Suy tư mùa vọng _ mùa trông đợi trời mới đất mới


MÙA VỌNG: MÙA TRÔNG ĐỢI  
TRỜI MỚI ĐẤT MỚI...
“Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng, hãy lấp các hố sâu và bạt mọi núi đồi;… rồi mọi người sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa…”  
Lm Anphong Trần Đức Phương
“Ta sẽ tạo dựng một Trời Mới Đất Mới; những gì đã qua sẽ không còn được nhớ đến nữa, sẽ không còn ở trong tâm trí ai nữa… Trời Mới Đất Mới được tạo dựng sẽ tồn tại trước nhan Ta như thế nào, dòng dõi các con và tên các con cũng sẽ tồn tại như vậy” (Isaia 65, 17; 66, 22).
“Bây giờ tôi thấy một Trời Mới và Đất Mới; vì trời cũ và đất cũ đã qua đi… Sẽ không còn sự chết nữa; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa; vì những điều cũ đã qua đi” (Khải Huyền 21, 1-4).
“Ngày của Chúa đến như kẻ trộm. Ngày đó các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị tiêu hủy… Nhưng theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta đang mong đợi một Trời Mới Đất Mới, nơi công lý ngự trị. Trong khi mong chờ ngày đó, anh em hãy cố gắng hết sức để sống làm sao cho tinh tuyền, không vết nhơ tội lỗi và an bình trước mặt Chúa! (II Phêrô 3-9).
Chúng ta bắt đầu Năm Mới theo Lịch Phụng Vụ Giáo Hội từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng. Mùa Vọng, ngày xưa thường gọi là “Mùa Áp” (theo tiếng Latinh là Adventus, ra tiếng Anh là Advent; từ động từ Advenire, có nghĩa là “đến gần”). Trong lịch Phụng Vụ của Giáo Hội Việt Nam bây giờ gọi là “Mùa Vọng”, với ý nghĩa là Mùa “trông đợi”, “mong chờ”.
Vậy chúng ta trông đợi, mong chờ điều gì?
Thực tế, Mùa Vọng là mùa để chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng đáng trong niềm mong chờ mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới. Tuy nhiên, phụng vụ Mùa Vọng cũng nói với chúng ta, qua các Bài Đọc Sách Thánh trong các Thánh Lễ, hãy chuẩn bị tâm hồn trong sự chờ đợi Chúa đến viếng thăm mỗi người chúng ta vào lúc chúng ta “qua khỏi đời nầy (qua đời) và đó là lúc “chúng ta không ngờ.” Như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Vọng (Năm B), Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào” (Matcô 13, 33). Và trong Bài Đọc II (Côrintô 1, 3-9), Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra…” và mong rằng “chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô, Chúa chúng ta ngự đến…”
Xa hơn nữa, Phụng vụ Mùa Vọng cũng chuẩn bị tâm hồn chúng ta để đón chờ ngày “cuối cùng của thế giới nầy, ngày “tận thế!” ngày đó cũng là ngày “không ngờ”, ngày mà “các tầng trời rung chuyển”, ngày mà “Con Người sẽ ngự đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả!” (Bài Phúc Âm, Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm C). Tuy nhiên đối với những ai có lòng tin nơi Đấng Cứu Thế, và sống theo Phúc Âm của Ngài, thì ngày đó, không đáng kinh khiếp, nhưng lại là “Ngày Giải Thoát” để bước vào miền hạnh phúc viên mãn của cuộc sống “trường sinh, vinh hiển”, một “Trời Mới Đất Mới” (Xin xem Isaia 65, 17; 66, 22 và sách Khải Huyền 21, 1-4).
Mùa Vọng cũng là Mùa để chúng ta sống lại lịch sử ơn cứu độ, đặc biệt qua các Bài Đọc Cựu Ước, thường trích ra từ Sách Tiên Tri Isaia, một vị Tiên tri lớn trong Cựu ước, sống vào khoảng hậu bán thế kỷ VIII trước Chúa Giáng Sinh. Tiên tri đã được linh ứng và tuyên sấm về ngày Đấng Cứu Thế đến, mặc thân xác loài người và sống giữa nhân loại như một con người để chia sẻ thân phận con người như chúng ta, rao giảng Tin Mừng tình thương và Ơn Cứu Độ, chịu bao khổ hình, và chết trên Thập Gíá để đền tội và cứu chuộc nhân loại tội lỗi; rồi Ngài đã sống lại và lên Trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho mọi người tin theo và sống theo tinh thần Tin Mừng mà Ngài đã rao giảng. Ngài được sinh ra từ lòng một Trinh Nữ và được gọi là Emmanuel, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Tiên tri Isaia đã loan báo trước: “Này một Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai...” (Bài đọc I, Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Năm A).
Tiên tri Asaia cũng nói đến Đấng Cứu thế như một “Hoàng Tử Hòa Bình” và triều đại của Ngài là một thời đại Thanh bình: “Người ta sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cầy, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này sẽ không còn tuốt gươm để chống nước kia” (Bài đọc I, Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm A). Đó cũng là thời đại của tình yêu thương, hòa hợp: Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ sống chung với nhau; các trẻ thơ sẽ chăn dắt đoàn thú vật; bò con và gấu ăn chung một nơi…” (Bài Đọc I, Chúa Nhật II Mùa Vọng, Năm A).
Nhưng để có thể đi vào Thời đại của Đấng Cứu Thế trong một “Trời Mới Đất Mới”, mỗi người phải sửa đổi cuộc sống cho ngay thẳng, lương thiện, sống công chính và yêu thương. Tiên tri Isaia đã hô hào: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng, hãy lấp các hố sâu và bạt mọi núi đồi. Con đường cong queo, hãy sửa cho ngay thẳng, con đường gồ ghề, hãy san cho bằng; rồi vinh hiển của Chúa sẽ xuất hiện; mọi người sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa…” (Bài đọc I, Chúa Nhật II, Mùa Vọng). Thánh Gioan Tiền Hô cũng nhắc lại lời này để kêu gọi mỗi người chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước Trời đã gần đến. Chính Người là Đấng Tiên Tri Isaia đã loan báo: Có tiếng kêu trong hoang địa: hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng…” (Phúc Âm Chúa Nhật II, Mùa Vọng, Năm A, B, C). Đó cũng là tinh thần chúng ta đọc thấy trong thư II Phêrô 3-9: “Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em; vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mỗi người đi đến chỗ ăn năn hối cải…”
Vậy trong tinh thần “dọn đường Chúa đến…”, chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau để mỗi người cùng biết nhìn nhận chính mình là con người yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội, sống khiêm tốn, hòa hợp yêu thương để Nước Bình An của Chúa có thể đến trong tâm hồn mỗi người, mỗi gia đình và lan tỏa ra trên tòan thế giới chúng ta. Để đến ngày mừng Chúa Gíáng Sinh, chúng ta có thể cùng với các Thiên Thấn ca hát:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người được Chúa Yêu thương” (Luca 2, 14).
LM Anphong Trần Đức Phương