trong ngôi nhà rách nát, chàng trai chỉ có chiếc đài cũ rích làm bạn.
"Nhưng chính chiếc đài ấy đã thổi bùng lên khát khao tìm lại cuộc sống, tương lai cho riêng mình. Và cũng chính nhờ nó tôi đã tìm được hạnh phúc tưởng chừng như không bao giờ chạm tay tới", chàng trai có nước da ngăm ngăm mỉm cười tâm sự.
Chiếc đài cũ rích với tiếng kêu ọt ẹt đã giúp Xuân làm quen với một cô bạn gái thân qua chương trình kết bạn. Sau 5 năm, với cả ngàn cánh thư qua lại với bao tâm sự, sẻ chia được gửi gắm, và anh chẳng hiểu, đã yêu cô tự lúc nào.
Thế nhưng, nghĩ phận mình tật nguyền chưa bao giờ anh dám thổ lộ lời yêu với cô gái, càng không dám trao đổi ảnh với người con gái có khuôn mặt xinh xắn và nụ cười thật tươi. Nghĩ mình không xứng, rồi lại sợ cô gái biết hoàn cảnh sẽ coi thường nên anh đành chôn chặt tình cảm, mặc "nàng" giận, cho rằng anh lừa dối mình. Những cánh thư cũng ngưng bặt từ đó.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên hay câu chuyện tình cổ tích thời hiện đại
Không chịu được cảnh ngồi đếm thời gian trong căn nhà rách nát, mãi là kẻ "ăn bám", Nguyễn Văn Xuân quyết chí sẽ tự mình bước ra cuộc sống, hòa nhập với xã hội để chứng mình mình tàn mà không phế.
Anh bảo, chính những câu chuyện về những con người thậm chí bất hạnh hơn anh, nhưng bằng nghị lực phi thường họ đã vươn lên để sống có ích đã thúc đẩy quyết tâm của anh. Lần ấy, Xuân nghe trên đài có chương trình nói về lớp học may cho người tật nguyền ở Sơn Tây. Chàng trai Phạm Văn Xuân đã trốn gia đình, bắt xe xuống Sơn Tây nộp hồ sơ xin nhập học.
Một điều bất ngờ mà Xuân chưa bao giờ ngờ tới sau quãng thời gian đằng đẵng 2 năm trời bặt tin với người con gái 5 năm anh quen qua thư cùng lúc cũng đăng ký lớp học may như anh. Nhìn cái tên quen thuộc trên bảng danh sách anh đã lặng người đi, tim đập thình thịch, niềm vui chộn rộn: Trương Thị Thà, sinh năm 1979, quê quán xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Tây cũ.
Điều đặc biệt là Thà cũng bị tật nguyền, một tay co quắp, chân đi thấp thểnh. Lúc này Xuân mới nhận ra, tại sao một người con gái cách xa anh hàng trăm cây số lại có thể hiểu và sẻ chia cho anh nhiều đến thế. Bởi họ, hai tâm hồn đồng điệu, hai con người không may mắn đều mang số phận giống nhau. Ngay từ lúc ấy, Xuân đã quyết định không thể để mất cô thêm một lần nữa.
Xuân vờ như làm quen lại từ đầu với Thà. Thấy anh chàng hiền lành, ăn nói dễ nghe, Thà cũng quý mến và đồng ý kết bạn, nhưng cô vô tâm không biết rằng đây chính là chàng trai mà cô cũng thầm yêu năm nào.
Đêm Giáng sinh năm ấy, Xuân mời Thà đi uống nước. Trăng sáng vằng vặc, ngồi bên nhau, Xuân hỏi: “Em có biết, người viết thư cho em 7 năm trước đang ở gần đây không?”. Thà lắc đầu: “Không biết có tin được không nữa”. Trong tiếng thổn thức và loạn xạ của trái tim, Xuân nắm chặt lấy tay Thà run rẩy: “Anh chính là Xuân, người con trai đã quen em 5 năm qua thư. Chúng ta gặp nhau ở đây có lẽ là định mệnh ông trời sắp đặt. Nếu là ông trời sắp xếp cho anh gặp em, thì em có đồng ý lấy anh không?”.
Nghe những câu chuyện Xuân nhắc về những cánh thư cũ, lúc ấy Thà đã nhận ra, cô thổn thức: “Nếu là ông trời sắp đặt, thì em đồng ý”.
Ngay tháng sau, bất chấp sự ngăn cản quyết liệt, thậm chí gia đình Thà còn "dọa" từ mặt con nếu quyết chí lấy Xuân, Thà vẫn khăng khăng làm theo ý mình. Cô bảo: "Bố mẹ lo tôi đã tật nguyền còn lấy người còn tật nguyền nặng hơn mình thì làm gì mà sống. Nhưng tôi tin, định mệnh đã quyết định hai chúng sẽ là vợ chồng, chỉ cần ở cạnh nhau có vất vả mấy tôi cũng chịu được".
Độ ấy, cái tin anh chàng Xuân vừa nghèo rớt mùng tơi, vừa tật nguyền lấy được vợ đã làm rộn cả chân núi Gò Dài, người làng kéo nhau đến xem đông nghịt. Người tốt thì tấm tắc chúc phúc cho vợ chồng trẻ, kẻ thì chép miệng: "Tật nguyền như thế, lấy nhau về có mà hít khí trời để ăn".
Sau đám cưới 1 năm, tốt nghiệp lớp học may, hai vợ chồng lang bạt làm thuê ở rất nhiều trung tâm may nhân đạo để kiếm sống. Tuy cũng không lâm vào cảnh đói ăn, nhưng cuộc sống chật vật, vất vả, nếu sinh con thì khó lòng mà đủ tiền để trang trải cuộc sống.
Thương con gái vất vả, năm 2006, mẹ Thà cho hai vợ chồng mảnh đất 30m2 đất ở Thường Tín. Hội Phụ nữ xã cùng các ban ngành đóng góp xây cho vợ chồng Xuân căn nhà tình thương nho nhỏ. Tích cóp được chút tiền, mua được chiếc xe máy Trung Quốc với giá 5 triệu đồng, vợ chồng Xuân cải tạo thành xe 3 bánh để kiếm sống.
Hàng ngày, Xuân chạy xe 3 bánh vào chợ Đồng Xuân lấy hàng, chở về chợ Vôi, Thường Tín, Hà Nội, để vợ bán “hàng đống” ở vỉa hè. Giờ đây, nhờ chăm chỉ làm ăn, chịu khó dãi dầu mưa nắng, cuộc sống của gia đình Xuân đã thoát cảnh nghèo khó, hai vợ chồng cũng tự kiếm sống nuôi thân và nuôi 2 đứa con, thậm chí đã có của ăn của để. Thi thoảng hai vợ chồng thi thoảng lại vượt hơn trăm cây số về thăm bố, thăm em.
Nhìn nụ cười giòn tan và tiếng bi bô của con trẻ khi chúng từ biệt vợ chồng Xuân để tiếp tục cuộc hành trình, tôi biết rằng, cuộc sống mới chính là trang sách vẽ lên những câu chuyện cổ tích đẹp và nhân văn nhất.