Dạy con trung thực
MẸ ĐỪNG COI NHẸ!
Cây tre phải uốn nắn từ nhỏ mới không mọc xiên
mọc xẹo, trẻ con cũng cần phải dạy bảo từ nhỏ mới mong ngoan.
Cuộc sống càng hiện đại, dường như chúng ta lại
càng quan tâm nhiều hơn đến vẻ đẹp bên ngoài hoặc đi sâu hơn một chút là tài
năng được thể hiện ra, chứ ít người quan tâm đến
cái phẩm chất đức hạnh cốt lõi bên trong.
Đã từng có rất nhiều bài báo viết về những mẹo hay, kế giỏi
giúp các mẹ nuôi con khỏe mạnh hơn, xinh xắn hơn, thông minh hơn mà gần như thiếu
đi những bài viết hỗ trợ các mẹ trong việc gây dựng cho con cái đức tốt đẹp bên
trong đó.
Và như để hoàn thiện thêm, hôm nay tôi xin chia sẻ với
các mẹ một bài viết về cách dạy con tính trung thực – một trong những đức tính
quan trọng đi theo con đến suốt cuộc đời. Để bắt đầu bài viết, tôi xin kể hai
câu chuyện như sau:
Trung thực là một trong những đức tính quan trọng đi theo
con đến suốt cuộc đời.
Câu chuyện thứ nhất:
Mẹ: Con lấy kẹo này ở đâu, nói mau (giọng đầy
vẻ cáo buộc).
Bin: Con thấy trong túi của con.
Mẹ: Con lấy ở cửa hàng phải không?
Bin: Không, con không lấy.
Mẹ: Con có lấy. Chị Bông nói nhìn thấy con lấy kẹo
ở cửa hàng. Con nói dối đúng không?
Bin: Không, con không lấy. Là chị Bông nói dối.
Mẹ: Không lấy ở cửa hàng thì con lấy ở đâu? Giờ
thì con phải chịu phạt gấp đôi, một vì tội lấy trộm đồ, một vì tội nói dối.
Câu chuyện thứ hai:
Mẹ: Mẹ thấy con có kẹo. Loại kẹo này mẹ không
mua cho con và chị Bông nói nhìn thấy con lấy ở cửa hàng (giọng từ tốn).
Bin: (Cúi mặt xuống
đất)
Mẹ: Mẹ không thích tính mách lẻo, mẹ cũng đã nói
với chị Bông như thế. Nhưng việc lấy trộm đồ của người khác mẹ còn không thích
hơn nhiều, và điều mẹ đặc biệt không thích là sự dối trá. Con biết đấy, gia
đình ta rất coi trọng tính trung thực. Mẹ tin con, hãy cho mẹ biết sự thật.
Bin: Con không cố tình. Con xin lỗi.
Mẹ: Mẹ biết, mẹ biết là những cái kẹo đó rất hấp
dẫn. Mẹ rất tự hào và đánh giá cao vì con đã không nói dối mẹ. Bây giờ thì cùng
mẹ quay lại cửa hàng và trả kẹo lại giá nhé.
Chỉ với vài dòng ngắn ngủi, hai câu chuyện trên cũng đã đề
cập khá rõ về việc “ươm trồng” tính
trung thực trong con người các bé. Ở câu chuyện thứ nhất, mẹ tra hỏi
gần như dồn con đến chân tường, khiến con cảm thấy việc nói ra sự thật rất bẽ mặt.
Trong hoàn cảnh này, con sẽ có xu hướng chống đối, nói dối hòng che tội.
Còn ở câu chuyện thứ hai, mẹ nói hết chuyện chị Bông thấy
con lấy kẹo ở cửa hàng ngay từ đầu mà không cần hỏi vòng vo, tránh tạo cơ hội
cho con nói dối. Quan trọng hơn, mẹ đã biết tập trung vào tầm quan trọng của
tính trung thực và nói với con rằng đó là giá trị mà cả gia đình coi trọng.
Dù là với ai và ở độ tuổi nào, để nói ra sự thật một người
cần phải có mức độ can đảm nhất định.
Trung thực không phải là bản năng, càng không phải là phản xạ không điều kiện
mà đó là đức tính đòi hỏi cha mẹ dày công dạy bảo. Như để chia sẻ
thêm, tôi xin trình bày ra đây một số lời khuyên hỗ trợ các mẹ trong việc rèn
tính trung thực cho các bé.
Thay vì cáo buộc, mẹ cần giảng giải cho con biết tính
quan trọng của tính trung thực.
1. Phần thưởng cho người trung thực
Là cha mẹ, chúng ta thường chỉ chăm chăm vào việc phạt
con mà quên mất việc khen ngợi mỗi khi con làm việc tốt. Phần thưởng cho tính
trung thực có thể chỉ đơn giản là một lời khen “Bin của mẹ ngoan lắm”, “mẹ rất tự hào về con”… kèm theo một cái ôm
thật chặt. Điều này sẽ giúp con cảm thấy tự tin khi nói ra sự thật, dẫn đường
cho những hành động tích cực.
2. Dạy con trung thực chính là dạy con không làm ngơ
Mẹ dạy con trung thực không chỉ với riêng mẹ, mà với cả
những người xung quanh mỗi khi con thấy người đó mắc lỗi. Khi nhìn thấy cậu bạn
thân đang quay cóp bài, con cần có nghĩa vụ khuyên bạn ấy dừng lại bởi bạn ấy
đang không trung thực và lừa dối tất cả những bạn khác trong lớp. Trong trường
hợp bạn ấy vẫn tiếp tục quay cóp, con cần thông báo với giáo viên.
Không làm ngơ trước hành động dối trá của người khác quả
thực là điều cực kỳ khó, ngay cả với người lớn chứ chưa nói đến trẻ nhỏ. Tuy
nhiên, nếu cha mẹ không chỉ bảo đúng đắn, củng cố cho bé niềm tin về tính trung
thực, bé có nguy cơ bao che hay nguy hiểm hơn là trở thành “đồng minh” với trò lừa dối của bạn.
3. Không dẫn đường cho “sự dối trá” chạy
Dù là muốn thử tính trung thực của con, mẹ cũng không nên
hỏi con những câu hỏi khiến con có cơ hội nói dối. Giống như trong 2 câu chuyện
kể ở trên, thay vì hỏi “Con lấy kẹo ở cửa
hàng phải không?” mẹ nên nói thẳng ra lỗi của con ngay từ đầu và giảng giải
để con có cơ hội nói ra sự thật và nhận lỗi.
4. Cùng con sửa lỗi
Sau khi đã thú nhận sự thật, việc con cần làm ngay sau đó
là sửa lỗi. Giúp con sửa lỗi không phải là dạy cho con thói quen cứ mắc lỗi, sửa
là được mà rèn cho con thói quen có trách nhiệm với những hành động của mình. Để
khuyến khích cũng như tăng thêm sự tự tin cho con, các mẹ nên đi cùng, giúp con
nhận ra rằng giá trị của tính trung thực và sự can đảm còn cao hơn gấp nhiều lần
so với món đồ mà con lấy được.
Mẹ giúp con lấy can đảm sửa lỗi
5. Mẹ là tấm gương của con
Nói trẻ con là tờ giấy trắng cho người lớn vẽ lên quả thực
không sai. Muốn dạy con trung thực, trước tiên các mẹ cần trung thực với chính
con và với người khác trước mặt con. Bỏ lại tiền vào ví bởi không có người thu
vé đứng ở cổng trong khi biển ghi rõ ràng 10.000 đồng/lượt có thể giúp mẹ tiết
kiệm được một khoản nhưng cái mẹ mất đi là giá trị của tính trung thực trong mắt
con.
Hay phổ biến hơn là những lời nói dối tưởng chừng như vô hại của mẹ. Dù chỉ
là câu nói đơn giản như “Mẹ đi một lát rồi
về ngay” nhưng sau đó, mẹ đi đến hàng tiếng đồng hồ cũng có thể khiến bé
không còn tin tưởng mẹ cũng như tin tưởng vào sự quan trọng của việc nói thật.
Phải công nhận, nuôi con khỏe mạnh, thông minh đã khó, dạy
con ngoan ngoãn, đạo đức tốt còn khó hơn gấp bội phần. Thế nhưng, cây tre phải
uốn nắn từ nhỏ mới không mọc xiên mọc xẹo, trẻ con cũng cần phải dạy bảo từ nhỏ
mới mong ngoan. Hi vọng, với những mẹo và chia sẻ ở trên, các mẹ sẽ chiến thắng
trong cuộc chống lại chú người gỗ mũi dài Pinocchio.