Lời Chúa cntn 20b _ lương thực thần linh

LƯƠNG THỰC THẦN LINH
Để biểu lộ tình yêu mãnh liệt, Chúa đã cho nhân loại những gì là của chính mình, những gì làm nên chính mình: “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14).
Logos
Vào đời Xuân Thu Chiến Quốc bên Trung Hoa có ông Giới Tử Thôi, người nước Tần là quan cận thần trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi đất nước nguy biến và rơi vào tay giặc, công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong đất khách quê người. Lúc hết lương thực, công tử không thể ăn rau cỏ dại trong rừng, ông Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn.
Sau này, Trùng Nhĩ khôi phục được giang sơn, làm vua nước Tần tức vua Tần Văn Công. Giới Tử Thôi được triệu vào cung làm quan lớn, nhưng ông đã từ chối và về làng ở ẩn dật chứ không cần nhận lãnh công trạng.
Giới Tử Thôi, một người cấp dưới đã cắt thịt mình cho chủ tướng ăn lúc đói, nên đã được sử sách ca ngợi là một bầy tôi trung thành, hết lòng yêu mến chủ mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã làm một hành động còn cao cả hơn. Ngài là một vị Thiên Chúa uy quyền đã lấy chính thịt máu mình để nuôi sống nhân loại hàng ngày. Quả thật, qua hành động đó, ta thấy tình yêu của Ngài dành cho ta thật lớn lao biết bao!
Tuy thế, ăn thịt và uống máu người luôn là một hành vi thật kinh khiếp, thậm chí là hành vi đáng bị lên án. Vì vậy, trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, khi Chúa Giêsu tuyên bố: “Bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”, những người Do Thái đã không thể hiểu được điều đó, nên đã tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Có lẽ họ cảm thấy ăn thịt người khác là điều thật đáng sợ và ghê tởm! Nhưng đối với Chúa Giêsu, chỉ khi trao ban thịt và máu Ngài cho nhân loại, Ngài mới diễn tả hết tình yêu tự hiến đến tận cùng của Ngài.
Trao ban Thịt Máu là trao ban tình yêu
Trong các tôn giáo, chỉ có Kitô giáo mới có một giáo lý vừa kỳ lạ vừa “ghê rợn” về mầu nhiệm Thánh Thể: Thiên Chúa đã chia sẻ thịt máu mình cho con người. Người ta không thể hiểu được một người lại lấy thịt máu mình cho người khác ăn uống. Tuy nhiên, đó chính là sáng kiến độc đáo nhất của Thiên Chúa tình yêu.
Khi yêu nhau, con người chỉ có thể chia sẻ cho nhau tiền bạc, của cải, thời giờ, sức khỏe… tức là những thứ ở bên ngoài mình. Nhưng để biểu lộ tình yêu mãnh liệt của mình đối với nhân loại, Chúa đã cho nhân loại những gì là của chính mình, những gì làm nên chính mình. Trong lời tựa của Tin Mừng thứ IV, thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Đó là một mầu nhiệm của tình yêu. Nhưng tình yêu đó đã được Chúa đẩy lên cao đến tột đỉnh khi Ngài lại trở thành “nhục thể” để trao ban cho chúng ta. Nhục thể ấy không những ở “giữa” chúng ta mà còn ở “trong” chúng ta khi “nhục thể” ấy trở thành lương thực hòa tan vào máu thịt chúng ta.
Trao ban Thịt Máu là trao ban sự sống
Thịt và máu là hai tố chất tượng trưng cho sự sống của con người. Ngày nào thân xác chúng ta còn xương thịt và giòng máu còn lưu thông trong huyết quản, ngày ấy ta còn sống. Khi ta chết đi, máu sẽ ngừng chảy, xương thịt sẽ tan rữa và sự sống sẽ kết thúc. Vì vậy, khi trao ban cho chúng ta thịt máu, Chúa chia sẻ cho ta chính sự sống của Ngài.
Tuy nhiên, sự sống Chúa ban tặng cho ta là sự sống mang tính siêu nhiên. Chỉ có trong niềm tin chúng ta mới có thể hiểu được sự sống này và mới có thể lãnh nhận sự sống này. Thịt và máu Chúa không nuôi dưỡng thể xác chúng ta, nhưng nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
Chúa Giêsu đã khẳng định một cách mạnh mẽ: “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi.” Trong bài Tin Mừng, động từ “ăn” được dùng bằng chữ “trwgwn” (Hy ngữ, đọc là Trôgôn) nghĩa là nhai, nghiền nát bằng răng. Và từ này được lập đi lập lại đến 8 lần trong bài Tin Mừng. Điều đó cho thấy: Thịt máu Chúa phải được nghiền nát và hòa tan trong thân xác con người để trở thành sự sống cho con người và chỉ có ai đón nhận Thánh Thể Ngài mới có được sự sống thần linh của Ngài.
Trao ban Thịt Máu là kết hiệp nên một
Trong tình yêu đôi lứa, người nam và người nữ kết hiệp với nhau để cả hai trở nên “một xương một thịt.” Nhưng thực chất, đó chỉ là hình ảnh tượng trưng cho sự gắn bó mật thiết giữa 2 vợ chồng: họ chung sống với nhau đến trọn đời. Nhưng trong tình yêu Thánh Thể, Chúa đã trở nên mình và máu để hòa trộn trong từng mạch máu, từng thớ thịt của chúng ta. Khi ta ăn thịt và uống máu Ngài, Ngài thành ta và biến ta thành Ngài. Một sự “ở lại” 2 chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.”
Vì thế, khi ta đón nhận Thánh Thể Chúa, chúng ta được biến đổi một cách sâu xa để trở nên vô cùng khăng khít với Chúa. Chúa ban cho ta tất cả những gì là tinh túy nhất, sâu xa nhất trong bản thân Ngài. Vì vậy, khi ta rước Mình và Máu Ngài, chúng ta như được “thần hóa” trong một không gian thiêng liêng cao cả. Ngược lại, khi ban tặng ta Mình Máu Ngài, Ngài như “hóa thân” trong con người thấp hèn và phàm tục của ta. Đó chính là sự kết hiệp sâu xa nhất giữa Thiên Chúa và con người trong mầu nhiệm Thánh Thể thật cao siêu nhưng cũng thật gần gũi với con người.
Bài đọc I và II hôm nay đều đề cập đến sự khôn ngoan. Bài trích sách Phương Ngôn thì nhân cách hóa sự khôn ngoan để sự khôn ngoan này được áp dụng cho Đức Kitô, Đấng đã trở mở ra bữa tiệc thần linh cho những ai đi tìm kiếm sự khôn ngoan, thì hãy đến với Ngài, để được Ngài dưỡng nuôi. Còn trong bài trích thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan: nghĩa là biết tận dụng thời gian hiện tại và biết tìm kiếm thánh ý Chúa. Quả thật, con đường đến với Chúa và Thánh Thể Ngài chính là con đường khôn ngoan nhất mà chúng ta phải tìm kiếm ở đời này.
Ở miền bắc nước Đức, có một thiếu nữ Công giáo 27 tuổi tên là Têrêxa Niu Man rất đạo đức và luôn mơ ước trở thành nữ tu đi truyền giáo ở Phi Châu. Sau một cơn bệnh phải giải phẫu, cô Têrêxa được ơn mang các dấu đinh của Chúa trên thân mình. Cô bị liệt giường và trải qua 36 năm trường chỉ rước Mình Thánh Chúa mà không ăn uống gì khác, nhưng cô vẫn sống. Sau đó, cô đã chết trong bình an và thánh thiện.
Những hiện tượng xảy ra cho cô Têrêxa đã được kiểm chứng đầy đủ do các bác sĩ có thẩm quyền của Tòa Thánh và của giáo phận Ratisbon của Đức Quốc. Đồng thời, hiện nay vụ án phong chân phước cho cô Têrêsa Niu Man đang được xúc tiến. (Lm. Augustine Sj. VietCatholic 2001).
Đây chỉ là sự kiện lạ thường Chúa cho xảy ra như một dấu chỉ của thời đại. Qua đó, Ngài như muốn nhắc nhở mọi người chúng ta, những người chỉ lo kiếm lương thực vật chất: còn một thứ lương thực cao cả hơn nuôi dưỡng tâm hồn, như lời Ngài phán: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống.”
Mỗi ngày, nơi bàn tiệc Thánh Thể, Chúa vẫn luôn chờ đợi ta để ban cho ta điều qúi giá nhất ở nơi bản thân Ngài. Đó là sự sống và tình yêu.