Lời Chúa cntn 29b _ đau khổ trở thành hạnh phúc

ĐAU KHỔ TRỞ THÀNH HẠNH PHÚC
"Hạnh phúc luôn tràn trề trong tâm hồn tôi, đến nỗi mọi đau khổ biến thành niềm vui cho tôi." (Camillô Lellis)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Sở dĩ chúng ta biết được Chúa Giêsu sống cuộc đời công khai, tiếp xúc, rao giảng tin mừng, làm các phép lạ, chữa bệnh tật cho quần chúng, tuyển chọn môn đệ, giáo dục các ngài v.v. trong ba năm, là do tin mừng thánh Gioan thuật lại ba lần Chúa lên Giêrusalem đự lễ Vượt Qua, (Lần thứ nhất Gioan 2,13; lần thứ 2 Gioan 5,1; và lần thứ ba Gioan 7,1)
Bài tin mừng ta vừa nghe tả lúc Chúa Giêsu lên Giêrusalem lần thứ ba, cũng là lần sau cùng để chấm dứt cuộc đời trần gian ngài. Đặc biệt hơn nữa là Chúa vừa nói cho các tông đồ biết, ngài lên Giêrusalem lần này, để chịu đau khổ, xỉ nhục, bị lên án bất công và bị chết thê thảm v.v. thì hai anh em Gioan và Giacôbê lại xin Chúa cho mình được giữ chức quyền nhất, nhì trong nước Chúa. Các ông đã nghĩ tới một nước trần gian Chúa sẽ làm vua; thế rồi các môn đệ khác cũng quan niệm về nước Chúa giống như hai anh em Gioan và Giacôbê, xích mích với hai anh em vì ngờ rằng có những địa vị lớn, thì Chúa đã ban cho hai anh em đó. Như vậy chứng tỏ suốt ba năm trời, Chúa đã vất vả kiên trì giáo dục các môn đệ, mà các ngài vẫn không hiểu lời Chúa. Lý trí các ngài u mê đã đành, mà tâm hồn đầy ích kỷ, tham lam. Chúng ta cũng cần suy niệm và ghi nhớ bài học này, để chúng ta biết bắt chước Chúa trong cuộc sống hằng ngày của ta. Chúa đã chịu đựng, nhịn nhục chung sống với các tông đồ và tuy ngài là Thiên Chúa, ngài cũng vẫn bình tĩnh, thản nhiên chờ đợi kết quả, khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Lúc đó công việc của ngài coi như mới thành công.
Cũng do các tông đồ tranh giàng nhau địa vị, chức quyền, mà Chúa nói tới, sứ mệnh của các Ông mai ngày, sứ mệnh của cả Giáo Hội là: Sống để phục vụ người khác, chứ không phải sống để người khác phục vụ mình.
Lịch sử Giáo Hội cho ta thấy, Giáo Hội luôn luôn trung thành với sứ mệnh này. Trải qua 2.000 năm, biết bao công việc bác ái của Giáo Hội phục vụ nhân loại, biết bao con cái của Giáo Hội, đã sống tinh thần của Chúa, hy sinh cả cuộc đời để phục vụ người khác.
Sau đây chúng ta chỉ nhắc tới một gương đặc biệt: Thánh Camillô Lellis.
Camillô Lellis sinh ngày 25 tháng 5 năm 1550 tại Ý. Mồ côi cha và mẹ lúc 6 tuổi, Camillô Lellis không được giáo dục chu đáo, ngài biếng nhác việc học tập, sống phóng túng, 19 tuổi ngài theo đuổi binh nghiệp, 5 năm sau, ngài xuất ngũ.
Camillô Lellis phung phí hết của cải và lâm vào cảnh cùng quẫn, phải đi làm phụ hồ cho công trình xây cất của các cha dòng Phanxicô. Tại Fermô, ngài gặp hai tu sĩ Phanxicô, và ngài đã bị chinh phục bởi nếp sống khiêm tốn, đạo đức của hai tu sĩ này. Do đó, ngài quyết tâm, sẽ dâng mình cho Chúa.
25 tuổi, ngài xin nhập dòng Phanxicô, và được nhận vào tập viện. Nhưng rồi ngài mắc bệnh nan y, và được điều trị tại một bệnh viện chuyên trị bệnh nan y ở Rôma. Nơi đây Camillô Lellis đã nhận ra ơn gọi của mình: ngài thấy các nhân viên trong bệnh viện, tuy được trả lương đầy đủ, nhưng vô tâm trước nỗi đau đớn của các bệnh nhân. Vì thế, chính ngài tận tụy giúp đỡ các bệnh nhân ngày đêm. Ngài còn quy tụ một số bạn thanh niên để thực hành bác ái. Trên ngực họ đeo một thánh giá đỏ. Công việc thực nặng nề, vất vả. Các bạn ngài thường tỏ ra lo lắng, nhưng Camillô Lellis nhắc cho họ lời Chúa Giêsu đã phán với thánh nữ Catarina Sienna: "Hãy lo cho Cha, và Cha sẽ lo cho các con."
Ít lâu sau Camillô Lellis làm giám đốc bệnh viện. Châm ngôn của ngài là: "Hãy phục vụ bệnh nhân như phục vụ chính Chúa Giêsu."
Để phục vụ một cách hữu hiệu hơn, ngài đã theo lời khuyên của đức hồng y Paragi, chuẩn bị học, để được thụ phong linh mục. Nhưng trở ngại thật lớn lao, vì kiến thức ngài quá kém. Một thị kiến đã giúp ngài vượt mọi khó khăn. Ngài thấy Chúa Kitô đưa tay ra nói: "Hỡi Camillô, con đừng sợ, Cha sẽ giúp con."
Tuy đã 32 tuổi, ngài không ngần ngại ngồi học tiếng Latiinh với các em nhỏ. Sự kiên trì đã giúp ngài vượt qua mọi khó khăn. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, năm 1584. Camillô Lellis thụ phong linh mục và dâng thánh lễ đầu tiên tại nhà thờ thánh Giacôbê. Vài tháng sau ngài được trao phó cai quản nhà thờ Đức Bà. Ngài thiết lập một tu hội, thâu nhận những anh em phục vụ người hấp hối, ở bất cứ nơi nào. Họ luôn trung thành với lời khuyên của ngài:
"Hãy biết thầm lặng, hồi tâm dâng lên Chúa những lời nguyện vắn gọn, và các bạn sẽ được nâng đỡ đặc biệt bên cạnh các bệnh nhân. Các bạn hãy khuyên các bệnh nhân biết cầu xin ơn tha thứ, biết dâng cái chết của họ, hợp với cái chết của Chúa Giêsu, và xin Người đón nhận linh hồn họ vào lòng nhân từ Người"
Năm 1588 ngài đến lập tu viện ở Naples, nơi đây ngài đã thực hiện đức ái kỳ diệu, với các nạn nhân của một cơn dịch hạnh. Đức giáo hoàng Sixtô V và Đức Gregôriô XV đã đặc biệt ca tụng, cổ võ dòng của ngài. Tu hội của ngài, ngoài ba lời khấn vâng lời, khó nghèo, trinh khiết, còn thêm lời khấn thứ tư là: "Hiến thân phục vụ con người đau khổ, dầu bị bất cứ bệnh nào" Dòng của Camillô Lellis phổ biến khắp nước Ý, và còn khuyếch trương sang cả Pháp, Tây Ban Nha. Số tu sỹ mỗi ngày mỗi đông. Tuy thiếu thốn, ngài vẫn nợ nần, xây cất tu viện và nhà thương. Ngài luôn trông cậy, phó thác nơi Chúa. Nợ nần quá nhiều. Các chủ nợ lo âu hỏi ngài: "Bao giờ Cha mới trả nợ cho chúng con?"
Ngài trả lời: "Đừng sợ, Thiên Chúa toàn năng sẽ gửi tiền cho chúng ta."
Các chủ nợ cười và nói: "Thưa Cha, thời phép lạ đã qua lâu rồi."
Nhưng chỉ vài ngày sau, ngài nhận được những món tiền lớn, đủ để thanh toán hết nợ. Sự quan phòng của Chúa cho ta thấy rằng: phép lạ vẫn được thực hiện cho những ai trông cậy Chúa.
Khi tuổi đã cao, Camillô Lellis vẫn tận tụy phục vụ những người đau khổ. Thấy vậy các bệnh nhân nói: "Xin cha nghỉ kẻo Cha cũng sẽ ngã quỵ mất." Nhưng ngài đã trả lời: "Này các con, Cha là tôi tớ của các con. Cha phải làm mọi sự có thể làm được, để phục vụ các con."
Đi từ giường bệnh này tới giường bệnh khác, ngài nói: "Hạnh phúc luôn tràn trề trong tâm hồn tôi, đến nỗi mọi đau khổ biến thành niềm vui cho tôi."
Kiệt sức vì say mê phục vụ, ngài thấy giờ chết tới gần, ngài vui sướng nói: "Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi, nào ta đi về nhà Chúa." Trước giờ chết ngài đã nói trong nước mắt: "Lậy Chúa, con biết con tội lỗi nặng nề, nhưng xin hãy cứu con nhờ lòng nhân lành Chúa."
Camillô Lellis qua đời ngày 14 tháng 7 năm 1614. Đức Giáo Hoàng Benedictô đã phong ngài lên bậc hiển thánh năm 1746.
Đề tựa của Lm. HK