LÒNG ĐỘ LƯỢNG
TT - Là cha của nạn nhân nhưng ông đã đối xử với hung thủ giết con mình cũng bằng tấm lòng của một người cha. Chuyện hiếm thấy này xảy ra tại phiên tòa phúc thẩm TAND tối cao ở TP.HCM hôm 8-11.
Đứng chịu tội trước tòa, cô gái có khuôn mặt rất trẻ cứ ngoái ra ngoài hành lang phòng xử. Thỉnh thoảng, đôi mắt sưng mọng, nhòe nhoẹt nước mắt của cô ánh lên nỗi xót xa khi tiếng khóc xé lòng vì khát sữa của đứa bé chỉ vừa hơn 4 tháng tuổi vọng vào.
Khi Nguyễn Thị Thùy Trang phạm tội, bị bắt giam mới biết một sinh linh bé nhỏ đang tượng hình trong mình. Để rồi đứa trẻ phải chào đời trong trại giam, phải bất đắc dĩ đồng hành cùng mẹ tới pháp đình, nơi vốn không bao giờ có bóng dáng trẻ thơ.
Con bé được bà ngoại - cũng là người đại diện cho bị cáo vì Trang chưa bước qua tuổi thành niên - dỗ dành khi mẹ nó đứng trước vành móng ngựa. Ngồi cạnh bên bà là vợ chồng ông Nguyễn Trí - cha mẹ của nạn nhân Nguyễn Thanh Tuyền, người đã chết vì nhát dao trí mạng của Trang.
Không giống như những cảnh thường thấy tại các phiên tòa khác, phía bị cáo và bị hại thường được chia làm hai “chiến tuyến”. Ở đây, nhìn thái độ ân cần, chia sẻ của hai gia đình dành cho nhau, nhiều người dự khán đã lầm tưởng họ là người thân.
Cơn ghen và nhát dao oan nghiệt
Nhà nghèo nên 14 tuổi Trang phải nghỉ học, đi làm ở nhiều chỗ khác nhau để có tiền giúp mẹ nuôi em nhỏ. Hai năm sau, tình yêu đầu đời của cô đã chớm nở với B.. Hai người cùng xin vào làm công nhân tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Chưa đủ tuổi để làm người lớn nhưng cả hai đã lên kế hoạch chuẩn bị đám cưới vào một ngày không xa. Vậy mà Trang cứ thấy người yêu của mình trò chuyện thân mật với T.T., đồng nghiệp làm chung xưởng.
Ghen... Trang nhiều lần tìm T.T. nặng lời, buộc phải chấm dứt mọi hành động “trên mức tình cảm” với B. nhưng không được. Thậm chí, Trang cho rằng T.T. còn cố tình chọc tức Trang nhiều hơn.
Chiều 14-10-2009, Trang lại thấy T.T. “nhỏ to” với người yêu của mình liền bước lại xỉa xói dẫn đến ẩu đả. Bị đánh, T.T. ức lòng nên gọi điện thoại cho chị em gái đến công ty đánh trả thù. Cùng đi với họ còn có cô Nguyễn Thanh Tuyền (bạn của chị gái T.T.).
Xô xát diễn ra, Trang vung tay đâm một nhát trí mạng vào Tuyền khiến cô gục tại chỗ. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng Tuyền đã chết. TAND tỉnh Đồng Nai đã kết án Trang 8 năm tù, hai người bạn của Trang thì một lãnh án 3 năm tù, một nhận án 2 năm 6 tháng tù và được hưởng án treo cùng về tội “giết người”. Ba chị em của T.T. đều được tòa cho hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, dù nhìn nhận Trang có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng Viện kiểm sát vẫn đề nghị giữ nguyên 8 năm tù vì cho rằng đó là mức án phù hợp quy định của pháp luật. Trang bật khóc mà ánh mắt van nài cứ bám lấy hội đồng xét xử.
Bào chữa cho hung thủ giết con mình
Được tòa hỏi đến, sau một lúc trầm tư như đang cố nén nỗi đau, ông Trí cất giọng: “Tôi không rành về pháp lý để tranh luận với Viện kiểm sát rằng mức án đó là phù hợp hay nằm trong khung hình phạt nào. Tôi chỉ đề nghị tòa xem xét đến khía cạnh khác, vì nhân đạo mà giảm án cho Trang. Gia đình Trang nghèo khó, cha có vợ khác nên bỏ bê con cái, còn mẹ Trang buôn bán vất vả để nuôi sống gia đình nên cũng chẳng có thời gian quan tâm đến con. Trang chỉ được học tới lớp 8 thì nghỉ. Với từng ấy năm đi học làm sao đủ để rèn luyện tính cách một con người?”.
Ông Trí nói như đang thực hiện một bài bào chữa cho bị cáo. Mẹ Trang ngồi kế bên cúi đầu, nước mắt lã chã rơi theo từng lời của ông.
“Cũng xin tòa xem đến hoàn cảnh đặc biệt mà giảm án cho Trang. Trang phạm tội, bị bắt mới biết mình đang mang thai rồi phải sinh con trong trại giam. Đứa bé còn quá nhỏ mà phải theo mẹ ngồi tù, lớn lên trong bốn bức tường của trại giam, nhìn đời qua song sắt nhà tù thì thật quá đau lòng” - ông tiếp lời.
Ông còn dẫn cả đạo lý “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn” để đề nghị tòa áp dụng chính sách nhân đạo, giảm án cho Trang.
Nghe những lời của ông, chốc chốc đôi vai của Trang lại run lên. Cô đứng lặng, để mặc cho những giọt nước mắt thi nhau rơi xuống.
Ngoài hành lang phòng xử, vợ ông Trí liên tục dỗ dành, nựng nịu con của Trang vì bà ngoại của nó phải dự phiên tòa. Có lẽ vì đói và thèm hơi mẹ nên nó không chịu nằm yên, miệng luôn gào khóc. Tay bế tay bồng, bà nháo nhào nhờ người pha bình sữa, rồi nhẹ nhàng thổi cho nguội để con bé sớm được no lòng.
Nhìn cảnh ấy, ai cũng tưởng bà là nội hay ngoại của con bé, đâu biết bà là nạn nhân, đang chịu nỗi đau mất đứa con gái thân thương do chính tay mẹ đứa bé gây ra.
Giải thích vì sao bào chữa xin giảm án cho người đã cầm dao đâm chết con mình, ông Trí nói: “Tôi làm cha nên tôi biết chuyện giáo dục trong gia đình rất quan trọng. Trang phạm tội vì cô bé thiếu sự quan tâm của cha mẹ nên mới xốc nổi và hành xử thiếu suy nghĩ như thế. Tôi tin rằng khi đã có con, Trang đã hiểu hơn về thiên chức của mình và biết sửa sai vì tương lai của con mình”.
Một khoảng lặng trôi qua, ông ngồi im, ánh mắt hiu hắt hướng về phía khung cửa sổ chênh chếch nắng. “Làm sao nói được tôi đã đau khổ thế nào khi mất con? Nhưng thôi, tôi xin giảm án cho Trang cũng là để con tôi được ngậm cười nơi chín suối” - ông Trí nói bằng một giọng nghẹn ứ.
Mẹ Tuyền cũng ngậm ngùi: “Tuyền là đứa con gái mà ông ấy thương nhất. Tuyền hiếu thảo lắm. Lúc ông ấy bệnh nặng, con bé đòi nghỉ học để đi bán vé số lấy tiền phụ cha mẹ mà ông ấy không cho. Lúc hay tin nó bị đâm chết, cha nó đã ngất xỉu”.
Hai ông bà đã rộng lòng, kiên trì xin tòa giảm án cho Trang ngay từ phiên xử sơ thẩm. Phiên tòa phúc thẩm lần trước (hoãn vì vắng mặt mẹ Trang) cũng thấy ông bà có mặt rất sớm. Lần này cũng vậy, từ Long Thành (Đồng Nai), hai ông bà chở nhau đi từ 5g sáng vì sợ trễ giờ đến tòa.
Giờ nghị án, khuôn mặt giàn giụa nước mắt, Trang bước tới nắm tay mẹ Tuyền nói: “Con xin lỗi bác, mong gia đình thứ tội cho con!”. Mẹ Tuyền cười đôn hậu: “Gia đình bác đã tha thứ cho con rồi, con cũng đáng thương lắm. Hãy lo cải tạo tốt mà chăm sóc cho con của con nhé”.
Mong đường xa ngắn lại
Tòa tuyên án. Cả khán phòng im phăng phắc dõi theo từng lời từng chữ trong bản án mà vị chủ tọa đang công bố càng khiến tiếng khóc xé lòng của đứa bé ngoài hành lang vọng vào rõ hơn. Tòa tuyên giảm án từ 8 năm còn 7 năm tù. Nước mắt lại rơi trên khuôn mặt cả Trang và mẹ cô.
Vị chủ tọa cũng nán lại dù bản án đã được tuyên xong, nhỏ giọng, ông căn dặn: “Chiếu theo quy định của pháp luật thì tòa không thể giảm hơn được nữa cho bị cáo. Nhưng bị cáo cứ yên tâm cải tạo tốt thì sẽ được hưởng thêm chính sách khoan hồng, giảm án của trại giam”.
Vẫn với khuôn mặt đầy nước mắt, Trang ôm đứa bé vào lòng, chào người thân, ông bà Trí để ra xe tù về trại giam. Cái dáng nhỏ bé của người mẹ trẻ bế con thơ lủi thủi bước lên xe tù cứ làm thắt lòng người.
Quãng đường còn lại của mẹ con Trang quả thật khó khăn. Nhưng tin rằng với tấm lòng bao dung nhân hậu của gia đình nạn nhân, Trang sẽ sống tốt hơn để chặng đường trả giá cho lỗi lầm kia cũng sẽ ngắn lại...
CHI MAI
"Tôi luôn cảm thấy ray rứt trước cái chết của con gái. Sự quan tâm, giáo dục của tôi với con cái lại theo một chiều hướng khác. Tôi đã khắt khe và luôn đòi hỏi con cái phải thế này thế khác để giữ nề nếp gia phong mà không quan tâm con mình nghĩ gì, cần gì. Tôi dần đẩy nó rời xa gia đình, xa lạ cả với máu mủ ruột rà dù đôi khi tôi vẫn nhận được ánh mắt yêu thương của nó. Để rồi đến lúc con chết, tôi mới nhận ra sai lầm của mình. Càng thương con, tôi càng thấy tội nghiệp cho bị cáo. Trang có được giáo dục đâu, nó cứ như bông hoa dại bên đường, trách sao không gây ra chuyện"
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/Ky-su-phap-dinh/410489/Long-do-luong.html