Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ tư tuần 1 mùa vọng

THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT I – MÙA VỌNG
Is 25,6-10a; Mt 15,29-37
BÀI ĐỌC: Is 25,6-10a
6 Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. 7 Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân,và tấm màn trùm lên muôn nước. 8 Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy. 9 Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ.”10 Vì bàn tay Đức Chúa sẽ lại đặt trên núi này.
ĐÁP CA: Tv 22
Đ. Này tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên
. (c 6cd)
1 Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. 2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành 3a và bổ sức cho tôi.
3b Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. 4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,ly rượu con đầy tràn chan chứa.
6 Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.
TUNG HÔ TIN MỪNG:
Hall-Hall: Kìa Chúa đến cứu độ dân Người; phúc thay ai sẵn sàng nghênh đón Chúa. Hall.
TIN MỪNG: Mt 15,29-37
29 Khi ấy, Đức Giê-su đến ven Biển Hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. 30 Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành,31 khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.
32 Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.”33 Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no? "34 Đức Giê-su hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh? " Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.”35 Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. 36 Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 37 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.

THÁNH THỂ DIỆT TỘI,
SINH SỰ SỐNG DỒI DÀO
Là người Công Giáo, khi đọc trình thuật Hóa Bánh, ai cũng nhận ra đó là dấu chỉ Chúa lập Bí Tích Thánh Thể. Mầu nhiệm Bí Tích này, Chúa muốn:
Chúng ta phải xác tín về hiệu quả của Bí Tích Thánh Thể.
Chúng ta được Chúa mời gọi cộng tác để làm hoàn hảo Hy Lễ của Ngài.
***
I. CHÚNG TA PHẢI XÁC TÍN VỀ HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ.
Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia (Is 25,6-10: Bài đọc) báo trước về hiệu quả của Bí Tích Ngài thiết lập:
·        Trên núi này (núi Sọ), Đức Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo (Mình Chúa Giêsu Phục Sinh), tiệc rượu ngon (Máu Chúa Giêsu Phục Sinh)” (Is 25,6).
·        Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ muôn dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người” (Is 25,7-8): Ai dự tiệc Thánh Thể, sẽ được Chúa tha tội, thoát tay tử thần.
·        Ngày ấy người ta sẽ nói: “Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Nào chúng ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ, vì bàn tay Chúa sẽ lại đặt trên núi này” (Is 25,9-10): Khi Hội Thánh dâng Lễ, Chúa Giêsu vừa là Chủ Tế, là Bàn Thờ và là Của Lễ: Bàn Thờ là dấu chỉ nhân tính, là thân xác Chúa Giêsu; bánh rượu là dấu chỉ Thần tính, là linh hồn Chúa Giêsu (x GLHT số 1410). Như vậy khi ta tham dự Thánh Lễ, chính Chúa Giêsu cầu nguyện cho ta trước mặt Chúa Cha, để ta được đồng hóa với Ngài cùng một nguồn gốc, cùng một xương thịt, cùng một sự sống (x Dt 2,11. 14; Ga 6,57).
Thực vậy, Giáo Lý Hội Thánh cho chúng ta biết: Bí Tích Thánh Thể là trung tâm ơn tha tội, và ta được thông dự vào sự sống sung mãn của Chúa Giêsu Phục Sinh:
1/ Bí tích Thánh Thể là nguồn ơn tha tội.
Nhờ Hy Tế của Đức Giêsu, chúng ta được ơn tha tội. Chúng ta biết có bốn Bí Tích tha tội:
-        Bí Tích Thánh Tẩy: Ơn đặc thù là tha tội tổ tông (nếu có tội riêng cũng được tha).
-        Bí Tích Giao Hòa: Nhằm tha tội nặng (x Giáo Luật số 989). [người có tội nhẹ cũng nên xưng tội]
-        Bí Tích Xức Dầu: Nhằm tha hết tội cho người Kitô hữu trong tình trạng nguy tử, nếu họ không đủ khả năng xét mình xưng tội.
-        Đặc biệt nhất Bí Tích Thánh Thể: Là trung tâm của các Bí Tích khác, là Bí Tích tha tội bậc nhất, các Bí Tích khác quy hướng về Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể thông ơn cho các Bí Tích khác. Vì nếu Đức Giêsu không Phục Sinh, không có Bí Tích Thánh Thể thì có ban Thánh Tẩy, Giao Hòa, Xức Dầu, cũng không có ơn tha tội!
Bởi đó, một Kitô hữu còn vướng tội trọng, chưa kịp xưng tội, mà muốn rước Lễ, thì họ hãy ăn năn tội, là được rước Lễ, Chúa tha hết mọi tội cho họ, với điều kiện, sau Lễ họ phải tìm Linh mục để xưng tội trọng đã phạm trước khi rước Lễ, càng sớm càng tốt (x Giáo Luật số 916)! Thánh Phaolô xác quyết: “Án phạt không có nữa cho những ai ở trong Đức Kitô” (Rm 8,1). Mỗi khi rước Lễ, chắc ta không thể quên được Lời Chúa đã nói về ta: “Ngày mới sinh ra, ngươi đã bị quăng ra giữa đồng, vì ai cũng ghê tởm ngươi. Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi giãy giụa trong máu. Thấy ngươi mình đầy máu me, Ta đã phán với ngươi: “Cứ việc sống”. Ta đã làm cho ngươi nảy nở như hoa ngoài đồng, như một thiếu nữ đến tuổi dậy thì. Nhưng ngươi vẫn trần truồng không vải che thân. Ta đi ngang chỗ ngươi và thấy ngươi. Này ngươi đã đến tuổi yêu đương. Ta đã lấy vạt áo của Ta phủ lên để che thân thể lõa lồ của ngươi. Ta đã thề nguyền và lấy lập Giao Ước với ngươi: Ngươi thuộc về Ta. Ta đã lấy nước tắm rửa, gột sạch máu me, rồi Ta xức dầu thơm cho ngươi. Ta đã cho ngươi mặc đồ gấm vóc, đi giày da mềm, thắt khăn vải gai mịn và khoác toàn tơ lụa. Ta đã lấy đồ trang sức tô điểm cho ngươi, đeo xuyến vào tay, đeo kiềng vào cổ, đeo hoa tai cho ngươi và lấy triều thiên rực rỡ đội lên đầu ngươi. Đồ trang sức của ngươi đều là vàng bạc, y phục của ngươi là vải gai mịn, tơ lụa và gấm vóc, ngươi được nuôi bằng tinh bột lúa miến, mật ong và dầu. Ngươi đã nên xinh đẹp tuyệt trần và xứng ngôi hoàng hậu” (Ed 16,5-13).
Đối với người trong tình trạng nguy tử còn mang tội trọng, cần được Linh mục giải tội, xức dầu rồi cho rước Lễ, nhưng khi không thể mời được Linh mục, thì bất cứ người Công Giáo nào cho bệnh nhân rước Lễ, thì cũng giống như đã gặp được Linh mục cho lãnh các Bí Tích cuối đời. Giáo Luật số 921 dạy: “Các Kitô hữu lâm cơn nguy tử, dù vì bất cứ lý do nào, cần được bổ dưỡng bằng việc rước Lễ như của ăn đàng”.
Sách Giáo Lý Mới (năm 1992) của Hội Thánh Công Giáo dạy:
-        Việc rước Lễ giúp ta xa lánh tội lỗi, khi chúng ta rước lấy Mình Chúa Kitô “đã phó nộp vì ta” và Máu “đã đổ ra cho mọi người được tha tội”. Vì thế, Bí Tích Thánh Thể không thể kết hợp chúng ta với Chúa Kitô, nếu Chúa Kitô không thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp chúng ta xa lánh tội lỗi (số 1393).
-        Nhờ tình yêu mà Bí Tích Thánh Thể khơi dậy trong tâm hồn, chúng ta được gìn giữ khỏi phạm tội trọng, càng tham dự vào sự sống Chúa Kitô, chúng ta càng sống mật thiết với Người; nhờ đó giảm bớt nguy cơ phạm tội trọng lìa xa Chúa (số 1395).
-        Nhờ dự tiệc Thánh Thể, ta được gắn bó với Chúa Giêsu Phục Sinh chặt chẽ hơn, vì Ngài đã tha các tội nhẹ của ta và bảo vệ ta khỏi phạm tội trọng (số 1416).
Khi Linh mục kết thúc Thánh Lễ, ngài tuyên bố: “Ite missa est”, nghĩa là “lễ xong chúc anh chị em ra đi bình an”. Lời này Hội Thánh mượn từ phong tục văn hóa Rôma:
* Khi vua tổ chức tiệc lớn đãi các quan thần, lúc mãn tiệc, nhà vua đứng lên tuyên bố: “Ite missa est”, là mọi người ra về. Thánh Lễ là bữa tiệc lớn của Vua Trời thết đãi dân Ngài, ai đến dùng không phải trả đồng nào, còn được ăn cao lương, được cất nỗi khổ nhục, đánh gục thần chết! (x Is 25,6-9)
* Khi quan tòa kết thúc phiên xử, để phân thắng bại, vị chánh án công bố: “Ite missa est”. Mỗi Thánh Lễ là một phiên tòa, Chúa đứng về phía ta, bênh vực ta, mà xử Satan, xử thần chết (x Ga 12,27-31; St 3,15). Ai tham dự Thánh Lễ, người đó được thắng án!
2/ Ta được thông dự vào sự sống sung mãn của Chúa Giêsu Phục Sinh.
Đặc biệt nhờ ta hiệp dâng Thánh Lễ với Hội Thánh, Chúa Giêsu uốn nắn tim ta nên giống trái tim Ngài (x Pl 2,5), Ngài thay thế con tim chai đá của ta bằng con tim biết yêu thương của Ngài (x Ed 36,26-27), bồi dưỡng chăm sóc ta thêm mạnh mẽ trên con đường lữ hành tiến về Quê Trời, và làm cho ta khao khát cuộc sống vĩnh cửu, không còn mê đắm sự đời, và ngay từ bây giờ, được liên kết với Hội Thánh trên trời, với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ chúng ta, và với các Thánh là anh em con một Cha trên trời (x số 1419).
Cử hành Bí Tích Thánh Thể được gọi là lễ Misa, do từ La-tinh “Missio”, có nghĩa là “được sai đi”. Thánh Lễ kết thúc với lời Hội Thánh sai các tín hữu đi vào đời thực thi ý Chúa, là làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh (x GLHT số 1332). Được sai đi loan báo Tin Mừng luôn phát sinh sự bình an cho người nghe và người giảng. Đức Giêsu nói: “Nếu nhà nào xứng đáng thì sự bình an anh em chúc sẽ đến trên nhà ấy, nhược bằng nhà ấy không xứng đáng, thì sự bình an anh em chúc sẽ trở lại về với anh em” (Mt 10,13). Vì thế mà lời chúc cuối Lễ: “Chúc anh chị em ra đi bình an”, nghĩa là ra đi rao giảng Tin Mừng mới có bình an thật, chứ không phải chúc “anh chị em ra về bình an”, làm như là đi Lễ đã trả nợ xong.
Chỉ làm chứng cho Chúa khi ta được đồng hóa với Chúa Giêsu Phục Sinh (x Gl 2,20). Sống như thế, ta mới được hân hoan cất lời: “Này tôi được ở đền Người, những ngày tháng,những năm dài triền miên” (Tv 23/22, 6cd: Đáp ca).
II. CHÚNG TA ĐƯỢC CHÚA MỜI GỌI CỘNG TÁC ĐỂ LÀM HOÀN HẢO HY LỄ CỦA NGÀI
Thực vậy, Giáo Luật số 906 dạy: “Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, tư tế không được cử hành lễ Thánh Thể, nếu không có ít là một vài giáo dân tham dự”. Như vậy Thánh Lễ nào cũng phải đồng tế. Nghĩa là Chúa Giêsu không muốn dâng Lễ một mình, mà Ngài muốn mọi người cộng tác. Vì thế thánh Tông Đồ nói: “Tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu, nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu, vì Thân Mình Ngài là Hội Thánh” (Cl 1,24). Chính vì thế mà khi Chúa Giêsu nhìn thấy dân chúng theo Ngài đã ba ngày như muốn đói lả, làm tâm hồn Ngài thổn thức mà nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no? " Đức Giêsu hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.” Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê.” (Mt 15, 32-37a: Tin Mừng).
Rõ ràng Chúa Giêsu là Đấng toàn năng, Ngài có quyền mưa bánh xuống cho dân, như xưa trong sa mạc Thiên Chúa đã mưa manna nuôi dân Do Thái (x Xh 16). Thế nhưng, Ngài lại muốn lệ thuộc vào sự nghèo khó của các Tông Đồ: họ chỉ có bảy chiếc bánh và mấy con cá. Số lương thực này không đủ cho Nhóm Mười Hai trong lúc đói. Thế mà họ đã sẵn sàng đưa bánh cá cho Thầy Giêsu, đó còn là dấu chỉ sau này họ hiến cả mạng sống vì Tin Mừng, để làm hoàn hảo Hy Tế của Thầy.
Vậy:
1/ Khi dâng Lễ chủ tế phải bắt chước Tông Đồ Phaolô trong sứ mệnh ngôn sứ, ông đến Trôa giảng suốt một tuần lễ, ngày cuối cùng, ông hăng say giảng đến nửa đêm, người ta ngồi chật nhà,có người phải leo lên tới lầu ba, trong số ấy, có anh Êutykhô, vì buồn ngủ, cứ “gật gù nhất trí” nghe ông Phaolô giảng, thế là anh té nhào đầu lộn xuống đất – cách mặt đất khoảng 10 m – anh đã chết, cả cộng đoàn xôn xao. Tuy vậy mà thánh Phaolô vẫn ra lệnh cho mọi người ngồi yên, rồi ông đến ôm lấy anh Êutykhô và nói: “Hồn vẫn còn trong nó”. Rồi ông lại tiếp tục giảng say sưa cho đến sáng! Rất may sau khi ông Phaolô kết thúc buổi giảng, mọi người ra về, thì anh Êutykhô cũng đứng dậy, bước theo đoàn người trong bình an và vui vẻ! (x Cv 20,7t)
Chứng từ nói về người giảng Lời Chúa cũng như người nghe trong thời Hội Thánh sơ khai trên đây đã nhấn mạnh cho mọi người hôm nay phải xác tín: Người giảng phải dựa vào Hiến Chế Phụng Vụ số 24, số 52, và giảng với tinh thần say sưa mới có thể bắt mọi người phải nghe nhiều điều giống Chúa Giêsu, mà xem ra chẳng để ý đến nhu cầu của người nghe! (x Mc 6,34) Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã giao phó Tin Mừng cho chúng tôi, không phải để làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa” (1Tx 2,4). Bởi vì “nếu tôi luôn làm hài lòng người đời, tôi không còn phải là nô lệ của Đức Kitô” (Gl 1,10). Có tinh thần giảng như thế mới giống Thầy Giêsu, Vị Ngôn Sứ gương mẫu nhất, vì đã hết lòng rao giảng cho dân, là lo cho họ được ăn Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, trong khi đó dân chỉ đi tìm của ăn vật chất cúng cho “thần bụng”, còn Ngài thì cứ muốn cho họ ăn Thịt và uống Máu Ngài, khiến họ ghê tởm, trở mặt chống đối Ngài, cả đoàn lũ đông đảo, trong đó có các môn đệ nhất loạt bỏ Ngài mà đi, thế mà Ngài vẫn không hối hận, lại còn như thách thức Nhóm Mười Hai: “Cả chúng con cũng không bỏ đi sao?” (x Ga 6,27-66).
Vì thế mà giáo huấn của Công Đồng Vat. II nhắc nhở cho các chủ chăn phải chu toàn sứ mệnh ngôn sứ:
-        Giáo huấn của Công Đồng Vat. II trong Hiến Chế Hội Thánh số 25, nhấn mạnh về sứ mệnh ngôn sứ của các Giám mục: “Việc rao giảng Phúc Âm là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám mục, Giám mục là những người rao truyền Đức Tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô. Giám mục là những Tiến sĩ đích thực nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, giảng dạy cho những kẻ được trao phó cho các ngài”.
-        Hội Thánh cũng nhắc nhở: “Cha Sở phải lo huấn luyện Giáo Lý cho người lớn, thanh niên và trẻ em. Cha Sở phải cổ võ và thúc đẩy cha mẹ chu toàn bổn phận dạy Giáo Lý trong gia đình. Đây là nhiệm vụ riêng biệt và nặng nề trong việc dạy Giáo Lý cho dân Chúa” (x Giáo Luật số 773 và 776). Giáo Luật còn dạy: “Các Linh mục có nhiệm vụ riêng là phải loan báo Tin Mừng của Chúa, đây là nhiệm vụ bắt buộc, nhất là cha Sở và những Linh mục khác được ủy thác việc coi sóc các linh hồn” (số 757).
-        Vì thế mà giáo huấn của Công Đồng Vat. II trong Sắc Lệnh “Chức Vụ Và Đời Sống Linh Mục” số 4 dạy: “Dân Chúa được đoàn tụ trước nhất là nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống, Lời này đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các Linh mục, và các Linh mục mắc nợ giáo dân về Lời Chúa”.
Một Linh mục khi dâng Lễ phải xác tín rằng: Không cho giáo dân ăn Lời Chúa – Lời đã trở thành thịt mình, là sự sống của mình - mà chỉ dùng quyền chức Linh mục đọc lời Truyền Phép trên bánh rượu trở thành Chúa Giêsu Phục Sinh để ban cho dân, thì đó chỉ là “CHÚA GIÊSU CÀ THỌT”. Bởi vì trong trình thuật Hóa Bánh, tiên báo về mầu nhiệm Thánh Thể, Đức Giêsu không tự ý riêng mình cho dân ăn, mà Ngài còn bảo các Tông Đồ: “Chúng con hãy cho dân ăn đi” (x Mt 14,13t). Hỏi khi một vị dâng Lễ, vị đó lấy cái gì là “bánh của mình” dâng cho Chúa Giêsu để cho dân ăn, nếu không phải là chính Lời Chúa mà Linh mục đã vất vả thu góp và suy gẫm từ các bài Kinh Thánh mà Hội Thánh đã chọn đọc trong Thánh Lễ, như một người bố vất vả đi kiếm tiền, kiếm của để nuôi con cái mình?! Chủ chăn nào thiếu sót trong việc rao giảng Lời Chúa, thì họ đã phạm tội giết cả hồn xác giáo dân. Thiết tưởng, mọi chủ chăn trong Hội Thánh phải nói được như thánh Phaolô: “Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng, tự ý làm việc ấy thì tôi có công, còn nếu ngoài ý tôi, thì đó là trách nhiệm Chúa đã ký thác cho tôi!” (1Cr 9,16-17) Và ông còn nói: “Tôi cam đoan rằng, tôi hoàn toàn trong sạch về máu mọi người, vì tôi đã không e ngại mà giấu giếm đi, để không loan báo cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa” (Cv 20,26-27).
Thánh Phaolô xác quyết như thế vì dẫu trước khi ông trở lại Công Giáo, ông đã hành hạ và tống ngục các Kitô hữu, nhưng lúc đó ông bị lầm lạc, mù quáng! (x Cv 7-9) Ông có giết thân xác người Kitô hữu, thì hồn họ bay ngay về trời. Còn bây giờ nếu ông e ngại mà giấu giếm đi không loan báo cho các tín hữu tất cả ý định của Thiên Chúa, thì ông đã cố ý giết cả hồn lẫn xác đồng loại, và quăng họ xuống Hỏa ngục! Nhất là các Giám mục, Linh mục, Phó tế đã biết Luật giảng Hội Thánh quy định:
-        Hiến Chế Phụng Vụ số 24: “Việc cử hành Phụng Vụ, Kinh Thánh giữ vai tối ư quan trọng. Thực vậy, Hội Thánh đã trích từ Kinh Thánh những Bài để đọc, những Bài để dẫn giải trong bài giảng.
-        Hiến Chế Phụng Vụ số 52: “Bài giảng phải căn cứ vào Kinh Thánh để trình bày các mầu nhiệm Đức Tin và những Quy Tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ. Bài giảng rất đáng được coi như một phần của chính Phụng Vụ, nên không được bỏ giảng nếu không có lý do hệ trọng”.
Nhưng tiếc rằng hầu hết giáo dân chỉ được nghe cắt nghĩa một câu trong Tin Mừng là may lắm, còn các Bài đọc kia ít được người giảng lưu tâm, để cho giáo dân thấy một sợi dây Giáo Lý xuyên suốt qua các Bài đọc vượt thời gian, dựa trên nguyên tắc đọc và hiểu Kinh Thánh: “Giá trị Cựu Ước được thể hiện trong Tân Ước; giá trị trong Tân Ước đã được tiềm ẩn trong Cựu Ước” (HCMK số 16). Nếu chỉ lấy một câu trong Phúc Âm để giảng giải mà không tham chiếu các Bài đọc, thì chẳng hơn gì các mục sư Tin Lành, đó chỉ là lời khuyên đạo đức “ăn ngay ở lành”, chẳng hơn gì lý thuyết của Mác-Lê! Ai cắt xén Lời Chúa trong Phụng Vụ, người đó chống Thiên Chúa. Ta không quên có lần Đảng viên Cộng sản Việt Nam đã cắt xén lời Đức Tổng Ngô Quang Kiệt, để lấy cớ kết án: “Ông Kiệt làm nhục dân tộc Việt Nam, ông đã mắc tội với nhân dân!”
Giả như có người mời ta đến ăn món tái nhúng, chắc chắn trên bàn tiệc phải bày ra năm món:
-        Thịt (tôm, cá).
-        Rau.
-        Bánh tráng.
-        Bún.
-        Nước chấm.
Thế mà người phục vụ bàn ăn chỉ cho khách ăn một trong năm món đó, hỏi chủ tiệc và người đến dự có bất mãn không? Phục vụ như thế lần sau người khách đó có được mời, chắc chắn sẽ từ chối. Thế mà bàn tiệc Lời Chúa của ngày Chúa nhật và lễ Trọng, Hội Thánh cũng dọn ra đủ “năm món” để mọi người được dùng (Bài đọc I, Đáp ca, Bài đọc II, Tung Hô Tin Mừng, và Phúc Âm), mà ngày nay phần lớn những người phục vụ bàn tiệc Lời Chúa chỉ cho dân “ăn” một trong năm Bài đọc của tiệc Thánh Thể, mà chẳng ai cắn rứt lương tâm, chẳng ai thấy vô lý! Như thế là mất ý thức về tội!
Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Malaki cảnh cáo rất gắt gao các tư tế: “Hỡi các tư tế, nếu các ngươi không nghe,và nếu các ngươi không lưu tâm tôn vinh danh Ta,Ta sẽ phóng dữ xuống trên các ngươi và Ta sẽ chúc dữ cho sự chúc lành của các ngươi. Phải, Ta sẽ chúc dữ cho nó. Vì các ngươi chẳng lưu tâm gì cả. Này Ta sẽ chặt cánh tay các ngươi, và sẽ vãi phân lên mặt các ngươi, và người ta sẽ mang các ngươi đi vất ngoài thành cùng đồ phế thải của vật tế lễ ” (Ml 2,1-3). Hãy nhớ Lời Kinh Thánh dạy: “Kẻ không chu đáo việc bổn phận của mình, nó thuộc dòng tộc quân phá hoại!” (Cn 18,9).
2/ Đối với giáo dân. Chúa muốn mọi người thực thi Lời Ngài dạy: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và sự công chính của Ngài, còn các điều khác Ngài ban thêm cho” (Mt 6,33), chứ “đừng lấy cái bụng làm chúa, vinh quang đặt nơi điều đáng xấu hổ, chỉ nghĩ đến những điều dưới đất” (Pl 3,19). Đan cử: một đoàn lũ dân chúng đông đảo đến với Đức Giêsu và họ lưu lại với Ngài đã ba ngày, chấp nhận bụng đói, chỉ vì muốn được Ngài làm phép lạ, chữa lành hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền, và mong được Ngài cho bánh ăn no (x Mt 15,29-37: Tin Mừng). Nếu chỉ tin vào Đức Giêsu vì chứng kiến những phép lạ lẫy lừng Ngài làm, điều đó không làm cho Ngài hài lòng. Thực vậy “trong thời Ngài ở tại Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, thì trong đám người chầu lễ đã có lắm kẻ tin vào danh Ngài, bởi chứng kiến các dấu lạ Ngài làm. Nhưng Đức Giêsu không tín nhiệm họ, vì Ngài biết họ hết thảy” (Ga 2,23-24).
Vậy Đức Giêsu chỉ muốn người ta quảng đại đến nghe Lời Chúa, như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai: “Sáng sớm toàn dân đến với Đức Giêsu trong Đền Thờ để nghe Ngài giảng dạy” (x Lc 21,38), cũng như “ngày ngày họ đồng tâm nhất trí chuyên cần đến Nhà Thờ để nghe giáo huấn của các Tông Đồ, hiệp thông bẻ bánh (dâng Lễ) và kinh nguyện” (x Cv 2,42. 46). Phải có tâm hồn sống Đạo như thế mới được Chúa thanh tẩy tội lỗi, và những nhu cầu của thân xác như được lành bệnh và chẳng thiếu của vật chất, Ngài sẽ ban cho dư dật, để được hân hoan nói: “Kìa Chúa đến cứu độ dân Người; phúc thay ai sẵn sàng nghênh đón Chúa” (Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Kẻ không chu toàn việc bổn phận của mình, (nhất là sứ mệnh ngôn sứ), nó thuộc dòng giống quân phá hoại! (Cn 18,9)
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH