Suy niệm lễ Đức Mẹ Guadalupe

LỄ ĐỨC MẸ GUADALUPE
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Một người thổ dân nghèo hèn tên Cuatitlatoatzin được rửa tội và lấy tên là Juan Diego. Ông 57 tuổi, góa vợ và sống trong một làng nhỏ gần Mexico City. Vào buổi sáng thứ Bảy, 9 tháng Mười Hai 1531, ông đến nhà nguyện gần đó để tham dự lễ kính Đức Mẹ.
Khi đang đi trên ngọn đồi gọi là Tepeyac thì ông nghe có tiếng nhạc du dương như tiếng chim hót. Sau đó một đám mây sáng chói xuất hiện, đứng trên đám mây là một trinh nữ người thổ dân mặc y phục như công chúa của bộ lạc Aztec. Trinh nữ nói chuyện với ông bằng tiếng bản xứ và sai ông đến với Đức Giám Mục của Mexico, là một tu sĩ dòng Phanxicô tên Juan de Zumarraga, và yêu cầu đức giám mục xây cất một nguyện đường nơi Trinh Nữ hiện ra.
Dĩ nhiên vị giám mục không tin, và bảo Juan Diego xin Trinh Nữ cho một dấu chỉ. Trong thời gian này, người chú của ông bị bệnh nặng. Điều đó khiến ông cố tránh né không muốn gặp Trinh Nữ. Tuy nhiên, đức trinh nữ tìm ông, đảm bảo với ông là người chú sẽ khỏi bệnh, và bảo ông hái các bông hồng quanh đó để làm bằng chứng với vị giám mục. Lúc ấy là mùa đông thì không thể có bông hoa nào mọc được, nhưng lạ lùng thay, gần chỗ Trinh Nữ hiện ra lại đầy dẫy những hoa hồng tuyệt đẹp. Và ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng đem cho vị giám mục.
Trước sự hiện diện của đức giám mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra và bông hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị giám mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ lùng ấy. Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Đức Trinh Nữ như ngài đã hiện ra với ông ở đồi Tepeyac và tỏ lộ danh tánh: Ðức Bà Guadalupe. Đó là ngày 12 tháng Mười Hai 1531.
Suy niệm 1: Danh hiệu
Đức Trinh Nữ đã hiện ra với Juan Diego ở đồi Tepeyac và tỏ lộ danh tánh: Ðức Bà Guadalupe.
Trong những lần Đức Mẹ hiện ra trên các nơi khác thì Người chỉ xưng là Đức Mẹ đồng trinh hoặc Mẹ Thiên Chúa, và sau đó dân chúng thường lấy địa danh nơi Đức Mẹ hiện ra để làm tên gọi, ví dụ như Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lộ Đức. Tại sao lần này Đức Mẹ lại tự cho mình một danh hiệu?
Có nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra để giải thích điều trên. Tuy nhiên, giả thuyết được nhiều người cho là hợp lý nhất đã giải thích như sau: Người ta cho rằng chữ Guadalupe là do chữ "COATLA XOPEUH" trong ngôn ngữ Nahuatl, phát âm là "quatlalsupe", rất gần với âm của chữ Guadalupe trong tiếng Tây Ban Nha. Chữ COATLA XOPEUH có nghĩa là "Vị đạp lên đầu Rắn". Tưởng cũng nên nhắc lại: theo các nghi lễ của dân Aztec thời ấy thì mỗi năm họ dùng rất nhiều đàn ông, đàn bà và trẻ em để làm vật tế lễ cho các thần linh khát máu của họ, nhất là dịp họ vừa hoàn tất công trình kiến trúc ngôi đền mới vĩ đại tên Tenochtitlan. Như vậy thì "con Rắn" mà Đức Mẹ "đạp lên đầu" là một biểu tượng cho các thần linh độc ác này (xem St 3,14-15). Từ đó, Đức Mẹ đem hằng triệu người Da đỏ trở về với Chúa (L.m. Phêrô, CMC).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tỏ lòng sùng kính Mẹ bằng việc hằng trở về với Chúa.
Suy niệm 2: Phép lạ trong hình ảnh
Đức Trinh Nữ đã hiện ra với Juan Diego ở đồi Tepeyac và tỏ lộ danh tánh: Ðức Bà Guadalupe.
Một trong những phép lạ vẫn còn tiếp diễn tới hiện tại là việc bức hình Đức Mẹ Guadalupe in lên trên một tấm vải thô sơ làm từ sợi cây xương rồng, mà bình thường thì tan rã trong vòng mười năm, tới nay vẫn còn nguyên vẹn. Trong mấy chục năm đầu, tấm hình được treo trong nhà nguyện và bao nhiêu dân chúng đã đến đó sờ mó mân mê. Tấm khăn đã bị ảnh hưởng trực tiếp của bao thời gian, thời tiết, và hương khói nghi ngút trong các buổi lễ hơn một trăm năm. Đến năm 1647, tấm khăn mang hình Đức Mẹ Guadalupe mới được lồng vào khuôn kính lần đầu tiên.
Trong mấy thế kỷ qua, những phương thức khoa học kỹ thuật ngày càng tân tiến và tinh vi, các nhà chuyên môn đã tìm mọi cách phân tích để hiểu hiện tượng trên mà họ vẫn không giải đáp được. Họ cũng không phân tích được hóa chất nào đã được dùng làm sơn in hình Đức Mẹ trên tấm vải ấy. Cho tới nay, các màu sắc vẫn còn linh động rực rỡ như lần đầu tiên Juan Diego mở rộng tấm khăn mình ra cho Đức Tổng Giám mục thấy những đóa hoa hồng.
Gần đây nhất, các nhà chuyên khoa về nhãn quang đã rọi lớn, tìm thấy và chứng minh được trong tròng mắt của Đức Mẹ Guadalupe in lên khăn có hình phản ảnh những người có mặt trong căn phòng Đức Tổng Giám mục lúc Đức Mẹ hiện ra
Việc nghiên cứu này đã được hơn hai mươi bác sĩ chuyên khoa và khoa học gia tham gia từ năm 1979. Bác sĩ Aste Tonsman của Đại học Cornell University là người dẫn đầu cuộc nghiên cứu này và sắp phổ biến một điều mới khám phá lạ lùng mà ông ta kết luận như sau: "Có thể rằng Đức Mẹ Guadalupe không những đã để lại hình ảnh của Người để chứng minh sự kiện Người đã hiện ra, mà còn có thể để lại cho chúng ta một vài điều nhắn nhủ quan trọng khác nữa. Những điều này được che giấu trong con ngươi con mắt trên bức hình cho tới bây giờ, lúc chúng ta có đủ phương tiện khoa học để khám phá, mà cũng là lúc chúng ta cần biết tới điều nhắn nhủ này nhất". 
Thật vậy, điều bác sĩ Tonsman khám phá mới nhất là trong con ngươi mắt của Đức Mẹ Guadalupe hình dạng của một gia đình, trong đó có hình một người mẹ đeo con trên lưng như tập tục của người dân thời thế kỷ thứ 16. Theo lời bác sĩ Tonsman, đây là một điều quan trọng cần lưu ý, vì tình trạng gia đình đổ vỡ và giá trị căn bản gia đình bị chà đạp trầm trọng trong xã hội hiện nay (L.m. Phêrô, CMC).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quan tâm đến việc thánh hóa bản thân để thánh hóa gia đình, như một phép lạ Chúa ban.
Suy niệm 3: Lich sử phụng vụ
Đức Trinh Nữ đã hiện ra với Juan Diego ở đồi Tepeyac và tỏ lộ danh tánh: Ðức Bà Guadalupe.
Năm 1555, sau khi đã điều tra xem xét cẩn thận, Đức cha Alonso de Montufar, Giám mục thứ hai của Mễ-Tây-Cơ đã chính thức công nhận biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Tepeyac.
Năm 1556, từ nơi có ngôi nhà nguyện bằng đất đơn sơ ban đầu, một nhà thờ rộng lớn hơn đã được xây lên. Năm 1737, Đức Mẹ Guadalupe được tôn nhận là bổn mạng thành phố Mễ Tây Cơ, năm 1746 là bổn mạng miền New Spain gồm từ California xuống đến Guatemala và Salvador. Năm 1754, Đức Beneđictô XIV lập lễ Đức Mẹ Guadalupe vào ngày 12 tháng 12. Năm 1895, Đức Lêô XIII sai sứ thần sang đặt triều thiên cho Đức Mẹ Guadalupe và gửi hai câu thơ tôn vinh Đức Mẹ. Năm 1910, Đức Thánh Piô X tôn đặt Đức Mẹ Guadalupe là bổn mạng Châu Mỹ Latinh và năm 1935 Đức Piô XI tôn đặt Mẹ là bổn mạng Philippines. Năm 1945 kỷ niệm 50 năm đặt triều thiên cho Đức Mẹ Guadalupe, Đức Piô XII tôn đặt Mẹ là Nữ Vương nước Mễ Tây Cơ và là Nữ Hoàng của toàn thể Mỹ châu.
Trải qua nhiều thế kỷ, một vương cung thánh đường khang trang lộng lẫy đã được hoàn thành năm 1976. Và năm 1990 Đức Gioan Phaolô II đã đến hành hương đền thánh Đức Mẹ Guadalupe để tuyên phong chân phước và năm 2002 tuyên phong hiển thánh cho Juan Diego. Hiện nay, trong Đại Đền thánh Phêrô, Rôma, có một ngôi nhà nguyện nhỏ biệt kính Đức Mẹ Guadalupe (L.m. Phêrô, CMC).
Suy niệm 4: Bức hình
Đức Trinh Nữ đã hiện ra với Juan Diego ở đồi Tepeyac và tỏ lộ danh tánh: Ðức Bà Guadalupe.
Có thể nói, đối với những người Công Giáo ở Châu Âu, thì Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Mẹ Fatima rất đổi thiêng liêng đối với họ; còn đối với phần còn lại của thế giới tính luôn cả Nam và Bắc Mỹ Châu La Tinh, thì việc sùng kính Đức Mẹ Guadalupe quả cũng thánh thiện và trang trọng không kém. Người Mỹ Châu La Tinh nhìn chung dẫu rất nghèo, rất giản dị, và rất tầm thường - thế nhưng lòng đạo đức và sự chân chất của họ quả đúng là điều đáng học hỏi. Hầu như mọi cử chỉ, hành động của họ đều xuất phát từ lòng kính mến một cách rất đặc biệt đến Đức Mẹ Guadalupe. Bức hình Đức Mẹ Guadalupe cũng rất là linh thiêng. Do đó, vào ngày Lễ Kính Đức Mẹ Guadalupe, rất nhiều các Giáo Phận và Tổng Giáo Phận Công Giáo tại Hoa Kỳ được tái cung kính và dâng lên cho sự bảo trợ và gìn giữ của Đức Mẹ Guadalupe. Hành động này chính là việc lặp lại hành động mà Đức Cố Tổng Giám Mục Juan de Zumarraga đã làm cho Giáo Hội tại Mêhicô trong những năm thuộc thế kỷ thứ 15. Lúc đó, đang diễn ra hàng ngàn vụ tàn sát những người thuộc thổ dân Aztec tại Mêhicô, cũng giống hệt như những vụ thảm sát một cách tương tàn, và vô tội vạ đối với những trẻ sơ sinh chưa được chào đời, cũng như các cuộc chiến có tính chất thảm sát tại khắp mọi nơi trên thế giới vào thời đại ngày nay vậy. Đức Cố Tổng Giám Mục Zumarraga đã khẩn cầu Đức Mẹ hãy gởi đến cho ngài những Cánh Hoa Hồng Castilian (Castilian Roses) như là một dấu chỉ để chấm dứt ngay những vụ thảm sát tương tàn này. Khi Juan Diego mở tilma (trang phục hay áo) của mình ra ngay trước mặt Đức Tổng Giám Mục, tức thì các cành bông hồng tuôn đổ ra như thác nước, bao gồm luôn cả các Cánh Hoa Hồng Castilian, và hình ảnh của Mẹ xuất hiện một cách rất nhiệm mầu trên chiếc áo mà Thánh Juan Diego đang mặc. Hàng triệu người khi đó đã quay trở lại đạo, và tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa, thay vì các thần khác mà họ đã tôn thờ trước kia. Rất nhiều phép lạ đã xảy ra tại nơi đó (Anthony Lê).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con gia tăng các hành vi yêu thương để ngăn chận lối sống bạo hành trong xã hội ngày nay.
Suy niệm 5: Bức thông điệp
Đức Trinh Nữ đã hiện ra với Juan Diego ở đồi Tepeyac và tỏ lộ danh tánh: Ðức Bà Guadalupe.
Trong lúc hiện ra với Juan Diego, bức thông điệp mà Mẹ nhắn gửi lại, mãi cho đến ngày hôm nay vẫn còn có giá trị hết sức tỏ tường và đích thực đối với từng người trong chúng ta. Bức thông điệp đó chính là: "Hãy biết chắc rằng, hỡi người con trai của ta, hỡi người con bé bỏng của ta, rằng Ta chính là Đức Nữ Trinh Maria rất Thánh và Hoàn Hảo, là Mẹ của Thiên Chúa thật - Đấng sống và cũng là Đấng Tạo Dựng ra toàn thể nhân loại, Đấng làm chủ tất cả những gì gần hay xa, Đấng làm Chủ cả trời lẫn đất. Ta rất mong ước rằng họ xây dựng một ngôi nhà nhỏ thiêng liêng dành cho ta tại nơi đây, một 'Teocalli,' là nơi mà ta sẽ trình bày Ngài, tán tụng Ngài, và làm cho Ngài được vinh hiển. Là nơi mà ta sẽ dâng lên cho Ngài tất cả mọi người với tất cả tình yêu thương của ta, với cái nhìn của lòng trắc ẩn, với sự trợ giúp và cứu rỗi của ta, bởi vì ta thật sự chính là người mẹ đầy lòng nhân ái của con; của riêng con và cũng là mẹ của tất cả những ai sống đoàn kết trên mãnh đất này, và của tất cả nhân loại; của tất cả những ai mến yêu ta; của tất cả những ai than khóc với ta; của tất cả những ai tìm kiếm ta; của tất cả những ai tín thác vào ta. Ở tại nơi đó Ta sẽ lắng nghe tiếng than khóc của họ, sự sầu não của họ, như là cách để làm cạn vơi đi tất cả những nổi đau khác của họ, những sự thống khổ và não sầu của họ, để cứu chữa và loại bỏ đi tất cả những sự thống khổ của họ." Hình ảnh mà Mẹ đã trao cho Thánh Juan Diego cho thấy Mẹ đang mang thai Chúa Giêsu. Những người thổ dân Aztec đã được Thánh Juan Diego cho nhìn thấy bức ảnh này, đã quyết định chấm dứt đi sự thảm sát tương tàn nhau, vì họ trước đó tin rằng, Thiên Chúa chống đối lại họ. Hình ảnh này công bố ra một sứ điệp của Phúc Âm đó là "Thiên Chúa ở Cùng Với Chúng Ta" (God Is With Us), Ngài chính là Emmanuel, để qua đó chúng ta có thể có được niềm hy vọng, nhằm mang đến cho chúng ta một sự can đảm để có thể nói lên hai tiếng "Xin Vâng" với Sự Sống, như chính Đức Mẹ đã nói lên hai lời đó (Anthony Lê).
Việc Đức Maria hiện ra với Juan Diego dưới hình thức một người đồng hương của ông nhắc nhở cho chúng ta thấy, Đức Maria và Thiên Chúa, là Đấng đã sai ngài đến, chấp nhận mọi dân tộc. Trong hoàn cảnh thời bấy giờ, khi người Tây Ban Nha đối xử tệ hại và dã man với người thổ dân, việc hiện ra là lời khiển trách người Tây Ban Nha cũng như một biến cố trọng đại đối với người thổ dân Mỹ Châu. Trước khi có biến cố này, việc trở lại Kitô Giáo chỉ thưa thớt, nhưng sau đó họ trở lại cả đoàn. Theo một sử gia đương thời, có đến chín triệu người thổ dân trở lại đạo Công Giáo trong một thời gian rất ngắn. Ngày nay, chúng ta thường nghe là Thiên Chúa ưu đãi người nghèo, và Đức Mẹ Guadalupe minh chứng rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho người nghèo, và chính Mẹ đồng hóa với người nghèo là một chân lý đã có tự ngàn xưa, được phát xuất từ Phúc Âm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tỏ lòng yêu mến Mẹ bằng việc hết mình sống sứ điệp của Mẹ.
Suy niệm 6: Đền Thờ
Đức Trinh Nữ đã hiện ra với Juan Diego ở đồi Tepeyac và tỏ lộ danh tánh: Ðức Bà Guadalupe.
Đức Maria nói với Juan Diego: "Hỡi con rất yêu dấu của Mẹ, ta là Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Thiên Chúa thật, Người là Tác Giả của Sự Sống, là Tạo Hóa của muôn loài và là Chúa của Thiên Đàng cũng như Trái Đất... và điều ta mong muốn là một nhà thờ sẽ được xây cất ở đây cho ta, là nơi ta sẽ chứng tỏ lòng khoan dung và nhân hậu của ta đối với người thổ dân, và tất cả những ai yêu mến và tìm đến ta, như một người Mẹ đầy lòng thương xót của con và của mọi người dân của con..." (trích từ niên sử cổ).
Ước mong của Đức Mẹ đã được thực hiện. Đền Thờ Đức Mẹ Guadalupe ở cách Thành Phố Mễ Tây Cơ 15 cây số, cũng tại địa điểm của đền thờ cũ hồi thế kỷ 16. Hội Đồng Giám Mục Mễ tây Cơ, khi thấy nền đền thờ lung lay có thể gây nguy hiểm cho khách hành hương liền quyết định xây lại, và đặt viên đá đầu tiên vào ngày 12/12/1974, do kiến trúc sư Pedro Ramirez Vasquez và được khánh thành sau đó 2 năm. Đền Thờ Đức Mẹ Guadalupe ngày nay là một đền thờ lớn nhất và được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới. Mỗi năm có 20 triệu người hành hương. Nhìn bên ngoài, đền thờ này trông giống như một chiếc lều tròn trong sa mạc để nhớ đến lều tạm của Moisen ở chân Núi Sinai, và được viền bằng những tấm đồng xanh lá cây đậm (mầu áo khoác của Đức Mẹ). Bên trong đền thờ được phủ bằng thông Canada (rộng 6 ngàn thước vuông), nền bằng cẩm thạch Mễ Tây Cơ và ở hàng giữa lòng đền thờ là một mảnh áo khoác của Thánh Juan Diego có hình Đức Mẹ.
Xét về mặt tôn giáo, mỗi ngày quanh năm đều có 30 thánh lễ được cử hành. Bí tích Giải Tội được tiến hành liên tục từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều mỗi ngày suốt năm. Hàng trăm nghi lễ rửa tội được thực hiện hằng tuần, ngoài ra còn có nghi thức hôn phối, rước lễ lần đầu cũng như bí tích thêm sức. Xét về mặt xã hội, đó là một địa danh thăm quan thuộc hàng đầu của Mễ Tây Cơ, nơi còn lưu giữ bức hình gốc của Đức Bà Guadalupe từ thế kỷ thứ 16.