Lời Chúa cntn 22b _ để sống hạnh phúc

ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC
Chinh phục được tinh thần mình, còn quan trọng hơn là chinh phục được một châu thành.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Bài tin mừng thuật lại việc Chúa khiển trách các Luật Sĩ “bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người.” Ngài đã nói rõ, điều làm cho con người ra tội lỗi, không do bên ngoài, nhưng do chính tâm trí con người, do từ bên trong.
“Từ tâm trí người ta, phát xuất những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ghen tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng.” Chúa nhắc chúng ta phải lo kiểm soát, tư tưởng mình.
Nhân tiện cho chúng ta đề cập tới một vấn đề rất quan trọng cho đời sống ta: Đó là tư tưởng của con người. Theo luật tâm lý, thì chính những tư tưởng xấu sẽ đưa ta tới hành động xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ghen tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng, như Chúa đã phán, mà chính tư tưởng của ta cũng liên quan mật thiết tới hạnh phúc, sức khỏe của mỗi người chúng ta. Khi Chúa cấm ta không được tích lòng thù hận, ghen ghét, thì chẳng những Chúa dậy ta phải sống bác ái, mà theo những khám phá của khoa học ngày nay, thì Chúa cũng dậy ta bài học sống hạnh phúc trong cuộc đời.
Đời vua Trang Công nước Tề, có một chàng tên là Tân Ti Tụ, đêm nằm mơ thấy một người to lớn mặc quần gai, áo vải, đội mũ trắng, đi giầy mới, đeo thanh gươm, tự dưng vào tận nhà, rồi nhổ vào mặt.
Chàng ta giật mình, sực tỉnh dậy, tuy biết là chuyện chiêm bao, nhưng chàng ta vẫn tức, ngồi suốt đêm, lấy làm bực bọc khó chịu.
Sáng hôm sau, chàng ta mời một người bạn thân đến và nói rằng: “Bác ơi! Từ thuở bé đến giờ tôi vẫn là người hiếu dũng, đến nay đã 60 tuổi, chưa hề phải đứa nào làm nhục bao giờ. Thế mà đêm qua bị một đứa nó làm nhục, tôi định tìm kỳ được đứa ấy, báo thù mới nghe. Nếu tôi tìm thấy nó thì hay, nếu tôi không tìm thấy, thì tôi chết mất.”
Rồi từ hôm đó, sáng nào chàng ta cũng cùng người bạn ra đứng ngoài đường cái để rình. Rình đã ba ngày mà không thấy, chàng ta về nhà uất lên mà chết.
Chúng ta không phê phán thực hư câu truyện, nhưng một điều rất quan trọng trong truyện dậy ta là: Khi ta tức giận, hằn thù ai, thì tất cả tai hại, đổ cả vào con người chúng ta. Việc tức giận, để tâm hằn thù người nào, không thay đổi con người đó, mà đã thay đổi chính con người chúng ta. Từ chỗ đang sống bình thản, trở thành xáo trộn, mất bình an, từ chỗ vui vẻ, trở thành buồn bực, từ chỗ ăn ngon ngủ yên, trở thành mất ăn, mất ngủ …
Khi Chúa Giêsu dậy ta: “Ai hằn giận anh chị em mình, thì bị lên án.” (Mt 5,22) Chẳng những Chúa đề cập tới án phạt linh hồn người đó, mà còn đề cập cả tới án phạt thân xác người đó nữa.
Đọc truyện Tam Quốc, ta thấy Khổng Minh đã dùng biết bao mưu kế để đánh bại địch quân. Và để đánh bại Chu Du, một dũng tướng của Đông Ngô. Ông đã dùng mưu chọc tức Chu Du, khiến Chu Du bực bội tới nỗi ứa máu ra mà chết. Chinh phục được ý nghĩ, làm chủ được chính mình, thì hơn là chinh phục được cả một châu thành. Thế nào là chinh phục được ý nghĩa, làm chủ được chúng ta? Chinh phục được ý nghĩ, làm chủ được con người ta, tức là ta điều khiển được ý nghĩa (điều này đòi ta phải lưu ý tập luyện): Ta giữ cho lòng đừng tức giận, giữ cho ta đừng chán nản, thất vọng, giữ cho ta luôn luôn bình tĩnh, lạc quan hy vọng: đó là ta biết chinh phục tinh thần ta, làm chủ được chính con người ta.
J. Frank Whaley đã thuật truyện của Ông như sau:
Vì ưu phiền quá, ông bị bệnh thần kinh suy nhược và ông đâm ra lo lắng sợ sệt tất cả mọi hoàn cảnh của đời ông. Ông ngờ rằng, ông mắc trăm ngàn chứng bệnh: đau bao tử, đau tim, ung thư, và kết cục ông phải bỏ sở làm. Ông coi như mọi người đã bỏ ông, ông định đi tự vẫn, nhưng sau ông đã bỏ ý định quyên sinh và tới Floride đổi gió, hy vọng tình trạng sẽ khá hơn. Trước khi ông đi, ba ông trao cho ông một bức thơ, bảo tới Floride hãy mở ra coi. Tới Floride, ông vẫn cảm thấy ưu phiền, đau khổ, bệnh tình coi như không thuyên giảm, mà càng tầm trọng thêm.
Mở bức thư của ba ra xem, ông đọc thấy mấy dòng chữ:
“Con, con đang ở xa nhà tới 1.500 dặm, bệnh tình không thấy khác chi! Ba biết vậy, chính con đã làm cho con bệnh… Thân xác cũng như tâm hồn con không có bệnh gì. Tình thế và hoàn cảnh cũng không khiến con đau, con đau là vì con đã tự tạo ra ý nghĩ đó, hễ con nhận thức được sự thực sau đây, thì con sẽ hết bệnh: Trong lòng ta suy nghĩ làm sao thì ta như vậy.”
Đọc thư của ba ông, ông càng tức giận, vì chẳng những ba ông không an ủi mà còn thuyết giáo viển vông. Ông giận tới mức quyết định không khi nào trở về nhà nữa.
Thế rồi ông đi lang thang ban đêm trong các đường phố, và rồi ông tới một nhà thờ, đang cử hành lễ. Tò mò, ông vào nghe giảng, trong bài giảng có câu: “Chinh phục được tinh thần mình, còn quan trọng hơn là chinh phục được một châu thành.” Câu nói đó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng diễn tả trong bức thư của ba ông. Và ông bắt đầu nhận thức sự quan trọng của tư tưởng. Phải thay đổi đầu óc mình, đừng bắt mọi vật trong vũ trụ thay đổi theo ý nghĩ của mình. Đầu óc ta có gì khác chiếc máy chụp, nếu nó hư thì hình ảnh của mọi vật đều hư, thật ra vạn vật ở ngoài có gì khác đâu.
Nghĩ thế, sáng hôm sau, ông vội vàng thu xếp về nhà. Ông cố gắng xua bỏ những ý nghĩ bi quan, nuôi dưỡng những ý nghĩ lạc quan, luyện tập cách làm chủ tinh thần mình, bệnh tình ông biến mất, và nhờ việc huấn luyện lại tư tưởng, ông bắt đầu sống khỏe mạnh, sung sướng.
Đề tựa của Lm. HK