Thời sự VN _ bát phở và chiếc cân trọng lượng cơ thể


 HAI CẢNH ĐỜI

Cảnh I: Đại gia Hà Nội chi gần chục triệu đồng ăn sáng

Trước thực trạng “đụng đâu cũng thấy chất độc”, một bộ phận những người có điều kiện kinh tế khá giả đã chịu chi những khoản tiền không nhỏ để ăn uống ở các nhà hàng sang trọng nhằm đổi lấy sự an toàn.
Có những người thường xuyên ăn một bát phở có giá 750.000 đồng mỗi sáng sớm, đến cuối tuần lại dẫn cả gia đình đi ăn cùng. Ước tính số tiền chi cho một bữa sáng như vậy cũng hết gần chục triệu đồng.

Ăn một bát phở giá 750.000 đồng
Kể từ nửa năm trở lại đây, anh Thắng – chủ một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội – thường đến ăn món phở khá nổi tiếng tại nhà hàng của một khách sạn trên đường Láng Hạ.
Loại phở này có 6 loại khác nhau với nhiều mức giá khác và chênh nhau tương đối lớn, gồm: Phở bò Kobe gyu ‘5’ giá 750.000 đồng/bát; phở bò Kobe ‘M’ giá 500.000 đồng/bát. “Bình dân” hơn là phở bò Wagyu Úc giá 220.000 đồng/bát. “Bình dân” hơn nữa là phở bò Mỹ giá 125.000 đồng/bát. 2 loại có giá thấp nhất là phở bò Úc ‘S’ giá 85.000 đồng/bát và phở nạm bò Mỹ giá 70.000 đồng/bát.
Tổng Giám đốc kiêm chủ nhà hàng này cho biết, loại phở giá 500.000 đồng/bát và 750.000 đồng/bát xuất hiện khoảng hơn 1 năm trở lại đây. Đặc điểm của loại thịt bò dùng cho loại phở này là khi cho vào miệng, miếng thịt sẽ tan nhanh, rất mềm, rất giòn, đậm đà và giàu dinh dưỡng. Thay vì nhà hàng nhúng thịt bò trước, khi ăn bát phở này, khách hàng sẽ tự tay nhúng lấy.

Thay vì nhúng từ trước, khách hàng sẽ tự tay nhúng trực tiếp thịt bào
để mọi chất bổ dưỡng đều đi vào bát phở.
Giá cao nhất cho một bát phở này là 750.000 đồng.
Hiện nay, số thực khách lựa chọn loại phở đắt nhất này xuất hiện ngày càng nhiều (chính ông chủ nhà hàng này cũng không ngờ món này lại hút khách đến vậy). Song, sự lựa chọn phổ biến nhất vẫn là phở bò Mỹ giá 125.000 đồng/bát và phở bò Wagyu Úc giá 220.000 đồng/bát. Điểm đáng chú ý là trong số những thực khách sử dụng các món phở trên, có nhiều người vì nhu cầu cá nhân chứ không vì phải tiếp khách hay phải chiêu đãi đối tác, vv.. Nhiều người nghe mức giá dành cho một bát phở như trên tỏ ra khá giật mình. Có người còn hóm hỉnh “quy đổi” 1 bát phở bò Kobe gyu ‘5” giá 750.000 đồng ra thành tiền dùng để đi nhậu thì thấy: Khoản tiền 750.000 đồng có thể thoải mái cho một bữa nhậu 4 người với rượu và nhiều món ăn đa dạng!
Nhưng những người như anh Thắng lại không nghĩ vậy. Anh Thắng cho rằng, với tình hình vệ sinh thực phẩm gần như bị thả nổi hiện nay, nếu ăn uống ở những nhà hàng nhỏ lẻ, quán ăn ven đường, … không có hệ thống kiểm tra chất lượng và phát hiện độc chất thì anh không yên tâm.
Anh Thắng bày tỏ: “Tôi không nghĩ tôi đến đây vì thích chơi sang. Đơn giản là vì tôi có thể trả 750.000 đồng cho 1 bát phở mà tôi nghĩ là ngon, an toàn và tôi cảm thấy an tâm, thoải mái vì điều đó”.
Trung bình mỗi tuần anh Thắng đến nhà hàng này ăn phở 2-3 lần. Vào cuối tuần rảnh rỗi hoặc muốn xả stress, anh cũng thường đưa cả vợ, 2 con và ông bà nội ngoại đến ăn cùng, mỗi người có thể chọn loại phở theo sở thích riêng của mình.
 “Tôi thấy kinh tế Việt Nam hiện nay phát triển mạnh và sản sinh ra một tầng lớp giàu có, tiền với họ không phải là vấn đề quá quan trọng. Là chủ nhà hàng này, thời gian gần đây tôi thường xuyên tiếp những gia đình 3 thế hệ đến ăn phở vào mỗi sáng cuối tuần. Cả tiền đồ uống, café, hóa đơn thanh toán cho mỗi lần ăn sáng cũng có thể là gần chục triệu đồng”, chủ nhà hàng cho biết.
Thậm chí, có những vị khách thân quen ăn thường xuyên ở đây đã trên 2 năm, ngày nào nhà hàng cũng phải giữ một chỗ đặc biệt cho vị khách này. Toàn nhà hàng có khoảng 150 chỗ ngồi, nhưng vào giờ cao điểm (7-9h sáng) đều hết sạch chỗ ngồi. Đến ngày cuối tuần, theo lời ông chủ, thì nhiều khách muốn vào ăn còn phải lái xe ô tô chạy nhiều vòng bên ngoài để tìm chỗ đậu xe vì sân nhà hàng đã chật kín xế hộp.
Càng giàu càng ăn sạch
Không chỉ ăn sáng, nhiều người giàu ở Hà Nội chọn ăn trưa hoặc ăn tối cũng ở những nơi sang trọng, đắt đỏ để đạt được cảm giác an tâm.
Bà Thùy Anh, phụ trách truyền thông của khách sạn M. cho biết, khách sạn có đặc thù là thường phục vụ ăn cho khách nước ngoài, khách tham gia hội nghị hội thảo nên đối tượng đến ăn vì nhu cầu cá nhân trước đây xuất hiện không thường xuyên. Nhưng hiện nay thì tình hình đã đổi khác.
 “Dù không có một thống kê nào về việc có bao nhiêu người đến đây ăn vì nhu cầu ăn uống cá nhân thông thường nhưng đối tượng cá nhân, hộ gia đình đến đây ăn xuất hiện ngày càng nhiều”, bà Thùy Anh nói.
Để đáp ứng được xu hướng này của khách hàng, khách sạn M. đã đưa ra ngày càng nhiều món ăn thuần Việt hơn và đưa ra một số “gói” sản phẩm cho khách hàng lựa chọn.
 “Cuối tuần chúng tôi có gói ăn sáng kèm ăn trưa cùng, kéo dài từ 9h sáng đến 2h chiều. Giá cho mỗi suất ăn của người lớn là 620.000 đồng, chưa để đồ uống và 10% VAT cùng các chi phí khác. Trên thực tế, rất nhiều người lựa chọn những suất ăn như thế này, số gia đình đi đến 6-7 người vào cuối tuần rất phổ biến và họ đến khá thường xuyên”, bà Thùy Anh nói.
Còn tại chuỗi nhà hàng “bình dân” hơn, một giám đốc Marketing cũng cho biết, lượng khách gia đình đến ăn tại đây cũng chiếm đến khoảng 40%. Những đối tượng đi ăn nhỏ lẻ đến rất thường xuyên.
Các nhà hàng này còn đưa ra những thực đơn có lợi cho sức khỏe với những món ăn nhiều rau để khách hàng lựa chọn, bởi, hiện nay người có điều kiện kinh tế tốt thực sự không tiếc tiền để được sử dụng những gì có lợi nhất cho sức khỏe.
1/3 bệnh nhân ung thư có nguyên nhân liên quan đến cách ăn uống

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy: Tỷ lệ mắc ung thư (tỷ lệ chung cho tất cả các loại ung thư) ở nam giới Việt Nam năm 2010 là 181,3 người/100.000 người. Năm 2000, tỷ lệ này là 146,6 người/100.000 người.

Còn ở nữa giới, tỷ lệ này năm 2010 là 134,9 người/100.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ ung thư năm 2000 ở nữ chỉ là 101,6 người/100.000 người.

Ngày 8/12/2010, bác sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc bệnh viện Ung bướu TP HCM đã đưa ra một con số đáng lưu ý: “Số liệu nghiên cứu mới đây cho thấy 1/3 những người mắc bệnh ung thư là do có vấn đề trong ăn uống.

Nếu thức ăn hàng ngày nhiễm độc, ăn vào cơ thể, lâu ngày sẽ tích tụ gây bệnh. Hiện nay cũng có nhiều người ăn rau ít, chất béo nhiều, nhậu nhiều, trẻ em còn nhỏ nhưng cũng được đưa đi ăn ở các tiệm bán thức ăn nhanh – nơi có nhiều món ăn giàu chất béo, gây béo phì. Đó cũng là một yếu tố gây ung thư”.
Theo Vietnamnet
http://www.zing.vn/news/xa-hoi/dai-gia-ha-noi-chi-gan-chuc-trieu-dong-an-sang/a104441.html
Cảnh II: Quá khổ, cụ bà 80 tuổi muốn hiến xác sống 
Chồng chết, con trai cũng chết, nhà bị lừa lấy mất, người đàn bà đơn độc bị đẩy ra đường, sống lay lắt ở hè Bách hoá Thanh Xuân, Hà Nội suốt 25 năm nay.
25 năm nay, những người bán hàng quanh Bách hoá Thanh Xuân đã quá quen thuộc với hình ảnh nhỏ bé còm cõi của cụ Đinh Thị Hạnh bên chiếc cân sức khoẻ, gom góp từng đồng bạc lẻ sống qua ngày.

Cụ Đinh Thị Hạnh giữa “chốn mưu sinh” của mình.
Hà Nội buổi chiều thu, mưa rả rích khiến cảm giác se lạnh của heo may càng thấm thía. Nhưng bên góc hè, cụ Hạnh vẫn phong phanh chiếc áo ngắn tay, đôi mắt đục mờ dõi cái nhìn mông lung ra con đường ướt nhoè phía trước. Suốt từ chiều, chưa có người khách nào ghé cân cho cụ. Có lẽ do trời mưa, người mua sắm cũng ít đi.
Ngồi mãi cũng buồn, bà lôi cơm ra ăn cho xong bữa. Hộp cơm khô khốc chỉ có vài miếng thịt, bà trệu trạo nhai và cố nuốt. Miếng cơm khô như nghẹn lại trong họng. Bà lấy bình nước sôi ra, chan vào cơm để ăn cho dễ. Bà cho biết, cơm mua hồi trưa còn lại để dành cho bữa tối.
Người đàn bà bất hạnh
Cụ Hạnh kể mình quê ở Thái Bình, cha mẹ anh em chết hết vào nạn đói năm 1945 chỉ còn mỗi mình sống sót. Từ nhỏ, bà đã phải lăn lộn kiếm sống ở hết gầm cầu Bo rồi chợ Bo Thái Bình để kiếm miếng ăn qua ngày. Rồi cụ lấy chồng, nhưng người đàn ông đó đã phụ bà, bỏ đi mất khi hai người chưa có con.
Năm 1957, bà bỏ quê lên Hà Nội xin vào làm công nhân nhà máy điện Mễ Trì. Rồi bà đi bước nữa với một người đàn ông cũng là công nhân và sinh được một cậu con trai. Không may chồng bà mắc bệnh hiểm nghèo mất khi cậu con trai mới tám tuổi và bà thì vẫn đang còn xuân trẻ. Cắn răng chịu đựng, bà ở vậy nuôi con. Công việc ở Hà Nội rồi cũng mất, bà đành bỏ việc và bắt đầu cuộc sống mưu sinh làm thuê đủ mọi việc để nuôi con.
Bất hạnh nối tiếp bất hạnh khi người con duy nhất của cụ bị bệnh qua đời. Trái tim người mẹ tan nát khiến nhiều lúc cụ muốn đi theo con. Cụ bảo, tên của mình là Đinh Thị Thanh nhưng do khổ quá mà cụ đổi tên thành Đinh Thị Hạnh, người đàn bà suốt đời bất hạnh. Năm tháng qua đi, làm đủ nghề nặng nhọc kiếm sống, đến lúc thấy tuổi đã cao, biết không thể tiếp tục làm thuê được nữa, cụ sắm một cái cân sức khoẻ rồi ra ngồi ở hè Bách hoá Thanh Xuân. Tính đến nay cũng đã 25 năm rồi.
Thời gian đầu, sáng cụ ra hè Bách hoá ngồi, tối lại trở về căn nhà của mình sống vò võ một mình. Cụ quyết định bán căn nhà đó đi để mua một căn nhà khác ở gần Bách hoá. Nhưng trớ trêu thay, nhà mua không có giấy tờ đàng hoàng mà chỉ viết sang tay nên ở được hơn một tháng thì bị chủ cũ vu oan cụ chiếm nhà và đòi kiện. Rồi công an tới đòi bà cho xem giấy giao kèo, thật thà nên cụ đưa và họ bảo cần đem về xác minh rồi cầm đi mất. Vậy là cụ mất trắng căn nhà, bị đuổi ra ngoài đường. Bắt đầu từ đó, góc hè Bách hoá Thanh Xuân trở thành chỗ sinh sống của cụ luôn.
Cụ kể, những người bảo vệ ở đây rất thương cho hoàn cảnh của bà nên họ cho bà ở mà không đuổi. Chiều chiều, bà ra đằng sau Bách hoá tắm giặt nhờ. Mỗi ngày, cụ mua một hộp cơm 15.000 đồng chia ra ăn bữa trưa và bữa tối. Cụ bảo già rồi, cũng chẳng ăn được bao nhiêu, với lại mua thế để tiết kiệm.
Nguyện vọng được hiến xác
Ở tuổi 80, cuộc đời của cụ Hạnh như ngọn đèn trước gió. Cụ bảo bao nhiêu năm nay, thân già nằm đây chả biết chết lúc nào. Người già khó ngủ, đêm nào cụ cũng thao thức chờ sáng. Bình thường còn ngủ được một chút chứ những đêm mùa hè nóng nực như thời gian vừa rồi, cả đêm bà nằm phe phẩy quạt đến sáng.
Nhưng khổ nhất vẫn là những đêm mùa đông, rét quá nên cả đêm không ngủ được. Những ngày nhiệt độ xuống quá thấp cụ mới đi thuê phòng để ngủ. Gọi là phòng chứ thực ra chỉ là cái hầm của một căn nhà, chỉ rộng 5m². Bình thường người ta để đồ nên giá chỉ có 300.000 đồng/tháng. Trời hết rét cụ lại trả nhà ra hiên Bách hoá ngủ và họ lại lấy chỗ đó để đồ. Mỗi ngày, cụ biết mình phải có 13.000 đồng để trả tiền nhà. Ngày nào kiếm được ít quá, cụ lại ăn bánh mì chứ không dám mua một hộp cơm để có tiền trả tiền nhà.
Nhưng hai năm nay, thấy bà già quá, chủ nhà không dám cho cụ thuê nữa vì sợ trời lạnh quá, cụ chết trong nhà của họ nên suốt mùa đông cụ phải ngủ ngoài hè Bách hoá, chịu cái lạnh cắt da cắt thịt. Cụ bảo nhưng có lẽ trời thương, nên mặc dù nhìn mình quắt queo lẻo khoẻo thế này nhưng cụ rất ít bị ốm, không phải nằm một chỗ nên vẫn kiếm sống được mỗi ngày. Chỉ có cái chân bị khớp thỉnh thoảng lại hành cho nhức nhối, không có tiền đi bệnh viện, đau quá không chịu nổi, cụ mới đi mua thuốc, 9.000 đồng một viên uống cũng bớt đau được vài ngày.
Cụ bảo sống không nơi nương tựa nên chẳng biết khi nằm xuống ai sẽ lo ma chay cho. Thỉnh thoảng đọc báo nên cụ biết được các bệnh viện rất cần nội tạng, các trường đại học y thì cần xác cho sinh viên thực hành nên nguyện vọng của bà là muốn được hiến xác vừa không phải lo chuyện hậu sự cho mình lại vừa giúp ích được cho đời. Cụ đã từng viết đơn gửi đến bệnh viện Bạch Mai xin hiến xác nhưng chưa thấy bệnh viện hồi âm chấp nhận yêu cầu của cụ.
Thấy mình đã già lại không nơi nương tựa nên cụ rất sợ bệnh già kéo tới, phải nằm một chỗ không có người chăm sóc thì càng khốn khổ nên cụ còn có ý muốn sẵn sàng hiến xác sống với suy nghĩ bây giờ nội tạng còn khoẻ mạnh, chắc chắn sẽ có ích hơn. Cuộc sống bế tắc đến nỗi đã có lúc cụ mua thuốc chuột về định tự tử nhưng hoà cho con chó uống thử thì không thấy chết nên từ đó cụ không dám liều vì sợ uống vào chết không được mà lại mang bệnh, mang tật thì còn khốn khổ hơn.
Suốt cuộc đời khốn khổ của mình, cụ Hạnh bảo mình chẳng có điều kiện giúp đỡ được ai thì chỉ mong chết đi, thân già này có thể giúp cho người khác sống thêm được vài năm, như thế là cụ mãn nguyện lắm rồi.
Theo Hà Dịu
Sài Gòn tiếp thị
http://dantri.com.vn/c20/s20-429923/qua-kho-cu-ba-80-tuoi-muon-hien-xac-song.htm 
Giáo huấn của Chúa Giêsu
 "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.
Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? " Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."
Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? " Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy."
Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời."