TRỌN CUỘC ĐỜI VÌ NGƯỜI KHIẾM THỊ
Niềm tin mãnh liệt
vào Thượng Đế xây dựng trong thầy một sứ mệnh là chinh phục bóng đêm và mang
ánh sáng hy vọng đến cho những mảnh đời bất hạnh.
Thầy là Nguyễn Quốc Phong, chủ nhiệm Mái ấm
Thiên Ân, nơi cưu mang và nâng đỡ biết bao mảnh đời bất hạnh, không may bị số
phận lấy đi ánh sáng như chính cuộc đời thầy.
Tôi
gặp thầy cách đây hơn bốn năm, trong tâm trạng nửa tỉnh nửa mê của một người vừa
bước vào bóng tối bởi chứng u não định mệnh. Hành trang năm ấy thầy trao là phần
mềm hỗ trợ tiếng nói dành cho người mù trên máy tính, cùng một chữ nhẫn sáng rực niềm tin. Hôm nay tôi ngồi đây viết những dòng chữ
này bằng một lòng biết ơn chân thành gửi đến thầy.
Ngược
dòng thời gian quay về những năm 90, lúc ấy có một trưởng phòng kế hoạch gặp
tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường đi làm về, và hậu quả là thị giác và
khứu giác đã vĩnh viễn bỏ thầy ra đi. Loạng choạng bước tiếp khi tương lai phía
trước là một màu xám xịt, có những lúc thầy muốn dừng lại tất cả bằng cái chết,
nhưng phải chăng trong cùng cực khổ đau, tạo hóa đã cho thầy một sức mạnh phi
thường để đứng lên đương đầu với số phận. Niềm tin mãnh liệt vào Thượng Đế xây
dựng trong thầy một sứ mệnh là chinh phục bóng đêm và mang ánh sáng hy vọng đến cho những mảnh đời bất hạnh.
Tôi
muốn được bắt đầu từ một chấm nhỏ trên trang giấy để nói về niềm đam mê nghiên
cứu và tâm huyết của thầy đối với sự nghiệp giáo dục trẻ khiếm thị, đó là ký tự
đầu tiên trong bảng chữ cái dành cho người mù. Sau bao năm nghiền ngẫm loại
ngôn ngữ đặc biệt này, thầy tập trung trên dưới mười người khiếm thị và từng bước
xây dựng môi trường học tập cho người mù. Sự chuyển tiếp từ chế độ chữ sáng
sang chế độ chữ nổi là một thách thức lớn, nhưng niềm đam mê đã tạo nên một nhà
giáo đúng nghĩa trong lĩnh vực giáo dục người khiếm thị. Và điều này càng được
khẳng định khi thầy vinh hạnh nhận tấm bằng cử nhân khoa Xã Hội Học do trường Đại
học Mở, TP HCM cấp. Không dừng lại ở phạm vi văn hóa, quá trình tìm hiểu đã
giúp thầy nghĩ ra ý tưởng tự người mù có thể làm gậy để di chuyển và dần phát triển thành một nghề tạo thu
nhập duy trì hoạt động của Mái ấm. Và rồi sau hơn mười năm tích góp, mơ ước xây dựng một cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm thị được thầy hiện thực hóa bằng một mảnh đất
tại Quận Tân Phú, TP HCM.
Chợt
tôi dừng lại bởi sự khâm phục trước chữ nhẫn của thầy, hơn một thập kỷ cho sự
trang bị nền tảng, và rồi lại gần một thập kỷ để có thể thay thế đám cỏ dại
trên mảnh đất năm nao bằng tòa nhà bốn tầng, với tên gọi “Mái ấm Thiên Ân.”
Bút
mực không thể giúp tôi diễn tả hết những nỗ lực và quyết tâm của thầy trong suốt
mấy chục năm theo đuổi lý tưởng sống cao đẹp của đời mình, chỉ biết rằng tôi cảm
nhận nơi thầy ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt… Khi những lá thư chữ nổi trở nên lạc hậu
và dần được thay thế bằng những phương tiện hiện đại bởi công nghệ thông tin,
thì cũng là lúc thầy ra sức học tập, tìm tòi để thực hiện một vai trò mới “Hiệp sĩ công nghệ thông tin dành cho người khiếm thị.”.. Chính vì vậy Mái ấm Thiên Ân chẳng những
có thể dìu dắt em thơ từ chữ A đầu đời, mà còn dạy em kiến thức tiếp cận với những
phương tiện hiện đại của thế kỷ 21. Có lẽ trong tâm hồn người thầy giáo này, được
sống, cống hiến và đem lại nụ cười trên môi trẻ khiếm thị là mục tiêu lớn nhất.
Ảnh
hưởng tích cực của tấm gương sáng ngời thầy Nguyễn Quốc Phong trong cộng đồng
khiếm thị không chỉ vì thầy đã làm tốt vai trò người thầy, người cha tinh thần
cho những em nhỏ bất hạnh, mà thầy còn mở lớp dạy nghề miễn
phí, tạo công ăn
việc làm cho người mù. Đặc biệt, thầy đã thắp sáng ngọn lửa hy vọng trong tâm hồn
những thận phận không may đến với bóng tối muộn màng như tôi.
Mái ấm
Thiên Ân, số 122 Nguyễn Ngọc Nhựt, Phường Tân Quý, Quận Tân Phú luôn rộn rã tiếng cười của những chồi non bất hạnh, bị số phận lấy đi ánh sáng ngay từ những
năm tháng đầu đời. Mái ấm vang lên tiếng trẻ học bài và giọng nói hiền từ của
người giáo mù gần qua tuổi sáu mươi. Cũng chính tại Mái ấm này, cũng sự dìu dắt
của người thầy này, bao thế hệ học trò đã trưởng thành, được trang bị kiến thức
vững vàng và xây dựng gia đình riêng.
Thật
vậy, mọi thứ đã quá tuyệt vời nếu đó là kết quả nỗ lực từ một người lành lặn,
nhưng phải chăng điều này càng trở nên phi thường với một người chỉ sống bằng
ba giác quan.
Kính
mong thầy mãi khỏe mạnh để dìu dắt em thơ vượt qua bóng tối muôn trùng!
"Thầy như vầng sáng trên cao
Soi đường em bước qua bao thác ghềnh
Quyết tâm, nhẫn nại, vững bền
Niềm tin “có chí thì nên” rạng ngời
Gởi trao khúc hát, nụ cười
Chinh phục bóng tối, một đời đam mê…"
Lê Dương Thể Hạnh
Bài dự thi "Vượt lên số phận" lần
IV: THẦY TÔI
TNV - Khi còn nhỏ, đôi mắt long lanh và
căng tròn những ước mơ, giúp tôi nhìn cuộc sống bằng vô vàn màu sắc lung linh
và đẹp đẽ. Tôi vui sướng, nhìn về tương lai rộng mở và tươi sáng đang chào đón
mình bằng cặp mắt mà tạo hóa đã ban cho tôi.
Thầy Nguyễn Quốc Phong người sáng lập Mái ấm
Thiên Ân.
Tranh Hoàng Tường
Tranh Hoàng Tường
Nhưng cuộc đời quá éo le và bất công, khi cướp
đi ánh sáng của một thiếu nữ đang mang trong người một bầu nhiệt huyết và tình
yêu cuộc sống. Một căn bệnh kéo dài đã cướp lấy nguồn sáng, và cướp đi cả những
ước mơ đang hé nụ trong tôi. Tôi trở thành người khiếm thị, nhìn cuộc sống xung
quanh bằng một sự tối tăm và trống vắng. Tôi khép mình lại, hờ hững với cuộc đời
và đóng kín trái tim mình. Tôi như người mất hồn, mất hết cả niềm tin và mất hết
khả năng tự lập. Tôi không dám mơ, không dám nghĩ đến tương lai, lúc nào cũng
muốn chết đi vì mang mặc cảm mình là người khiếm thị. Tôi sống như một người
máy. Tôi lánh xa mọi người, nước mắt nhiều hơn nụ cười, nỗi buồn lấn át những
niềm vui.
Như một định mệnh được xếp sẵn, tôi đến với
mái ấm Thiên Ân vào cuối mùa mưa năm 2009. Những cơn mưa như đồng cảm cho số phận
của tôi. Tôi ngỡ rằng, mẹ không còn muốn thấy mặt tôi, nên đưa tôi đến mái ấm
Thiên Ân. Tôi đã khóc thật nhiều, nỗi cô đơn và chán nản xâm chiếm con người
tôi. Nhưng rồi, tôi hoàn toàn phải
ngạc nhiên, khi chợt nhận ra rằng cuộc sống vẫn tươi đẹp. Tôi thấy những con người cùng chung số phận
như tôi, mà họ vẫn yêu đời, yêu cuộc sống và đầy tự tin. Họ vui vẻ hòa nhập với
cuộc đời, họ nhiệt tình đón nhận tôi không như một thành viên xa lạ mà như là một
người thân trong gia đình. Mọi rào cản và mọi lo lắng chợt tan biến trong tôi.
Thời
gian lặng lẽ trôi, thoáng đó mà tôi đã sống trong sự đùm bọc thương yêu của mái
ấm Thiên Ân được ba năm. Ba năm- một khoảng thời gian không dài, nhưng cũng đủ
để tôi cảm nhận được sự chăm sóc tận tình và vòng tay ấm áp đầy yêu thương mà
Thầy đã dành cho tất cả chúng tôi, những đứa trẻ phải sống trong cảnh mù lòa về
thể lý. Tôi đã từng trải qua những tháng ngày sống trong sự tự ti mặc cảm và đầy
sợ hãi cho tương lai mờ mịt của chính mình. Thầy đã đem đến cho tôi một tia hy
vọng. Thầy Nguyễn Quốc Phong, chủ nhiệm mái ấm Thiên Ân--một mảnh đời bất hạnh
bao bọc cho những mảnh đời bất hạnh hơn. Một trái tim bao la, đang từng ngày
chuyển đi những giọt máu đầy nhiệt huyết, vì một tương lai tươi sáng cho những
người khiếm thị chúng tôi.
Thầy Phong và Mái ấm Thiên Ân
Nhớ lại ngày đầu tiên đến mái ấm Thiên Ân, tôi
được thầy hướng dẫn nội quy và giới thiệu về mái ấm, nơi tôi sẽ sống và học tập
lâu dài ở đó. Thầy dắt tôi đi Tham quan khắp căn nhà rộng rãi và đầy đủ tiện
nghi. Phong thái của thầy khiến cho tôi cứ nghĩ thầy là một người sáng mắt. Khi
biết ra, tôi hết sức ngạc nhiên vì thầy cũng là một người khiếm thị như tôi. Rồi
những ngày tháng ở Thiên Ân cứ trôi dần trôi dần, tôi được nghe người ta nói rất
nhiều về thầy, như một con người của niềm
tin và nghị lực phi thường
trong cuộc sống.
Mồ côi cha từ năm lên 6, nhưng thầy tôi
cũng còn may mắn, vì có một người mẹ hết sức đảm đang. Bà mẹ trẻ, mới 38 tuổi đầu,
đã phải một mình nuôi dạy một đàn con thơ dại. Bà có tất cả sáu con trai, ai
cũng được bà cho ăn học đàng hoàng tử tế. Thầy tôi ra đời với một công việc khá
tốt, một tương lai tươi sáng đang chờ thầy ở phía trước.
Thế nhưng, một tai nạn đã ập đến. Một buổi
tối, trên đường đi làm về, chiếc xe Honda của thầy tôi đã đụng phải xe tải chở
cây lồ ô bị hư đang nằm giữa đường. Một khoảng trời tối đen như mực, không đèn
hiệu, không bảng báo, tai nạn khủng khiếp đó đã xảy ra trong nháy mắt. Sau khi
được bác sĩ chẩn đoán và thông báo kết quả, thầy tôi như người mất hồn, cả trời
đất như sụp đổ trước mặt. Thầy than trách cuộc đời sao quá tàn nhẫn với mình, một
thời gian dài thầy sống trong đêm tối của tâm hồn, và dường như đứng bên bờ vực
thẳm. Tuy nhiên, thầy tôi vẫn tin rằng cuộc đời không éo le như vậy. Thầy tự nhủ
thầm: “cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa
khác mở ra cho mình.” Một ngày, hai ngày... rồi một tháng , hai tháng... những tháng ngày dài đằng
đẵng sống cùng bóng đêm của tâm hồn cũng dần trôi qua. Cuối cùng, thầy đã bắt đầu
khôi phục lại tinh thần, và từ từ làm quen với bóng tối, với những chấm nổi kỳ
diệu.
Thầy luôn tâm niệm “sau cơn mưa trời lại sáng!” Thế nhưng, không dễ chút nào đối với người
đã ở vào độ tuổi ngoài ba mươi. Bước đầu vô cùng khó khăn, thầy đã phải vất vả
đi xin đây đó cho học chữ nổi. Nhưng người ta đều từ chối, với lí do thầy tôi
đã lớn tuổi. Thầy tôi không vì thế mà nhụt chí, bỏ cuộc. Bằng ý chí và lòng quyết
tâm vượt lên chính mình, thầy vẫn kiên nhẫn đi tìm. Cuối cùng, có một nơi đã nhận
thầy vào học, người ta dạy cho thầy làm quen với chữ nổi. Chỉ sau một tuần, thầy
tôi đã có thể ra trường, vì thầy đã học được cách sử dụng chữ nổi để đọc và viết,
một khởi đầu cho cuộc sống hòa nhập vào cộng đồng xã hội.
Bước đầu cho một hành trình tìm kiếm, tìm lại
nguồn sáng tâm hồn cho người khiếm thị, thầy đã cộng tác với Sơ Quỳnh Giao ở
mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa, vào năm 1994. Trong khoảng thời gian này, thầy tôi
đã không ngừng nỗ lực để phục vụ cho người khiếm thị. Đến năm 1999, được sự ủng
hộ của bạn bè và người thân, thầy đã thành lập Mái ấm Thiên Ân, với nguyện vọng
giúp cho trẻ khiếm thị ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập. Lúc đầu, Thầy
tôi chỉ đủ sức nhận khoảng 10-15 người. Nhờ có sự giúp đỡ của nhiều bàn tay
nhân ái, thầy tôi đã có thêm điều kiện để mở rộng mái ấm của thầy. Hiện nay, số
học sinh sống trong mái ấm đã tăng lên gấp ba so với trước.
Không dừng lại ở đó, thầy còn được mọi người
biết đến bởi những đóng góp to lớn khác cho cộng đồng người khiếm thị chúng
tôi. Thầy đã ra công dịch và chuyển sang chữ braille bộ tài liệu “New
International Manual of Braille Music Notation 1996”, giúp người khiếm thị Việt
Nam ký xướng âm nhạc theo đúng các quy ước quốc tế. Ngoài ra, thầy còn cộng tác
với nhóm VCL của thạc sĩ Đinh Điền, để tạo ra một số phần mềm giúp người khiếm thị tiếp cận với vi tính, hỗ trợ tốt hơn cho việc học cũng như việc
làm của họ. Những đóng góp to lớn về mặt trí tuệ, đã mang lại cho thầy tôi giải
thưởng “Hiệp Sĩ Công Nghệ Thông Tin” vào năm 2003, cũng như nhiều bằng khen và
một số giải thưởng có giá trị khác.
Tôi thiết nghĩ, thành công lớn nhất của thầy
đó là việc đào tạo ra những
con người như chúng tôi,
những lứa học trò khiếm thị có thể sống hòa nhập với cộng đồng một cách tự tin
và tự lực. Thầy tôi đã dẫn dắt nhiều lứa học trò, những anh chị trên lớp chúng
tôi đã ra trường. Trong số đó, nhiều người đã có việc làm ổn định, có người đã
lập gia đình và biết chăm lo cho gia đình như bao nhiêu người bình thường.
Trong các hoạt động xã hội khác, thầy tôi đều
tỏ ra hết sức nỗ lực. Thầy đã không ngừng cố gắng vượt qua vấn đề tuổi tác và sức
khỏe, để có thể tham dự các lớp tập huấn, tích lũy thêm kinh nghiệm trong việc
đào tạo người khiếm thị một cách tốt nhất. Đó chỉ là vài nét sơ lược về người
thầy của chúng tôi. Nếu các bạn muốn biết rõ hơn về Thầy tôi, thì xin mời các bạn
hãy đến với Mái Ấm Thiên Ân của chúng tôi để tìm hiểu. bởi như người ta thường
nói: Trăm nghe không bằng một thấy. Và có lẽ không chỉ riêng mình tôi, mà các bạn
tôi, tất cả những người khiếm thị đã từng một lần gặp thầy, hoặc được thầy dạy
dỗ, hầu như ai cũng đều có những ấn tượng và tình cảm sâu đậm về người thầy
đáng khâm phục này.
Giờ đây, tôi cảm thấy tự tin hơn, trong người
tràn đầy sức sống. Tôi lại dám mơ dám ước như xưa, ngày ngày vui vẻ bên âm nhạc và bạn
bè. Quả thật, tôi đã được học và học khá nhiều những bài học có giá trị từ người
thầy của tôi. Tôi đã biết cách sống tự lập, tôi đã tự tin dám đi một mình ngoài đường
chỉ với cây gậy trắng... Và còn nhiều hơn thế nữa, tất cả, tất cả những gì tôi
đang có và được thừa hưởng chính là nhờ vào sự hy sinh to lớn cũng như lòng
hăng say phục vụ người khiếm thị của người thầy đáng kính. Thầy đã tạo ra những
nấc thang, những động lực giúp tôi tự tin hơn, can đảm hơn tiến về phía trước.
Tôi đang từng bước, từng bước chạm tay vào những điều ước của mình, cũng như những
dự định cho tương lai. Sự cố gắng, chăm chỉ cộng với những đóng góp to lớn của
thầy cô, và các anh chị khiếm thị của thế hệ đi trước, chính là tấm gương phản
chiếu một sức sống phi thường để tôi noi theo.
Tôi thầm cám ơn những người đã cưu mang và
dưỡng dục thầy nên người. Tôi thầm cám ơn tai nạn tàn nhẫn đã vô tình đưa thầy
đến với thế giới bóng tối của người khiếm thị chúng tôi. Tôi thầm cám ơn định mệnh
cuộc đời đã mang tôi đến với thầy, để tôi nhận ra cuộc đời không bất công và cuộc
sống không như người ta nghĩ. Tôi thấy mình hạnh phúc hơn biết bao nhiêu con
người đang thiếu vắng tình thương và sự chăm sóc. Cảm ơn thầy đã giúp cho em có
một hành trang vững chắc, để em có thể bước vào đời bằng chính đôi chân của
mình.
Cuộc đời không bao giờ tàn nhẫn và bất công
đối với ai cả, những khoảnh khắc mà ta có trong đời đều là những quà tặng kì diệu
mà cuộc sống mong muốn đem lại cho ta. Tôi tin rằng, nếu chúng ta có ý chí và
nghị lực, chúng ta sẽ vượt lên khó khăn và chiến thắng số phận nghiệt ngã của
mình. Hãy trân trọng và gìn giữ những món quà
định mệnh mà cuộc sống gửi
đến cho mỗi người chúng ta. Đừng bao giờ than trách số phận và cuộc đời bạn
nhé!
NGUYỄN THỊ THỦY