Thay lời nói đầu:
NGU CÔNG BẠT NÚI
Phía nam Châu Ký, có hai quả núi Thái Hằng và Vương Ốc to bảy tám dặm, cao muôn thước, cây cối rậm, thú nhiều, đi lại khó. Ở chân núi có một cái nhà của ông lão tên là Ngu Công tuổi đã chín mươi. Ngu Công thấy vì núi mà nhà ở chướng ngại, đường đi bất tiện, lấy làm bực tức. Một hôm cụ họp cả vợ con, người nhà lại bàn rằng: “Ta muốn cùng lũ ngươi bạt hai quả núi này, thì có nên không?”
Ai nấy đều thuận. Chỉ có người vợ ngần ngại, hỏi vặn rằng: “Sức ông không bạt nổi một cái gò thì làm thế nào bạt được hai quả núi? Mà dù cho có sức bạt nữa thì đất đá định đem đổ đi đâu?”
Vợ Ngu Công đem con cháu cùng ra phá núi, kẻ đục đá, người đào đất, kẻ đầu đội, người vai mang, hết ngày này sang ngày khác. Láng giềng có đứa bé mới tám tuổi, con người đàn bà góa, cũng xin làm giúp, hằng năm mới về một lần.
Gần miền có một ông lão khác tên là Tri Tẩu thấy vậy, nói với Ngu Công và can rằng: “Sao khờ dại vậy! Mình thì tuổi tác, núi thì cao lớn, phá thế nào nổi?”
Ngu Công thở dài nói: “Ngươi không bền lòng. Bền lòng thì việc gì cũng làm được. Ngươi không bằng người đàn bà góa và đứa trẻ thơ. Ta già, ta chết, có con ta. Hết đời con ta có cháu ta, hết đời cháu ta có chắt ta, con con, cháu cháu, sinh hạ vô cùng, mà núi thì bao giờ cũng vậy, lo gì không bạt nổi”.
Tri Tẩu nghe nói, nín lặng không trả lời. Sau này vùng nam Châu Ký không có núi non, chướng ngại, đi lại thuận tiện là nhờ có Ngu Công.
Câu chuyện Ngu Công trên đây, do Liệt Tử thuật lại, thực hư thế nào không biết, nhưng chắc chắn là Liệt Tử muốn nêu cao gương kiên nhẫn và quyết tâm của một người.
Công việc đòi nhiều cố gắng dễ làm chúng ta nản, mà công việc đòi thời gian lâu dài thường làm ta chán. Nhưng luôn luôn phải nhớ: CÓ CHÍ THÌ NÊN. Cứ cương quyết tập luyện, sớm muộn chúng ta sẽ đi tới kết quả.
Rèn luyện bản thân để biết SỐNG, biết GIAO TIẾP, biết CHỈ HUY không phải là công việc của một ngày, một tuần, một tháng hay một năm, mà là công việc suốt đời chúng ta.
Nếu thân xác cần ăn, ngủ, tắm rửa, tập luyện hằng ngày, thì tư cách, tinh thần ta cũng cần được bồi dưỡng nuôi nấng, săn sóc như vậy.