LÝ TƯỞNG LÀ XƯƠNG SỐNG CỦA TINH THẦN
Bạn muốn thành công trong đời sống ư? Việc đầu tiên bạn cần làm ngay là vạch chỉ cho bạn một lý tưởng có thể đạt tới, một kế hoạch cụ thể bạn có thể thực hiện được. Chẳng hạn như đi thăm một người bị bỏ rơi, nhảy xuống nước cứu một người đang bị nguy hiểm chết đuối, v.v... nhận định ra khả năng của bạn, nhắm hướng đi và kế đó nhất tâm dấn bước vào con đường bạn đã chọn. Một con thuyền lênh đênh giữa biển cả, bị sóng vỗ tư bề, nếu người chủ thuyền vẫn mê ngủ, vẫn không quyết định chọn hướng đi, sớm muộn thuyền đó sẽ bị chìm.
Lý Tưởng Là Xương Sống Của Tinh Thần
Chắc các bạn còn nhớ lần gặp gỡ giữa cha Pierre dòng Phanxicô khó nghèo, và anh tù nhân bị án tù chung thân vì tội giết người, mà chúng ta đã có lần đề cập tới trước đây. Cuộc gặp gỡ lịch sử đó đã xảy ra trong một hoàn cảnh không ngờ và kết quả lại càng khó ngờ hơn nữa.
Chàng thanh niên bị án tù chung thân đó tên là Djibouti. Thất vọng vì thấy đời mình quá ư là vô ý nghĩa, nên anh ta dự tính tìm cách kết liễu đời mình một cách êm dịu, để thoát khỏi chuỗi ngày vô vị, nặng nề và đầy tủi nhục. Với lưỡi dao lam dùng để cạo râu sẵn có trên tay, anh dùng nó cắt đứt mạch máu tay, rồi thản nhiên nhìn máu từ từ loang chảy, khác nào một trò chơi vậy. Một phụ nữ người công giáo làm việc trong tù thấy vậy, vội vàng gọi điện thoại báo tin cho cha Pierre. Chỉ mấy phút sau, cha Pierre đã đứng đối diện với tù nhân. Chính cha Pierre kể lại như sau:
Thay vì dùng lời an ủi thương xót tù nhân, tôi đã dùng tới biện pháp tâm lý nghịch lý. Tôi lên tiếng khiển trách anh:
- Con thật là người vô phước. Rất tiếc cha không có gì để cho con. Cha ở gần đây chỉ cách mấy dãy phố. Ngày ngày cha phải lo chạy đây đó, phải ra trước tòa án, vào nhà tù để giúp đỡ các phụ nữ đáng thương, các bà mẹ bị chồng ruồng bỏ, đánh đập, các trẻ em mồ côi. Con hãy nhìn cha đây này. Tuổi cha đã cao, sức cha đang yếu dần, cha không còn đủ sức lo hết mọi công việc để đáp trả tiếng van lơn cầu cứu của những nạn nhân đáng thương này nữa. Trong khi đó, con còn trẻ, đời còn dài trước mắt, tại sao con lại muốn tiêu hủy sự sống của con một cách hèn nhát như vậy! Trước khi con muốn chấm dứt đời sống con, xin hãy nghĩ lại. Con có thể giúp cha một tay để cứu vãn sự sống của những người đáng thương này. Con có dư sức làm được việc đó. Nếu con chấp nhận, cha sẽ tìm cách đưa con ra khỏi nơi đây để con trợ tay với cha.
Trong nháy mắt, một tia sáng đã bừng lên trên gương mặt của chàng thanh niên bất hạnh đó. Anh mỉm cười gật đầu chấp nhận lời đề nghị của cha Pierre. Một viễn tượng mới như vén màn trước mắt anh. Lần đầu tiên anh cảm thấy muốn sống, vì anh đã tìm thấy một lý tưởng để sống. Anh sung sướng vì biết mình có thể trở nên hữu ích cho người khác. Có những người khác bất hạnh hơn anh, nhưng vẫn còn muốn sống và tranh đấu để sống. Tư tưởng đó làm anh thấy phấn khởi lạ thường và anh nhất quyết thay đổi hướng đi của đời anh. Djibouti có thể được thoát chết hôm đó, và có thể trở lại cảnh cô đơn, thất vọng của đời sống tù đày như trước. Nhưng cuộc gặp gỡ cha Pierre, một người bạn, đã đánh dấu sự thay đổi lớn trong đời anh. Anh ta bắt đầu khám phá ra rằng anh không còn là người cần đến sự giúp đỡ của người khác, phải tủi nhục ngửa tay xin sự thương hại của người khác nữa, vì đã là một kẻ giết người, bị xã hội gạt sang một bên, bị chôn vào bóng tối. Nhưng không, anh ta đã tìm ra căn cước tính mới của anh. Anh có thể trở nên một vị ân nhân, có thể cho đi, có thể giơ tay giúp đỡ nhiều người khác nữa.
Quả thật, Djibouti đã trở thành vị sáng lập trung tâm "Emmaus", của cha Pierre. Sau bao năm dấn thân phục vụ, Djibouti đã qua đời với tất cả lòng đạo của một tín hữu gương mẫu. Djibouti đã để lại tấm gương sáng ngời và phép lạ của ơn thánh Chúa và sức mạnh của lý tưởng cao thượng trong đời sống một người hầu như bị xã hội coi như đồ bỏ.
Bạn thân mến, tìm lại ý nghĩa cuộc đời, khám phá ra lý tưởng để sống, cảm thấy mình cần thiết cho người khác là bí quyết thành công trong đời sống của một người bị tù chung thân, như Djibouti, một người kể như đã chết về mặt tâm lý, bỗng chốc như người sống lại với một đời sống mới. Thật vậy, lẽ sống của con người được ví như thân cây của đời sống tâm lý, như cột xương sống quy tụ mọi khía cạnh của nhân vị, tư tưởng, ước muốn và tất cả mọi sinh hoạt. Thiếu ý nghĩa của cuộc sống, con người không khác gì những mảnh vụn rời rạc, chỉ là những phản xạ của giác quan, không ăn khớp vào với nhau. Người không tìm được lẽ sống cho mình, chưa biết định hướng đi cho đời mình thật không khác gì con thuyền không lái, chỉ lông bông phiêu bạt theo chiều gió, theo làn sóng đưa đẩy, nay đây mai đó. Trái lại, người sống vì lý tưởng, là như người biết yêu, như thuyền có neo vững chắc.
Cũng có lúc bạn tự hỏi, ai là vị anh hùng? Văn sĩ Papillon trả lời: "Anh hùng là người biết định rõ hướng đi cho đời mình". Ai là những vị thánh, những vị anh hùng, nếu không phải là những người đã biết chọn Thiên Chúa làm lý tưởng đời sống họ? Cũng vì tình yêu Chúa, và để trở nên giống Chúa Kitô, mô phạm của họ, mà họ sẵn sàng chịu gian khổ, xả kỷ hy sinh phục vụ tha nhân và sẵn sàng liều mạng sống mình miễn giữ vững lòng trung thành với lý tưởng của đời sống họ. Lý tưởng sống là như động lực khơi dậy những sinh lực tiền án trong đời sống, là điểm quy chiếu mọi nỗ lực, mọi sức cố gắng và là điểm tựa của ý chí trong mọi gian nguy thử thách.
Bạn muốn thành công trong đời sống ư? Việc đầu tiên bạn cần làm ngay là vạch chỉ cho bạn một lý tưởng có thể đạt tới, một kế hoạch cụ thể bạn có thể thực hiện được. Chẳng hạn như đi thăm một người bị bỏ rơi, nhảy xuống nước cứu một người đang bị nguy hiểm chết đuối, v.v... nhận định ra khả năng của bạn, nhắm hướng đi và kế đó nhất tâm dấn bước vào con đường bạn đã chọn. Một con thuyền lênh đênh giữa biển cả, bị sóng vỗ tư bề, nếu người chủ thuyền vẫn mê ngủ, vẫn không quyết định chọn hướng đi, sớm muộn thuyền đó sẽ bị chìm.
Tuy nhiên, tìm được hướng đi rõ ràng, tìm được bậc thang giá trị đúng cho cuộc sống, hẳn vẫn chưa đủ. Con thuyền của bạn có khi chạy thuận gió, nhưng cũng không thiếu chi những lúc phải chèo chống ngược giòng nước. Thêm vào đó, bão táp có thể ngăn cản hướng đi của bạn. Hoặc như người mạo hiểm leo núi, cũng có khi thích dừng lại bên đường, thích đi xa đích điểm để tìm cái mới lạ, nhưng nếu họ đã vạch chỉ rõ ràng đích điểm phải tới, thì sớm muộn họ sẽ tìm đường trở về. Cả những khi họ trẩy chân lỡ bước, nhưng có thể nói là những cái ngã để tiến lên. Chỉ có người lang thang vô định sẽ không bao giờ lầm đường, bởi vì họ đã chọn lang thang làm lối sống của họ. Ðiều đáng lo ngại trong cuộc hành trình không phải là sự té ngã, là bị đau vì trầy da chảy máu, nhưng tệ hơn cả là không biết mình đi về đâu, nên không nhận ra là mình đang đi lạc.
Khi chúng ta biết nhận ra sự thất trung của mình tức là lý tưởng sống còn sáng tỏ trước mắt ta, và sự thất trung đó có thể trở thành một bước tiến đến gần lý tưởng hơn. Nhưng khi sự thất trung bội phản trở thành thói quen là vì ta đã đánh mất lý tưởng sống, đã lạc mất điểm đối chiếu của hành động ta. Ðó mới chính là thảm cảnh lớn lao, đáng sợ hơn cả.
Bạn thân mến, người ta có lý khi nói rằng mất lý tưởng của cuộc đời là cuộc đời kể như bị mất vậy, bởi vì đâu còn gì để sống, để chiến đấu, để hy vọng nữa. Ðó chính là sự mất mát, thiệt thòi lớn lao hơn cả.