Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ ba tuần 21 thường niên


THỨ 3 SAU CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN
NĂM LẺ
1Tx 2,1-8; Mt 23,23-26
BÀI ĐỌC: 1Tx 2,1-8
1 Thưa anh em, chính anh em biết rằng việc anh em đón tiếp chúng tôi không phải vô ích.
2 Như anh em biết, chúng tôi đã đau khổ và bị làm nhục tại Phi-líp-phê; nhưng vì tin tưởng vào Thiên Chúa chúng ta mà chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em, qua những cuộc chiến đấu gay go. 3 Lời giảng của chúng tôi không do sự sai lầm, không có dụng ý xấu, không nhằm lừa dối ai,4 nhưng vì Thiên Chúa đã thử luyện chúng tôi và giao phó Tin Mừng cho chúng tôi, thì chúng tôi cứ vậy mà rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng thử luyện tâm hồn chúng tôi. 5 Không bao giờ chúng tôi đã dùng lời xu nịnh, như anh em biết; không bao giờ chúng tôi đã viện cớ để che đậy lòng tham, có Thiên Chúa chứng giám;6 không bao giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay người khác,7 trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi, với tư cách là Tông Đồ Đức Ki-tô.
8 Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.
ĐÁP CA: Tv 138
Đ. Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ. (c 1)
1 Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, 2 biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, 3 đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
4 Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. 5 Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con. 6 Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới!
TUNG HÔ TIN MỪNG: Dt 4,12
Hall-Hall: Lời Thiên Chúa là Lời sống động và hữu hiệu, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Hall.
TIN MỪNG: Mt 23,23-26
23 Một hôm, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng: "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. 24 Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.
25 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. 26 Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.

CŨ QUA ĐI, MỚI ĐƯỢC TẠO THÀNH TRONG CHÚA GIÊSU
(2Cr 5,17)
Tin Mừng Matthêu chương 23, ghi lại tám mối họa Đức Giêsu trút xuống giới Luật sĩ và Biệt phái, vì họ tin tưởng tuyệt đối vào việc thi hành Luật Môsê: "Ai ra sức dạy và thực hành Luật ấy, đó là người công chính và được sống" (Rm 10,5). Thực ra, Luật Môsê chỉ giam người ta trong tội (x Gl 3,22). Vì Luật dạy điều tốt phải làm và tránh điều xấu Luật chỉ, nhưng trong thực tế không ai chu toàn được hai mục đích này của Luật. Mà người nào không có Luật thì tệ hơn ngựa bất kham, do đó, ai đi tìm sự công chính, phải thú nhận là đi vào ngõ cụt. Ông Phaolô vốn dĩ là một Biệt phái, triệt để thi hành Luật Môsê, trước khi thuộc về Đức Giêsu, ông đáng bị nguyền rủa nhất, vì Luật làm ông mù quáng đi giết những người Công Giáo và cho đó mới là tôn vinh Thiên Chúa (x Cv 9; Ga 16,2).
Thế nhưng, ai được kết hợp với Chúa Giêsu, để cùng nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài mới tôn vinh Thiên Chúa (x Rm 11,36), thì tám mối Họa trong Tin Mừng Matthêu chương 23,13-22, trở thành tám mối Phúc mà Đức Giêsu đã diễn tả trong Hiến Chương Nước Trời (x Mt 5,1-12). Cụ thể: Sau khi Biệt phái Saulô được Đức Giêsu mở mắt Đức Tin, ông nói: "Luật có giá trị bất quá làm cho người ta nhận ra tội mình; Người ta được trở nên công chính không phải do việc làm bởi Luật dạy, mà do bởi lòng tin vào Chúa Giêsu" (Rm 3,20. 28; Gl 2,16). Và ông nói tiếp: "Nếu do việc làm của Luật thì chẳng gọi là ơn" (Rm 11,6). Nên ông khoe với Timôthêu môn đệ của ông: "Đức Giêsu bước vào trần để cứu những người tội lỗi, trong số đó tôi là người thứ nhất" (1Tm 1,15). Người thứ nhất làm mẫu cho các Luật sĩ và Biệt phái trở về với Chúa. Thực vậy, dựa vào Tin Mừng (Mt 23,23-26), ta có thể so sánh tinh thần giữ Luật của Luật sĩ và Biệt phái bị Đức Giêsu chúc dữ, trong đó có Biệt phái Saulô. Nhưng khi Saulô đã trở thành người Công Giáo, được kết hợp với Chúa Giêsu thì, tinh thần giữ Luật của ông khác hẳn trước đó.
1/ TINH THẦN GIỮ LUẬT
Đức Giêsu trách các Luật sĩ và Biệt phái vì họ không tin vào Ngài:
"Họ giữ Luật cặn kẽ đến nỗi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, nhưng lại bỏ lơ dạ chính trực, lòng nhân nghĩa và sự thành tín" (x Mt 23,23-24: Tin Mừng). Trái lại, Biệt phái Saulô sau khi đã thuộc về Chúa Kitô, ông nộp cả mạng sống mình vì rao giảng Lời Chúa, nên ông khoe với giáo đoàn Thessalonica: "Chúng tôi đã đau khổ và bị làm nhục tại Phi-líp-phê; nhưng vì tin tưởng vào Thiên Chúa chúng ta mà chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em, qua những cuộc chiến đấu gay go. Lời giảng của chúng tôi không do sự sai lầm, không có dụng ý xấu, không nhằm lừa dối ai, nhưng vì Thiên Chúa đã thử luyện chúng tôi và giao phó Tin Mừng cho chúng tôi, thì chúng tôi cứ vậy mà rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa.” (1Tx 2,2-4: Bài đọc năm lẻ).
2/ HÌNH THỨC SỐNG ĐẠO.
Đức Giêsu chúc dữ Luật sĩ và Biệt phái là những kẻ chống đối Ngài: "Trước khi dùng bữa, họ phải rửa sạch chén đĩa, nhưng lại không tẩy rửa lòng tham lam vô độ" (x Mt 23,25-26: Tin Mừng). Trái lại, Biệt phái nào đã trở lại với Chúa Giêsu, thì cũng khoe như ông Phaolô: "Không bao giờ chúng tôi đã dùng lời xu nịnh; không bao giờ chúng tôi đã viện cớ để che đậy lòng tham; không bao giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay người khác,trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi. Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.” (1Tx 2,5-8: Bài đọc năm lẻ).
Thế nên đừng ai tự mãn về lòng đạo của mình, một hãy thưa: "Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ" (Tv 139/138,1: ĐC năm lẻ).
Tông Đồ Phaolô sống Luật Chúa như thế là vì ông nhớ đến ngày cánh chung, Chúa sẽ xét xử người ta dựa trên Luật Ngài đã ban, nên ông nhắc nhở cho giáo đoàn Thessalonica: "Nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được Thần Khí mạc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào. Chính vì thế mà Người đã dùng Tin Mừng chúng tôi loan báo mà kêu gọi anh em, để anh em được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em. Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp,xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.” (2Tx 2, 2-3. 14-17: Bài đọc năm chẵn). Vì "Chúa ngự đến xét xử trần gian" (Tv 96/95,13b: ĐC năm chẵn).
Vậy chúng ta hãy tin tưởng "Lời Thiên Chúa là Lời sống động và hữu hiệu, Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người" (Dt 4,12: Tung Hô Tin Mừng).
Quả thật, Augustin tuy có trí khôn thông minh, nhưng lại hướng lòng về bóng tối sự dữ, mẹ có đạo Công Giáo, còn cha là người ngoại giáo, nên ông bắt chước người cha, lại còn theo lạc giáo, chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các đam mê dục vọng, làm cho người mẹ rất buồn phiền đau khổ, mẹ hằng cầu nguyện trong nước mắt suốt hơn 30 năm chỉ xin Chúa cho con theo đạo Công Giáo. Nhờ sự kiên nhẫn cầu nguyện của người mẹ mà Chúa soi sáng cho Augustin khi ông cầm cuốn Thánh Kinh, ông mở trúng ngay đoạn đọc lên tố cáo con người ông là kẻ tội lỗi khốn nạn: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Lời Thánh Kinh vừa đọc xoáy vào lòng ông, phê phán tâm tình cũng như tư tưởng, ông quyết đi học Giáo Lý theo Đạo, và người mẹ đã sung sướng chứng kiến ngày con lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Niềm vui ấy kéo dài không quá hai ngày thì bà qua đời! Ông Augustin an táng mẹ xong, xin vào Dòng tu và tiến tới chức Giám mục Tiến sĩ Hội Thánh, ông để lại những lời lẽ sâu sắc, động viên mọi người tiến đức:
-         Hiệp nhất trong những điều cần thiết, tự do trong những gì hồ nghi, và bác ái trong mọi trường hợp.
-          Bạn chạy khỏe lắm đó, nhưng trật đường mất rồi!
-          Bạn đừng sợ cách chết dữ, hãy sợ cách sống dữ, vì nếu sống dữ, ắt chết dữ, dù cách chết lành; còn nếu sống lành, ắt chết lành, dù cách chết dữ!
-          Làm Giám mục cho anh em, tôi rất lo sợ; làm tín hữu với anh em, tôi rất an tâm. Vì Giám mục chỉ là chức vụ, tín hữu mới là ân phúc. Giám mục là một danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là một danh hiệu sinh ơn cứu độ.
-          Chúa tạo dựng chúng con cho Chúa, và lòng chúng con những khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ yên trong Chúa.
-         Ai càng yêu mến Hội Thánh Chúa Kitô, càng có Chúa Thánh Thần (Trích Sắc Lệnh Đào Tạo Linh Mục số 9 của CĐ Vat. II).
-         Ở đâu có tình yêu, ở đấy hết khó nhọc, giả như có khó nhọc thì lại yêu chính sự khó nhọc ấy.
-         Ông kia bà nọ nên thánh sao tôi không nên thánh được?
-         Yêu rồi mới làm.
THUỘC LÒNG.
Ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi (2Cr 5,17).
 Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH