LIÊN QUAN GIỮA HÀNH ĐỘNG
VÀ TƯ TƯỞNG
VÀ TƯ TƯỞNG
Chúng ta phải luôn luôn xác tín:
“Trừ ta ra, không có cái gì làm cho ta bình tĩnh
được hết”.
Câu nói này là của Emerson.
Trong thiên tuỳ bút “tự tín”, ông viết : “Khi ta thắng trên trường chính
trị, khi lợi tức của ta tăng lên, khi ta hết bệnh, mạnh trở lại, có bạn đi xa
trở về, hoặc gặp một hoàn cảnh thuận tiện nào, những lúc đó, ta thấy tinh thần
phấn khởi và ta nghĩ rằng : ngày vui sắp tới. Xin đừng tin như vậy. Không thể
như vậy được. Trừ ta ra không một ai mang lại sự bình
tĩnh cho tâm hồn ta đâu”.
Epictète, triết gia theo chủ
nghĩa khắc kỷ, khuyên ta phải đuổi những tư tưởng xấu ra khỏi đầu óc, vì nó có
hại cho ta hơn những mụn nhọt ở ngoài da.
Epictète sống cách ta 20 thế
kỷ mà y học bây giờ cũng nhận lời ấy là đúng. Theo bác sĩ G. Canby Robinson,
thì trong năm người bệnh ở nhà thương John Hopkins, có bốn người đau vì lao tâm
hay ưu tư quá.
Không phải chỉ những bệnh
tinh thần có nguyên do ấy đâu, cả những bệnh hoàn toàn về thể chất cũng vậy.
Ông nói : “Những bệnh này thường khi do người đau không biết làm cho đời
sống của mình thích nghi với những vấn đề thực tế”.
Montaigne, một văn sĩ và
triết gia người Pháp dùng câu này làm châm ngôn : “Loài người đau khổ do
hoàn cảnh thì ít mà do ý niệm của mình về hoàn cảnh thì nhiều”.
Mà ý niệm đó hoàn toàn tuỳ
thuộc ta.
Quả thực nhiều khi chỉ cần
một chút nghị lực điều khiển hành động, là tâm trạng ta hoàn toàn thay đổi.
William James, nhà tâm lý
uyên thâm vào bậc nhất thế giới, đã nhận thấy rằng : “Hành động có vẻ như
theo sau tư tưởng, nhưng sự thực cả hai cùng đi với nhau và khi chúng ta chết
định hành động, thì chúng ta có thể chế định tư tưởng một cách gián tiếp được”.
Nói một cách khác, William
James bảo rằng : “không thể dùng ý chí để quyết thay đổi cảm xúc, mà cảm xúc
thay đổi ngay được; nhưng chúng ta có thể thay đổi những hành động và một khi
hành động thay đổi thì tư tưởng cũng đổi thay ngay.
Ông giảng thêm : “Như vậy
nếu mất sự vui vẻ, mà muốn chuộc lại, thì cách chắc chắn nhất có thể làm được
là tỏ ra một thái độ vui vẻ và hành động nói năng như là sự vui vẻ đã tới rồi
vậy”.
Thuật giản dị đó có thành
công chăng? – Thành công thần diệu. Chúng ta có thể thử mở miệng ra cười lớn,
hãy hồn nhiên vui vẻ, hãy ưỡn ngực hít một hơi dài rồi ca lên một khúc, ta sẽ
thấy liền – như William nói – rằng tinh thần không thể nào buồn ủ trong khi
hành động tỏ một nỗi vui chói lọi.
Sự thực, các nhà tâm lý ngày nay đều nhất trí chủ trương : Tư
tưởng liên quan tới hành động, mà hành động lại cũng liên quan tới tư tưởng...
Lm. Đỗ
Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công