Lời Chúa cntn 26b _ lòng ghen tỵ dập tắt Thánh Linh

LÒNG GHEN TỴ DẬP TẮT THÁNH LINH
Dấu chỉ để nhận ra bàn tay của Thánh Thần thúc đẩy là sự hiệp nhất, yêu thương và xây dựng.
Logos
Trong kho tàng truyện cổ Trung Hoa có câu truyện Vợ Bành Tổ Khóc Chồng như sau:
Ngày kia, Ngãi Tử ra khỏi nhà thấy một bà lão tóc bạc phơ đang khóc bên đường. Ngãi Tử hỏi:
-       Tại sao bà khóc thương tâm như thế?
-       Tôi khóc vì chồng tôi mới qua đời. Bà lão trả lời.
-       Tôi hỏi khí không phải: chồng bà là ai vậy? Ngãi Tử hỏi.
-       Chồng tôi là Bành Tổ!
-       Này bà, chồng bà là Bành Tổ thọ 800 tuổi mới qua đời. 800 tuổi chẳng phải là thọ lắm sao? Cớ gì bà phải tiếc nuối như thế?
Bà cụ trả lời:
-       Tôi khóc không vì tiếc nuối. Tôi khóc vì phiền muộn bởi thế gian này còn có người sống tới 900 năm! Như thế an tâm sao được!
Vợ Bành Tổ khóc vì có người thọ hơn chồng mình. Đó là thói ghen tỵ, bệnh phổ cập nơi con cái Adam Evà. Lòng ghen tỵ ấy là hậu quả của tội Adam Evà nó dẫn đến biết bao tội ác: tội ác Cain giết em của mình là Aben ; tội con cái Giacóp bán em ruột là Giuse… lòng ghen tỵ đó đầu độc lòng dạ Esau ghét bỏ em mình là Giacóp ; nó biến vua Saulê trở nên kẻ vô ơn và mê muội rắp tâm giết hại Đavít là ân nhân của dân tộc và là người được Thiên Chúa xức dầu.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay dạy ta: lòng ghen tỵ dập tắt Thánh Linh.
Câu chuyện Cựu ước
Bài đọc I nhắc lại chuyện thời ông Môsê (khoảng năm 1250 trước công nguyên). Khi đó, dân Do Thái đang trên đường về Đất Hứa, họ thèm thịt và kêu trách Môsê. Môsê khổ tâm quá bèn kêu lên Chúa vì ông thấy trách nhiệm như gánh quá nặng đè trên ông. Chúa thương Môsê và giảm gánh nặng cho ông bằng cách dạy ông triệu tập 70 kỳ mục trong dân đến trước lều Hội Ngộ để Chúa ban Thần Khí cho họ. Những người này sẽ chia sẻ quyền lãnh đạo đỡ gánh nặng cho Môsê.
Đúng giờ đúng hẹn, Thần Khí Chúa ngự xuống trên họ và họ được ơn nói tiếng lạ. Tuy thế, có hai người không trong nhóm đó là ông Endat và ông Mêdat đang ở trong trại cũng nói được tiếng lạ. Ông Giôsuê là trợ tá của Môsê khó chịu và đề nghị Môsê ngăn cấm họ: “Xin thầy ngăn cản họ!” Thay vì ngăn cản, Môsê đã nói: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (x. Ds 11, 24 – 30).
Giôsuê ghen và muốn độc quyền. Thế là vô tình ông đã chống lại Thiên Chúa. Bởi lẽ mọi ơn lành đều bởi Chúa mà ra và đều do ý Chúa muốn. Ghen tỵ làm cho người ta trở nên kẻ chống lại Thiên Chúa.
Chuyện Tin Mừng
Chuyện ghen tỵ là chuyện thường tình nơi lịch sử con người. Đến thời Đức Giêsu, chuyện ghen tỵ ấy xuất hiện ngay trong nhóm Mười Hai. Bài tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện có ai đó không trong Nhóm Mười Hai mà lại trừ được quỷ. Khi thấy Đức Giêsu trừ được quỷ, các tông đồ nhân danh Đức Giêsu cũng trừ được quỷ, người đó làm theo và cũng trừ được quỷ! Các Tông đồ khó chịu. Họ khó chịu vì người đó không thuộc nhóm của Chúa Giêsu mà lại dám lấy danh Chúa Giêsu để trừ quỷ. Đúng là bất công! Các ông ra sức ngăn cản tựa như người ta bảo vệ “bản quyền”. Các Tông Đồ phản ánh với Chúa sự kiện bất công này. Họ tưởng bẩm báo như thế thì được Chúa tán thành cho rằng họ biết bảo vệ quyền lợi, danh dự và uy tín: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố gắng ngăn cấm vì người ấy không theo chúng ta”. Trái lại, Đức Giêsu mở lòng các ông để các ông không đóng khung “chúng ta” trong nhóm Mười Hai. Người thuộc về Chúa là những người biết cùng với Chúa mà đẩy lui sự dữ. Ân huệ Thiên Chúa ban cách hào phóng đến độ tràn làn trên mọi chư dân. Chúa mời mọi người cộng tác vào công trình cứu độ với Chúa. Ơn cứu độ không chỉ ban cho một nhóm người, cũng không chỉ ban cho một dân tộc. Không ai được độc quyền ơn cứu độ. Nhóm Mười Hai là khởi điểm lãnh nhận ơn cứu độ nhưng là quá nhỏ để lãnh trọn ơn cứu độ. “Chúng ta” của Đức Giêsu trải dài đến mọi người, mọi dân tộc, khắp năm châu. Như thế mới thoả lòng Đức Giêsu.
Chuyện đời thường
Sau tội Ađam – Evà, như một lẽ tự nhiên, người ta dễ buồn khi thấy người khác trổi vượt hơn. Đó là thói ghen tỵ.
Có người buồn khi thấy giáo xứ người trổi vượt hơn giáo xứ mình ; có người bực dọc khi thấy người khác giỏi hơn, được tín nhiệm hơn mình. Đôi lúc chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên khi thấy nhà bên cạnh to hơn, đẹp hơn, cao hơn nhà chúng ta… Tất cả là phản ứng của thói ghen tỵ nguy hiểm.
Nguy hiểm vì nó dễ dẫn chúng ta đến thái độ bất công với tha nhân: nói hành nói xấu, cắt nghĩa xấu làm giảm giá trị người khác. Các biệt phái xưa cũng vì ghen tỵ mà xuyên tạc về Chúa: cho rằng Chúa nhờ quỷ lớn để trừ quỷ con ; Chúa lộng ngôn phạm thượng ; lại còn đàm đúm với phường tội lỗi ; cho rằng Chúa bất xứng kỳ đức khi để một phụ nữ tội lỗi đụng đến mình… Cũng thế, chúng ta có thể cắt nghĩa sự thành công của anh em là “hay không bằng hên” ; đánh giá người quảng đại là “hạng đạo đức giả” v.v…
Ghen tỵ làm cho người ta mất nghĩa với Chúa, mất sự bình an trong tâm hồn và dễ dẫn đến tội ác. Đó là tự huỷ diệt mình.
Ngày kia có một con ễnh ương nhìn thấy con bò to lớn. Nó khó chịu vì sự to lớn của con bò. Nó quyết to lớn bằng con bò cho thoả lòng. Thế là nó nín hơi phình bụng. Một hơi, hai hơi, nhiều hơi… Mỗi lần nín hơi là ễnh ương lại to thêm, bụng căng hơn. Người ta bảo rằng: lúc ấy ễnh ương phấn khởi lắm, nó nghĩ chẳng chóng thì chầy nó sẽ to bằng con bò. Thế rồi nó nín hơi thêm nữa, thêm nữa. Bỗng người ta nghe thấy tiếng nổ “bụp”. Bụng ễnh ương vỡ nát! Đáng đời thói ghen tỵ!
Thái độ của con cái Chúa phải là:
Chân thành mừng vui trước thành công của tha nhân, cùng với anh em mà tạ ơn Chúa. Thế mới là “vui với người vui, khóc với người khóc” đầy tình bác ái.
Khi chưa được bằng người, ta hãy xét mình để chỉnh đốn mà tự thăng tiến. Đó là ganh đua cầu tiến đẹp lòng Chúa.
Ta hãy nhớ: dấu chỉ để nhận ra bàn tay của Thánh Thần thúc đẩy là sự hiệp nhất, yêu thương và xây dựng. Phá đổ, nói xấu, dèm pha, ngăn cản điều tốt là do ma quỷ. Việc của ma quỷ đôi khi đội lốt đạo đức, đó là khi người ta lấy danh Chúa mà cản trở việc tốt của anh em.