Nghề độc Sài Thành: Nhậu thuê và đánh ghen
Hai nghề này chẳng cần bỏ vốn, một nghề là bỏ nước bọt, một nghề là phải có tửu lượng cực cao. Có lẽ chỉ ở Sài Gòn mới có những "nghề" độc đáo như vậy.
Sướng khổ nghề nhậu thuê
"Làm nghề này dễ lắm, không cần phải bằng cấp gì cả, chỉ cần ông có tửu lượng khá và 'bộ đồ lòng' tốt, biết đọc tên, giá cả, cách phân biệt mùi vị một số loại rượu Tây", Duy N - một "chuyên gia" nhậu thuê khề khà. "Ngoài những yêu cầu trên, ông còn phải thường xuyên cập nhật tin tức, từ tin văn hoá, xã hội, thể thao, cho đến kinh tế, và nếu ai biết làm thơ trên bàn nhậu thì càng tốt, đặc biệt là thơ 'mặn'. Người thuê thường là doanh nhân, vì thế người nhậu thuê cần phải biết nhiều thứ để nói chuyện cho bàn nhậu thêm xôm tụ", N nói thêm.
N cho biết do nhu cầu làm ăn, chiêu đãi, mở rộng quan hệ, nên ngày nay có rất nhiều công ty nhờ đến dịch vụ nhậu thuê này. Cũng như bất cứ nghề nào khác, nghề nhậu thuê cũng có người đứng ra làm chủ soái - người đưa ra những "luật" như không trộm cắp, không cho "chó ăn chè" trên bàn nhậu, không "đâm sau lưng chiến sĩ" (đặt điều nói xấu nhau). Theo N, lúc trước chỉ có cánh mày râu làm nghề này, giờ thì đã có nhiều phụ nữ đi nhậu thuê. Cứ mỗi cuộc nhậu, người nhậu thuê được trả từ 500 - 700 nghìn đồng.
Cơ cực nghề nhậu thuê. Ảnh minh họa
|
Nhìn qua ai cũng tưởng nghề này rất dễ ăn, nhưng thực tế thì chỉ có dân trong nghề mới biết nỗi khổ. "Ai quen uống rượu thì chỉ uống rượu thôi, chứ vừa rượu vừa bia dễ bị vật lắm. Tôi có thằng bạn bên quận 8 cũng làm nghề này, khách của nó nhiều lắm, một ngày nó nhậu 5-6 độ. Nhưng cái thằng này nhậu tạp, bia rượu gì nó làm láng hết, kể cả rượu chuối hột. Bởi vậy 'bộ đồ lòng' của nó bây giờ nát bấy luôn", Tuấn "Sài Gòn", một người nhậu thuê cho biết.
Sở dĩ Tuấn có biệt danh này là do anh chỉ uống được một loại bia duy nhất là bia Sài Gòn. Và đây cũng là kinh nghiệm sống của anh khi vào nghề. Theo lời Tuấn thì bia, rượu, nhất là các loại sản xuất chui, có độ cồn rất cao, vì vậy hễ uống lộn xộn không trung thành với một gu nào thì rất dễ "lãnh đòn".
Hôm sau tôi cùng Tuấn đến quán nhậu khá lớn trên đường Hoàng Văn Thụ. Khách hàng của Tuấn là ông chủ của chuỗi cửa hàng thời trang nổi tiếng, còn đối tác là 3 người chuyên cung cấp hàng. Vào bàn, sau vài câu xã giao, phía đối tác của Tuấn bắt đầu uống bia như nước lã, thỉnh thoảng mới có vài câu liên quan đến việc làm ăn. Tuấn và "ông chủ" thì thầm với nhau rồi ông ta nói: "Anh có việc phải đi gấp, có gì mấy anh em ở lại chơi với Tuấn".
Ông chủ vừa khuất bóng, phía đối tác càng uống bạo làm cho Tuấn phải méo mặt vì uống theo họ. Hết thùng bia thứ ba, một vị khách lên tiếng: "Bia rượu uống chán rồi, bây giờ mình đi 'tăng hai' cho vui". Tuấn từ chối: "Ông chủ có chỉ định tiếp đến đây thôi". Nghe thế, cả nhóm nổi nóng, xúc phạm Tuấn không tiếc lời. Thấy tôi có vẻ khó chịu vì thái độ của phía đối tác, Tuấn nói nhỏ: "Thôi bỏ đi, làm nghề thì phải chịu, lên tiếng coi chừng bị ăn đòn mà còn không có thù lao".
Rời quán, Tuấn chua chát: "Nghề này nhiều người vẫn nói đùa rằng tiền công được tính bằng những cơn say. Kiếm được vài triệu một tháng đôi khi phải khóc trên bàn nhậu, đó là chưa kể các bệnh tật do bia rượu mà ra"
"Từ khi theo nghề này, tự nhiên tôi có thói quen ngày nào không uống là không chịu được", Trần Văn Q, một cao thủ trong nghề nhậu thuê cho biết. "Hôm nào có sô thì không nói làm gì, còn hôm nào ế thì tôi với một vài chiến hữu thân tình phải gầy độ nhậu cho đỡ nhớ nghề", Q. kể thêm.
Theo lời anh thì lúc trước người làm nghề này rất được kính trọng, vì người nhậu thuê là "bộ mặt, tiếng nói" của các doanh nghiệp, doanh nhân. Nhưng rồi do thấy nghề này dễ sống, không cần vốn liếng nên nhiều người lao vào khiến các tay nhậu thuê rớt giá thê thảm..
Q. bấm đốt ngón tay nhẩm tính rồi thần mặt: "Đời tôi cũng đã chứng kiến nhiều đứa bạn nhậu thuê rời bàn nhậu trong cơn say rồi gặp tai nạn thành tàn tật, rồi trúng gió mà chết... Cơ cực lắm. Có lúc muốn tìm việc gì khác nhưng cũng khó vì nhậu nhẹt quen rồi, giờ chuyển làm nghề khác cả tháng có khi không đủ tiền một chầu nhậu".
Nghề đánh ghen
Nghề đánh ghen có ít khách hàng hơn vì chỉ sống được là nhờ những người chồng, người vợ có máu Hoạn Thư nhưng vì "yếu cơ" hơn tình địch, hay vì lý do nào đó họ không dám ra mặt nên mới nhờ đến "dịch vụ" đánh ghen thuê. Cũng như nhậu thuê, nghề này không cần bỏ vốn, mà chỉ bỏ nước bọt.
Trong vai một người chồng "bị cắm sừng", tôi tìm đến nhà K là một quán cơm bình dân trong một con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh. "Bị cắm sừng phải không", "bà trùm" K hỏi. "Không thì tôi tìm đến chị làm gì", tôi thiểu não trả lời vẻ rất hoàn cảnh. "Anh có đem theo hình của thằng đó tới không? Nếu muốn xử nhẹ cảnh cáo thì 4 triệu, còn muốn thằng đó "ôm mặt máu" thì 7 triệu, nhưng nói trước là tụi tui chỉ nhận xử còn sau đó nó với vợ anh còn "lẹo tẹo" với nhau không thì tui không chịu trách nhiệm", người phụ nữ này nói. Viện lý do ngày mai đem hình lại và đặt tiền, tôi lên xe chạy một hơi không dám nhìn lại.
Thế nhưng thực chất, thường thì các "khách hàng" không nhận được "dịch vụ" có "chất lượng" như những đối tượng đánh ghen thuê hứa hẹn. "Lúc mới nhận hợp đồng với người ta, bả hứa nào là chị muốn tui lấy của con nhỏ đó bao nhiêu cái thẹo cũng được, nhưng khi nhận tiền xong thì bả chỉ đến chửi bới vài câu rồi về. Vụ đó tui mất không 5 triệu đồng mà chẳng ích gì", bà G, một phụ nữ ngụ quận Bình Thạnh kể về lần đi thuê người đánh ghen.
Bà B, một "bà trùm" chuyên đánh ghen thuê nay đã giải nghệ xác nhận điều này. Bà thủng thẳng: "Ngu gì 'xử' gây thương tích phải đi tù. Nhận tiền xong tụi tôi chỉ đến gặp đối tượng cảnh cáo kiểu "mày muốn sống thì để yên cho chồng, (vợ) tao làm ăn", hoặc cùng lắm là tạt tai vài cái rồi thôi".
Theo Đời Sống Pháp Luật
Lời Chúa: "Cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả." (Lc 17,26-27)