Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 31b

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN
NĂM B
Dnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34
BÀI ĐỌC I: Dnl 6,2-6
Ngày ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “2 Anh (em) cũng như con cháu anh (em) sẽ kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh (em), và anh (em) sẽ được sống lâu. 3 Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh (em) sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh (em), đã phán với anh (em).
4 Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. 5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). 6 Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng.
ĐÁP CA: Tv 17
Đ. 2 Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con.
2 Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; 3a lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con;
3bc Lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ. 4 Tôi kêu cầu Chúa là Đấng xứng muôn lời ngợi khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.
47 Đức Chúa vạn vạn tuế! Chúc tụng Người là núi đá cho tôi trú ẩn. Tôn vinh Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi, 51ab Chúa ban nhiều chiến thắng lớn lao cho Đức Vua chính Người đã lập.
BÀI ĐỌC II: Dt 7,23-28
Thưa anh em, trong Cựu Ước, 23 có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. 24 Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. 25 Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.
26 Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. 27 Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. 28 Vì Luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 14,23
Hall-Hall: Chúa nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Hall.
TIN MỪNG: Mc 12,28b-34
Khi ấy, 28 có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? "29 Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.”32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.

HIẾN TẾ TÌNH YÊU
Để trả lời câu hỏi: “Giới răn thứ nhất trên hết?” (x Mc 12,28) Cũng chính là thực thi Giới răn nhằm sinh ơn cứu độ.
Xưa Thiên Chúa chỉ trao cho ông Môsê Mười Điều răn ghi trên hai bia đá (Đệ nhất Luật. ) Nhưng từ Mười Điều răn ấy đã được cắt nghĩa ra 613 Luật (Đệ nhị Luật) gồm có:
·        365 điều xấu cấm làm. Ngụ ý nói: ngày nào trong năm cũng phải tránh xa điều xấu.
·        248 điều tốt cần làm. Đó là số xương trong cơ thể con người, ám chỉ muốn sống đúng nghĩa người ta phải làm điều tốt.
Nhưng điều Luật nào là giềng mối, là cốt lõi, là trụ, là trung tâm, là đích điểm của 613 Luật?
Trong tâm tình tôn giáo của người Do Thái, dĩ nhiên phải nhắm đến Luật yêu Chúa đặt đứng hàng đầu và được diễn tả cụ thể: “Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực.” (Dnl 6,5) Luật này trở thành lời kinh chính thức, người Do-Thái gọi là kinh “Shema” trong kinh nhật tụng, từ trẻ nhỏ đến người già mỗi ngày đọc kinh “Shema” hai lần (giống Kinh Lạy Cha nay ta đọc ba lần trong kinh Phụng vụ mỗi ngày:Thánh lễ, kinh Sáng, kinh Chiều)
Thế nhưng để được cứu độ, không phải chỉ đọc kinh mà còn phải thực hành lời kinh (x Mt 7,21). Chúa Giêsu đã sống diễn tả lời kinh “Shema” cách cụ thể vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh:
-            Yêu Chúa hết lòng”: Tim Ngài bị đâm thủng, máu và nước đổ ra để rửa tội (nước) và nuôi sống nhân loại bằng Thánh Thể (máu) [x Ga 19,34]
-            Yêu Chúa hết linh hồn”: Trên thập giá, Ngài đã hiến dâng cả mạng sống, cuối cùng là “dâng hồn Con trong tay Cha.” (x Lc 23,46)
-            Yêu Chúa hết trí khôn”: Người mất trí là kẻ điên khùng! Qủa thật, “cái chết của Chúa Giêsu đối với kẻ đang hư đi là sự điên rồ.” (x 1Cr 1,18)
-            Yêu Chúa hết sức lực”: Trên đường khổ giá, Ngài không còn sức để vác, phải nhờ đến ông Simon người Kyrênê vác thay! (x Lc 23,26)
Như vậy Chúa Giêsu thực hành Giới răn Yêu Chúa là Ngài đã trở thành hiến tế cứu độ loài người, và như thế khi đọc kinh “Shema” mới chỉ là mến Chúa trên đầu môi chót lưỡi: “Lạy Chúa, lạy Chúa!” Thực hành lời kinh lại trở thành thực hành Giới răn Yêu Người.
Đó là minh chứng cho giá trị lời Chúa Giêsu nói: “Tôi đến không phải để hủy bỏ Lề luật, mà là để làm trọn ý nghĩa giá trị Lề luật.” (Mt 5,17)
Đến đây ta có thể hiểu ngay là ai muốn hiểu biết về “Giới răn thứ I trên hết,” (x Mc 12,28) thì phải sống đời hiến tế, vì yêu như Chúa Giêsu đã sống làm gương cho ta. Chính ông ký lục đã nhận ra giá trị trên là “vượt qua các lễ tế toàn thiêu” (x Mc 12,33) của đạo cũ dâng những vật chất qúy giá cho Thiên Chúa! Thánh Phaolô đã so sánh giữa các tư tế Do Thái giáo thi hành chức tư tế còn thua xa giá trị Chúa Giêsu thực hiện chức Tư Tế thời Tân Ước: “Có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.
Phải,đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. Vì Luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời” (Dt 7: Bài đọc II) .
Chắc chắn phải nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho vị ký lục đã đến hỏi Chúa Giêsu về Điều răn trọng nhất, nên sau khi ông nghe Chúa trả lời câu hỏi ông đặt ra, ông tấm tắc khen Chúa Giêsu và phán phục Ngài: “Phải lắm, Thầy nói rất đúng.” (Mc 12,32) Chúa Giêsu đáp lời: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu?” (Mc 12,34) Lời này có hai ý:
-            Đã đến gần ngày Ngài thi hành chức Tư Tế của Ngài trên thập giá, để Nước Chúa (Hội Thánh) được khai mở cho nhân loại.
-            Ông ký lục nhất trí với Chúa Giêsu về Giới răn thứ nhất và trên hết, như Ngài đã trả lời ông. Điều ấy mới dẫn ông đến cửa Nước Trời (Nước Chúa không xa. ) Ông muốn được vào, ông còn phải thực hành Giới răn ấy nhờ Ngài với Ngài và trong Ngài, để sự sống được kéo dài bất tận, hạnh phúc sung mãn. Nhờ đó tạo nên một đoàn dân thánh đông đúc như sao trên trời như cát bãi biển. (x Dnl 6,2-3: Bài đọc I)
Hồi Đệ nhị thế chiến, một trại tù của Đức Quốc xã có lệnh: “Các tù nhân có nhiệm vụ coi lẫn nhau. Nếu một tù nhân nào trốn trại, thì sẽ có 10 tù nhân khác thế mạng!
Một buổi sáng kia, khi kiểm điểm các tù nhân, viên cai tù phát giác thiếu một người! Thế là tất cả các tù nhân hôm ấy phải đứng hàng giờ phơi nắng ngoài sân! Mãi đến chiều, người sĩ quan Đức có trách nhiệm nhà tù xuất hiện với bộ dạng giận dữ, tay chắp sau lưng, bước chân chậm rãi trên đôi giày bốt-đờ-xô nện trên nền đá nghe “cộp, cộp!” Mắt ông trừng trừng nhìn thẳng vào mặt từng người tù, thỉnh thoảng ông dừng lại chỉ vào một người và buông lời cộc lốc: “Mày phải thế mạng!” Cứ như thế ông đã chỉ đến người thứ 9, khi ông dừng lại người tù xấu số thứ 10, thì anh tù bật khóc nức nở! Trong số tù nhân có Linh mục Maximiliano Kolbe liền giơ tay xin phát biểu:
-            Xin ông cho tôi được chết thay cho người này!
Viên sĩ quan quát:
-            Con heo Ba Lan kia, mày có điên không?
Cha Maximiliano Kolbe ôn tồn đáp:
-            Thưa không, tôi là Linh mục chỉ có một mình, anh này còn vợ con, cần được sống.
Trước sức mạnh của tình thương, viên sĩ quan đứng lặng người trong giây lát, rồi buông lời:
-            Thuận.
Thế là cả 10 người “được chọn” bị đẩy vào hầm cho chết đói! Trong hầm, cha Maximiliano Kolbe luôn ca hát và cầu nguyện, cha đã cảm hóa được 9 người kia xin theo đạo. Sau một tháng người ta mở cửa ngục ra xem, thấy cha Maximiliano Kolbe vẫn sống bình an, và vui vẻ. Thấy vậy họ đã chích cho ngài mũi thuốc…!
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 14-10-1982. Hôm đó gia đình anh tù được chết thay cũng hiện diện.
THUỘC LÒNG.
Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình! (Ga 15,13).
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh