Lời Chúa cntn 14b _ nghịch lý của ơn cứu độ

NGHỊCH LÝ CỦA ƠN CỨU ĐỘ
Chúa xuống thế mặc lấy bản tính chúng ta, để sống như chúng ta… chịu mọi đau khổ của ta… để yên ủi ta, mà còn cho chúng ta gương khiêm nhường, kiên nhẫn, chịu đựng.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Sách Tin Mừng là cuốn sách cung cấp lương thực cho tâm hồn ta. Lương thực này nuôi sống tâm hồn ta bằng cách đưa lại cho ta niềm hy vọng vĩnh cửu, yên ủi ta, giúp ta tìm ra ý nghĩa cuộc đời, và đặc biệt là hướng dẫn cuộc đời chóng qua của ta tới cuộc đời bất diệt. Có nhiều chương trong tin mừng, như bài Tin Mừng ta vừa nghe, coi như không liên lạc gì với cuộc đời ta, nhưng thực ra bài này chính là vấn đề rất thiết thực với cuộc sống hằng ngày của mỗi người chúng ta. Cả ba cuốn Tin Mừng Matthêo, Marcô và Luca đều có tường thuật việc Chúa Giêsu, sau khi đã chữa người đàn bà loạn huyết, và sau khi, đã cho con gái của Ông trưởng hội đường ở Carphanaum sống lại, Chúa Giêsu bỏ Carphanaum trở về Nazareth.
Hai thánh sử Matthêô và Marcô tường thuật giống nhau về Chúa Giêsu bị người đồng hương coi thường, khinh chê Chúa, họ coi Chúa chỉ là con bác thợ mộc… Riêng thánh Luca còn đi vào nhiều chi tiết khác. Thánh Luca nói tới việc Chúa Giêsu đóan trước ý nghĩ, cũng như lời phát biểu của dân Nazareth: “Hỡi thầy lang, hãy tự chữa lấy mình! Các điều chúng tôi nghe ông làm ở Carphanaum, nay đã đem làm ở quê hương Ông đi!” Thánh Luca cũng còn thuật việc Chúa trưng thánh kinh Cựu Ước: Việc tiên tri Elia không cứu đói các bà góa ở chính đất Israel, quê hương của tiên tri, mà lại được sai tới cứu một bà góa ở Sarepta; Chúa cũng nhắc tới viện tiên tri Elisiêu chữa Maaman, người xứ Syria khỏi bệnh phong cùi, trong khi các người phong cùi tại Israel lại không được Ông giúp đỡ. Và kết thúc cuộc Chúa Giêsu trở về quê hương là Chúa bị người ta phản đối, phẫn nộ, đưa người lên triền núi, xô người xuống. Nhưng rồi Chúa thản nhiên thoát khỏi tay họ.
Chúa xuống thế mặc lấy bản tính chúng ta, để sống như chúng ta. Không phải chỉ sống như ta về việc ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng v.v... về bản tính con người, mà còn nên giống chúng ta về mọi cảnh ngộ sống của ta: ngài muốn qua những rủi ro, những điều trái ý, những thất bại của ta. Nghĩa là ngài cũng chịu mọi đau khổ của ta và còn hơn thế nữa. Ngài làm thế chẳng những để yên ủi ta, mà còn cho chúng ta gương khiêm nhường, kiên nhẫn, chịu đựng.
Chúa Giêsu là chính Thiên Chúa đã dựng nên cả vũ trụ. Chúa cầm quyền sinh tử trong tay, Chúa vừa biểu lộ uy quyền đó, ở Carphanaum, khi cho con gái Ông Giairô sống lại, thế mà khi trở về giảng trong hội đường Nazareth, thì lại bị mọi người khinh thường, phẫn nộ với Chúa. Chẳng những họ không chịu nghe lời Chúa, đấng tạo hóa vô cùng phép tắc, mà họ còn muốn sát hạt người. Chúa có đủ quyền năng, bắt lý trí họ phải vâng phục uy quyền Chúa. Chúa có thể dùng quyền phép để mọi người công nhận lời Chúa rao giảng, nhưng rồi Chúa cũng tôn trọng quyền tự do con người. Con người nhận hay không nhận chân lý, mỗi người đều có tự do lựa chọn, và cũng vì tự do này, con người mới được công phúc hay mới bị trừng phạt.
Bài học đặc biệt Chúa muốn dậy ta là: mọi việc ta làm, mọi dự tính của ta không phải lúc nào cũng trôi chảy, lúc nào cũng kết quả như lòng ta mong muốn. Chính Chúa đã qua những thất bại, thất bại một cách chua cay ở Nazareth, trước mặt đông đảo quần chúng, thì chúng ta ở đây, mỗi lần ta gặp những rủi ro trái ý, vì lý do nọ, lý do kia, ta bị nghi oan, bị người khác hằn học, công việc của ta không trôi chảy, thì chúng ta hãy nghĩ tới những chi tiết của bài Tin Mừng hôm nay.
Thánh Anphongsô có nói: “Khoa học của các thánh, hệ tại kiên trì chịu đau khổ vì Chúa Giêsu, đó là phương tiện tự thánh hóa một cách mau chóng.”
Một hôm cha Jérome Natalis hỏi thánh Inhatiô: “Con đường nào, ngắn nhất và chắc chắn nhất để đi tới trọn lành, đi tới nước trời?” Thánh Inhatiô đã trả lời: “Đó chính là biết chịu đựng những nghịch cảnh lớn lao vì lòng mến Chúa Giêsu Kitô.”
Suy niệm Tin Mừng, không phải chỉ là suy niệm những công việc kỳ diệu của Thiên Chúa, mà còn phải suy niệm việc Chúa Giêsu chết ô nhục trên thập giá, để đền tội cho chúng ta, suy niệm nhữg chi tiết coi như rất tầm thường của cuộc đời Chúa, của cuộc đời một vị Thiên Chúa làm người. Ngài sống như mọi người chúng ta, qua mọi cảnh huống vui buồn của ta để nêu gương cũng như để yên ủi ta.
Tuy Chúa Cứu thế được Thiên Chúa hứa cho loài người, sau khi Adong, Evà phạm tội, nhưng rồi chính vị Cứu thế này được hứa cho dân riêng của Chúa: từ lúc có lịch sử dân Chúa (Chúa hứa cho dòng dõi Abraham). Toàn thể dân Do thái, qua các thời đại (nhất là nhữg năm bị lưu đầy) luôn luôn ngưỡng vọng tới vị cứu tinh đầy uy quyền, đầy dũng lực sẽ giải phóng họ, sẽ đưa vinh quang lại cho dân Chúa. Họ không thể ngờ được vị cứu tinh này sẽ bị chết thê thảm trên thập giá.
Chúa Giêsu huấn luyện các tông đồ dòng dã ba năm trời, thế mà trong nhữg ngày sau cùng cuộc đời Chúa, các ngài cũng vẫn chưa hiểu được công cuộc cứu chuộc. Bằng chứng là lần sau cùng Chúa đi Giêrusalem, để bắt đầu cuộc tử nạn, ngài vừa giảng vừa cho các Ông về cái chết thê thảm ngài sẽ phải chịu, thì các Ông lại tranh giành nhau ngôi thứ nhất nhì trong triều đình trần thế, các ông vẫn mơ tưởng Chúa sẽ thiết lập. Chính thánh Phêrô nghĩ là không bao giờ Chúa lại bị bắt, bị lên án bất công, bị đòng vọt, bị đóng đanh vì ngài là Chúa Kitô, con Thiên Chúa quyền năng phép tắc… (Mt 16, 22).
Đức Cha Sanh, (giám mục giáo phận Sàigòn 1942-1955) đã thuật lại câu truyện sau:
Chịu chứng Linh Mục xong, Ngài sang Việt Nam và được bổ coi xứ Di Linh. Ngày từ lúc tới Di Linh, ngài đã phải vất vả, tự tìm hiểu tiếng nói sắc tộc Kô Hô… Tuy chưa am tường ngôn ngữ của họ Ngài cũng cố dịch một số kinh cần thiết như kinh Lậy Cha, kinh Tin kính… ra tiếng Kô Hô. Riêng kinh Tin Kính, Ngài đã dịch sai câu “chịu nạn thời quan Phongxiô Philatô chịu đóng đinh trên cây thánh giá.” Ngài dịch sai thế nào mà toàn thể xứ đạo đều hiểu là Quan Philatô chịu đóng đinh trên cây thập giá và tai hại hơn, khi có dịp kiểm tra giáo lý thì các ông bà già tới con nít đều hiểu là chính Chúa Giêsu đã đóng đinh quan Philatô. Ngài vội dịch lại câu đó, rồi tập hợp bổn đạo, dậy họ đọc và hiểu cho đúng là quan Philatô đã lên án đóng đinh Chúa Giêsu, chứ không phải Chúa Giêsu đóng đinh quan Philatô. Nhưng ngay lúc đó, một cụ già (vào loại am hiểu giáo lý nhất trong xứ đạo) giơ tay xin phát biểu ý kiến, cụ nói: “Xin cha cứ để đọc như cũ, đừng sửa lại, là vì Chúa Giêsu là con Đức Chúa Trời, phép tắc vô cùng, ngài đóng đinh người quan Philatô cũng được, chứ đóng đinh một quan Philatô, thì đã ăn nhằm gì!”
Ông già trên đã hiểu sai màu nhiệm cứu chuộc, nhưng xét theo một kía cạnh, ông cũng có lý, vì chính thánh Phêrô được Chúa đặt làm thủ lãnh của Giáo Hội, trong những ngày sau cùng của đời Chúa, cũng vẫn còn quan niệm như ông.
Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, bị những người đồng hương khinh chê, bị thất bại trong việc rao giảng nơi hội đường Nadareth, bị biết bao sỉ nhục, bị trêu trên Thập Giá là những mầu nhiệm, hay nói theo triết học là một nghịch lý, và câu nói sau đây của Chúa cũng được coi là một nghịch lý: “Ai muốn theo ta, thì phải tự quên mình, phải vác thập giá mình mà theo ta” (Mt 16,24; Lc 9,23). Câu nói trên, trong thời đại của chúng ta phải được hiểu là: “Ai muốn theo ta thì phải tự quên mình, thì phải mang án tử hình mà theo ta” nhưng chúng ta đã tình nguyện theo Chúa, tình nguyện làm môn đệ của Chúa, thì ta phải luôn luôn tâm niệm và đưa ra thực hành câu nói này, dù nó có dáng dấp nghịch lý.
Đề tựa của Lm. HK