Nỗi niềm người cao tuổi
Ai cũng có những năm tháng tuổi thơ đầy kỷ niệm, những năm tháng tuổi thanh xuân giàu sinh lực, nhiều ước mơ; rồi sẽ trở thành lớp trung niên, yên bề gia thất, con cái lớn khôn, công thành danh toại. Và rồi sẽ trở thành ông, thành bà - người cao tuổi.
Người cao tuổi phải đối mặt với sự khắc nghiệt do quá trình biến đổi sinh học, bên cạnh đó, sự vô tình hay hữu ý của con cháu trong đối nhân xử thế diễn ra hàng ngày đôi khi cũng đem đến cho họ bao nỗi niềm.
Bà Hoa nhà ở Q.3, TP.HCM kể: "Kiếm được người giúp việc nhà ưng ý không dễ! Suốt hai tháng qua tôi cứ quần quật mệt bã cả người. Buổi sáng từ Q.3 đi xe ôm đến Q.Gò Vấp phụ giúp trông nom hai cháu nội. Buổi chiều về cơm nước cho ông xã. Ở cái tuổi gần 70 mà trông trẻ con thì mệt lắm! Nhưng giao hết cho người giúp việc thì không đành. Hôm tết, cô em gái tôi đến thăm, có ý trách con trai tôi: "Các cháu sắp xếp sao chứ mẹ vất vả quá đấy!". Con trai tôi làm luôn một hơi: "Thì dì biết tính mẹ cháu, lúc nào cũng cầu toàn, việc bà lên giúp là bà tự nguyện chứ chúng cháu có yêu cầu đâu? Làm mệt rồi lại kêu".
Bà Kim Lan ở Q.Tân Bình thì than thở: "Hôm vừa rồi bước từ trong nhà tắm ra, tôi trượt chân ngã, may mà xương cốt không việc gì. Thay vì được một câu an ủi: "Mẹ có đau lắm không? Chúng con đưa mẹ đi khám nhé... thì con trai tôi lại nói như trách móc: "Già rồi, mẹ phải cẩn thận chứ!". Đến bữa cơm tôi thanh minh về cái ngã của mình là do cô giúp việc lau nhà còn ướt quá! Nghe vậy cô con dâu lại bồi thêm: "Nền nhà ướt sao cả nhà không ai ngã, chỉ có mình bà ngã” (ra điều chỉ có bà là không cẩn thận thôi!). Chẳng lẽ những chuyện nhỏ như vậy lại tranh luận, tôi chỉ biết chép miệng nhủ thầm: "Rồi một ngày nào đó chúng mày sẽ già”, nghĩ vậy thôi chứ lòng buồn lắm!".
Tưởng chỉ có các bà hay tủi thân, để tâm đến những chuyện nho nhỏ, ông Quốc Anh - đại tá về hưu ở Q.10 - bộc bạch: "Điều khổ tâm nhất đối với người cao tuổi là khoảng cách thế hệ, là sự thiếu thông cảm, thiếu sẻ chia. Vợ tôi mất đã 5 năm, tôi còn mạnh chân khỏe tay, có lương hưu, bạn bè, đồng đội ở khắp nơi. Nghĩ mình còn sức khỏe, có điều kiện, muốn đi đây đi đó cũng là nhu cầu chính đáng. Thế nhưng, con cái thì lại nghĩ khác, chúng không thích vậy. Chúng cho rằng: "Ông ham chơi! Đi du lịch tốn kém!". Các con thường nhắc đi nhắc lại: "Ông đi thế về nhà là bệnh cho mà xem". Đã có lần bực mình ông nói: "Khi nào lớn tuổi các con mới hiểu được".
Để hóa giải "mâu thuẫn thế hệ", cần nỗ lực từ hai phía. Những người cao tuổi đừng quá nặng lòng với những sai sót trong ứng xử của con cái, nên lựa lời góp ý. Hãy tập bỏ thói quen tủi thân, "để bụng" hoặc "nổi trận lôi đình", mắng té tát cho hả giận với ý nghĩ "dù có là ông này, bà nọ, mày vẫn là con tao".
Các bạn trẻ hãy thông cảm với đặc điểm tâm lý tuổi già: dễ tổn thương, nhớ rất kỹ chuyện ngày xưa nhưng lại hay quên chuyện hiện tại. Dù bận rộn, bươn chải đến đâu cũng hãy dành cho bố mẹ những biểu hiện sự yêu thương, cùng với thái độ, hành vi làm gương cho con cái về sự hiếu thảo. Hãy tôn trọng tuổi già. Vẫn biết rằng khoảng cách thế hệ là chuyện hiển nhiên nhưng nếu có tình thương, sự hiểu biết, có trách nhiệm thì sẽ có cách "hóa giải" mọi chuyện. Làm sao để những năm tháng cuối đời, ông bà cha mẹ mình giảm được những nỗi buồn không đáng có, mà ta vô tình hay hữu ý gây nên.