Suy niệm hạnh thánh _ 06/1

CHÂN PHƯỚC ANRÊ BÊSÉT
 (1845-1937)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Khi Anrê Bêsét đến tu hội Các Thầy Thánh Giá vào năm 1870, anh mang theo tờ giấy giới thiệu của cha xứ viết rằng: "Tôi gửi đến các thầy một vị thánh." Thật khó để các thầy dòng ở đây tin nổi. Bệnh đau bao tử kinh niên đã khiến Anrê không thể đảm nhận được công việc nào lâu dài, ngay từ khi còn nhỏ Anrê đã lang thang từ nông trại này sang nông trại khác, tiệm này sang tiệm khác, ở ngay trên quê hương Gia Nã Đại hoặc ở đất Hoa Kỳ, mà chỉ được có vài hôm là chủ nhân đã phải sa thải vì anh không thể làm được việc nặng nhọc. Công việc của các thầy dòng Thánh Giá là dạy học và dù đã 25 tuổi, Anrê vẫn chưa biết đọc biết viết. Dường như anh đến nhà dòng vì sự tuyệt vọng hơn là vì ơn gọi tu trì.
Anrê thật tuyệt vọng, nhưng anh cũng là người siêng năng cầu nguyện và rất thành tâm với Thiên Chúa cũng như sùng kính Thánh Giuse. Có lẽ anh chẳng còn nơi nào để nương tựa, nhưng anh tin rằng đây là nơi anh phải sống trong suốt cuộc đời.
Nhà dòng nhận anh vào đệ tử nhưng sau đó không lâu họ thấy đúng như những gì trong quá khứ -- dù Anrê, bây giờ là Thầy Anrê, rất muốn làm việc, nhưng sức khoẻ không cho phép. Họ yêu cầu thầy rời nhà dòng, nhưng trong sự tuyệt vọng, thầy đã xin đức giám mục sở tại can thiệp để được ở lại và được giao cho công việc khiêm tốn là gác cổng trường học Đức Bà ở Mônrêan, cùng với các nhiệm vụ phụ là dọn lễ, giặt giũ và đảm trách việc thư từ. Thầy Anrê khôi hài rằng: "Khi tôi gia nhập cộng đoàn này, cha bề trên chỉ cho tôi cánh cửa ấy, và tôi ở đó suốt 40 năm."
Trong căn phòng nhỏ bé của ngài ở gần cổng trường, hầu như suốt đêm ngài quỳ gối cầu nguyện. Trên thành cửa sổ, trông ra đồi Rôgian, là bức tượng Thánh Giuse nhỏ, là người mà thầy hằng sùng kính ngay từ khi còn nhỏ. Khi được hỏi về điều ấy thầy trả lời: "Một ngày nào đó, Thánh Giuse sẽ được tôn kính một cách đặc biệt trên đồi Rôgian!"
Khi biết có ai bị đau yếu, ngài đến thăm để cổ võ tinh thần cũng như để cầu nguyện với họ. Ngài cũng thường thoa lên bệnh nhân chút dầu lấy từ chiếc đèn luôn cháy sáng trước tượng Thánh Giuse trong nguyện đường của trường học. Từ đó tiếng đồn về sức mạnh chữa lành bắt đầu lan tràn.
Khi bệnh dịch bùng nổ từ một trường kế cận, Thầy Anrê đã xung phong đến đó chăm sóc bệnh nhân. Không một ai bị thiệt mạng. Số người bệnh đến với thầy ngày càng gia tăng. Cha bề trên cảm thấy bối rối; giới thẩm quyền địa phận nghi ngờ; các bác sĩ gọi ngài là lang băm. Thầy thường lập đi lập lại rằng "Đâu có phải tôi chữa mà là Thánh Giuse đó." Sau cùng thầy phải cần đến bốn người thư ký để trả lời 80.000 lá thư ngài nhận được hàng năm.
Đã nhiều năm Tu Hội Thánh Giá cố nài nỉ để mua lấy miếng đất trên ngọn đồi Rôgian nhưng không thành công. Thầy Anrê và một vài người khác đã leo lên đó để đặt một tượng Thánh Giuse. Bỗng dưng, chủ đất đồng ý. Thầy Anrê quyên góp được 200$ để xây một nhà nguyện nhỏ và dùng làm nơi tiếp khách thập phương mà ở đó lúc nào thầy cũng tươi cười để thoa dầu Thánh Giuse trên bệnh nhân. Có người được khỏi bệnh, có người không. Số nạng, gậy chống cũng như xe lăn người ta bỏ lại để minh chứng cho sức mạnh chữa lành của Thánh Giuse ngày càng gia tăng.
Nguyện đường cũng cần được nới rộng thêm. Vào năm 1931, một thánh đường to lớn được khởi công xây cất, nhưng tài chánh bị thiếu hụt vì đó là thời kỳ kinh tế đại suy thoái. "Hãy đặt tượng Thánh Giuse vào trong ấy. Nếu ngài muốn có mái che trên đầu thì ngài sẽ giúp cho." Sau cùng, Vương Cung Thánh Đường Thánh Giuse nguy nga trên đồi Rôgian đã hoàn thành sau 50 năm xây cất. Nhưng Thầy Anrê đã không được chứng kiến ngày huy hoàng đó, và đã từ trần năm 1937 khi thầy 92 tuổi.
Suy niệm 1: Chứng thư
Khi Anrê Bêsét đến tu hội Các Thầy Thánh Giá vào năm 1870, anh mang theo tờ giấy giới thiệu của cha xứ viết: "Tôi gửi đến các thầy một vị thánh." Thật khó để các thầy dòng ở đây tin, vì chứng thư thường có giá trị giúp tạo niềm tin chứ chưa hẳn là buộc phải tin, nếu chưa được kiểm chứng.
Giấy giới thiệu thật cần thiết cho một người đi vào một môi trường mới với một sứ mạng mới. Chính vì thế Saolô đã phải đích thân tới gặp thượng tế, để xin chứng thư giới thiệu đến các hội đường Dothái ở Đamát, hầu bắt trói những người theo Đạo và giải về Giêrusalem (Cv 9,1-2).
Đức Giêsu chữa lành người phong hủi, thì cũng truyền cho người thụ ân không cần nói với ai cả, nhưng phải đi trình diện tư tế và dâng của lễ theo Luật Môsê, để làm chứng cho mọi người biết (Mt 8,4), hầu được tự do trở lại nếp sinh hoạt bình thường trong xã hội, như bao người lành mạnh khác.
* Lạy Chúa Giêsu, chứng thư bằng văn tự chỉ có giá trị thật sự để tạo được niềm tin nơi tha nhân, khi được biện minh bằng chính cuộc sống. Xin giúp chúng con hiểu và sống mãi như thế.
Suy niệm 2: Thể trạng
Bệnh đau bao tử kinh niên đã khiến Anrê không thể đảm nhận được công việc nào lâu dài, ngay từ khi còn nhỏ Anrê đã lang thang từ nông trại này sang nông trại khác, tiệm này sang tiệm khác, ở ngay trên quê hương Gia Nã Đại hoặc ở đất Hoa Kỳ, mà chỉ được có vài hôm là chủ nhân đã phải sa thải vì anh không thể làm được việc nặng nhọc.
Thể trạng cũng có thể hiểu là nén bạc Thiên Chúa trao ban cho mỗi người theo sự quan phòng đầy yêu thương của Người. Người không đòi hỏi phải làm gì quá khả năng và quá sức (1Cr 10,13), mà chỉ mong muốn ai nấy phải làm, làm theo thể trạng của mình.
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã phải mang bệnh ngay từ thuở nhỏ đến suốt đời và đã chết vì bệnh lao. Dĩ nhiên vốn biết những việc nặng nhọc không thích hợp với ngài, nên ngài bằng lòng thực hiện những việc nhỏ nhặt và tầm thường: nhặt kim, chăm hoa, tỉa cành, giặt rửa, dọn bàn. Nhưng ngài làm với một tinh thần mến Chúa phi thường.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng ngồi chờ làm những việc vĩ đại để rồi không làm gì cả, nhưng hãy chọn làm những việc tầm thường theo thể trạng, nhưng với một tinh thần mến Chúa yêu người phi thường, để thành nhân và thành thánh nhân.
Suy niệm 3: Hy vọng
Công việc của các thầy dòng Thánh Giá là dạy học và dù đã 25 tuổi, Anrê vẫn chưa biết đọc biết viết. Dường như anh đến nhà dòng vì sự tuyệt vọng hơn là vì ơn gọi tu trì. Nhà dòng yêu cầu thầy rời nhà dòng, nhưng trong sự tuyệt vọng, thầy đã xin đức giám mục sở tại can thiệp để được ở lại.
Tuyệt vọng đến mức rời xa cả Chúa thì thật là đã lâm vào ngõ cụt, như một Giuđa Ítcariốt đã tuyệt vọng đến tuyệt mạng (Mt 27,5). Ngược lại tuyệt vọng nhưng vẫn còn bám víu vào Chúa thì chưa hẳn là tuyệt đường vì vẫn còn lối thoát hiểm: trên đường trốn chạy sự săn đuổi của hoàng hậu Ideven, ngôn sứ Êlia đi một ngày đường trong sa mạc, đến ngồi dưới gốc một cây kim tước và chỉ ước được chết. Thiên sứ đến trợ lực. Ngài được hồi sinh và tiếp tục lên đường để đến được núi Khôrép sau bốn mươi đêm ngày (1V 19,1-8).
Như vậy hy vọng là một ơn huệ lớn lao, như lời phát biểu của tổng thống Václô Haven: Hy vọng là cảm thức rằng cuộc sống và công việc luôn có ý nghĩa. Một cuộc sống không hy vọng là một cuộc sống vô ích, chán chường và trống rỗng. Tôi tạ ơn Chúa vì Người đã ban cho tôi ơn biết hy vọng. Ơn huệ này lớn lao ngang tầm với chính sự sống.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ thất vọng ngã lòng, nhưng luôn trông cậy vững vàng vào Chúa là chính nguồn hy vọng của chúng con.
Suy niệm 4: Cầu nguyện
Anrê thật tuyệt vọng, nhưng anh cũng là người siêng năng cầu nguyện và rất thành tâm với Thiên Chúa. Có lẽ anh chẳng còn nơi nào để nương tựa, nhưng anh tin rằng đây là nơi anh phải sống trong suốt cuộc đời. Trong căn phòng nhỏ bé của anh ở gần cổng trường, hầu như suốt đêm anh quỳ gối cầu nguyện. Khi biết có ai bị đau yếu, anh đến thăm để cổ võ tinh thần cũng như để cầu nguyện với họ.
Đức Giêsu rất bận rộn với công việc rao giảng, đến mức không có thì giờ ăn uống (Mc 3,20;6,31), thậm chí cả thì giờ nghỉ ngơi cũng không (Mc 10,13-15). Dầu vậy, Ngài vẫn chuyên tâm cầu nguyện, khi lên núi, khi vào nơi thanh vắng, lúc chiều hôm cũng như lúc sáng tinh sương, đặc biệt vào những thời điểm quan trọng, chẳng hạn việc chọn các tông đồ (Lc 6,13), lập bí tích Thánh Thể (Lc 22,19-20), đi vào cuộc Tử Nạn (Mt 26,39).
Cầu nguyện quả là một vũ khí sắc bén mang lại nhiều hiệu quả không tưởng. Sau ba ngày ăn chay cầu nguyện, hoàng hậu Étte đã thuyết phục được vua Asuêrô đổi lòng, mến chuộng dân Dothái, thâu hồi sắc chỉ tru diệt người Dothái (Et 8,12a...). Lời cầu nguyện của ngôn sứ Êlisa cũng làm cho cậu bé con của bà Sunêm bị chết được sống lại (2V 4,32-35).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấy được giá trị của việc cầu nguyện, và nhất là giúp biến đời sống chúng con thành lời cầu nguyện liên lĩ, theo như lời khuyên dạy của thánh Phaolô: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).
Suy niệm 5: Thánh Giuse
Lòng sùng kính Thánh Giuse từ thuở Anrê còn nhỏ đã bộc lộ cách rõ ràng. Trên thành cửa sổ, trông ra đồi Rôgian, ngài đã đặt một bức tượng Thánh Giuse nhỏ. Khi được hỏi về điều ấy thầy trả lời: "Một ngày nào đó, Thánh Giuse sẽ được tôn kính một cách đặc biệt trên đồi Rôgian!" Vào năm 1931, một thánh đường to lớn được khởi công xây cất, và sau cùng, Vương Cung Thánh Đường Thánh Giuse nguy nga trên đồi Rôgian đã hoàn thành sau 50 năm xây cất.
Đã nhiều năm Tu Hội Thánh Giá cố nài nỉ để mua lấy miếng đất trên ngọn đồi Rôgian nhưng không thành công. Thầy Anrê và một vài người khác đã leo lên đó để đặt một tượng Thánh Giuse. Bỗng dưng, chủ đất đồng ý. Thầy Anrê quyên góp được 200$ để xây một nhà nguyện nhỏ và dùng làm nơi tiếp khách thập phương mà ở đó lúc nào thầy cũng tươi cười để thoa dầu Thánh Giuse trên bệnh nhân.
Chân phước Maria Rêpéttô cũng rất có lòng sùng kính Thánh Giuse. Có thể nói chính Thánh Giuse dẫn chị tới bậc thánh thiện, trao ban cho chị những đặc sủng kỳ diệu, và dùng tay chị mà phân phát ơn lành cho nhiều người. Có ai tìm đến chị xin một lời khuyên, chị thường bảo chờ một chút, rồi chị đi cầu nguyện Thánh Giuse trước tượng Đấng Thánh ở hành lang gần đó. Lát sau chị trở ra, là có câu trả lời mãn nguyện cho họ.
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin hạ quyết tâm đi dâng lễ và dọn mình rước lễ mỗi ngày thứ tư để tỏ lòng sùng kính Thánh Giuse, hầu được mọi ơn theo kinh nghiệm của Mẹ Têrêxa: Chưa bao giờ tôi cầu xin sự gì cùng thánh Giuse mà không được như ý.
Suy niệm 6: Linh dược đức tin
Anrê cũng thường thoa lên bệnh nhân chút dầu lấy từ chiếc đèn luôn cháy sáng trước tượng Thánh Giuse trong nguyện đường của trường học. Từ đó tiếng đồn về sức mạnh chữa lành bắt đầu lan tràn. Khi bệnh dịch bùng nổ từ một trường kế cận, Thầy Anrê đã xung phong đến đó chăm sóc bệnh nhân. Không một ai bị thiệt mạng. Số người bệnh đến với thầy ngày càng gia tăng. Thầy thường lập đi lập lại rằng "Đâu có phải tôi chữa mà là Thánh Giuse đó" và "Chính cây cọ nhỏ bé đã giúp nghệ nhân hoàn thành bức họa tuyệt mỹ."
Thoa lên vết thương với dầu và ảnh tượng? Đó có phải dị đoan không? Người dị đoan chỉ trông nhờ vào "yêu thuật" của lời nói hay hành động. Dầu và ảnh tượng của Thầy Anrê là những dấu tích đích thực của một đức tin đơn sơ, trọn vẹn nơi Thiên Chúa Cha là Đấng đã giúp vị thánh của thầy chữa lành cho các con cái của Thiên Chúa.
Với quyền năng của vị Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu chỉ cần một lời phán là cải tử hoàn sinh được người nô lệ của một đại đội trưởng (Lc 7,7), chàng thanh niên của bà góa Naim (Lc 7,14), anh Ladarô chết chôn bốn ngày (Ga 11,43). Nhưng có lúc Ngài cũng đòi hỏi đức tin như một điều kiện (Mt 10,29), cho dầu đức tin chỉ nhỏ bé bằng hạt cải (Lc 17,6).
* Lạy Chúa Giêsu, đức tin chúng con vốn còn non kém, xin thương ban thêm đức tin cho chúng con, và nhất là giúp chúng con nuôi dưỡng và làm phát triển bằng việc sống đức tin, vì đức tin không hành động là một đức tin chết (Gc 2,17).